Báo Đồng Nai điện tử
En

Đêm trắng trên đỉnh nhà giàn (Bài cuối)

09:02, 05/02/2015

Đoàn công tác chúng tôi may mắn được ngủ qua đêm tại Nhà giàn DK1/10, vừa nghỉ ngơi hồi phục sau chặng đường dài mệt mỏi, vừa vui tết sớm cùng các chiến sĩ trên nhà giàn. Đây là dịp may hiếm có vì không phải đoàn công tác nào cũng có cơ hội được tận hưởng một đêm ở nơi cao nhất trên bãi cạn Cà Mau này.

Đoàn công tác chúng tôi may mắn được ngủ qua đêm tại Nhà giàn DK1/10, vừa nghỉ ngơi hồi phục sau chặng đường dài mệt mỏi, vừa vui tết sớm cùng các chiến sĩ trên nhà giàn. Đây là dịp may hiếm có vì không phải đoàn công tác nào cũng có cơ hội được tận hưởng một đêm ở nơi cao nhất trên bãi cạn Cà Mau này.

* Gian nan đời lính nhà giàn

Đêm đầu tháng Chạp, trời không ánh trăng, nhưng bọc lấy đại dương mênh mông là một bầu trời đầy sao mà không phải lúc nào những người ở thành phố như chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng. Trong không gian tĩnh lặng ấy, một số cán bộ của Tiểu đoàn DK1 đóng quân nhiều năm tại các nhà giàn trút bầu tâm sự cùng đoàn phóng viên chúng tôi.

Tết sớm trên thềm lục địa của Tổ quốc.
Tết sớm trên thềm lục địa của Tổ quốc.

Tốt nghiệp Trường đại học chính trị (Bộ Quốc phòng) năm 2012, Trung úy Nguyễn Văn Cường được điều động về công tác tại Quân chủng Hải quân và đóng quân trên Nhà giàn DK1/10 từ ngày 2-1-2014 đến nay thì được chuyển vào đất liền. Trung úy Cường cho hay, với người trẻ tuổi như anh thì việc sống xa gia đình, xa phố thị thân quen quả là điều rất khó khăn. Năm nay, anh được ăn cái tết sum vầy cùng vợ con ở nhà nên rất hào hứng.

Đời sống của cán bộ, chiến sĩ tại nhà giàn rất khó khăn, nhất là vấn đề dự trữ nước ngọt. Do vị trí nằm ở rất xa nên mỗi năm Nhà giàn DK1/10 được tiếp tế nước ngọt 2 lần. Ngoài việc sử dụng cho sinh hoạt, những người lính nơi đây còn phải san sẻ nước ngọt cho ngư dân khi có tàu cá tấp vào xin nước. Nước ngọt dùng để tắm là cực kỳ hạn chế, sau khi tắm xong thì dùng nước đó để tưới rau cho tiết kiệm. Theo lời Trung úy Cường, cách đây đúng một tháng, mỗi người trên nhà giàn chỉ còn đúng 1 xô nước duy nhất để tắm.

Đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân, cho biết: “Nhà giàn DK1/10 là một trong số ít nhà giàn có bãi đáp trực thăng ở tầng thượng. Qua những chuyến bay từ đất liền ra bãi cạn này, tình cảm của bao lớp người đóng quân ở đây được vun đắp bằng sự quan tâm, động viên của nhân dân và các thế hệ lãnh đạo quân đội. Mùa bão, tàu cá chạy vào bờ, tàu chiến của hải quân lại chạy ra, “ăn sóng, nằm gió” cùng chiến sĩ trên nhà giàn; nếu không may nhà giàn sập thì kịp thời ứng cứu. Và hơn hết là chứng tỏ một điều, những người trong đất liền không bao giờ lãng quên những người hiến dâng tuổi xuân cho thềm lục địa này…”.

Bên cạnh nước ngọt thì lương thực, thực phẩm là vấn đề làm “đau đầu” những người sống trên giàn. Bởi, giữa biển khơi mênh mông, nguồn hải sản tươi sống không hề thiếu, hầu như lần nào thả câu cũng kéo được cá lớn tầm 15-20kg. Nhưng ăn mãi cá biển cũng ngán, dù có chế biến thành món gì đi chăng nữa, từ ăn tươi, đến làm khô, làm chà bông (ruốc), làm mắm... Do đó, chiến sĩ đóng quân trên nhà giàn rất mừng khi có một bữa thịt gà, vịt do ngư dân quý mến đem tặng.

“Tôi ở đây hơn một năm, con cá nặng nhất tôi từng câu được khoảng 30kg. Con cá đó, anh em chúng tôi ăn ròng rã nửa tháng trời mới hết. Nhiều lúc hết gạo, mọi người sống bằng cá biển ăn với rau xanh tự trồng. Người trong đất liền nhìn con cá tươi ngon ai nấy đều nói chúng tôi ăn sơn hào hải vị sung sướng mà nào có biết chúng tôi nhìn thấy cá đã ngán đến cổ rồi. Những phần thừa của cá, chúng tôi đổ ngược về biển để cho cá phía dưới nhà giàn ăn, nên dưới chân nhà giàn này nhiều cá lớn lắm” - Trung Cường vui vẻ kể.

Nhờ sự “hào phóng” của các chiến sĩ trên nhà giàn, nên theo lời kể của những người lính nhà giàn, vùng biển ở bãi cạn Cà Mau thường xuất hiện một con cá mập voi lớn, dài khoảng 8m. Lưng của nó bám đầy những con hà, bơi phía sau là một đàn cá nhỏ ăn thức ăn thừa của con cá mập voi. Nghe đến đây, nhiều người trong chúng tôi bất chợt lo lắng khi nghĩ đến việc sáng mai trở về tàu trên chiếc xuồng nhỏ mà chẳng biết phía dưới làn nước kia có thứ gì đang chờ đợi.

* Gửi tình yêu từ nơi biền biệt

Lần này đến đóng quân tận bãi cạn Cà Mau, Thiếu tá Đinh Đắc Bình không khỏi canh cánh trong lòng nỗi lo về gia đình nhỏ ở huyện Nhơn Trạch. Anh có 2 con, 1 trai và 1 gái, đang học THCS. Vì nhiệm vụ, anh phải tạm xa gia đình ra đóng quân ở nơi “cùng trời cuối đất” này. May mắn là vợ anh làm giáo viên tiểu học ở gần nhà nên cũng thuận tiện chăm sóc gia đình trong lúc anh làm nhiệm vụ ở nhà giàn.

“ Tôi tự động viên bản thân cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, thời gian như tên bay vun vút, chẳng mấy chốc mà đoàn tụ, nhưng đi xa thế này để vợ con ở nhà cũng lo lắng. Đã nhiều lần đóng quân ở nhà giàn, nhưng lần nào ra đây cũng bồi hồi xúc động. Không chỉ tôi, mà ngay cả những anh em chưa có gia đình cũng thế. Sống giữa chốn mênh mông, quanh năm không bóng người này, tinh thần phải thật vững vàng mới có thể trụ nổi” - Thiếu tá Bình tâm sự.

Chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng trên nhà giàn.
Chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng trên nhà giàn.

Cùng với các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, trên tàu HQ621 ra thăm nhà giàn lần này còn có một số chiến sĩ vừa hoàn thành giai đoạn huấn luyện tân binh cũng lên đường ra đóng quân nơi đầu sóng, ngọn gió. Binh nhất Nguyễn Văn Lượm (quê ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cho biết, anh nhập ngũ tháng 2-2014 và được đưa về huấn luyện tại Vùng 5 Hải quân. Sau đó, anh được thuyên chuyển về Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Hải quân. Đợt này, anh ra bãi cạn này đóng quân để gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc.

Trong cái lạnh cắt da của đại dương về đêm, câu chuyện trở nên xôm tụ khi có sự góp mặt của Trung tá Cáp Văn Hải, người từng là Chỉ huy trưởng của Nhà giàn DK1/10 vào năm 1996. Tâm sự của người lính già, tóc điểm sương về chuyến quay lại thăm trạm gác năm xưa đã dấy lên trong suy nghĩ của những người lần đầu đến đây như chúng tôi một tình cảm của những người trai đất liền dành cho mỏm đất xa xôi, vượt qua cả cực Nam Tổ quốc này.

Những người lính đóng quân trên Nhà giàn DK1/10 năm nay hầu hết đến từ các miền quê gắn liền với biển, hiếm hoi có vài người xuất thân từ các tỉnh nằm sâu trong đất liền. Với họ, những quân nhân trẻ tuổi, biển cả là một điều gì đó rất thiêng liêng, gắn với thời thơ ấu chạy dọc các làng chài, gắn với đời nghề, với binh nghiệp.

“Tôi xuất thân từ Học viện kỹ thuật mật mã (Bộ Quốc phòng) và được điều động về Quân chủng Hải quân. Lênh đênh trên biển nhiều năm trời, cảm giác thiếu vắng hơi ấm gia đình cũng vơi dần, chỉ còn biết tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc…” - Thiếu úy Đinh Trọng Tuấn bộc bạch chân tình.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều