Báo Đồng Nai điện tử
En

Đêm dài trên bãi cạn Tư Chính (Bài 2)

09:02, 02/02/2015

Ngày thứ ba của cuộc hải trình, chúng tôi dừng lại ở bãi cạn Tư Chính. Ngay tại nơi đây, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về cuộc sống trên biển và những chuyến đi sóng gió mà thủy thủ đoàn kể lại bên những tách trà mặn mòi mùi biển…

Ngày thứ ba của cuộc hải trình, chúng tôi dừng lại ở bãi cạn Tư Chính. Ngay tại nơi đây, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về cuộc sống trên biển và những chuyến đi sóng gió mà thủy thủ đoàn kể lại bên những tách trà mặn mòi mùi biển…

Chuẩn bị dây neo.
Chuẩn bị dây neo.

Sau khi hàng hóa đã vào đến Nhà giàn DK1/15 an toàn, tàu chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến 3 nhà giàn tiếp theo là: DK1/11 (Tư Chính 3), DK1/12 (Tư Chính 4) và DK1/14 (Tư Chính 5), đều nằm tại bãi cạn Tư Chính, chếch về phía Tây Nam so với bãi cạn Phúc Nguyên. Sóng gió vẫn không giảm so với ngày tiếp hàng cho Nhà giàn DK1/15 cách 24 giờ trước. Sau khi xem xét tình hình hàng hóa và điều kiện thời tiết, Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Thịnh vẫn chọn cách chuyển hàng bằng cách cột vào phao để người trên nhà giàn kéo lên.

* Thả neo mùa biển động

Màn đêm buông xuống, tàu chúng tôi di chuyển từ vị trí Nhà giàn DK1/11 đến DK1/12 và quyết định neo lại đợi đến sáng mai mới chuyển hàng. Biển vẫn động rất mạnh nên riêng công đoạn thả neo đã khiến cho thủy thủ đoàn một phen vất vả. Con tàu vận tải HQ621 với trọng tải 450 tấn đồ sộ là thế mà vẫn bị sóng cấp 5-6, giật cấp 7 làm chao đảo, khiến nhóm phóng viên lần đầu đi biển cảm thấy khá lo lắng.

Trên khoang lái, Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Thịnh và Thuyền phó Nguyễn Duy Thủy vừa căng mắt quan sát nhân viên boong thả neo, vừa ra lệnh thông qua hệ thống loa, bộ đàm của tàu. Trong màn đêm đen kịt của đại dương, mọi người căng mắt tìm một vị trí trên bãi cạn nhỏ nhoi để cho con tàu ngơi nghỉ sau chuyến hải trình dài. Bóng áo phao phản quang thấp thoáng trên mũi tàu dập dờn theo cơn sóng, họ như ngọn đèn bão vững vàng trước sự giận dữ của biển. Mặc kệ những hiểm nguy rập rình trong đêm, các chiến sĩ vẫn kiên trì hành động theo lệnh người chỉ huy cao nhất của tàu.

Khu vực nhà giàn DK1 gồm 15 nhà giàn hiện đang sử dụng được xây trên các bãi cạn: Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè và Cà Mau. Trong đó, bãi cạn Tư Chính hiện có 3 nhà giàn đang hoạt động và đây là một trong những bãi cạn đầu tiên được Việt Nam xây dựng nhà giàn (vào năm 1989).

Thiếu tá Trần Cao Tấn, nhân viên lái tàu, cho biết các bãi cạn là một mỏm đất nhỏ nhô lên giữa đại dương (nhưng vẫn nằm dưới mặt nước), nên khi buông neo trong đêm chỉ cần tàu đi trượt ra khỏi mép bãi cạn là mỏ neo không có điểm tựa để móc vào và phải thực hiện neo lại. Phải mất hơn 2 giờ và đến lần thả neo thứ tư, tàu mới có thể dừng lại được. Suốt mấy ngày di chuyển trên biển, đến ngày thứ ba của chuyến hải trình, chúng tôi mới có thể lắng nghe trọn vẹn tiếng sóng đại dương khi máy tàu đã nghỉ.

“Sóng cấp 5-6 rất lớn nên có lúc anh em thả được neo chạm bãi cạn rồi, nhưng vẫn bị sóng đánh kéo rê neo đi. Khi đó, tàu phải vòng lại để tìm vị trí thả neo khác. Lần thứ hai chúng tôi buông neo vẫn gặp phải tình huống tương tự, thả hết 170m dây xích mà vẫn không thể tìm được vị trí để móc mỏ neo vào, đủ biết việc thả neo trên bãi cạn vào ban đêm khó khăn đến mức nào” - Thiếu tá Nguyễn Hữu Dũng, nhân viên ngành boong của tàu HQ621, người trực tiếp điều khiển các dây xích neo tàu, kể.

* Tâm sự người lính biển

Đến tận ngày thứ ba trên biển, số lượng người say sóng vẫn không giảm, gần như tất cả phóng viên đều chỉ có thể nằm hoặc ngồi một lúc, việc di chuyển trên tàu rất hạn chế. Thế nhưng những cán bộ làm nhiệm vụ trên tàu, dẫu cơn say sóng “hành hạ” họ ít nhiều nhưng vì trọng trách trên vai nên luôn cố gắng đương đầu.

Tranh thủ phút nghỉ ngơi giữa những ca trực, một vài cán bộ trên tàu quây quần trong phòng sinh hoạt của tàu và kể cho chúng tôi nghe đời đi biển của họ. Như một khúc hát được đệm nhạc bằng tiếng sóng biển vỗ mạn tàu, hình ảnh những người lính biển được tạc nên trong tâm trí chúng tôi qua lời kể của những quân nhân, sĩ quan một đời rong ruổi theo con sóng.

Phút thảnh thơi trên tàu hải quân.
Phút thảnh thơi trên tàu hải quân.

“Tôi làm lái tàu đã 25 năm rồi, riêng ở tàu HQ621 này đã đúng 3 năm, nắm đường biển cứ như chỉ tay trong lòng bàn tay mình, úp mở thế nào, ngày đêm ra sao cũng biết. Tôi còn nhớ như in, một ngày của tháng 5-2007, ngay tại vùng biển DK1 này đây, khi đó là phiên lái của tôi thì bộ phận thông tin nhận được tín hiệu cầu cứu của một tàu cá từ Bình Định vào đánh bắt tại gần bãi Ba Kè. Theo như tin báo thì tàu của ngư dân bị hư máy không khởi động được. Thuyền trưởng đã chỉ huy cho tàu di chuyển đến gần vị trí của tàu cá và nhanh chóng hạ xuồng, đưa người đi sửa chữa tàu. Ngoài bãi Ba Kè biển động rất mạnh, cũng như bây giờ, sóng đến cấp 6-7 nhưng chúng tôi không thể bỏ mặc ngư dân, đã cố gắng hết sức khắc phục sự cố cho họ” - Thiếu tá Tấn kể lại.

Điều bất ngờ hơn là 5 năm sau, Thiếu tá Tấn lại nhận được tín hiệu của chính chiếc tàu cá Bình Định kia và người chủ tàu vẫn còn nhớ rõ tên tuổi của những chiến sĩ đã cứu họ, đã ôm chầm lấy Thiếu tá Tấn. Thiếu tá Tấn nghẹn ngào bộc bạch, đời đi biển của ông gặp sóng gió, bão bùng đã nhiều, nhưng lần ấy, người lính kiên cường như ông đã rơi nước mắt trước tình cảm ngư dân dành cho người lính hải quân.

Hơn 20 năm điều khiển nhiều loại tàu, Thiếu tá Tấn đã kinh qua không ít mùa biển động, những trận bão đi vào lịch sử. Ông cho hay, trên tàu chia cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiều ngành, nhưng tất cả đều phải có một điểm chung là sức khỏe thuộc loại tốt. “Có những lần công tác kéo dài suốt 3-4 tháng trên biển, nếu không có tinh thần thép thì khó lòng vượt qua được tâm lý nhớ nhà và sự mệt mỏi trên tàu. Tiếng máy chạy ầm ầm ngày đêm, áp lực của việc bảo vệ tàu, làm nhiệm vụ trên biển… liên tục đè lên vai, dù ở bất kỳ vị trí nào cũng khó có một phút ngơi tay. Vì nhân lực trên tàu có hạn nên mọi người thường kiêm luôn vài nhiệm vụ phụ bên cạnh chuyên môn chính, để khi có biến cố xảy ra sẽ có người thay thế ngay lập tức. Nhất là khi có ai đó hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, tàu vẫn phải tiến về phía trước và “lấp” ngay vị trí bị khuyết đó bằng một nhân viên khác có trình độ chuyên môn không thua kém” - Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Thịnh chia sẻ.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều