Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo mất an toàn ở các trường học gần quốc lộ

09:08, 31/08/2015

Nguy cơ mất an toàn giao thông ở nhiều trường học nằm gần các tuyến quốc lộ 1, 51… luôn là nỗi lo sợ đối với học sinh nếu không có sự hướng dẫn, đưa đón của người lớn. Các tuyến quốc lộ luôn có mật độ xe đông, nhiều phương tiện phóng nhanh vượt ẩu thực sự rất nguy hiểm cho học sinh mỗi lúc đi học và tan trường.

Nguy cơ mất an toàn giao thông ở nhiều trường học nằm gần các tuyến quốc lộ 1, 51… luôn là nỗi lo sợ đối với học sinh nếu không có sự hướng dẫn, đưa đón của người lớn. Các tuyến quốc lộ luôn có mật độ xe đông, nhiều phương tiện phóng nhanh vượt ẩu thực sự rất nguy hiểm cho học sinh mỗi lúc đi học và tan trường.

Học sinh tiểu học sang đường mà không có người lớn dắt theo trên quốc lộ 51.  Ảnh: T.TOÀN
Học sinh tiểu học sang đường mà không có người lớn dắt theo trên quốc lộ 51. Ảnh: T.TOÀN

Thời điểm này, học sinh các cấp học trong tỉnh đã trở lại trường để bước vào năm học mới. Tại các trường học nằm gần các tuyến quốc lộ 1, 51,20…, nỗi lo về tai nạn giao thông càng tăng lên gấp bội khi nơi đây tập trung lượng lớn xe tải, xe khách đi qua hàng ngày, hàng giờ. Các phương tiện này không chỉ di chuyển với tốc độ cao, mà còn phóng nhanh vượt ẩu ngay cả lúc trên đường có đông học sinh đi lại.

* Nơm nớp lo sợ

Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) nằm sát ngay quốc lộ 1, gần chợ Tân Biên và Công viên 30-4 nên lúc nào cũng đông phương tiện giao thông qua lại. Mỗi khi tan học, học sinh muốn sang đường đều nơm nớp lo sợ vì dễ “đụng độ” với xe ô tô. Do đó, học sinh tập trung thành đám đông, đi bộ chầm chậm để sang bên kia đường. Tuy nhiên, cũng không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tự “bơi”, né tránh giữa hàng chục phương tiện đang lao tới. Với những em đi xe đạp, vừa ra khỏi cổng trường, thoáng thấy chiếc xe tải hướng từ chợ Tân Biên chạy tới phải đứng khựng lại, chờ một vài xe máy đi qua mới dám dắt bộ theo.

Trong các nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông quanh khu vực trường học, một phần lỗi xuất phát từ ý thức tham gia giao thông từ phía học sinh. Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh vào giờ tan học đi hàng 2 hàng 3 trên đường, tụ tập thành nhóm, hay một số học sinh tiểu học qua đường không có sự hướng dẫn của người lớn.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, đoạn đường này không có biển báo giảm tốc độ nên các phương tiện mặc sức phóng nhanh. Chưa kể, do gần trạm xe buýt nên xe buýt, xe khách tranh nhau dừng đón trả khách rất lộn xộn, khiến học sinh đi xe đạp phải đi lấn sang làn đường dành cho xe ô tô rất nguy hiểm.

Nhiều phụ huynh có con học tại Trường THCS Tam Phước, Trường tiểu học Tam Phước 1 (trên quốc lộ 51, đoạn qua xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) phản ánh, họ rất lo lắng trước tình trạng mất an toàn giao thông mỗi khi đưa đón con đi học. Đây là đoạn đang lên dốc 47 nên hầu hết tài xế điều khiển xe container, xe tải… qua đây đều chạy nhanh để lấy trớn vượt dốc. Do chạy tốc độ lớn nên khi có xe trước mặt chạy chậm hơn, hầu như các tài xế đều cố vượt lên, bất kể các xe đều đang lên dốc. Việc xe tải vượt nhau, giành hết cả làn đường dành cho xe 2 bánh khi lên dốc rất nguy hiểm. Nhiều người chạy xe máy, học sinh đi xe đạp từ trong cổng trường ra, nếu không cẩn thận có thể bị xe ô tô từ phía sau lao tới, cuốn vào gầm xe bất cứ lúc nào. Vì vậy, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông luôn hiện hữu nếu người đi đường không chú ý quan sát.

Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (nằm dưới chân đồi 112, huyện Định Quán), hàng ngày đến trường trên quốc lộ 20, học sinh đều nơm nớp lo sợ. Bởi, nơi đây luôn có lưu lượng xe cộ qua lại nhiều với tốc độ cao do địa hình đồi dốc, thực sự là nỗi ám ảnh với thầy cô, học sinh của trường mỗi khi tan học.

“Đi xe máy nhiều năm, nhưng thật sự tôi không dám đi thẳng sang bên kia đường mà phải dắt bộ mới qua được. Thương nhất là các em không có phụ huynh đưa đón, phải tự đi xe đạp. Nhiều lần thấy học sinh sang đường mà tôi thót tim, các loại xe khác đổ dốc không hề hãm phanh, cũng chẳng nhường đường gì cả” - một giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cho hay.

* Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều trường học nằm trên các tuyến quốc lộ, nơi có số phương tiện tham gia giao thông đông đúc, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Đáng lo hơn khi tình trạng thiếu biển báo giảm tốc độ, biển cảnh báo gần khu vực trường học hay vạch kẻ đường cho người đi bộ... hiện rất phổ biến ở các tuyến quốc lộ và các trục đường giao thông phức tạp.

Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) len lỏi giữa các xe ô tô rất nguy hiểm đến tính mạng.
Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) len lỏi giữa các xe ô tô rất nguy hiểm đến tính mạng.

“Lưu lượng xe trên quốc lộ 51 luôn đông nên tôi không dám để con đi học một mình. Những lúc không đến đón kịp, tôi thường dặn con phải ở trong sân trường, không được theo bạn tụ tập gần quốc lộ. Bức xúc nhất là đoạn đường này có nhiều tài xế xe tải chạy ẩu, phóng nhanh, sơ sẩy là mất mạng ngay” - ông Phạm Tấn Quốc, phụ huynh một học sinh Trường THPT Tam Phước (TP.Biên Hòa) ngán ngẩm nói.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong năm 2015-2016, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD-ĐT, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tiếp tục triển khai chương trình tặng 1.500 mũ bảo hiểm cho học sinh.

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết tình trạng mất an toàn giao thông quanh khu vực trường học, đặc biệt là những trường gần các tuyến quốc lộ luôn hiện hữu. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra đối với học sinh. Năm học vừa qua, toàn tỉnh đã có 8 học sinh bị chết, 68 em bị thương do tai nạn giao thông.

Hàng năm, sở đều có văn bản chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và tổ chức các buổi phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Bước vào đầu năm 2015-2016, Sở GD-ĐT đã tập huấn cho hơn 500 giáo viên, cán bộ Đoàn trường, giáo viên… về công tác hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông tại trường học.

“Chúng tôi cũng mong rằng, thời gian tới các ngành chức năng sẽ quan tâm lắp đặt, bổ sung các biển báo về giao thông quanh trường học để học sinh, giáo viên và phụ huynh yên tâm hơn. Việc đảm bảo an toàn giao thông quanh trường học rất cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường và sự chung tay của xã hội để mỗi bước chân đến trường của các em được an toàn hơn” - ông Thạch nhấn mạnh.

Thanh Hải

 

 

 

 

Tin xem nhiều