Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán hàng rong ở khu công nghiệp...

10:03, 04/03/2015

Sau tết, công nhân quay lại công ty làm việc cũng là lúc những người bán hàng di động ở các khu công nghiệp tất bật bước vào cuộc mưu sinh...

Sau tết, công nhân quay lại công ty làm việc cũng là lúc những người bán hàng di động ở các khu công nghiệp (KCN) tất bật bước vào cuộc mưu sinh. Đủ loại hàng hóa, từ nước giải khát, đồ ăn vặt đến vé số, báo giấy được người bán cho lên xe máy chở đi khắp các công ty để bán.

Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ ngoài đường có thể lên đến 35-36oC, nhưng những người bán hàng trên xe máy vẫn hoạt động cật lực.

* Tất bật mưu sinh sau tết

Những người bán hàng cho biết, trong số hàng trăm công ty, xí nghiệp ở các khu công nghiệp, chỉ vài nơi cho phép họ “cắm chốt” đứng bên ngoài hàng rào công ty để buôn bán, còn lại họ phải chạy xe máy suốt ngày ngoài đường để bán hàng di động. Người làm nghề này ai cũng rút kinh nghiệm cho mình là phải canh đúng thời điểm công nhân nghỉ giữa trưa, hoặc làm quen với bảo vệ cổng công ty mới hy vọng bán được hàng.

Chiếc thùng buộc sau yên xe trở thành “quán” nước di động có đủ loại nước uống.
Chiếc thùng buộc sau yên xe trở thành “quán” nước di động có đủ loại nước uống.

“Hồi trước tôi bán hàng ở KCN Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa), nhưng bị bảo vệ đuổi quá phải chạy sang KCN Amata (TP.Biên Hòa). Thấy ở KCN Amata mua bán dễ hơn, sáng sớm tôi bán bánh mì, trưa và chiều bán nước giải khát. Làm nghề này như mấy bác bưu tá, nơi nào cần thì tôi mang đến, xong chạy đi nơi khác, không đứng bán một chỗ cố định được” - chị Tạ Thị Hồng cho biết.

Chiếc thùng nhựa giữ lạnh buộc chặt sau yên xe máy cũ của chị Hồng dù nhỏ nhưng chứa được nhiều loại nước uống. Ngoài những loại nước uống đóng chai, những người bán hàng như chị Hồng còn chuẩn bị nhiều bịch nước mía, sinh tố... Những thứ này được người bán xay sẵn ở nhà, sau đó cho vào chai nhựa lớn, đến nơi bán đổ ra ly nhựa, thêm vài viên đá lạnh là có ngay ly sinh tố ngon lành. Cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, vừa không phải chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh. Chiếc xe máy nhỏ trở thành một “quán” nước di động, có thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách.

Bán hàng trên xe máy không lo bị đánh thuế, nhưng thu nhập bấp bênh, chỉ mong chờ vào những ngày nắng nóng. Thời gian đắt khách nhất thường vào buổi trưa, dù mệt mỏi, bơ phờ vì nắng nóng và di chuyển liên tục nhưng ai cũng phấn khởi vì thu nhập được tăng lên.

“Từng làm công nhân nên tôi biết quy định không được mang đồ ăn, thức uống vào chỗ làm việc. Mỗi lần muốn uống nước, công nhân phải xin ra cổng, hoặc nhờ bảo vệ đưa vào, nhưng không phải lúc nào cũng được đồng ý. Giờ nghỉ trưa, các công nhân cử người xin ra cổng mua nước hay đồ ăn vặt mang vào - chị Hồng nói.

Người làm lâu năm như anh Nguyễn Văn Long cho biết, ngoài những mối hàng quen biết, địa điểm bán buôn trong KCN được chia theo từng khu vực. Thông thường, mỗi người bán “quản lý” từ 3-4 con đường với khoảng trên dưới 50 công ty. Người nào gặp may, bán được ở công ty mà lượng công nhân đông, hay đoạn đường tập trung nhiều công ty sẽ cho thu nhập khá, hàng bán được đều đặn mỗi ngày. Mọi thứ bán ở đây giá cả cũng phải “công nhân”, không được đắt hơn trong căn tin công ty.

Chiếc xe anh Long đậu trước cổng một công ty ở KCN Amata, phía ngoài hàng rào, cà phê đã pha sẵn được cho vào ly đưa ngay đến nhóm công nhân đang đứng ở phía trong. Tính tiền xong, xe anh tiếp tục di chuyển đến nơi khác.

Sau tết luôn là thời điểm anh Long làm ăn bận rộn. Công nhân gặp nhau đầu năm “lì xì” cho nhau chai nước, bịch trái cây…, vì thế mà nghề bán hàng di động của anh có dịp mua may bán đắt. “Cũng muốn ở lại ăn tết với vợ con, nhưng phải lên sớm vì công nhân đi làm hết rồi… Gặp hôm công nhân lãnh lương mình bán chạy lắm, còn lại bán lai rai thôi” - anh Long cho hay.

* “Chạy đua” vào mùa nắng

Vào mùa nắng nóng, thời điểm giữa trưa nhiệt độ ngoài trời tăng cao nhưng những người bán hàng trên xe máy chưa có ý định ngơi nghỉ. Trời càng nóng, họ càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Nước ướp lạnh trở thành mặt hàng bán chạy nhất trong thùng hàng buộc chặt sau yên xe. Giữa trưa nắng, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người bán nước giải khát chạy như con thoi khắp các con đường trong KCN. Tại mỗi công ty, “quán” nước di dộng dừng lại vài phút rồi hối hả đi ngay cho kịp đáp ứng “đơn hàng”.

Làm dịch vụ này, từng con đường nhỏ, vị trí công ty nằm ở chỗ nào trong KCN đều được người bán thuộc như lòng bàn tay. Nếu không may đến trễ vài phút là bị mất “miếng cơm” nên tranh thủ trời còn sớm, chị Sáu Chi cùng một đồng nghiệp tấp vào lề đường ăn vội miếng cơm, nghỉ lấy sức. Ngày thường, trung bình một người bán hàng di động như chị kiếm được 120 ngàn đồng tiền lãi, nếu trời nắng có thể bỏ túi gấp đôi số đó.

Chị Tạ Thị Hồng bán nước giải khát cho công nhân ở một công ty trong Khu công nghiệp Amata.
Chị Tạ Thị Hồng bán nước giải khát cho công nhân ở một công ty trong Khu công nghiệp Amata.

“Trong khi người khác nghỉ thì mình “tăng ca”, chấp nhận bận rộn để có thêm thu nhập. Khi Đồng Nai vào cao điểm mùa khô, nhiệt độ ngoài trời cao, cộng với sức nóng của nhựa đường khiến ai nấy đều thấy mệt. Đàn ông, đàn bà đi làm nghề này đều kín như bưng từ đầu đến chân, hở chỗ nào là da cháy như vết bỏng” - chị Sáu Chi chia sẻ.

Người phụ nữ này nói thêm, ngày trước đi bán, thấy chị chạy qua khách sẽ vẫy lại, còn bây giờ chỉ cần một cuộc điện thoại là chị mang hàng đến ngay. Nhiều người còn bỏ tiền làm danh thiếp đưa cho khách. Đến khi nào cần thứ gì, khách bấm máy gọi là vài phút sau được phục vụ tận nơi. Chỉ cần họ nói cho mấy chai nước đến công ty nào đó là người bán biết ngay, đi nhiều nên không còn lạc chỗ như những ngày đầu.

Thời điểm công nhân tan ca cũng là lúc những người bán hàng di động tranh thủ làm ăn rồi trở về nhà lúc chạng vạng, xẩm tối và lại tất bật chuẩn bị mọi thứ cho “buổi chợ” hôm sau. Theo nhẩm tính của chị Sáu Chi, riêng KCN Amata có hơn 20 người làm công việc giống chị. Lâu dần, bán hàng di động trên xe máy trở thành nghề mưu sinh của nhiều người. Nếu không la cà trước cổng công ty để chờ công nhân mua hàng, nhiều người sẽ cầm thêm xấp vé số đi dọc các con đường trong KCN mời mua vé số thử vận may đầu năm.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều