Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông trưởng ấp tận tâm giúp dân

11:12, 27/12/2015

Từ ngày được bầu làm Trưởng ấp Ông Hường (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu), ông Nguyễn Thanh Tuấn hãnh diện vô cùng vì từ nay ông có cơ hội làm được nhiều điều cho dân, cho ấp của mình. Và đúng như điều người dân ấp Ông Hường kỳ vọng, ông Tuấn quyết liệt cùng chi bộ, MTTQ và chi hội, đoàn thể ấp từng bước tháo gỡ những điều "chưa thể" trở thành "hiện thực" cho mọi người trong ấp.

Từ ngày được bầu làm Trưởng ấp Ông Hường (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu), ông Nguyễn Thanh Tuấn hãnh diện vô cùng vì từ nay ông có cơ hội làm được nhiều điều cho dân, cho ấp của mình. Và đúng như điều người dân ấp Ông Hường kỳ vọng, ông Tuấn quyết liệt cùng chi bộ, MTTQ và chi hội, đoàn thể ấp từng bước tháo gỡ những điều “chưa thể” trở thành “hiện thực” cho mọi người trong ấp.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn hướng dẫn bà Sáu Mai làm thủ tục để kéo đường nước sinh hoạt vào nhà.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn hướng dẫn bà Sáu Mai làm thủ tục để kéo đường nước sinh hoạt vào nhà.

Đại biểu HĐND xã tại ấp Ông Hường, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Tân Đặng Văn Tòng cho hay, dấu ấn của Trưởng ấp Tuấn trong việc lo cho dân ấp Ông Hường là 16 trường hợp người tàn tật trong ấp lần đầu tiên được hưởng chế độ của Nhà nước; 10/26 hộ khó khăn nhất ấp được công nhận hộ nghèo; người lao động nhập cư được quan tâm, đối xử bình đẳng như hộ thường trú…

* Lo cho dân

Hoàn cảnh của vợ chồng ông Bùi Văn Tâm (ấp 3) khó khăn nhưng phải chăm sóc mẹ già và anh trai bị bệnh tật, bấy lâu nay cả ấp Ông Hường đều hay biết. Chuyện ông Thành (anh trai ông Tâm) phát bệnh tâm thần buộc gia đình ông Tâm phải “nhốt” trong phòng riêng, bà con ai cũng cảm thông. Tuy nhiên, bấy lâu nay ông Thành và nhiều người tàn tật khác trên địa bàn ấp Ông Hường chưa được cán bộ ấp triển khai, hướng dẫn làm thủ tục để được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước đối với người tàn tật.

Biết chuyện người tàn tật trên địa bàn ấp bị thua thiệt, khi làm trưởng ấp, ông Tuấn lập tức xuống cơ sở phối hợp với các tổ nhân dân thống kê. Chỉ trong vòng vài tuần, 16 trường hợp người tàn tật tại ấp Ông Hường đã được Trưởng ấp Tuấn hướng dẫn làm hồ sơ để gửi về xã và được UBND xã đề xuất với cơ quan chức năng xem xét, giải quyết chế độ rất nhanh gọn.

Ông Tâm bày tỏ, số tiền chính sách hỗ trợ hàng tháng cho anh trai bị bệnh tâm thần của ông không nhiều. Tuy nhiên, khi được Trưởng ấp Tuấn hướng dẫn gia đình làm thủ tục cho anh trai, ông rất phấn khởi.

Bí thư Chi bộ ấp Ông Hường Nguyễn Ngọc Tài cho biết, chỉ trong 2 năm làm trưởng ấp, ông Tuấn đã làm cho ấp Ông Hường rất nhiều điều, như: làm thủ tục hưởng trợ cấp cho người tàn tật, hộ nghèo; tạo đột phá trong việc xây dựng nông thôn mới tại ấp; xây dựng khối đoàn kết nội bộ, cộng đồng dân cư… Chính sự nhiệt tình, làm việc bằng tấm lòng nên ông Tuấn được nhân dân ấp Ông Hường và chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Lo cho 16 trường hợp người tàn tật được hưởng chính sách xong, ông Tuấn càng mạnh dạn lên UBND xã đề xuất đưa 10/26 hộ khó khăn nhất ấp được hưởng chính sách hộ nghèo.

Ông Tuấn cho biết, trước khi ông làm trưởng ấp, ấp Ông Hường được báo cáo không còn hộ nghèo dù trên địa bàn ấp còn 26 hộ thuộc diện khó khăn. Không để các hộ này cứ mãi khó khăn, trong khi chính sách giảm nghèo của địa phương đang vươn đến từng hộ dân để tìm cách giúp họ thoát nghèo bền vững. Vì vậy, việc ông Tuấn tìm ra 10 hộ nghèo (được các tổ bình chọn trong số 26 hộ khó khăn), lãnh đạo xã Thiện Tân không phê bình mà động viên, khích lệ ông khi phê bút duyệt danh sách.

Tìm ra hộ nghèo thì phải có giải pháp giúp họ thoát nghèo, ông Tuấn lại lên xã nhờ giúp đỡ. Sau đó, UBND xã Thiện Tân đã đưa dự án nuôi bò, vốn vay, học bổng cho con em hộ nghèo ấp Ông Hường… không thiếu một đồng và đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu thực tế. Chỉ sau 2 năm, 3 trong số 10 hộ nghèo đã thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Mai, một trong các hộ nghèo trước đây, cho hay nhờ được vào diện hộ nghèo, được địa phương hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ bò để chăn nuôi… nên gia đình bà đã tìm được hướng đi. “Sự quan tâm của Trưởng ấp Tuấn và chính quyền xã thời gian qua là động lực để tôi vươn lên thoát nghèo” - bà Mai chia sẻ.

* Dân thương

Ấp Ông Hường có 402 hộ/15 tổ nhân dân, thế mà Trưởng ấp Tuấn vẫn biết rõ từng người, từng ngóc ngách vào nhà dân.

Ông Tuấn tâm sự, từ ngày được bầu làm trưởng ấp, ông mới có cơ hội đến hết nhà dân trong ấp để chuyện trò. Trước kia, khi còn đi đập đá thuê để nuôi 6 người em gái do mẹ mất, cha già, ông chỉ mải mê kiếm kế sinh nhai. Khi các em gái lớn, lập gia đình thì ông mới có điều kiện chung tay cùng ấp làm vài việc hữu ích, như: hiến đất làm đường, làm công tác từ thiện…

Từ những đóng góp nhỏ đó, vào cuối năm 2013, khi chức danh Trưởng ấp Ông Hường bị khuyết (trưởng ấp đương nhiệm xin nghỉ), ông Tuấn được UBND xã giới thiệu ứng cử và được 95% số hộ dân tín nhiệm bầu làm trưởng ấp. Do là dân “tay ngang”, chưa một ngày giữ chức vụ to nhỏ nào trong ấp, lúc đầu ông Tuấn cũng có phần lo lắng. May sao,  ông đã được ông Đặng Văn Tòng tận tình hướng dẫn, hỗ trợ.

Ông Tuấn bộc bạch, ông nhớ hoài lời ông Tòng dặn, làm việc ấp phải bằng tấm lòng, sự trách nhiệm với dân. Đừng lấy việc ấp để giương oai, mưu lợi cá nhân và tô đẹp hình ảnh bản thân, trong khi dân chẳng được hưởng lợi ích gì khi họ bầu ông làm trưởng ấp.

Để kéo đường nước sạch về ấp Ông Hường, ông Nguyễn Thanh Tuấn liên tục xin ý kiến xã cho chủ trương “gỡ rối” về hộ khẩu, tạm trú, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho bà con.
Để kéo đường nước sạch về ấp Ông Hường, ông Nguyễn Thanh Tuấn liên tục xin ý kiến xã cho chủ trương “gỡ rối” về hộ khẩu, tạm trú, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho bà con.

Thấm thía điều ông Tòng khuyên và nhìn thấy điều dân ấp Ông Hường kỳ vọng, ông Tuấn càng mạnh dạn lăn xả vào chuyện ấp. Xong chuyện bê tông hóa giao thông nông thôn, ông lại xắn tay vào việc kéo nước sạch cho dân sử dụng. Ấp Ông Hường dân nhập cư vào làm ăn, ở trọ ngày càng nhiều, dẫn đến các nhu cầu: tạm trú, hộ khẩu, học hành, điện nước…, ông đều phải lo. Cái cách ông Tuấn làm ai cũng đồng tình, ủng hộ và an tâm vì ông không phân biệt dân thường trú hay tạm trú. “Chuyện có liên quan đến dân là tôi mời tất cả bà con cùng nhau họp bàn. Vì vậy, dù là công nhân ở trọ hay dân địa phương, bà con đều dự các cuộc họp do tổ hoặc ấp triển khai đầy đủ, nghiêm túc. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội tiếp cận nhiều với họ, giúp họ trong việc đăng ký tạm trú, KT3 hoặc chuyển khẩu về. Riêng con em công nhân lao động thì tôi không ngại tìm trường giúp” - ông Tuấn kể.

Lang thang trên những con đường bê tông phẳng lì cùng Trưởng ấp Tuấn giữa tiết lạnh mùa Noel để thăm gia đình các hộ nghèo, tàn tật, công nhân trong ấp, chúng tôi bắt gặp rất nhiều cái gật đầu chào Trưởng ấp Tuấn của anh bán vé số, chị công nhân, bác nông dân lúc trời chiều.

Bà Trần Thị Óc (72 tuổi, tổ 7) dù đôi mắt không nhìn rõ mặt người, nhưng nghe tiếng ông Tuấn đã nhận ra ân nhân của gia đình. Bà Óc chỉ vào người con trai bệnh tâm thần Nguyễn Văn Phải (47 tuổi) đang ngồi thẫn thờ trước cửa, tỏ bày nhờ số tiền Nhà nước trợ cấp cho anh Phải, cộng với tiền bà mua bán ve chai tích lũy được đem gửi tiết kiệm và số gạo ông Tuấn xin được hàng tháng mà 2 năm nay, mẹ con bà không còn chịu cảnh bữa đói, bữa no, anh Phải cũng bớt lên cơn tâm thần dẫn đến quậy phá (nhờ được uống thuốc thường xuyên theo chế độ bảo hiểm y tế).

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều