40 năm đón xuân yên bình ở Việt Nam, ông Thạch Kía (còn gọi là Nguyễn Văn Kía hay Ba Kía, ngụ ấp Suối Quýt, xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) cảm nhận được hạnh phúc của một công dân Khmer trên đất Việt khi thoát được nạn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary...
40 năm đón xuân yên bình ở Việt Nam, ông Thạch Kía (còn gọi là Nguyễn Văn Kía hay Ba Kía, ngụ ấp Suối Quýt, xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) cảm nhận được hạnh phúc của một công dân Khmer trên đất Việt khi thoát được nạn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. “Ngày Pol Pot kéo vào chợ quê tôi cướp bóc, bắt bớ và tàn sát dân thường, gia đình của ông tôi phải ly tán mỗi người một phương, không biết ai còn, ai mất. Riêng tôi thì bấn loạn chạy theo dòng người sang Việt Nam” - ông Thạch Kía cho hay.
* Ký ức buồn…
Chỉ những dây tiêu đang bám chặt thân điều tìm điểm tựa để vươn mình, ông Ba Kía tâm sự, cuộc đời ông cũng như những dây tiêu kia, được vươn lên mạnh mẽ trên đất nước Việt Nam yên bình. Ông vốn mang một nửa dòng máu Việt (mẹ gốc Việt Nam, cha gốc Campuchia). Cha ông là chủ đoàn xe đò giàu có ở Phnom Penh. Tuy sống trong gia đình giàu có, nhưng ông lại thiếu tình thương của mẹ khi mới vài tháng tuổi. Theo như lời cha ông kể lại, mẹ ông vì không chịu được cảnh chồng chung nên lặng lẽ giao con cho chồng rồi trở về Việt Nam sinh sống.
Ông Thạch Kía ví mình như dây tiêu vươn lên mạnh mẽ trên đất nước Việt Nam yên bình. Ảnh: Đ.PHÚ |
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành xây dựng, ông Ba Kía bắt đầu bôn ba theo các công trình xây dựng. Tháng 2-1975, ông Ba Kía đang giám sát công trình ở xa nhà thì quân Pol Pot kéo đến tàn sát dân làng. Chứng kiến cảnh chúng cướp bóc tài sản của dân, bắt những người dân Khmer phải phục tùng và giết hại những người Việt Nam, Campuchia phản đối nạn diệt chủng, ông hoảng loạn theo dòng người tản cư về những nơi không có tiếng súng. Trên bước đường chen chúc theo dòng người chạy loạn, tiếng khóc thét của trẻ con, xác người trúng đạn, những người kiệt sức ngã gục ven đường như thôi thúc ông cố bám theo dòng người tìm nơi yên bình.
Ông Nguyễn Văn Thức, cán bộ phụ trách tôn giáo - dân tộc xã Cẩm Đường, cho biết khi kinh tế khá giả, ông Thạch Kía rất nhiệt tình đóng góp cho các phong trào xã hội ở địa phương. Sự hiếu học và thành đạt của các con ông Thạch Kía luôn là tấm gương sáng để đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã tự hào và noi theo. “Ông Thạch Kía luôn sống có trách nhiệm, hòa đồng với gia đình và xóm làng. Ông luôn nhường những suất quà mình được hỗ trợ (theo chính sách dành cho người dân tộc thiểu số) cho những hộ khó khăn khác để họ có điều kiện vươn lên, vui xuân trọn vẹn” - ông Thức tỏ bày. |
Ông đã từng chứng kiến cảnh Pol Pot xả súng vào những người Campuchia yêu hòa bình và trói tay những người gốc Việt thành xâu dài thả sông Tonlé Sap, ông Ba Kía lo lắng cho cha, anh trai và người em gái đang kẹt trong thành phố khó thoát khỏi sự tàn bạo của bọn Pol Pot. Ông theo dòng người chạy qua rất nhiều làng mạc và xót xa nhìn cảnh nhà cửa tan hoang, những xác người co quắp vì trúng đạn, vì đói đến kiệt sức. “Chứng kiến cảnh trẻ con khóc thét vì lạc người thân; người già, phụ nữ phờ phạc cố lê bước theo dòng người để khỏi bị bỏ lại tôi chạy mà không biết mình chạy đi đâu, liệu có thoát được sự truy lùng của Pol Pot hay không. Ký ức tang tóc đó, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên được” - ông Ba Kía bồi hồi tâm sự.
Sau nhiều ngày chạy loạn, ông Ba Kía theo dòng người xuống tàu rời Campuchia. Người dân ùn ùn chen nhau xuống tàu, người như nêm chật kín các boong tàu, hầm tàu. Khi tàu nhổ neo rời bến, người dân được thủy thủ cấp cho bánh mì, lương khô, nước uống. Lúc này, đoàn người đã bớt hoảng loạn. Mọi người tìm cách liên lạc với nhau để tìm người quen hỏi thông tin về người thân và giúp đỡ những người già, trẻ em kiệt sức ngất xỉu. “Lên được tàu, tôi biết vậy là mình được cứu, còn tàu chở mình đi đến đâu để tị nạn thì lúc đó tôi không rõ lắm” - ông Ba Kía nhớ lại.
* Hạnh phúc trên đất Việt Nam
Sau nhiều ngày lênh đênh trên tàu, ông Ba Kía và đoàn người tị nạn cập bến tại tỉnh Vĩnh Long. Rời tàu lên bờ, mọi người được chính quyền sở tại sắp xếp nơi ở, cấp lương thực trong 6 tháng. Sau 30-4-1975, ông đến TP.Biên Hòa lập nghiệp và lấy vợ.
Tháng 1-1977, ông Ba Kía đưa vợ và các con về xã Suối Quýt (lúc đó chưa sáp nhập vào xã Cẩm Đường) xây dựng kinh tế mới. Tại đây, ông được chính quyền và người dân tín nhiệm bầu làm Phó trưởng Công an xã Suối Quýt. Đến năm 1985, ông lên TP.Hồ Chí Minh làm nghề xây dựng. “Để có tiền gửi về nhà cho vợ nuôi 3 con ăn học, ngày tôi bám công trình xây dựng, chiều về mượn công viên, sạp chợ làm nơi nghỉ ngơi. Đến năm 2002, do bị bệnh nên tôi quay về Suối Quýt làm nông” - ông Ba Kía tâm sự.
Thương các con hiếu học, vợ chồng ông Ba Kía chắt chiu từng đồng dành dụm được để các con lần lượt bước vào giảng đường đại học. May sao, khi chỉ vàng cuối cùng được bán ra, căn nhà gỗ sắp sập thì cô con gái út của ông Ba Kía tốt nghiệp đại học, xin được việc làm. “Năm 2004, con trai đầu đã mua vật liệu về cho vợ chồng tôi cất nhà. 11 tháng liền, vợ chồng tôi tự tay dựng lên ngôi nhà mà không tốn một đồng tiền thuê thợ. Tôi thật hạnh phúc khi được sống ở Việt Nam. Việt Nam cho tôi người vợ hiền và các con chăm học, hiếu thảo với cha mẹ” - ông Ba Kía nói.
Ông Thạch Kía (bên trái) cùng con trai về thăm lại cố hương để tìm người thân (ảnh nhân vật cung cấp). |
Thời gian sống ở Suối Quýt, ông Ba Kía có đôi lần về lại cố hương tìm người thân, nhưng vẫn chưa tìm được người thân bị thất lạc ở Campuchia và người mẹ Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kiên Giang. Theo ông Ba Kía, có thể người thân của ông lưu lạc đâu đó mà ông chưa tìm ra. Tuy vậy, ông luôn hạnh phúc khi có vợ hiền, con ngoan và được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ trong quá trình định cư ở Suối Quýt. Vì vậy, mỗi mùa xuân đến, ông Ba Kía đều tìm cách chia sẻ những món quà xuân của mình đến người nghèo.
Bước chân sột soạt trên đám lá điều khô, ông Ba Kía một lần nữa ví mình như những dây tiêu đang bám chặt thân điều trong vườn nhà, nên lúc cuộc sống khó khăn gia đình ông vẫn kiên cường bám trụ để sinh tồn. “Thời còn ăn cơm độn với bắp, khoai, vợ chồng tôi không dám ăn no mà luôn dành dụm để phòng khi đói kém. Đến khi con cái bước vào đại học, vợ chồng tôi chắt mót từng đồng để lo cho con. 40 mùa xuân qua, tôi luôn nhớ về cố hương, nhưng trong lòng vẫn không quên những mùa xuân hạnh phúc ở Suối Quýt. Mùa xuân ở đây luôn ấm áp tình người…” - ông Ba Kía bộc bạch.
Đoàn Phú