Với bàn tay tài hoa trời phú, ông Đoàn Minh Tiên quyết định mở xưởng mộc. Đến nay, sau gần 40 năm trụ vững với nghề, bộ sưu tập gỗ nghệ thuật của ông đã có hàng trăm tác phẩm giá trị...
Trong khuôn viên rộng hơn 1 hécta vừa làm xưởng chế tác, vừa làm nơi trưng bày các sản phẩm từ gốc, rễ cây của ông Đoàn Minh Tiên (58 tuổi, ngụ ấp 5, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), ở đâu cũng thấy những gốc cây xù xì, đầy gai góc. Nhiều gốc cây phơi mưa nắng lâu ngày nhưng không bị mục nát, mà còn săn cứng thêm theo thời gian.
Ông Đoàn Minh Tiên bên bức tượng gỗ mỹ nghệ. |
Ở xưởng sản xuất của ông Tiên, thoang thoảng mùi thơm của gỗ, sơn mài và đặc biệt là âm thanh lốc cốc, chan chát của tiếng đục, chạm trổ vang lên rộn rã. Từ những gốc cây xù xì, vô tri giác, qua bàn tay của ông Tiên trở nên có “hồn”, mang tính nghệ thuật và có giá trị kinh tế cao. Mỗi sản phẩm đều mang một nét đẹp riêng, tượng trưng cho “cái hồn” nghệ thuật mà người thợ gửi gắm qua cách tạo dáng, đường nét chạm trổ.
* Từ nông dân đến nghệ nhân
Ông Tiên cho biết, ông đến với nghề mộc mỹ nghệ bởi tính ham làm, thích sáng tạo. Năm 1976, ông đi xây dựng kinh tế mới, khai khẩn đất hoang làm nơi trồng khoai mì, bắp. Thấy những gốc cây to lớn nằm lăn lóc trên bãi đất, ông muốn mang về nhà làm củi nấu nên dùng dao tỉa tót cho gọn để tiện bề di chuyển. “Sau khi tỉa các gốc cây, tôi quyết định không làm củi nấu mà để lại làm cảnh trong nhà. Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi lại ra đẽo, gọt gốc cây liên tục. Dần dà, nó cũng trở nên “có hồn”, có hình dáng như tôi muốn. Hết giờ lên rẫy, tôi ngồi một mình hàng giờ chỉ để ngắm, hình dung xem gốc cây này có thể làm được hình gì” - ông Tiên cho hay.
Để không phí, làm hao tổn những gốc cây có hình dáng độc và lạ, ông lấy đất sét đắp thành khối lớn rồi đem phơi nắng. Sau đó, ông “thí nghiệm” hình dáng, tạc tượng lên đất sét và chỉ khi nào thấy chắc ăn mới áp dụng vào các gốc cây.
Nhiều khi ý tưởng về tác phẩm chợt đến ngay lúc ông chuẩn bị nghỉ ngơi, giờ ăn cơm hay thiu thiu đi vào giấc ngủ. Những lúc như vậy, ông liền cầm đục, cưa chế tác. Chỉ sau vài đêm thức khuya, dậy sớm, những gốc cây đã có đủ hình dáng độc đáo, ngộ nghĩnh. Tạc tượng gỗ xong, ông đem trưng bày trong nhà, khách đến chơi thấy đẹp, ngỏ ý mua lại.
“Từ khi mở xưởng gỗ đến nay, sản phẩm tôi bán được giá cao nhất là 350 triệu đồng, khi tạo chiếc thuyền từ gốc gỗ sao. Có những gốc cây quý, tôi giữ gìn, chăm chút như một báu vật do thiên nhiên ban tặng” - ông Tiên tâm sự. |
Khi có chút kinh nghiệm, ông Tiên bắt đầu sưu tầm, tìm mua những gốc cây bỏ đi về làm thử và phát hiện nhiều gốc cây cổ thụ dáng hình lạ. Với con mắt nghệ thuật, ông đã biến những vật vô tri ấy thành những tác phẩm có giá trị cao. Từ đó, chúng lần lượt theo chân ông đi khắp nơi, từ triển lãm, trưng bày đến buôn bán, giao thương. “Từ đam mê, tôi say sưa học hỏi để từng bước cải tiến, rút kinh nghiệm, bắt đầu làm từ vật nhỏ, đơn giản đến những vật dụng lớn có chi tiết phức tạp. Khi nhiều người bắt đầu chú ý, tôi mới mạnh dạn bước vào sản xuất, thuê nhân công về hỗ trợ. Là một nông dân thứ thiệt, quen cầm cuốc, tôi bắt đầu biết đến khoan, đục, máy tiện… Càng làm càng mê mẩn, nó như cái duyên lậm vào người lúc nào không hay” - ông Tiên chậm rãi nói.
* Biến gốc cây thành vàng
Ngót 10 năm kể từ khi biết đến nghề mộc mỹ nghệ cho đến lúc trình làng các sản phẩm trong đợt triển lãm đầu tiên vào năm 1986 ở TP.Hồ Chí Minh, ông Tiên dần được khách hàng khắp nơi nghe tiếng. Ông trở thành người tiên phong ở Đồng Nai biến gốc cây thành… “vàng”. Thời điểm ấy, ở Xuân Lộc hiếm có người biết làm nghề mộc trong khi nhu cầu lại rất lớn.
Với bàn tay tài hoa trời phú, ông quyết định mở xưởng mộc. Đến nay, sau gần 40 năm trụ vững với nghề, bộ sưu tập gỗ nghệ thuật của ông đã có hàng trăm tác phẩm giá trị. Mỗi tác phẩm sau khi hoàn thành được coi là hàng hiếm, khó kiếm ở đâu được cái thứ hai. “Các sản phẩm từ gốc cây đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình, các con của tôi có điều kiện học tập đầy đủ. Trước đây khi chưa đến với nghề, cơm ngày ba bữa còn khó, giờ thì đời sống khấm khá. Hàng làm ra không chỉ giao thương trong nước mà còn xuất bán nước ngoài. Mỗi tháng xuất được vài container hàng đi các nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc…” - ông Tiên vui vẻ cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm của cơ sở ông Tiên không còn bó hẹp từ các gốc cây, mà còn chuyển sang gỗ nguyên khối. Ảnh: T.Hải |
Gốc cây cổ thụ vốn được coi là bộ “hóa thạch” tưởng chừng không còn sử dụng, chôn vùi dưới lòng đất qua bàn tay tài hoa của người thợ đã trở thành những bộ bàn ghế, vật dụng trang trí nội thất đẹp mắt, khiến nhiều người thích thú. Trong khuôn viên nhà ông Tiên, chỗ nào cũng có thể làm nơi trưng bày các sản phẩm mới, từ xe, nhà gỗ mô hình, thác nước đến tượng đủ loại hình các con vật…
Vào thời làm ăn hưng thịnh, các đơn hàng xuất đi không ngớt, gần 20 thợ tay nghề cao làm việc cật lực mới đáp ứng đủ yêu cầu của khách. Theo lời ông Tiên, với mỗi sản phẩm xuất xưởng, cơ sở ông thường thu về lợi nhuận từ 40-60%. Nhưng từ năm 2010 đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên nhiều cơ sở phải hoạt động cầm chừng. Thu nhập từ gỗ mỹ nghệ của gia đình ông giảm sút, nhưng cơ sở ông vẫn có đơn hàng nhờ biết đổi mới, đa dạng sản phẩm. Vào những ngày cuối năm, nhu cầu gỗ mỹ nghệ từ gốc cây tăng lên, xưởng gỗ của ông hoạt động rộn ràng hơn.
Các con trong nhà đều được ông Tiên truyền nghề, chỉ dạy tận tình. Đến nay, ai cũng trở thành những người thợ tài giỏi, tác phẩm tạo ra chất lượng không thua kém cha mình.
Cũng như cha, “chất” nghệ thuật đã thấm vào máu của anh Đoàn Minh Đức từ lúc biết cầm dùi, đục, máy tiện để biến gốc, rễ cây thành những món đồ gỗ có giá trị. “Cha là người thầy trong nghề, tôi học ông qua từng đường nét khi tạo hình, nhưng độ chín về tài nghệ thì tôi còn thua xa” - anh Đức chia sẻ.
Theo nghề gần 20 năm, anh Đức cùng cha đã đi khắp nơi để “săn” bằng được bộ gốc, rễ cây đẹp. Có gốc cây tuổi thọ hơn trăm năm mà vẫn nguyên vẹn, không hề bị mối mọt, chất lượng tốt khiến những người trong nghề mất ăn, mất ngủ. Từ những gốc cây, người thợ phải nhìn ra được cách tạo dáng, tạo hình cho nó rồi mới tạo ra con gì, thế gì cho đẹp.
“Ngày trước, người ta chuộng những gốc cây có thể tạc hình bàn ghế, nhà cửa, tượng người, cũng vì nguồn nguyên liệu trong thiên nhiên đa dạng. Bây giờ, kiểu mẫu nhỏ lại dễ tiêu thụ, bán chạy hơn. Giá trị gốc cây dựa vào chất gỗ, tuổi thọ và hình dáng độc, lạ” - anh Đức nói.
Thanh Hải