Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng ông giáo làng

11:03, 15/03/2015

30 năm gắn bó với vùng đất Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), ông giáo làng Trần Văn Hoan (67 tuổi, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Tân) muốn góp hạt cát nhỏ cho cuộc đời qua các lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho học sinh.

30 năm gắn bó với vùng đất Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), ông giáo làng Trần Văn Hoan (67 tuổi, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Tân) muốn góp hạt cát nhỏ cho cuộc đời qua các lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho học sinh. Ông Hoan tâm sự, học sinh nghèo thì ông miễn hoặc giảm một phần học phí, còn học phí thu được qua các khóa học thì ông dành phần lớn cho công việc từ thiện.

Ông giáo làng Trần Văn Hoan với nghị lực tự học và tấm lòng yêu trẻ.
Ông giáo làng Trần Văn Hoan với nghị lực tự học và tấm lòng yêu trẻ.

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông Hoan bị chế độ cũ bắt đi lính. Trong quá trình huấn luyện, ông bị thương và được giải ngũ về với gia đình. Dù bị mất chân trái, chân phải bị thương khá nặng, ông Hoan vẫn thấy hạnh phúc khi bản thân không phải cầm súng chống lại đồng bào mình.

* Duyên dạy học

Từ đó, với tấm bằng tú tài trong tay, ông Hoan xin vào dạy học tại một trường tư thục ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa). Sau năm 1975, vợ chồng ông dắt nhau về vùng sông nước Cần Thơ để nương nhờ cha mẹ.

Bí bách vì đôi chân tật nguyền không thể làm quen được với vùng sông nước, vào năm 1985, ông Hoan dẫn vợ về vùng đất mới ấp 3, xã Vĩnh Tân lập nghiệp. Được một người dân địa phương tốt bụng tặng cho một sào đất rẫy và cái chòi tranh nhỏ, vợ chồng ông Hoan tập làm quen với những mùa lúa, bắp, đậu, mì để mưu sinh.

Duyên gõ đầu trẻ lại đến, khi ông được chính quyền mời đứng lớp xóa mù chữ cho trẻ em trong vùng. Năm 1987, xã Vĩnh Tân được thành lập, địa phương xây trường mới, giáo viên được huyện tăng cường về xã dạy học, ông Hoan cũng được mời về dạy tiếng Anh cho học sinh THCS.

Nhờ có vốn ngoại ngữ tốt và tham gia dạy học, ông giáo làng Trần Văn Hoan may mắn nhận được suất học bổng học lớp tiếng Anh nâng cao tại TP.Hồ Chí Minh. Để có tiền theo học, trong suốt 4 năm (từ 1992-1996), ông chấp nhận bữa đói bữa no để kiến thức tiếng Anh được chuẩn, mới hơn. Hai năm đầu còn được chương trình cấp học bổng nên tiền nhà trọ, tiền sách vở ông nhẹ gánh lo. Đến năm thứ 3 ông phải ăn mì gói, uống nước máy, còn tiền trọ, sách vở thì được bạn bè hỗ trợ. Tháng nào được vợ ghé thăm đem theo ít gạo, con gà thì ông ăn cũng được hơn tuần lễ.

Suốt 4 năm học, một tuần có 3 ngày học tập trung ở TP.Hồ Chí Minh, 4 ngày còn lại ông Hoan ở Vĩnh Tân mở lớp dạy thêm tiếng Anh cho trẻ em trong xã. Ông còn chịu khó mượn thêm đất của bà con nông dân gần nhà trồng thêm ít bắp, lúa để có tiền cho tuần sau quay lại TP.Hồ Chí Minh học tập. Mỗi lần quay lại TP.Hồ Chí Minh trọ học, chiếc xe đạp của ông Hoan đều lỉnh kỉnh gạo, chuối, rau... Để hòa đồng cùng với bạn học trong lớp, ông Hoan cố tập cho đôi chân đi đứng chỉnh chu, nén giấu nỗi vất vả, cơ cực do hoàn cảnh gia đình. “Bằng cấp, giấy tờ đều thất lạc do chiến tranh, do chuyển chổ ở, tôi vẫn cố gắng học tập để trau dồi thêm vốn tiếng Anh để không bị lạc hậu so với lớp trẻ và lấy đó làm niềm vui cuộc sống, tìm công việc phù hợp nuôi thân” - ông giáo Hoan thổ lộ.

* Hạt cát quý

Học xong, ông Hoan về sửa lại chái nhà cho rộng để mở lớp. Mới đầu, lớp học tiếng Anh của ông giáo làng chỉ có vài chục học sinh THCS, THPT. Tiếng lành đồn xa, học sinh của ông giáo Hoan lên đến hơn trăm, được chia làm 3 ca: sáng, trưa, tối. Thương các học trò nghèo đam mê ngoại ngữ, ông giáo Hoan thôi việc làm ruộng rẫy mà chú tâm mở lớp bồi dưỡng trình độ A, B tiếng Anh cho các em. Học sinh nghèo thì ông miễn, giảm học phí. Em nào ngôn ngữ tiếng Việt chưa chuẩn, ông vẫn nhẫn nại rèn lỗi chính tả, cách phát âm rồi mới cho làm quen với tiếng Anh.

Ông giáo làng Trần Văn Hoan bên các trò nhỏ của mình.
Ông giáo làng Trần Văn Hoan bên các trò nhỏ của mình.

Không chỉ chuyên tâm dạy ngoại ngữ cho học sinh, ông giáo Hoan còn chú ý dạy các em nhân cách làm người, thương yêu giúp đỡ bạn bè, kính trên nhường dưới, những điều hay từ các sách thánh hiền mà ông nghiên cứu. Từ năm 2000, nhu cầu học tiếng Anh của con em trong xã tăng cao, ông giáo Hoan bắt đầu có sự chọn lựa đầu vào với mong muốn chất lượng học tập được nâng cao hơn. Đến nay, số lượng học sinh do ông đào tạo đạt trình độ A, B tiếng Anh trên một ngàn lượt. Nhiều em hiện học đại học, hoặc du học ở nước ngoài, thỉnh thoảng về thăm lại ông giáo Hoan với sự kính trọng.

Ông giáo làng Trần Văn Hoan tâm sự, việc ông làm chỉ nhỏ như hạt cát giữa xã hội nhiều việc tốt, nên ông muốn có thêm nhiều người bạn đồng điệu với ông góp phần cùng xã hội xây nên những chiếc móng tương lai vững chắc cho các em nhỏ trên địa bàn xã Vĩnh Tân. “Trong suốt 20 năm đứng lớp, tôi chưa hề bỏ buổi dạy vì việc riêng, ăn cắp giờ của các em để nghe điện thoại nên các em rất nghiêm túc trong việc học, kính thầy yêu bạn, hiếu nghĩa” - thầy giáo làng Trần Văn Hoan chia sẻ.

Nhờ dạy học, ông giáo Hoan có được số tiền để đảm bảo cuộc sống đạm bạc của cá nhân với canh rau đơn sơ và dành chút đỉnh mua sách về tự học. Khi cuộc sống có điều kiện tốt hơn, ông thay lớp học tạm bợ bằng phòng xây kiên cố, trang bị thêm bàn ghế mới. Ông còn dành phần lớn số tiền kiếm được từ việc dạy học đem san sẻ cho những học sinh, người nghèo bằng những bao gạo nhỏ, tập, sách, xe đạp, ngôi nhà nghĩa tình.

Ông Nguyễn Văn Lam, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Tân, cho biết vốn là bạn thân với thầy giáo Hoan, ông ghi lại tất cả những gì mà thầy Hoan đã đóng góp cho xã hội, như: 2 căn nhà tình thương, 20 chiếc xe đạp, 3 chiếc xe máy, hàng chục suất quà mỗi năm…

Gió chiều nhẹ lướt qua mái tóc bạc, ông giáo Hoan khập khễnh bước vào lớp học và thầy trò cứ vậy râm ran rèn cách phát âm, diễn đạt ngữ pháp tiếng Anh. Nơi chiếc bàn nhỏ, cách lớp học vài bước chân, ông giáo làng nhìn học sinh trìu mến như những đứa con của mình (vợ chồng ông không có con) với sự gửi gắm chân thành: “Mong các em luôn là những cánh chim bay xa, bay cao khắp mọi miền đất nước, khắp chân trời rồi đem về những cọng cỏ xây tổ cho mình, cho gia đình và đất nước. Thầy tật nguyền vẫn kiên trì đứng vững bằng lao động chân chính. Không lẽ nào các em khỏe mạnh, lành lặn, thông minh, giàu hoài bão lại để cha mẹ buồn phiền, quê hương thiếu hụt nguồn chất xám”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều