Một năm mới lại về, đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu định canh định cư (ĐCĐC) trong tỉnh vui mừng đón năm mới. Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, bộc bạch nông thôn mới đã tô thêm nét xuân vui tại các khu ĐCĐC của đồng bào Chơro, S'tiêng, Hoa, Tày…
Một năm mới lại về, đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu định canh định cư (ĐCĐC) trong tỉnh vui mừng đón năm mới. Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, bộc bạch nông thôn mới đã tô thêm nét xuân vui tại các khu ĐCĐC của đồng bào Chơro, S’tiêng, Hoa, Tày…
* Niềm vui của già làng
Ở tuổi 73, già làng Nguyễn Văn Hoàng (ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) vẫn dẻo dai cùng cán bộ xã, huyện vận động đồng bào Chơro của già xây dựng nông thôn mới. Già Hoàng tâm sự, thêm một mùa xuân thì khu ĐCĐC của già thêm tiến bộ, khởi sắc. Mười năm trước, cuộc sống đồng bào vẫn còn cảnh cơm không đủ no, áo chưa đủ ấm và xuân đến bị thiếu đói, phải rời khu ĐCĐC đi làm thuê. Nay cuộc sống khác xưa nhiều lắm, chuyện ăn no, mặc đẹp không phải lo như trước, đồng bào chỉ lo làm sao khá, giàu thôi.
Ông Điểu Bảo (bìa phải) tặng quà tết cho già làng Nguyễn Văn Hoàng nhân dịp xuân về, tết đến. |
Điều già Hoàng vui mừng cũng đúng, ấp Nhân Hòa đạt danh hiệu ấp văn hóa mới đã mấy năm rồi. Năm 2014, ấp được xã, huyện tập trung đầu tư gần 2 tỷ đồng về hạ tầng, điện, giao thông… đúng các tiêu chí nông thôn mới. “Giờ mình vui lắm. Tiền bạc trong nhà nhiều hay ít, mình không phải lo vì có con cháu đi làm công nhân phụ giúp. Điều mình lo nhất là cái uy tín của mình với đồng bào nay có được nhiều hơn trước hay không mà thôi. Năm mới, mình sẽ họp dân vận động mọi người học cách tích lũy, chọn những người chịu khó làm ăn vay vốn đẩy mạnh chăn nuôi bò, dê và trồng bắp vụ đông - xuân” - già Hoàng nói.
Ông Điểu Bảo cho hay, kết quả triển khai chính sách dân tộc giai đoạn 2009-2014, 100% nhựa hóa đường xã; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 94,4%; 96,7% tỷ lệ hộ sử dụng điện thắp sáng và sinh hoạt; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc có nhà ở tươm tất, tiện nghi sinh hoạt đạt trên 80%... |
Trong khi đó, người có uy tín Sàn Ngọc Thành (ấp Thuận Trường, xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) hớn hở khoe xuân mới với nhiều cái mới. Ông Thành cho biết, để cánh đồng có điện tưới tiêu, ông và 7 hộ dân ở khu vực này tự bỏ ra 240 triệu đồng để kéo đường điện hạ thế. Trước đó, ông và hộ anh Hải cũng tự bỏ tiền túi 12 triệu đồng để mua đất nhằm mở rộng con đường đi. “Tính đến nay, bà con ấp mình đã đóng góp gần 1 tỷ đồng để cùng nhau kéo điện hạ thế, làm đường giao thông. Nhờ mỗi năm đồng bào chung tay cùng chính quyền làm một vài điều mới thì ấp ngày thêm phát triển, đời sống người dân cũng nâng thêm một bước” - ông Thành bày tỏ.
Trở lại thăm khu ĐCĐC của đồng bào dân tộc Tày ấp 8, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) trong cái lạnh của tiết xuân, chúng tôi được người già Trương Thanh cho biết, năm rồi đồng bào Tày ở đây tổ chức lễ hội Lồng Tồng rất vui. Lễ hội được tổ chức với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Người già Trương Thanh nói: “Năm nay, đời sống đồng bào mình hơn hẳn năm rồi. Ngoài việc xây nhà to, đẹp, đồng bào còn chung sức cùng địa phương làm đường giao thông, hệ thống thủy lợi để đưa máy móc vào sản xuất và cây lúa, cây bắp không bị thiếu nước. Xuân này, làng mình có nhiều cái mới, cái đẹp để khoe với cấp trên khi xuân về, tết đến”.
* Góp thêm mùa xuân
Gặp lại người già Điểu Rô (ấp Bàu Sình, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) trong bộ đồ mới tinh khi ông đang hướng dẫn bà con về xã nhận quà tết của huyện, tỉnh. Người già Điểu Rô thổ lộ, nhờ mấy năm liền trúng tiêu, trúng bắp, cà phê nên đồng bào ấp Bàu Sình khấm khá nhanh. Khi cuộc sống sung túc, đồng bào mạnh dạn hơn trong đầu tư vườn rẫy, hạ tầng, việc học tập của con em. “Xuân là của đất trời đem đến cho mọi người, mọi nhà. Tuy vậy, đồng bào Chơro của mình có được mùa xuân sung túc là nhờ ơn Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư hạ tầng, chăm lo đời sống, hướng dẫn cách làm, thay đổi cách nghĩ tiến bộ mới được như bây giờ”.
Đảng ủy, chính quyền xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) tặng quà tết cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Cùng háo hức niềm vui xuân mới như người già Điểu Rô, già làng Năm Nổi (ấp Lý lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) thuận tay khơi bếp than hồng tỏ bày, mấy ngày nay con cháu trong làng và cán bộ huyện, tỉnh liên tục đến thăm hỏi sức khỏe và tặng quà nên già vui lắm. Trải qua trên 80 mùa xuân, già Năm Nổi, “cây đại thụ” của đồng bào Chơro ở Phú Lý, vẫn không giấu được sự thúc giục của mùa xuân. Già làng Năm Nổi chậm rãi tâm tình, ông tự hào được ăn rất nhiều cái tết đặc biệt của đất nước và quê hương Vĩnh Cửu từ ngày đất nước thống nhất đến nay. Mỗi cái tết đều mang đến cho làng quê Phú Lý của ông một sắc thái mới. Tết vui nhất, hạnh phúc nhất khi cuộc sống được ĐCĐC, cái ăn, cái mặc được đủ đầy, tươm tất.
Già làng Nguyễn Văn Hoàng (ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) thổ lộ, ngày xưa nói đến tết bà con trong khu ĐCĐC còn sợ, lo nhà không có gì để ăn, để vui. Nay khác xưa rồi, bắt đầu tháng Chạp, bà con trong khu ĐCĐC cư đã lo thu hoạch mùa màng, sửa lại nhà, chăm chút cho con những bộ đồ mới để chờ tết đi chơi xa. “Giờ già cũng thích tết chứ nói gì tụi trẻ” - già Hoàng hồn nhiên nói. |
Dù bận rộn trên những chuyến xe chở quà tết về các khu ĐCĐC chúc tết, thăm hỏi đồng bào, ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, vẫn thân thiện chia sẻ, càng gần tết những chuyến công du của các thành viên trong Ban Dân tộc tỉnh về các khu ĐCĐC càng tất bật. Tuy vậy, được góp phần cùng toàn thể hệ thống chính trị đem mùa xuân đến cho đồng bào tất cả đều vui vẻ chạy đua với mùa xuân để không hộ đồng bào nghèo nào thiếu tết, thiếu quà. “Nông thôn mới đã nhanh chóng xóa đi sự lạc hậu, nghèo khó của các khu ĐCĐC. Nông thôn mới thật sự đem lại sức sống mới, tư duy mới trong từng nóc nhà, người dân mà chúng tôi đã đến thăm và tiếp xúc” - ông Điểu Bảo nói.
Cũng theo ông Điểu Bảo, không chỉ đem xuân về cho đồng bào bằng những món quà nghĩa tình của phương xa gửi tặng, các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh, đoàn thể chính trị còn tạo điều kiện cho đồng bào đón tết cổ truyền theo dân tộc mình, như: lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng); lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Sayangva (mừng lúa mới)…
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Dân tộc cấp huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của trung ương, tỉnh, huyện đến từng người dân, khu ĐCĐC. “Những cánh đồng bắp, lúa, cây ăn quả xanh tốt quanh các khu ĐCĐC giữa mùa khô. Đó là tín hiệu báo xuân sung túc, đủ đầy của làng quê mà đồng bào các dân tộc đang khấp khởi chờ đón” - ông Điểu Bảo cảm nhận của riêng ông về tết Ất Mùi 2015.
Đoàn Phú