Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh ngày xuân

07:03, 02/03/2015

Mặc cho mọi người đón tết, vui xuân, những bác xe ôm, chị ve chai, anh bán cá viên chiên… vẫn tranh thủ ngày xuân ra đường mưu sinh. Với họ, ngày tết có thể kiếm thu nhập gấp đôi khi trẻ con được lì xì, người lớn thì rủng rỉnh tiền.

Mặc cho mọi người đón tết, vui xuân, những bác xe ôm, chị ve chai, anh bán cá viên chiên… vẫn tranh thủ ngày xuân ra đường mưu sinh. Với họ, ngày tết có thể kiếm thu nhập gấp đôi khi trẻ con được lì xì, người lớn thì rủng rỉnh tiền.

Công việc bán kem ngày tết của anh Xuân thường cho lãi gấp đôi ngày thường.
Công việc bán kem ngày tết của anh Xuân thường cho lãi gấp đôi ngày thường.

Tiếng chuông kêu leng keng của người bán kem dạo vừa thoáng qua, chị em cu Nhân cùng mấy đứa cháu của anh Miền (ngụ KP.3, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã í ới gọi lại. Dù chưa được cha mẹ cho phép, bọn trẻ đã cầm trên tay mỗi đứa một que kem và chuẩn bị móc bao lì xì ra trả tiền. Vốn là dân bám góc chợ mưu sinh, chị Diễm (mẹ cu Nhân) mua ủng hộ thêm vài cây kem nữa cho người lớn trong nhà nhằm chia sẻ với công việc của người bán kem ngày tết.

* Tranh thủ làm trong tết

Anh Xuân (người bán kem dạo) thấy vậy nấn ná thêm tí nữa để chờ mấy đứa trẻ trong khu nhà trọ nghe tiếng chuông kêu leng keng mà chạy đến. Anh Xuân cho biết, quê anh ở Quảng Ngãi. Tết này gia đình anh không về quê ăn tết phần vì vé tàu, xe đắt đỏ, phần vì công việc bán kem dịp tết đắt hàng, thu nhập tăng gấp đôi so với ngày thường. Anh chọn cách du xuân ngày tết với thùng kem có nhiều cái lợi và vợ con hài lòng, như: bán buôn thuận lợi, tránh được việc bị bạn bè mời rượu, bia hay đánh bạc.

Lang thang đó đây trong những ngày trước và sau tết, chúng tôi cảm nhận được những giọt mồ hôi của những người lao động nghèo khó. Với họ, dịp tết chính là cơ hội để một ngày làm việc được trả thù lao gấp đôi ngày thường, nên họ cố gắng làm, phòng ra giêng gặp cảnh thất nghiệp, ế ẩm, nghỉ bù.

Sáng mùng 1 tết tràn đầy nắng xuân, anh Hùng (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) vẫn nhẫn nại chờ khách tại điểm chờ xe buýt trước Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Anh Hùng tâm sự, ngày xuân cũng như ngày thường, anh đều có mặt tại đây để chờ khách. Mùng 1 tết xe buýt ngưng chạy, khách của anh vẫn không nhiều hơn ngày thường, vẫn là những mối quen và lác đác vài vị khách vãng lai đến thăm người thân trong TP.Biên Hòa. Nhưng ngày tết, khách đi xe ôm dễ dãi hơn ngày thường và rộng rãi “boa” cho anh vài chục ngàn đồng dù chỉ đi hơn 1km. “Có khách còn mời tui vào nhà uống ly nước trà, ly bia và trả tiền bằng bao lì xì, cùng lời chúc tết ấm áp tình người” - anh Hùng nói.

Chiều mùng 3 tết, Bến đò Kho (ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) nhộn nhịp người qua lại. Chị Hai Tú (quê tỉnh Bến Tre) với xấp vé số dày cộm trên tay thong dong mời khách. Ngày thường, chị Hai Tú chỉ bán được hơn trăm vé. Mấy ngày qua, dù lấy tới 300 vé để bán nhưng chị vẫn còn dư thời gian về nhà trọ để vui tết với chồng con. Chị Hai Tú thổ lộ, tết về quê vui thì có vui nhưng trong túi cũng cần có vài triệu đồng để chi tiêu. Trong khi đó, ở lại Biên Hòa mưu sinh chị sẽ có thêm thu nhập và ngăn được chồng la cà với mấy tay bợm nhậu ở quê. “Mấy ngày qua tôi bán hết vé số sớm nên chiều tối cùng chồng con đi chơi đâu đó một lúc rồi về nhà xem tivi. Ngày tết tranh thủ bán để dành tiền ra giêng chi tiêu, phòng khi bán buôn ế ẩm. Đêm 30 tết, tôi lấy 500 vé đi bán tới giao thừa là hết sạch. Vì vậy, sáng mùng 1 tết tôi phải dậy thật sớm để ra đại lý nhận vé số mới về bán, không thì người khác lấy hết” - chị Hai Tú thổ lộ.

* Ra giêng nghỉ bù

Nhẹ nhàng dắt chiếc xe đạp ra khỏi khu nhà trọ, chị Huệ (quê tỉnh Thái Bình) thẳng tiến về xã Hiệp Hòa để thu mua ve chai khi mọi người còn “vấn vương” với tết. Chị Huệ cho hay, sau 3 ngày nằm nhà trọ chờ tết đi qua, sang mùng 4 tết, chị và những người đồng hương cùng chung phòng trọ bắt tay ngay vào công việc thu mua ve chai. Bởi, ngày tết người ta ăn uống nhiều, nên có nhiều ve chai cần phải bán cho sạch nhà.

Trước tết, chị Huệ và những người đồng hương ngày nào cũng thu nhập được cả triệu đồng nhờ những thứ thừa thãi người ta dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới. Sau tết, mọi người tiếp tục nán lại thêm mười ngày, nửa tháng nữa để mua hàng rồi mới rủ nhau về quê ăn tết muộn. “Bọn mình vào Biên Hòa thu mua ve chai theo đợt. Mỗi đợt kéo dài từ 2-3 tháng mới trở về quê. Trong đó, dịp trước và sau tết là làm ăn kiếm được nhiều lãi nhất, mỗi người có thể kiếm được cả chục triệu đồng mang về quê” - chị Huệ tỏ bày.

Trước và sau tết là dịp để chị Huệ và những người đồng hương về TP.Biên Hòa thu mua ve chai để có thu nhập cao hơn những ngày thường trong năm.
Trước và sau tết là dịp để chị Huệ và những người đồng hương về TP.Biên Hòa thu mua ve chai để có thu nhập cao hơn những ngày thường trong năm.

Lụi hụi cùng chồng nhổ đám mì cho chủ đất Tám Tân, vợ chồng anh Hai Đua (quê tỉnh Trà Vinh) nhoẻn miệng cười thật hồn nhiên khi chúng tôi tìm đến bắt chuyện. Anh Hai Đua nói, vợ chồng anh tranh thủ làm xong đợt mì này cho ông Tám Tân rồi về quê chơi cho thỏa thích, chờ mùa mưa đến sẽ quay lại công việc làm thuê cho chủ đất Tám Tân và các hộ khác. “Vợ chồng tui ráng làm trong mấy ngày tết cho xong rẫy mì nhận khoán của ông Tám. Có tiền về quê vui chơi tết muộn vài ngày vẫn thích hơn là không có tiền nằm nhà chờ tết qua. Hơn nữa, ra giêng công việc ở đây khó khăn nên vợ chồng tui ráng làm để tích cóp, phòng khi ở quê thất nghiệp” - chị Hai Đua bộc bạch.

Ra tết, chợ Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) quay lại nhịp sống cũ. Ông Bảy Khá vẫn không mở cửa tiệm sửa xe đạp để nghỉ bù cho những ngày làm việc cật lực trước tết. Ông Bảy Khá tỉ tê, trên 20 năm bám chợ Phước Thiền mưu sinh, ông luôn giữ thói quen ra tết nghỉ bù cho đến ngày 15 tháng Giêng mới mở cửa tiệm làm việc trở lại. “Thời gian rảnh rỗi tui thường tìm mấy người bạn thân bù khú để giết thời gian, chứ tui không dám sa đà vào rượu chè, bài bạc làm phật ý bà xã” - ông Bảy Khá thật thà nói.

Chiều mùng 5 tết, anh Bảy Ất (ở trọ tại KP.2, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vẫn nằm dài trong nhà vì say khướt. Thấy hàng xóm tới chơi, anh Bảy Ất cố giấu khuôn mặt hốc hác mà xởi lởi rằng, do trước tết làm đêm, làm ngày nên anh mệt. Ngày tết, lại buồn nên anh nhậu nhiều, vì vậy càng mệt hơn. “Ra tết thất nghiệp dài dài anh à. Thôi thì chịu khó nằm nhà chờ việc cho người mập thêm vài ký để ra giêng có sức cày tiếp” - anh Bảy Ất giọng chia sẻ.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích