Báo Đồng Nai điện tử
En

Sông Lòng Tàu vùi xác chiến hạm Mỹ (Bài 2)

09:04, 12/04/2015

Trận đánh lịch sử, nhấn chìm con tàu vận tải quân sự nặng 10 ngàn tấn của Mỹ trên sông Lòng Tàu năm 1966 của bộ đội đặc công Rừng Sác là thắng lợi vang dội, giáng một đòn chí mạng vào hệ thống vũ khí, phương tiện quân sự tối tân của Mỹ, gây chấn động cả Lầu Năm Góc.

“Thời khắc lịch sử ấy xảy ra lúc 8 giờ 8 phút ngày 23-8-1966. Ngay sau tiếng nổ long trời lở đất, địch điên cuồng cho trực thăng đổ quân, điều các tàu chiến truy quét quân cách mạng. Lực lượng đặc công Rừng Sác đã chiến đấu ngoan cường, làm tê liệt tuyến vận tải đường thủy của Mỹ” - đồng chí Hồ Xuân Cảnh, nguyên chiến sĩ đặc công Rừng Sác, ghi lại trong tập tài liệu về trận đánh lịch sử, nhấn chìm con tàu vận tải quân sự nặng 10 ngàn tấn trên sông Lòng Tàu năm 1966.

Con tàu Baton Rouge Victory. Ảnh tư liệu
Con tàu Baton Rouge Victory. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của bộ đội đặc công Rừng Sác đã vang dội khắp chiến trường miền Nam Việt Nam, giáng một đòn chí mạng vào hệ thống vũ khí, phương tiện quân sự tối tân của Mỹ, gây chấn động cả Lầu Năm Góc.

* Nhiệm vụ tối mật

Khi chiếc tàu vận tải quân sự Baton Rouge Victory (gọi tắt là Victory) của đế quốc Mỹ chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Đông Nam bộ bắt đầu rời bến ở Mỹ, thì tại Chiến khu Rừng Sác, đội nghiên cứu đánh tàu Victory đã bí mật được thành lập. Bộ Chỉ huy Miền quyết định giao nhiệm vụ nặng nề này cho Đoàn 10 đặc công Rừng Sác.

Tổ nghiên cứu đánh tàu gồm có 4 người, trong đó đồng chí Hồ Xuân Cảnh được đào tạo bài bản về kỹ thuật đánh tàu bằng thủy lôi ở Trường sĩ quan hải quân, đồng chí Nguyễn Hữu Minh đã được học cách đánh đặc công nước từ trước đó. Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Đoàn phó Đoàn 10, trực tiếp chỉ huy trận đánh này.

Yêu cầu đặt ra là không được phép thất bại, 4 quả thủy lôi KB (nặng 1.075 kg/quả) phải gian nan lắm mới được vận chuyển từ miền Bắc vào. Ngoài ra, cách đánh thủy lôi theo kỹ thuật của Liên Xô (thủy lôi do Liên Xô sản xuất) cũng không phù hợp, nên đồng chí Cảnh đã kỳ công nghiên cứu trận địa thủy lôi.

“Ban ngày, chúng tôi theo dõi luồng tàu chạy, giờ giấc đi tuần và cách rà phá lôi của địch. Đến đêm, đợi con nước ròng thì chúng tôi đo độ sâu. Cứ thế, đêm nào cũng đo đi dò lại rồi ghi chép số liệu theo từng con nước và tìm vật chuẩn. Cuối cùng đi đến kết luận chọn vị trí thả” - đồng chí Cảnh cho biết.[links(right)]

Vị trí thả thủy lôi được xác định nằm ở khúc “cua tay áo”, đoạn tiếp giáp giữa sông Ngã Bảy, Lòng Tàu và Sông Dừa. Đây là đoạn sông khá sâu, khi chạy đến đoạn này chiếc tàu buộc phải giảm tốc độ, dạt ra để nới rộng vòng cua nên khả năng dính thủy lôi sẽ cao hơn.

Ròng rã 2 tháng trời, đồng chí Cảnh cùng một số chiến sĩ trinh sát vất vả lặn ngụp trên các tuyến sông xác định vị trí thả thủy lôi. Đến ngày 10-8-1966, đồng chí Cảnh và du kích xã Tân Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) báo cáo với đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn về địa điểm và độ sâu đặt thủy lôi.

Sau đó, cuộc diễn tập hạ đặt thủy lôi diễn ra trong nhiều đợt, tất cả bằng phương pháp thủ công. Chỉ mất đúng 20 phút, 2 quả thủy lôi đã được đặt nằm đúng ví trị định sẵn, mọi người trong tổ hướng dẫn lại các thao tác đặt thủy lôi cho các chiến sĩ khác. Động tác nhanh, chính xác đảm bảo trật tự, yên lặng theo điều động của chỉ huy.

Đồng chí Nguyễn Hữu Minh, chiến sĩ trinh sát Đoàn 10, kể lại trong hồi ký, suốt dọc khúc sông này địch rải chất độc hóa học nhằm hủy diệt cây cối, đồng thời liên tục cho máy bay bắn phá điên cuồng, tổ chức tuần tra liên tục ngăn không cho ta ẩn nấp. Nhưng với chiến thuật tài tình, lòng dũng cảm và mưu trí, quân ta hoàn toàn chuyển khó thành ưu. Suốt 9 ngày đêm theo dõi và 3 lần làm bè tàu dừa thả thể nghiệm, kết quả cho thấy các loại tàu nhỏ chạy qua không bị vướng mà chỉ có tàu chở dầu 12 ngàn tấn của địch (giả định) dính bẫy. Kế hoạch cho trận địa thủy lôi diễn ra đúng như mong đợi.

* Hai tiếng nổ kinh hoàng

Chiều 22-8-1966, để chắc ăn, đồng chí Cảnh và đồng đội đón ghe tiếp cận trận địa. Khi đến nơi, ở đây đã có mặt đồng chí Lương Văn Nho (Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban cán sự Đoàn 10 đặc công Rừng Sác) cùng bộ phận tham mưu, chính trị, hậu cần… đến kiểm tra trận địa, phương án chiến đấu trước ngày xuất kích. Nhiều vũ khí cũng được bố trí tại các vị trí xung quanh điểm thả thủy lôi để chờ phối hợp tác chiến.

Lúc này, đồng chí Cảnh tiến hành lắp ráp hệ thống điện, các phần chạm thủy lôi rồi kiểm tra lại một lần nữa từng bộ phận của loại vũ khí hiện đại này. Nhìn nước sông lên gần đầy và rất thuận lợi, đồng chí Cảnh vững lòng báo cáo Tư lệnh Đoàn 10 chuẩn bị xuất trận.

Trước trận đánh lớn, cả khu rừng đước, mắm với những con lạch nhỏ chằng chịt bỗng yên tĩnh lạ thường. Sau giờ cơm, mọi người trong đơn vị ngồi lại với nhau mà không ai nói lời nào. Quyết tâm chắc thắng, đánh một trận giòn giã khiến quân địch phải khiếp sợ hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người.

20 giờ ngày 22-8-1966, Chỉ huy trưởng trận địa chính Nguyễn Hoàng Sơn ra lệnh xuất phát thả thủy lôi. Sau 5 phút, 2 chiếc xuồng của trinh sát chở theo 2 quả thủy lôi cập “bến”. Nhìn con nước, biết thời cơ đã đến, Chỉ huy trưởng Nguyễn Hoàng Sơn ra lệnh thả, lập tức 2 chiếc ghe bị nhấn chìm, thủy lôi rời khỏi ghe một cách nhẹ nhàng, êm ái.

Theo các tài liệu đã công bố, trên chiếc tàu bị đánh chìm Baton Rouge Victory có 45 quân lính, 100 xe thiết giáp M113 cùng 3 chiếc máy bay phản lực còn nguyên trong hòm bảo quản và một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm đủ nuôi cả một sư đoàn Mỹ.

Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy và Trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, nhận định: “Trận đánh trên sông Lòng Tàu đã khiến quân Mỹ vô cùng đau đầu. Cần có một công trình nghiên cứu quá trình chiến đấu của Đoàn 10 trong trận này”.

Lúc này, đồng chí Cảnh xuống thao tác kỹ thuật, quả thủy lôi thứ nhất nhanh chóng nằm yên dưới lòng sông. Không lâu sau, quả còn lại được “lai dắt” với khoảng cách so le theo luồng lạch chạy cách nhau 10m rồi tiếp tục được nhấn chìm. Chỉ sau 15 phút, mặt sông trở lại như thường. Đồng chí Lương Văn Nho tiến ra bờ sông quan sát rồi lệnh: “Các trận địa phải thay phiên nhau canh gác, giúp anh em dưỡng sức. Ban chỉ huy đơn vị đã hội ý thống nhất phương án tác chiến vào ngày 23-8-1966”.

Đến 7 giờ 30 sáng 23-8-1966, xuất hiện 2 máy bay trinh sát liên tục. Tiếp đó là một tốp trực thăng quần thảo, bắn đạn xối xả xuống cánh rừng ven bờ. Rồi 2 chiếc tàu chiến xuất hiện chạy ép vào hai bên bờ sông, chạy qua trước trận địa bí mật của ta, giương súng bắn phá mục tiêu. Biết địch đang dọn đường cho con tàu khổng lồ, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Khi con tàu khổng lồ lừng lững tiến vào, đến khúc cua thì bắt đầu giảm tốc độ, mũi tàu hướng về sông Lòng Tàu. “Từ xa, chúng tôi chăm chú theo dõi, vừa thấy dòng chữ Baton Rouge Victory trên thân tàu hiện ra thì 2 tiếng nổ vang lên, làm rung chuyển khắp ngã ba sông. Nước dâng lên cao, nhấn chìm con tàu xuống lòng sông, chỉ còn thấy lá cờ trên nóc đài chỉ huy rũ rượi. Toàn bộ vũ khí, sĩ quan và binh lính Mỹ vùi xác dưới đáy sông…” - đồng chí Cảnh kể lại.

Sau trận đánh, các đơn vị của ta rút vào căn cứ an toàn, người, vũ khí và ghe xuồng không hề bị tổn thất. Trận chiến trên sông thắng lợi đã thuộc về ta.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều