Để có được những cỗ chiến xa dũng mãnh, bách chiến, bách thắng khi xung trận, việc chăm sóc "sức khỏe" cho xe tăng là trách nhiệm lớn lao của những người lính thợ - những "bác sĩ" của xe tăng.
Trong các quân, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh chủng Tăng - thiết giáp là lực lượng đột kích mạnh, mang yếu tố quyết định trong các trận đánh lớn. Để có được những cỗ chiến xa dũng mãnh, bách chiến, bách thắng khi xung trận, việc chăm sóc “sức khỏe” cho xe tăng cũng là trách nhiệm lớn lao của những người lính thợ, những “bác sĩ” của xe tăng.
Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trên xe tăng T54. |
Trung tá Lê Minh Chính, Phó chủ nhiệm kỹ thuật Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 26, người có hàng chục năm làm “bác sĩ” của xe tăng, nói vui: “Làm “bác sĩ” chăm sóc xe tăng vất vả lắm, suốt ngày chỉ làm bạn với những khối sắt thép nặng nề. Nhưng mỗi khi sửa chữa, khắc phục xong những hỏng hóc của xe để đưa vào huấn luyện, phục vụ cho công tác sẵn sàng chiến đấu thì anh em chúng tôi vui lắm”.
* Yêu xe như con
Để giúp chúng tôi hình dung được sự vất vả của những người lính sửa chữa xe tăng, Trung tá Lê Minh Chính cho biết, xe tăng là lực lượng có hỏa lực mạnh, tính cơ động cao, hoạt động trong mọi địa hình, mọi thời tiết và được sử dụng trong các trận đánh quyết định hợp đồng quân, binh chủng. Do cấu tạo của xe tăng phức tạp, với nhiều hệ thống chi tiết nên việc nắm bắt, am hiểu đầy đủ cấu tạo kỹ thuật và tính năng, tác dụng của từng hệ thống thiết bị trong xe đòi hỏi những người lính thợ phải nỗ lực không ngừng.
Quay sang Thiếu tá Nguyễn Hữu Quế, Phó đại đội trưởng kỹ thuật Đại đội sửa chữa xe tăng Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 26, đang ngồi bên cạnh, Trung tá Lê Minh Chính giới thiệu với chúng tôi: “Anh Quế là một cây sáng kiến của đơn vị, người đã từng làm “sống lại” nhiều cổ chiến xa bị hỏng hóc tưởng chừng không thể khắc phục để đưa vào phục vụ huấn luyện, chiến đấu đạt hiệu quả cao”.
Theo lời Thiếu tá Quế, xe tăng T54 do Liên Xô sản xuất từ thời chiến tranh chống Mỹ. Trải qua quá trình phục vụ chiến đấu, huấn luyện nhiều năm, tình trạng kỹ thuật của xe đã xuống cấp rất nhiều. Để đảm bảo cho xe tăng hoạt động đạt hiệu quả cao, đòi hỏi tình trạng kỹ thuật của xe phải hoàn chỉnh tuyệt đối. Từ yêu cầu nhiệm vụ và sự đòi hỏi khắt khe như vậy, để làm chủ vũ khí và trang bị, điều kiện tiên quyết là lực lượng thợ kỹ thuật của Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 26 phải được đào tạo bài bản ở các trường chuyên môn của quân đội và đều có tâm huyết “yêu xe như con”.
* Xe, pháo sẵn sàng chiến đấu
Thiếu tá Nguyễn Hữu Quế cho biết thêm, do có cấu tạo phức tạp với nhiều hệ thống, như: phần cơ, bộ phận chuyển động, chuyển hướng, hệ thống điện, hệ thống vũ khí, hệ thống thông tin, hệ thống quang học… nên để những chiếc xe tăng hoạt động trơn tru, sẵn sàng xung trận mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi những người lính thợ phải hiểu kỹ tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động và tình trạng kỹ thuật của xe. Mỗi chiếc xe tăng phải có 5-7 người lính thợ theo dõi chăm sóc và mỗi người chỉ đảm đương một hệ thống trên xe theo phương châm “giỏi một việc nhưng biết nhiều việc”, để khi cần thiết có thể thay thế mà không phải bị động. Nhưng muốn đạt được điều đó, mỗi người lính thợ phải thường xuyên học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề và ít nhất phải qua 5 năm làm thợ sửa chữa mới am hiểu đầy đủ tính năng, cấu tạo của từng hệ thống thiết bị trên xe tăng.
Lính thợ kiểm tra hệ thống vũ khí trên xe. |
Đáng mừng là ở Đại đội kỹ thuật Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 26, ê kíp lính thợ đều là những người lành nghề, trong đó 100% đã qua đào tạo chuyên môn, 50% qua đào tạo trung cấp và có thâm niên sửa chữa nhiều năm nên rất nhạy trong việc “bắt bệnh” của xe tăng mỗi khi có trục trặc.
Cũng theo Thiếu tá Quế, do xe sản xuất đã lâu, các thiết bị theo xe đã cũ, xuống cấp, lại làm việc ở cường độ cao nên xe tăng thường xảy ra hỏng hóc. Khi gặp các sự cố, lính thợ phải tỉ mỉ kiểm tra tìm nguyên nhân hỏng hóc. Nếu phát hiện thiết bị, phụ tùng hư hỏng liên quan đến kỹ thuật cao, không thể thay thế thì phải cho xe dừng hoạt động, báo cáo về cấp trên để đưa xe đi đại tu. Còn nếu gặp hỏng hóc ở những chi tiết đơn giản, yêu cầu kỹ thuật không khắt khe thì lính thợ có thể tự tìm vật tư, phụ tùng thay thế, khắc phục, đảm bảo cho xe lúc nào cũng hoạt động tốt, sẵn sàng xuất kích làm nhiệm vụ khi có lệnh.
Lật từng trang nhật ký của Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 26, chúng tôi thấy chưa có lần nào xe, pháo bị hỏng hóc mỗi khi bước vào mùa huấn luyện, diễn tập. Điều này đã góp phần giúp cho đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hàng năm. Trong những ngày đầu năm 2015 này, mùa xuân có lẽ như đến sớm hơn với đơn vị khi được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đề nghị Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua “Đơn vị huấn luyện giỏi năm 2014”. |
Chính từ trách nhiệm đối với những cỗ chiến xa, những người lính thợ ở Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 26 đã phát huy hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo quản, sửa chữa xe, pháo. Trong đó có những sáng kiến đoạt giải nhất hội thi kỹ thuật cấp quân khu năm 2013, như sáng kiến “Giá kéo đẩy thân pháo để tháo lắp bộ phận hãm, lùi, đẩy lên của pháo 100 ly trên xe tăng T54” của Thiếu tá Nguyễn Hữu Quế.
Nói về sáng kiến này, Thiếu tá Quế cho biết, thiết bị trên xe tăng đều là những thiết bị nặng, trong khi ta không có phương tiện chuyên dùng để câu, nâng thiết bị này mỗi khi đưa xe vào sửa chữa, lính thợ phải dùng sức hết sức vất vả, có khi không đảm bảo an toàn lao động. Từ khi đưa sáng kiến này vào áp dụng, việc nâng, cẩu thân pháo 100 ly trên xe tăng T54 được thực hiện nhẹ nhàng, an toàn, một người cũng làm được, thay vì trước đây cần phải làm đến 4 người.
Những ngày đầu xuân, nghe lại câu chuyện đóng góp thầm lặng của những người lính thợ ở Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 26 trong việc chăm sóc, bảo dưỡng những cỗ chiến xa phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lòng chúng tôi càng thêm phấn chấn.
Đức Việt