Cuộc sống gia đình không mấy dư dả nên các con của ông Lê Văn Một (79 tuổi, ngụ ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) phải nghỉ học giữa chừng. Cũng vì vậy, ông luôn mong muốn học sinh không ai phải bỏ học sớm để lao vào cuộc mưu sinh như con mình.
Cuộc sống gia đình không mấy dư dả nên các con của ông Lê Văn Một (79 tuổi, ngụ ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) phải nghỉ học giữa chừng. Cũng vì vậy, ông luôn mong muốn học sinh không ai phải bỏ học sớm để lao vào cuộc mưu sinh như con mình. Hàng ngày, tiền thu được từ các công việc bán vé số, bán báo dạo, ông Một đều trích ra một phần để góp vào Quỹ Khuyến học của xã, chung tay cùng xã hội giúp học sinh nghèo được đến trường.
Ông Lê Văn Một kiểm tra lượng vé số ế để giao lại cho đại lý. |
Thức dậy từ 4 giờ sáng, cẩn thận bỏ xấp vé số và tờ giấy dò vào chiếc túi vải, ông Một đạp xe đến điểm phát hành báo, nhận lô báo 100 tờ rồi hối hả đi bỏ mối cho các sạp ở 2 xã Phú Hữu và Đại Phước. Khi số báo trong tay vơi đi phân nửa, ông mới thong thả vừa bán báo vừa bán vé số. Đến khoảng 11 giờ trưa, ông quay về nhà ngơi nghỉ, sau đó tiếp tục cuộc mưu sinh cho đến giờ đại lý vé số ra đợt mới.
“Hôm nào may mắn thì tôi bán được trăm tờ vé số, còn bình thường khoảng 70-80 tờ, thêm tiền bán báo nữa cũng đủ sống. Trong số này, tôi trích ra khoảng 20 ngàn đồng góp cho Quỹ Khuyến học của xã, còn lại lo chi tiêu cho bản thân. Cứ như thế, 15 năm nay tôi vẫn đều đặn góp quỹ, không thiếu bất cứ một ngày nào” - ông Một tâm sự.
* Ông Một mê làm khuyến học
Gia đình ông Một đông người, 12 người con của ông không ai học quá lớp 9, đành phải gác lại chuyện học để mưu sinh. Thấy con vất vả, cực thân lao động vì ít chữ nghĩa nên lúc nào ông Một cũng động viên các cháu nhỏ trong nhà siêng năng học để tìm được công việc tốt sau này. Quanh xóm ông, nhiều gia đình cũng có hoàn cảnh tương tự, đông con nên ít được ăn học đến nơi đến chốn. Nhà nào khấm khá lắm cũng chỉ cho con học hết THPT rồi phải nghỉ để tìm việc trong các công ty.
“Từ trích tiền làm học bổng một lần/năm, sau đó tăng lên 2-3 suất/năm, đến nay tôi hỗ trợ cho Quỹ Khuyến học của xã 10 suất/năm. Với tôi, làm khuyến học quan trọng là mình phải có cái tâm trong sáng, giúp người trong khả năng có thể. Càng làm, tôi càng thấy tuổi già phải sống có ích cho cuộc đời này” - ông Lê Văn Một tâm sự. |
Đi bán vé số đến nay gần 30 năm, ông Một cũng để dành ít vốn lận lưng phòng khi tuổi già. Thấy nhiều học sinh nghèo trong xóm không có điều kiện học hành, ông liền lấy “quỹ” ra giúp đỡ để các cháu được đến trường đầy đủ. Chưa dừng lại đó, khi bán vé số ở khu vực trường học, nghe các thầy cô giáo tâm sự nhiều em học giỏi nhưng phải nghỉ học, ông thấy tiếc và thương cảm. Từ đó, ông quyết định dành một khoản nhỏ trong số tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày từ việc bán báo, bán vé số để làm việc thiện. “Ngày trước còn khỏe, mỗi lần nhận vé số ở đại lý tôi đều cố gắng lấy thêm vài chục tờ đem bán kiếm thêm tiền lời. Khoảng 4 năm nay, tôi thấy trong người yếu hẳn nên không kham nữa, hôm nào ế vé chỉ bỏ vào quỹ chừng chục ngàn đồng thôi” - ông Một cười móm mém cho biết.
Số tiền lãi từ bán vé số giảm, ông Một luôn trăn trở làm thế nào để có thêm nguồn thu cho Quỹ khuyến học. Nghĩ đến các mối quen thường mua vé số là các bác xe ôm, anh ba gác…, ông liền vận động họ bỏ heo đất mỗi ngày. Kinh tế không mấy khá giả nhưng thấy việc làm ý nghĩa của ông Một, nhiều người đã vui vẻ ủng hộ.
“Ở đây hỏi ông Một “khuyến học” ai cũng biết, từ những người bán vé số đến đội ngũ chạy xe ôm. Lúc đầu, thấy ông chắt chiu từng đồng làm từ thiện ai cũng ái ngại nên mua giúp. Sau đó, nghe nói số tiền ông góp được chẳng bõ bèn vào đâu nên nhiều người thấy thương ông mà đóng góp chút ít. Từ khi tham gia gây Quỹ Khuyến học, tôi thấy ông thường về nhà muộn hơn so với lúc trước” - ông Năm Quang (ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) cho biết.
* U.80 vẫn cần cù lao động
Là thành viên lớn tuổi, tích cực tham gia các hoạt động ở Hội Khuyến học xã Đại Phước, khi biết học sinh nào bỏ dở việc học ông Một đều lặn lội tìm đến thăm hỏi, động viên các em tiếp tục đến trường. Phân tích có tình, hợp lý nên ông đã vận động được nhiều học sinh quay lại lớp học. Gia đình nào khó khăn, ông hỗ trợ vốn để người lớn đi bán vé số kiếm thêm thu nhập, giúp họ trang trải việc học cho con.
Khách hàng của ông Lê Văn Một thường là các bác xe ôm, ba gác. |
Thầy Lê Văn Chiện, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hữu, chia sẻ: “Nhiều năm nay, cụ Một đều đặn trao 10 suất học bổng cho học trò ở địa phương. Việc làm của cụ đã lay động, tạo sự lan tỏa cho những người khác, nhiều mạnh thường quân đã quan tâm đến công tác khuyến học của xã. Nhờ đó, trong năm vừa qua cụ Một đã vận động thêm 4 cá nhân đóng góp thường xuyên cho Quỹ học bổng của trường”.
Thầy Chiện cho biết thêm, bản thân thầy luôn ấn tượng với hình ảnh cụ già gần 80 tuổi, thân hình gầy gò nhưng lúc nào cũng gồng mình đạp xe đi bán vé số, bán báo dạo để dành tiền làm việc thiện. Chưa lần nào ông Một từ chối đóng góp để tăng thêm nguồn Quỹ Khuyến học. Khi vào trường tham quan, thấy sân trường nắng nóng, ít bóng râm, ông Một đã tự bỏ tiền túi thuê mái vòm che nắng cho học sinh.
Ông Một tâm sự, do không muốn phụ thuộc vào con cái nên dù tuổi già nên mỗi ngày ông vẫn đạp xe hàng chục cây số đi bán vé số, bán báo dạo. Đây không chỉ là nguồn thu nhập nuôi sống bản thân ông mà còn giúp ông có thêm tiền góp vào Quỹ Khuyến học. Nhiều năm nay, ông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội Người cao tuổi. Thấy nhiều người già cô đơn, ông Một đã vận động các mạnh thường quân trao 100 phần quà cho các cụ.
“Số tiền giúp đỡ những người già cả không nhiều, nhưng thấy họ vui là tôi mãn nguyện rồi. Tôi mong mình có sức khỏe để đạp xe đi bán vé số, bán báo hàng ngày. Niềm vui lớn nhất của tui là thấy học trò nghèo được đến lớp đầy đủ, học hành tới nơi tới chốn. Càng làm nhiều việc thiện, tôi thấy mình như càng trẻ ra, coi như đây là việc có ích của tuổi già” - ông Một vui vẻ nói.
Võ Nguyên