Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy giáo làng dân tộc vượt khó

11:04, 06/04/2015

Cuộc sống với vô vàn khó khăn, có lúc gần như bế tắc nhưng ông Đào Văn Được (43 tuổi, ngụ ấp 6, xã Phước Bình, huyện Long Thành) luôn tìm cách vượt qua.

Cuộc sống với vô vàn khó khăn, có lúc gần như bế tắc nhưng ông Đào Văn Được (43 tuổi, ngụ ấp 6, xã Phước Bình, huyện Long Thành) luôn tìm cách vượt qua. Từ cậu bé đi chăn bò thuê, một mình lo cơm ăn, áo mặc cho các em, ông đã không ngừng nỗ lực để được đến lớp, vinh dự trở thành người thầy giáo đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho học sinh.

Thầy giáo Đào Văn Được (phải) thăm hỏi gia đình trong làng dân tộc Chơro.
Thầy giáo Đào Văn Được (phải) thăm hỏi gia đình trong làng dân tộc Chơro.

Trước đây, đồng bào dân tộc Chơro ấp 6, xã Phước Bình ai cũng biết đến hoàn cảnh éo le của 3 anh em ông Được. Bởi ngay từ lúc còn nhỏ, họ đã mồ côi cha mẹ, chỉ biết sống nương tựa vào ông bà ngoại. Cuộc sống vô vàn khó khăn, có lúc gần như bế tắc, nhưng họ luôn tìm cách vượt qua. Hàng ngày, Được một buổi đi học, một buổi chăn bò thuê cho những người trong làng. Để được cắp sách tới trường, có cơ hội biết con chữ, bản thân ông phải nỗ lực không ngừng.

* Chăn bò thuê để có tiền đi học

Cuộc sống gia đình vốn nghèo khó, ông bà ngoại ông Được dù tuổi cao, sức yếu nhưng thấy đàn cháu thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương của người lớn, họ không đành lòng. Không chỉ lo cơm ăn, áo mặc cho các cháu nhỏ, họ còn tảo tần bươn chải ngày đêm để có tiền lo cho cháu ăn học. May mắn kịp mỉm cười với anh em ông Được vào năm 1998 khi làng dân tộc Chơro thành lập, mấy anh em của ông được cấp một căn nhà và đất sản xuất.

Về nơi ở mới, 3 anh em ông Được bắt đầu cuộc sống tự lập, số tiền chăn bò thuê và tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng trở thành nguồn thu chính của họ. Ngày nào cũng vậy, ông Được phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng, cuốc bộ quãng đường gần chục cây số tới trường. Trưa, ông lại tất tả về nhà lo cơm nước cho các em để đến chiều kịp lên rẫy chăn bò. “Cha mẹ qua đời khi tôi mới hơn 10 tuổi là sự mất mát lớn. Tuy nhiên, điều đó cũng giúp tôi hiểu được giá trị của đồng tiền và sức lao động của chính mình” - ông Được tâm sự với đôi mắt đượm buồn.

Ông Cao Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Phước Bình, cho rằng: “Để công tác vận động người dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc văn hóa của mình được tốt thì không ai thực hiện hay hơn, thuyết phục hơn những người có uy tín trong làng. Thầy giáo Được đã thường xuyên gần gũi và nắm bắt một cách nhanh nhất tâm tư, tình cảm và chăm lo hơn nữa đời sống tinh thần cho bà con trong làng”.

Gánh nặng phải tự lập sớm tưởng chừng đã đánh gục ông, nhưng người “đàn ông” trụ cột trong gia đình nhỏ ấy chưa một lần bỏ buổi học nào. Nhiều năm liền là học sinh khá giỏi, nhờ vậy mà ông được xét đặc cách đi học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Đồng Nai ở huyện Trảng Bom. “Đây là cơ hội lớn để bản thân tôi vươn lên, chỉ có học hành đàng hoàng mới thay đổi cuộc đời” - ông Được tâm sự.

Bằng sự nỗ lực, cuối cùng thành quả cũng đã mỉm cười, tiếp thêm sức mạnh cho cậu bé chăn bò thuê ngày nào đủ nghị lực và ngày càng trưởng thành hơn. Ông Được thi đậu vào Khoa Anh ngữ Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai). Tốt nghiệp, ông được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Phước Bình (huyện Long Thành). Công tác gần nhà, ông có cơ hội để chăm sóc, động viên các em đến trường đầy đủ.

Đang hồi tưởng câu chuyện khốn khó năm xưa, ánh mắt ông sáng lên niềm vui khôn tả khi giờ đây, ông đã trở thành người đàn ông biết lo toan cho cả gia đình. Các em của thầy giáo Được lớn lên có việc làm ổn định rồi lập gia đình và dọn ra ở riêng. Hy sinh cả tuổi thanh xuân, giờ phút thảnh thơi ông mới vội vàng lo tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân.

Ở độ tuổi ngoài tứ tuần, ông Được xây dựng cho mình một mái ấm nhỏ, căn nhà ấy lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười của 2 đứa con sinh đôi. “Nếu như lúc đó mình buông xuôi và chính quyền địa phương không tạo điều kiện cho đi học thì bây giờ lại lâm cảnh nghèo. Ngày trước, vì các em mà cật lực làm việc, còn hiện tại con cái là động lực chính của tôi” - thầy giáo Được hồ hởi nói.

* Trưởng làng trẻ tuổi

Không chỉ cho thấy nghị lực đáng nể trong “cuộc chiến” với nghèo khó, ông Được còn được người dân trong làng rất tin tưởng và yêu mến bầu làm trưởng làng. Trở thành người có uy tín trong làng đồng bào dân tộc thiểu số khi còn khá trẻ giúp ông có nhiều động lực hơn để làm những việc tốt, có ích cho bà con. Người làng Chơro luôn thấy thầy giáo dạy Anh văn tích cực trong công tác xây dựng phong trào.

Ngày trước, trẻ em nghèo ở đây vốn thiệt thòi khi không được đến trường đầy đủ, phải bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ giúp cha mẹ làm đồng áng. Trong những năm đi dạy, cứ mỗi dịp hè, ông Được lại tình nguyện mở lớp học tình thương với hy vọng lớn lên bọn trẻ sẽ có tương lai tốt đẹp. “Hồi đó vì nghèo mà chút nữa tôi không thể cắp sách tới trường. Giờ thành giáo viên, dạy chữ cho các em là ước mơ lớn của tôi” - ông Được nói.

Thầy giáo Đào Văn Được đứng lớp truyền dạy kiến thức cho học sinh.
Thầy giáo Đào Văn Được đứng lớp truyền dạy kiến thức cho học sinh.

Thầy giáo Được vui mừng cho biết, nhận thức của bà con dân tộc thiểu số hôm nay đã khác xưa và hầu hết họ đều phấn đấu để ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho con em được học hành chu đáo, ai cũng được đến trường. Hiện tại, trong làng dân tộc Chơro ở Phước Bình, trình độ đại học có 4 người, trung cấp có gần 10 người. Năm 2004, Nhà văn hóa dân tộc Chơro ở Phước Bình được xây dựng, đây chính là nơi để khôi phục lại những tập tục sinh hoạt của người Chơro và là lớp học dạy tiếng Việt cho bà con.

Bây giờ, làng còn duy trì được đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền, kéo co và bắn nỏ. Trong đó, môn thể thao truyền thống bắn nỏ ở làng rất mạnh, đã đoạt nhiều giải vô địch trong các cuộc thi với người dân tộc thiểu số ở các xã khác. Sắp tới, dưới sự hướng dẫn của các cụ già trong làng, ông Được sẽ xây dựng đội đánh cồng chiêng cho những người trẻ tuổi.

“Tôi cứ tưởng những phong tục của dân tộc Chơro mình đã bị mai một theo thời gian, nhưng giờ đã yên tâm vì có sự quan tâm của chính quyền xã và thầy giáo Được. Bà con ai cũng phấn khởi lắm, nhất là vào những dịp lễ hội lại tụ tập ở nhà văn hóa múa hát, bắn nỏ, vui chơi thể dục - thể thao” - ông Dương Văn Bẹ (61 tuổi) vui vẻ nói.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều