Vào những ngày này, không khí chào đón xuân mới rộn ràng khắp xóm làng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, đón tết này, gia đình nào cũng phấn khởi, vui tươi, vì điều kiện kinh tế gia đình ngày một khấm khá.
Vào những ngày này, không khí chào đón xuân mới rộn ràng khắp xóm làng của đồng bào dân tộc thiểu số. Với nguồn vốn từ chính quyền hỗ trợ, nhiều bà con đã vươn lên thoát nghèo, thay đổi cuộc sống. Đón tết này, gia đình nào cũng phấn khởi, vui tươi vì điều kiện kinh tế gia đình ngày một khấm khá.
Ông Đào Văn Đợi chăm sóc đàn bò của mình. |
Ở hầu hết xóm làng, bà con đều tranh thủ thời gian trang trí cổng chào, treo cờ Tổ quốc, vệ sinh môi trường... để chuẩn bị đón xuân mới.
* Cuộc sống đổi thay
Năm nay, không khí tết của gia đình ông Lý Phát Sinh (dân tộc Nùng, ngụ ấp Tây Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) rất phấn khởi, chộn rộn. Ở xã vùng cao này, ông Sinh là nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất giỏi của địa phương. Cánh đồng trồng bắp năm nào cũng cho năng suất cao đã góp phần tạo nguồn thu ổn định, thay đổi cuộc sống gia đình ông.
Nhờ có tinh thần chịu khó, ham học hỏi và khát khao làm giàu trên mảnh đất bạc màu, người nông dân này đã vượt qua tất cả khó khăn. Trong căn nhà rộng khang trang của ông, nơi nào cũng có sự hiện diện của bắp với màu vàng óng, sáng bừng lên ở mọi góc sân. Nội thất, vật dụng sinh hoạt trong nhà ông đều tiện nghi, hiện đại, tất cả như tượng trưng cho sự no đủ sau một năm lao động vất vả và bận rộn của gia chủ.
“Xã Lang Minh vừa đón nhận danh hiệu nông thôn mới, mọi người ai cũng phấn khởi. Từ khi có chương trình này, bộ mặt của xã Lang Minh thay đổi hoàn toàn. Đường sá được bê tông hóa kiên cố giúp nông dân thuận lợi trong việc vận chuyển nông sản sau thu hoạch. Chương trình lưới điện về nông thôn đã hỗ trợ chúng tôi chủ động được sản xuất nên đời sống không ngừng nâng cao, khấm khá hơn” - ông Sinh hào hứng chia sẻ.
Ông Sinh nói, cây bắp vốn dễ trồng, lại cho năng suất cao nên những năm qua ông liên tục mở rộng diện tích. Năng suất bắp ở đây bình quân đạt 11 tấn/hécta, nhưng ruộng bắp của gia đình ông đều đặn cho trên 12 tấn/hécta. Cây bắp giúp gia đình ông Sinh ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Chưa bao giờ người nông dân này nghĩ mình có cuộc sống khấm khá như hôm nay. Trong gia đình, ông luôn là chỗ dựa vững chắc cho các thành viên, con cái đều được ăn học đến nơi đến chốn.
“Để tiết kiệm, nhiều năm nay, đồng bào dân tộc mình đã cùng nhau ăn một cái tết chung, là tết âm lịch với nhân dân cả nước. Sang năm mới, chúng tôi mong muốn ai cũng có trâu bò đầy chuồng, thóc lúa đầy nhà, không còn ai nghèo đói nữa” - già làng Điểu Văn Cao cho biết. |
Năm 1998, ông Đào Văn Đợi cùng gia đình về sinh sống tập trung tại làng dân tộc Chơro ấp 6, xã Phước Bình (huyện Long Thành). Thời điểm ấy, được Nhà nước hỗ trợ xây nhà (36m2) và cấp thêm 1 sào đất ở, 4 sào đất sản xuất, nhưng cuộc sống của gia đình ông vẫn trong vòng thiếu thốn. Vợ chồng ông phải làm lụng vất vả, ai thuê gì làm nấy, nhưng chẳng thể đủ lo cơm ngày ba bữa cho 6 miệng ăn trong nhà.
Sau khi được chính quyền cho vay vốn, ông mạnh dạn đầu tư nuôi bò giống. Dồn hết của cải, tiền bạc trong nhà, ông Đợi quyết “đánh ván bài lớn”. Con bò mới được ông chăm bẵm ngày đêm cuối cùng cũng mang lại hiệu quả. Đến nay, đàn bò của gia đình ông tăng lên hơn 10 con, số tiền bán bò ông đầu tư vào trồng điều, khoai mì với hy vọng đổi đời.
“Nếu hồi trước tôi không mạo hiểm thì bây giờ nghèo vẫn hoàn nghèo, quanh năm chỉ trông chờ vào tiền hỗ trợ của địa phương, phó mặc cuộc sống cho Giàng. Hồi trước, quen sống nay đây mai đó, hết cái ăn thì xuống suối bắt cá, tôm…, đến khi mấy thứ này cạn kiệt thì chịu đói. Giờ thì khác rồi, tôi đã xin ra khỏi hộ nghèo từ mấy năm nay…” - ông Đợi vui vẻ tâm sự.
Cơ ngơi bao năm ông Đợi gây dựng không chỉ dừng lại ở đàn bò giống, còn có hơn 2 hécta điều, khoai mì đã mang lại cuộc sống đầy đủ cho cả gia đình. Đón xuân mới, ông khoe với chúng tôi chiếc xe máy trị giá hơn 25 triệu đồng vừa mới mua. Mô hình thoát nghèo của ông được xã Phước Bình khen ngợi, nhân rộng ra cho các hộ khác học hỏi để tự thay đổi cuộc sống.
* Luôn quan tâm đến đời sống bà con
Già làng Điểu Văn Cao dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh làng dân tộc Chơro ở ấp Đức Thắng 1, xã Túc Trưng (huyện Định Quán) để tận mắt nhìn thấy cuộc sống đủ đầy từ những căn nhà xây khang trang. Già làng Cao vui mừng nói, việc thực thi các dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của chính quyền các cấp trong thời gian qua thật sự làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc được hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, hiện tại lớp thanh niên trẻ trong làng đều tìm được việc làm tại các công ty trong tỉnh. Sau một năm miệt mài lao động, với số tiền dành dụm được, họ trở về giúp gia đình sắm sửa các vật dụng trong nhà để chuẩn bị đón tết. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người.
Học sinh vui đùa ở Nhà văn hóa làng dân tộc Chơro ở ấp 6, xã Phước Bình (huyện Long Thành). |
“Khi người dân đã ngộ ra phải tự mình thay đổi cuộc sống thì ai cũng ham làm. Lúc đó, tôi giải thích vài câu là họ hiểu ngay, tất cả chỉ nhằm mục đích xây dựng xóm làng ngày một giàu mạnh” - già làng Cao lên tiếng.
Theo ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Phước Bình (huyện Long Thành), hơn 145 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số Chơro ở ấp 6, xã Phước Bình ai cũng phấn khởi đón chào một năm mới trong no ấm, trong niềm vui về một xóm làng đang đổi thay. Đã từ lâu, các hộ dân sống ở đây không còn lo cái đói vào mùa giáp hạt.
Trong nay mai, con đường vào làng sẽ được trải nhựa nhờ chính sách của chương trình nông thôn mới. Bên cạnh nhà văn hóa mang đặc trưng riêng của người Chơro được xây dựng kiên cố, vững chãi là những ngôi nhà xây nằm san sát nhau. Mùa này, tất cả bà con đều bận rộn lên rẫy thu hoạch khoai mì, giá mì tăng cao đã góp phần cải thiện cuộc sống của họ.
“Tết Ất Mùi năm nay, ngoài được huyện hỗ trợ khoản tiền giúp bà con đón xuân mới, chính quyền xã còn tích cực vận động để lo cho người dân có cái tết đầy đủ, với phần quà gồm: gạo, mứt, bánh kẹo… Từ trước đến nay, xã luôn dành nhiều ưu tiên cho bà con ở đây” - ông Sơn nói.
Thanh Hải