Báo Đồng Nai điện tử
En

Ý chí của người lính già

10:12, 20/12/2015

Sau bao năm xa gia đình để làm nghĩa vụ người lính và lênh đênh trên những chuyến tàu đánh bắt xa bờ, cựu chiến binh Lê Văn Trọng (Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoa Sen) ứa nước mắt ngày trở về nhà.

Sau bao năm xa gia đình để làm nghĩa vụ người lính và lênh đênh trên những chuyến tàu đánh bắt xa bờ, cựu chiến binh Lê Văn Trọng (Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoa Sen) ứa nước mắt ngày trở về nhà. Đó là túp lều nhỏ mà ông dựng lên cho vợ con ở tại ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái (huyện Long Thành). Qua bao năm tháng, nó vẫn tồi tàn như thuở ban đầu.

Cựu chiến binh Lê Văn Trọng, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoa Sen, luôn được đồng đội yêu mến.
Cựu chiến binh Lê Văn Trọng, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoa Sen, luôn được đồng đội yêu mến.

Vợ chồng, con cái đoàn tụ mừng tủi trong túp lều tồi tàn cứ vậy kéo dài thêm 2 năm. Mãi đến năm 1997, vợ chồng ông Trọng mới thay túp lều nhỏ bằng ngôi nhà cấp bốn nhờ những lứa heo, bò bán được giá. “Suốt 20 năm nay, cuốn sổ đỏ của vợ chồng tôi lúc nào cũng nằm trong ngân hàng để xoay xở việc học cho các con” - ông Trọng bộc bạch.

* Được “bác sĩ” mất chức “chủ tịch”

Tháng 2-1975, đang học dở dang lớp 10 (hệ 10/10) thì ông Trọng được lệnh tổng động viên. Sau vài tháng huấn luyện, tân binh Trọng được chuyển sang Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân. Đất nước thống nhất, ông được đơn vị cử đi học lớp sĩ quan hải quân nhằm tăng cường cho những chuyến tàu vượt sóng chở đầy nhu yếu phẩm, bộ đội ra hỗ trợ các đơn vị bám đảo Trường Sa của Tổ quốc. Năm 1980, ông Trọng lập gia đình với một cô thôn nữ cùng làng và tiếp tục nhiệm vụ bám biển của người lính.

Thương người đồng đội hoàn cảnh khó khăn, thuyền trưởng Hải cho ông Trọng mượn 2 chiếc xe đạp (lúc đó đồng đội không ai có tiền, vàng cho ông mượn) bán lấy tiền, chuyển người vợ trẻ từ tỉnh Thanh Hóa về ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái sinh sống. “Theo chỉ dẫn của thuyền trưởng Hải, tôi về ấp Hiền Hòa mua một khu đất rẫy 4 sào và dựng túp lều nhỏ giữa bạt ngàn cây cối cho vợ ở. Sau đó, tôi lại lên đường để kịp về đơn vị chuyển hàng, chuyển quân ra Trường Sa” - ông Trọng kể.

Cuộc sống quân nhân quanh năm bồng bềnh giữa biển khơi, họa hoằn lắm ông Trọng mới có dịp về thăm nhà, gửi cho vợ bao gạo khi có đồng đội nghỉ phép vào đất liền. Do bị tai nạn trong lúc làm nhiệm vụ (thương tật 35%, thương binh 4/4), ông Trọng được chuyển sang Công ty thủy sản Tây Nam và tiếp tục bám tàu trong những chuyến đánh bắt xa bờ.

Ông Nhữ Đình Tân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Thái, cho biết sự đóng góp của cựu chiến binh Lê Văn Trọng trong các hoạt động phong trào của Hội và địa phương thời gian qua rất lớn. Ngoài nghị lực vượt khó nuôi con ăn học, thành đạt, cựu chiến binh Trọng còn tạo việc làm cho các cựu chiến binh trong xã và con em của họ. “Công ty của cựu chiến binh Trọng thật sự là mái nhà chung để các CCB thể hiện trách nhiệm với gia đình, công việc, nhất là xây dựng hình ảnh anh “bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần vượt khó, yêu lao động, thắm tình đồng đội trong mắt giới chủ doanh nghiệp” - ông Tân bộc bạch.

Năm 1995, công ty làm ăn thua lỗ, ông Trọng bỏ về nhà, không được hưởng chế độ gì. Dù vậy, người cựu chiến binh Trọng vẫn vui vì gia đình được đoàn tụ.

Về ấp Hiền Hòa sinh sống, ông Trọng được chính quyền địa phương mời làm bí thư chi bộ, kiêm trưởng ấp. Làm được hơn năm thì ông được cân nhắc chức Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phước Thái (thời kỳ 1996-2004). Nhưng một “biến cố” xảy ra khi vợ chồng ông Trọng “vỡ” kế hoạch hóa gia đình.

Ngày sinh cô con gái thứ 5, ông Trọng không được tái cử, phải về nhà chăn bò, nuôi heo, làm bảo vệ. Quá trình làm nhân viên bảo vệ cho một công ty vệ sĩ, ông Trọng được những đồng đội cũ gợi ý thành lập công ty riêng. Vì vậy, vào năm 2010, ông mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoa Sen (gọi tắt Công ty Hoa Sen), nhằm tạo việc làm cho các cựu chiến binh, quân nhân xuất ngũ. “Cuộc đời tôi rủi nhiều, nhưng gặp may cũng không ít. Vợ chồng tôi mừng nhất là cô con gái thứ 5 giờ đã là sinh viên y khoa năm thứ 4. Bốn người con gái đầu cũng đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định” - ông Trọng tâm sự.

* Tụ hội những người lính

Ngày thành lập Công ty Hoa Sen, ông Trọng chỉ có trong tay khoảng 200 triệu đồng. Được Hội Cựu chiến binh xã Phước Thái và đồng đội cũ động viên, ông Trọng càng vững tin kêu gọi những người lính rời chiến trường nay còn sức khỏe về với ông để có thêm đồng ra đồng vào phụ giúp vợ con, để gặp bạn bè kể chuyện chiến đấu cho nguôi ngoai thời gian. “Vệ sĩ của tôi toàn là cựu chiến binh, quân nhân xuất ngũ nên tính tự giác, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc rất cao. Họ đến với tôi ngoài tìm công việc mưu sinh, còn là tình đồng đội” - ông Trọng tỏ bày.

Từ hơn 30 vệ sĩ ngày mới thành lập, Công ty Hoa Sen của ông Trọng hiện có 200 người lính tụ họp về cùng ông xây dựng thương hiệu. Ông Trọng cho biết, lợi nhuận của công ty, ông dành phần lớn cho việc trả lương, trang bị phương tiện cho nhân viên để họ yên tâm với công tác, trách nhiệm với công việc, gắn bó với đồng đội trên những mục tiêu trực gác.

Cựu chiến binh Lê Văn Trọng thăm hỏi, động viên những người lính trong quá trình trực gác mục tiêu.
Cựu chiến binh Lê Văn Trọng thăm hỏi, động viên những người lính trong quá trình trực gác mục tiêu.

Bên cạnh đó, ông Trọng còn giao nhiệm vụ cho những người lính già kèm cặp các bạn sinh viên (xin vào công ty làm vệ sĩ để các bạn có thêm chi phí học tập) có hoàn cảnh khó khăn. “Nhờ uy tín của những người lính mà công ty vệ sĩ của tôi ngày càng có thêm nhiều hợp đồng bảo vệ các công ty trên địa bàn huyện Long Thành và những nơi khác” - ông Trọng nói.

Từ vùng quê nghèo của tỉnh Bắc Kạn vào Long Thành tìm việc, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tĩnh đã gặp rất nhiều cái lắc đầu từ chối của các công ty vì tuổi tác hơn là năng lực. Cựu chiến binh Tĩnh tâm sự, khi biết ông Tĩnh là “bộ đội Cụ Hồ”, ông Trọng nhận ông vào làm việc ngay, với câu nói: “Quân đội đã đào tạo người lính qua từng chiến trường, trận đánh. Vì vậy, dù là người mới vào hay làm việc lâu năm ở công ty, họ đều là những vệ sĩ tốt nhất, trách nhiệm nhất. Quả đúng như vậy, chúng tôi luôn được các công ty đối tác đánh giá cao về uy tín, thái độ ứng xử và xử lý tình huống trong quá trình làm việc” - cựu chiến binh Tĩnh kể.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiến (quê tỉnh Nghệ An) thì bộc bạch chân tình, ngoài tiền lương, thưởng theo quy định của pháp luật lao động, khi làm việc tại Công ty Hoa Sen những người cựu chiến binh như ông còn được ông Trọng tạo điều kiện trong công tác đoàn thể, xã hội… tại nơi cư trú, như: công tác Hội Cựu chiến binh, ban ấp, sinh hoạt chi bộ... Vì vậy, cựu chiến binh Tiến xem công ty như mái nhà chung của những người lính để đóng góp cho gia đình, xã hội và là nơi để đồng đội chia ngọt, sẻ bùi.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều