Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu năm đánh cá, ra đồng

07:03, 08/03/2015

Mấy ngày xuân, lang thang đây đó nghe nông dân, ngư dân các xã Bình Hòa, Trị An (huyện Vĩnh Cửu), Hiệp Phước, Phước An (huyện Nhơn Trạch)… kể chuyện cây lúa, con nước với bao vui buồn, quá trình cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Với họ, bất kể lễ, tết, miễn con người siêng năng, chân lấm bùn, tay chạm nước tất được cơm ngon, canh ngọt, vợ hiền, con ngoan.

Mấy ngày xuân, lang thang đây đó nghe nông dân, ngư dân các xã Bình Hòa, Trị An (huyện Vĩnh Cửu), Hiệp Phước, Phước An (huyện Nhơn Trạch)… kể chuyện cây lúa, con nước với bao vui buồn, quá trình cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Với họ, bất kể lễ, tết, miễn con người siêng năng, chân lấm bùn, tay chạm nước tất được cơm ngon, canh ngọt, vợ hiền, con ngoan.

Nông dân ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) thăm đồng đầu năm.  Ảnh: Đ.PHÚ
Nông dân ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) thăm đồng đầu năm. Ảnh: Đ.PHÚ

Tờ mờ sáng mùng 4 tết, nông dân Hai Nhân (ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) đã vác cuốc ra thăm đồng. Sau vài nhát cuốc sửa lại bờ ruộng, ông Hai Nhân tiến về hướng gò đất cao, bật quẹt đốt điếu thuốc, ngắm đám ruộng lúa đang thì con gái ngày xuân. Bên kia bờ kênh thủy lợi, nông dân Bảy Tốt tất tả trên bờ ruộng, í ới gọi ông Hai Nhân sang chòi lá uống ly nước trà.

* Thì thầm chuyện  đầu năm

Trong trạng thái lãng đãng men xuân, nông dân Bảy Tốt nhai đi nhai lại câu nói cửa miệng: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè” nhằm khích tướng nông dân Hai Nhân thay ly trà nóng buổi sáng bằng ly rượu cay cho khí thế. Bị nông dân Hai Nhân từ chối, ông Bảy Tốt tỏ ra phật ý, bâng quơ gần xa: “Làm cho lắm tắm không có quần thay”. Lời nói mích lòng của ông bạn Bảy Tốt làm nông dân Hai Nhân bực bội, đứng phắt dậy bỏ đi ra đồng, không thèm chào tạm biệt.

Nơi gò đất cánh đồng Phần Vườn (ấp 1, xã Hiệp Phước), ông Hai Nhân nhanh chóng quên đi chuyện bực tức đầu năm. Ông Hai Nhân thổ lộ, làm ruộng bây giờ khác xưa nhiều lắm. Ngày xưa, ruộng chỉ sạ được một vụ lúa và vụ lúa kéo dài đến 6 tháng. Cho nên, ngày xuân là lúc nông nhàn, nông dân thường hay tụ tập nhau thành nhóm để nhậu nhẹt đến “tẹt ga, tắt bếp”. Bây giờ, nông dân làm lúa tới 3 vụ, ngày tết cũng phải ra đồng thăm lúa xem có bệnh tình gì không để kịp ứng phó. “Ngày xưa, nông dân tụi tui có 3 lần làm lễ cúng lúa. Mỗi lần như vậy là say quắc cần câu như: lễ cúng gà khi gieo mạ, cúng mâm cơm làm lễ rửa tay khi cây lúa được hơn 50 ngày tuổi, cúng đầu heo khi thu hoạch” - nông dân Hai Nhân nói.

Ngư dân Ba Hồng (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đem cá lên chợ bán.
Ngư dân Ba Hồng (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đem cá lên chợ bán.

Gió xuân run rẩy những đám lúa non, ông Hai Nhân thủ thỉ chuyện xưa. Hồi vợ chồng ông lấy nhau được cha mẹ cho chục công đất (1 hécta) khi ra riêng. Do mọi thứ trong nhà đều trông chờ vào cây lúa nên chuyện bán lúa non để có tiền trang trải mấy ngày xuân hoặc đổi mấy giạ lúa (20 kg/giạ) để lấy thịt heo về nấu nồi bánh tét. “Hồi đó cái gì cũng được đổi bằng lúa. Chẳng hạn như: thiếu nợ quán, cuộc nhậu, ơn nghĩa cũng trả bằng lúa khi đến mùa. Còn lũ nhóc choi choi thì lấy lúa đổi sương sáo, sương sâm, cà rem, xi rô đá. Chính vì vậy, mấy bà hàng xén mới có dịp chặt đẹp nông dân nghèo tụi này”- ông Hai Nhân tâm sự...

Đường vào đồi Ma (ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) vẫn đầy bụi ngày tết. Dưới chân đồi, vợ chồng lão nông Huỳnh Minh (70 tuổi, khu Suối Độn 1, ấp 2) đang lom khom thu nhặt điều rụng vàng dưới gốc. “Cuộc sống giờ khấm khá nên bà con nơi đồi Ma chuyển nhà về đường nhựa để sinh sống, tiện bề cho con em học tập. Cho nên, ngày tết khu vực đồi Ma rất hiu quạnh vì chỉ có vài nóc nhà, chòi rẫy có người ở lại để chăm sóc, thu hoạch mùa ngày tết và đốt nén nhang cho người khuất mặt lang thang” - lão nông Huỳnh Minh nói.

* Ra khơi đầu năm

3 giờ sáng mùng 8 tết, chợ cá Phước An (huyện Nhơn Trạch) bắt đầu đón những tốp ngư dân lên bờ họp chợ. Sau khi cân cho chị Tư Thắm hơn tạ cá đối được tổng số tiền 4,33 triệu đồng, ngư dân Ba Hồng (ấp Bà Trường, xã Phước An) mới thủng thẳng vào quán cà phê đếm lại tiền. Ngư dân Ba Hồng cho biết, mùng 6 tết anh xuất hành chuyến ra khơi đầu năm. Sau 3 ngày lênh đênh trên các nhánh sông: Bờ Hào, Thị Vải, Thạnh An, Cần Giờ, Đồng Hòa, ông trúng được hơn tạ cá đối. Đó là chuyến xuất hành đầu năm thành công của ngư dân Ba Hồng.

Ngư dân hối hả mang thành quả lao động lên bờ sau chuyến ra khơi đầu năm.
Ngư dân hối hả mang thành quả lao động lên bờ sau chuyến ra khơi đầu năm.

15 tuổi, ngư dân Ba Hồng biết theo cha theo các con nước chuyên đánh bắt cá đối, cá tráp. Đến khi lập gia đình, thì ngư dân Ba Hồng sắm thuyền riêng làm nghề nuôi vợ con của riêng mình. Ngư dân Ba Hồng tâm sự, trong số nhóm bạn chuyên thả lưới cá đối, cá tráp của ông, ông là người “sát cá” nhất nên thành quả sau những chuyến ra khơi luôn cao hơn bạn. Tuy nhiên, ngư dân Ba Hồng cũng không quá tham, con nước nào cũng cặm cụi ra khơi. Mỗi tháng, ngư dân Ba Hồng chỉ đi đánh 15-20 ngày vào các con nước lớn ròng trong tháng. Thời gian lên bờ thì ngư dân Ba Hồng lo vá lưới, đan tấm lưới mới, trông con cho vợ đi làm công nhân.

Qua vụ bí đao cuối năm được giá và vụ dưa leo đang leo giàn, người thợ may thời trang Nguyễn Tất Hưng (50 tuổi, ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) trước đây hả hê với kết quả đổi nghề bất đắc dĩ của mình (do ông bị suy nhược thần kinh vì thức khuya nhiều). Ông Hưng thủ thỉ, do mới tập làm nông dân nên mùng 2 tết vợ chồng ông đã ra đồng làm miết đến nay. Nhờ vậy, cây dưa mới có giàn để leo. “Chỉ cần thêm vài vụ dưa nữa tôi sẽ là nông dân thực thụ ở đây” - ông Hưng bày tỏ khát vọng năm mới.

Trong khi đó, ngư dân Chín Thái thì buồn xo khi một đêm thức trắng thả câu chỉ được mấy con cá chẽm loại 2 (giá dưới 100 ngàn đồng/kg) nên đâm ra trách móc mấy người làm nghề đóng đáy, giăng bửng, cào tre điện phá nồi cơm của ông. Ngư dân Chín Thái nháy mắt về hướng mấy chiếc ghe cào bóng gió rằng, sông nước là của chung. Tuy vậy, người làm nghề sông nước vẫn không tránh được cảnh “cá lớn nuốt cá bé”. Kẻ có máu mặt, lắm tiền với thuyền to, lưới lớn thường hay hiếp đáp kẻ ghe chèo, lưới nhỏ trong lúc hành nghề. Cho nên, một khi thủy thần nổi giận không ban cho tôm cá dồi dào theo từng con nước thì ngư dân hành nghề nhỏ nhoi như ông phải nhảy lên bờ tìm việc khác một thời gian để kiếm cơm.

Rời bến cá Phước An khi trời vừa hừng sáng, chúng tôi tiếp tục lang thang về làng chài Đạo Ngạn (ấp Phước Lý, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) hỏi chuyện các ngư dân đầu năm khởi hành trúng hay thua. Ngư dân Sáu Sơn đủng đỉnh vác chài lên bờ nói: “Đầu năm xuất hành chỉ tính chuyện hên xui để lấy ngày chứ không nặng lo việc trúng hay trật. Làm nghề này phải nắm chắc con nước trong lòng bàn tay, cộng với kinh nghiệm và siêng năng thì sống được. Đầu năm chỉ cần quăng vài mẻ chài, tay lưới xuống nước chào thủy thần. Kéo lên thấy cá mắc chài, lưới búng phừng phực thì hên rồi, không cần biết con cá dính chài, mắc lưới to hay nhỏ” - ngư dân Sáu Sơn giải thích.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều