Ngày 16-12-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho Tiểu đoàn 303 Thủ Biên, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đặc công Biên Hòa U1 vì đã lập công xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngày 16-12-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tiểu đoàn 303 Thủ Biên, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đặc công Biên Hòa U1 vì đã lập công xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Phần thưởng cao quý đó đã góp phần tô đậm truyền thống dũng cảm, kiên cường của lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai trong cuộc trường chinh đánh giặc giữ nước.
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 303 và Đại đội Lam Sơn kể về trận đánh Chi khu Trảng Bom năm 1951. |
Ra đời trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, Tiểu đoàn 303 Thủ Biên đã nhanh chóng đi vào cuộc chiến với tư thế chủ động. Hơn 3 năm kiên cường bám trụ chiến đấu, bằng những trận đánh táo bạo và bất ngờ, tiểu đoàn đã gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.
* Ra đời trong khói lửa
Ông Nguyễn Xuân Mai, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 303 Thủ Biên - Phân liên khu miền Đông, cho biết khoảng năm 1950, thực dân Pháp đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại miền Đông để thực hiện mưu đồ bình định trong vùng kiểm soát. Trong thời gian này, quân Pháp tập trung củng cố quân đội viễn chinh, sử dụng viện trợ Mỹ, gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến tới phản công giành quyền chủ động về chiến lược...
Tại Biên Hòa, quân Pháp đẩy mạnh bình định kết hợp với đòn tấn công quân sự và kinh tế để chia cắt địa bàn thành từng mảnh nhỏ nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang và ngăn chặn nguồn vận chuyển tiếp tế của ta. Bên cạnh việc thiết lập thêm các điểm chốt chặn dọc các quốc lộ: 1, 15, 20 và khu vực có đồn điền cao su, quân Pháp còn liên tục tổ chức các đợt càn quét vào khu vực xung quanh sân bay Biên Hòa, thị trấn Xuân Lộc và các căn cứ địa của ta ở Tân Uyên, Long Thành... Hoạt động của địch làm cho tình hình kháng chiến trong tỉnh từ cuối năm 1950, đầu năm 1951 gặp nhiều khó khăn.
Để đối phó với tình hình đó, vào tháng 2-1951, Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng đã ra Nghị quyết “Đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam”. Sau Đại hội Đảng lần II, Xứ ủy Nam bộ đã đổi tên thành Trung ương Cục miền Nam và đề ra chủ trương sắp xếp, tổ chức lại lực lượng vũ trang, bố trí lại chiến trường cho phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới. Theo đó, Nam bộ chia làm 2 phần, gồm: Liên khu miền Đông và miền Tây. Các tỉnh ở miền Đông Nam bộ điều chỉnh lại tổ chức địa giới, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh thành một. Tỉnh Biên Hòa hợp nhất với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên, với 7 huyện: Hớn Quản, Bến Cát, Lái Thiêu, Thủ Đức, Tân Uyên, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, 2 thị xã: Biên Hòa và Thủ Dầu Một.
Tháng 4-1951, lực lượng vũ trang cũng được tổ chức lại, tỉnh Thủ Biên đã xây dựng một tiểu đoàn bộ đội tập trung lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 303 trên cơ sở tập hợp nhiều nguồn trong lực lượng vũ trang của tỉnh. Lúc mới thành lập, Tiểu đoàn 303 gồm 4 đại đội: 55, 60, 65, 70 và trung đội đặc công, với 764 cán bộ, chiến sĩ.
* Lập công lớn trong chiến đấu
Ông Nguyễn Hạnh, nguyên xạ thủ trung liên của Tiểu đoàn 303 Thủ Biên, kể sau khi được thành lập, Tiểu đoàn 303 vừa tổ chức chiến đấu bảo vệ Chiến khu Đ, vừa đưa trinh sát đặc công đến các huyện để hỗ trợ phong trào du kích chiến tranh và nghiên cứu tình hình chuẩn bị địa bàn tác chiến.
Qua khảo sát tình hình địch, tiểu đoàn quyết định tổ chức một trận đánh ra mắt nhằm gây tiếng vang lớn, đột phá một mắt xích quan trọng trong hệ thống đồn bót kiềm tỏa của địch ở các khu vực quanh TX.Biên Hòa. Mục tiêu được chọn là Chi khu Trảng Bom, một căn cứ quân sự quan trọng của địch án ngữ trên quốc lộ 1, cách TX.Biên Hòa khoảng 20km về phía Đông.
Chi khu Trảng Bom được tổ chức phòng thủ vững chắc, đóng trong đồn thường xuyên có một đại đội lính Âu Phi khoảng 200 tên. Căn cứ này vừa để bảo vệ TX.Biên Hòa và Sài Gòn, vừa để kiểm soát ngăn chặn hành lang liên lạc, vận chuyển của ta từ Chiến khu Đ về Long Thành, Bà Rịa, đồng thời làm bàn đạp xuất phát để đánh phá vùng Đại An, Định Tân (huyện Vĩnh Cửu).
Tham gia trận đánh này, bên cạnh Tiểu đoàn 303 còn có Đại đội Lam Sơn, Đội đặc công biệt động, Đội pháo binh tỉnh Thủ Biên cùng lực lượng vũ trang Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.
16 giờ ngày 15-7-1951, 2 xe cam nhông chở 75 công nhân (trong đó có 25 chiến sĩ Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa, Đại đội 55, biệt động tỉnh Thủ Biên hóa trang) giả đi cạo mủ từ Bàu Cá chạy hướng Trảng Bom. Đến 16 giờ 15, bọn lính trong chi khu bắt đầu nghỉ ngơi và tỏa ra sân banh đá bóng. Đợi đến lúc ấy, 2 xe cam nhông chở chiến sĩ ta đột ngột dừng lại trước cổng chi khu. Bộ đội nhanh chóng nhảy xuống xe, giết tên lính gác cổng và xông vào dùng bộc phá đánh các lô cốt, chiếm xe bọc thép. Cùng lúc ấy, Đại đội 60 ém quân tại bìa rừng cách chi khu 500m đã ào vào đánh chiếm các vị trí trong khu trung tâm. Đại đội Lam Sơn đánh chiếm đồn ngụy ở khu sân banh. Bị đánh úp bất ngờ, quân địch không kịp chống trả, bỏ chạy tán loạn. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta tiêu diệt 50 lính Âu Phi, bắt sống 50 tên, phá hủy 1 xe tăng, thu 200 súng các loại và hàng chục tấn đạn dược.
Qua hơn 3 năm chiến đấu, Tiểu đoàn 303 Thủ Biên đã đánh trên 307 trận lớn, nhỏ với các hình thức: công đồn, đánh tháp canh, đánh cứ điểm, đánh giao thông địch, chống càn...; diệt 1.564 tên địch, phá hủy 11 xe tăng, 2 xe bọc thép, 1 đoàn tàu, 26 xe vận tải, 44 khẩu pháo, đốt cháy 50 ngàn lít xăng dầu, tịch thu hàng ngàn vũ khí và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. |
Sau chiến thắng đó, Tiểu đoàn 303 đã tổ chức hàng trăm trận đánh trên khắp các chiến trường tỉnh Thủ Biên. Trận đánh mà ông Nguyễn Hạnh nhớ nhất là trận đánh bót Cầu Định (nay thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây là căn cứ quân sự kiên cố của Pháp xây dựng để khống chế hoạt động của lực lượng cách mạng trong vùng, thường xuyên có Đại đội 752 Commando và lính ngụy đóng bên trong bót.
Để đánh chiếm bót Cầu Định, Tiểu đoàn 303 đã xây dựng phương án chiến đấu hết sức chi tiết, tổ chức thực tập trên sa bàn và thực hiện biện pháp nghi binh cũng như nội công ngoại kích. Ngày 30-5-1954, tiểu đoàn quyết định tấn công bót Cầu Định. Trước khi mở đợt tấn công, tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho Đại đội 60 tổ chức chốt chặn tại các vị trí trên đường 13 không cho địch chi viện, đồng thời tổ chức lực lượng đánh quấy rối bót Vĩnh Hòa gần đó. Đến 23 giờ cùng ngày, cơ sở nội gián của ta bên trong đồn đã bí mật tấn công và giết tên Trung úy chỉ huy lực lượng Commando cùng tên xã trưởng Cầu Định đang ngủ trong bót, chiếm lấy các tháp canh phòng thủ quanh đồn, khống chế đám lính phòng thủ bên trong, tạo điều kiện cho lực lượng bên ngoài xông vào đánh chiếm bót. Bị đánh bất ngờ, bọn địch bên trong đồn hoàn toàn bị tê liệt.
Trận này, ta tiêu diệt 19 tên, bắn bị thương 19 tên, bắt sống 38 tù binh; thu 1 đại liên, 20 tiểu liên FM, 24 súng trường và nhiều quân trang, quân dụng. Trận đánh đã khiến các chỉ huy cao cấp của quân Pháp phải thốt lên: “Đây là trận đánh cay nghiệt của Việt Minh dành cho lực lượng Pháp - Việt”
Đức Việt