Đặt chiếc chậu chưa nung lên tấm nệm, những người thợ chấm men dùng một tay giữ chắc thành chậu, tay còn lại cẩn thận "đi" từng đường cọ để "lên" các lớp men cho sản phẩm....
Đặt chiếc chậu chưa nung lên tấm nệm, những người thợ chấm men dùng một tay giữ chắc thành chậu, tay còn lại cẩn thận “đi” từng đường cọ để “lên” các lớp men cho sản phẩm. Dần dần, những chậu đất trắng muốt “khoác” lên chiếc áo men phớt hồng và khi qua một lần lửa, lớp men ấy sẽ chuyển thành những màu sắc theo ý của nghệ nhân.
Bà Mai Thị Minh Nguyệt chấm men chiếc chậu cỡ trung. |
Nắng sớm vừa lên, công nhân lò gốm nhà ông Hoàng (KP.5, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đã tập trung đầy đủ để nhanh chóng hoàn thành đợt hàng cho dịp tết sắp tới. Chẳng ai bảo ai, như những cỗ máy được lập trình sẵn, mỗi người bắt tay vào phần việc của mình với sự tập trung cao độ. Người lấy sản phẩm từ khuôn ra phơi nắng, người kiểm tra và đóng gói các kiện hàng chờ xe đến lấy… Họ làm việc nhanh chóng và cẩn thận, cả lò gốm như “nóng” lên bởi bầu không khí gấp gáp ấy.
* Lấm lem men và đất
Ở góc nhỏ của lò gốm, cách xa công việc nặng nhọc của cánh đàn ông, một số phụ nữ đang tỉ mẩn chấm men cho những sản phẩm còn thơm mùi đất. Bàn tay lấm đầy màu men và bụi đất, họ nhẹ nhàng cầm cọ “lướt” qua những mảng gốm trắng, phủ lên một lớp men sền sệt đã được pha sẵn. Nhiều nghệ nhân cho hay, mỗi lò gốm có một cách pha màu men khác nhau, đó là bí quyết để gầy dựng tên tuổi và thu hút khách hàng của mỗi lò. Đặc biệt, cách trộn hóa chất để ra màu men là điều ít khi nào được tiết lộ, thợ chấm men chỉ biết tỷ lệ pha trộn giữa bột men và keo chứ không thể biết được cách thức trộn bột như thế nào.
Bà Mai Thị Minh Nguyệt (ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa), người có hơn 20 năm làm công việc chấm men ở các lò gốm, cho hay: “Nghề này cũng lắm công phu. Ở các lò gốm, thường thì công việc chấm men do phụ nữ đảm nhiệm vì sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và hơn hết là đôi tay khéo léo, dễ chấm men ở các họa tiết tinh xảo. Tùy theo yêu cầu của khách hàng về màu sắc của sản phẩm mà men sẽ được pha loãng hay sệt, với độ loãng khác nhau của men sẽ có cách chấm khác nhau. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào chất liệu, hình dáng và họa tiết của sản phẩm mà người chấm men sẽ có cách thực hiện khác nhau”.
Màu men sau khi nung hoàn toàn khác với lúc đang chấm. |
Theo nhiều người làm gốm có thâm niên, người muốn học nghề chấm men chỉ mất khoảng 4 tháng, nhưng để thạo nghề thì mất hơn một năm. Hiện nay, do các lò gốm không còn phát triển như trước nên người làm nghề chấm men ngày càng ít đi. Trước tình trạng đó, hầu hết các lò gốm ở khu vực các phường, xã: Bửu Hòa, Hóa An, Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) đều sử dụng những người chấm men có tuổi nghề từ 10 năm trở lên và không tìm ra nguồn nhân lực bổ sung khi cần thiết.
Anh Ngô Quang Mẫn, chủ một lò gốm ở phường Bửu Hòa, cho hay khoảng 15-20 năm trước, các gia đình xung quanh lò gốm đều cho con em đến học nghề từ các chủ lò. Con trai thì học làm gốm, con gái học chấm men nên không khi nào xảy ra tình trạng thiếu thợ, kể cả khi hàng nhiều, phải làm liên tục.
* Điểm trang cho đất trắng
Từ một tảng đất sét trở thành sản phẩm gốm sứ tráng men với độ tinh xảo cao phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, chấm men là công đoạn quyết định sự thành bại của sản phẩm. Sản phẩm có màu sắc tươi tắn, có đúng ý khách hàng hay không đều phụ thuộc vào bàn tay của những người thợ chấm men.
“Ngày xưa, khi sử dụng lò nung bằng củi thì việc nung gốm là quan trọng và phức tạp nhất. Bây giờ chuyển sang dùng lò nung bằng gas, công việc đó trở nên dễ dàng. Riêng phần chấm men từ xưa đến giờ vẫn được làm hoàn toàn bằng tay, không có máy móc nào thay thế được. Tuy phụ nữ có sự tỉ mỉ và khéo léo, nhưng càng lớn tuổi thì những yếu tố đó càng mất dần ở họ. Lớp trẻ giờ không học đại học thì làm công nhân chứ có thèm học cái nghề này đâu, tụi nó không khoái những việc lấm lem như chấm men này” - bà Mai Thị Thanh Hằng (ngụ xã Hóa An), người có gần 20 năm chấm men ở nhiều lò gốm khác nhau, tâm sự.
Công việc của những người phụ nữ trong các lò gốm phụ thuộc vào đơn đặt hàng. Có ngày họ chỉ cần làm 3-4 giờ, nhưng vào những dịp cuối năm, có ngày họ phải làm việc 10-12 giờ là điều bình thường. Tuy vậy, họ vẫn miệt mài với công việc từ ngày này qua tháng nọ. Nhiều người kể lại, do đã làm từ nhỏ nên quen với nghề và mức thu nhập hiện tại cũng đủ chu cấp cho cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn, điều giữ họ gắn bó nhiều năm qua với công việc chấm men chính là niềm đam mê được hình thành từ những năm tháng tuổi thơ sống cạnh các lò gốm.
Chi tiết của chậu gốm sau khi nung. |
“Mới mười mấy tuổi tôi đã vào lò gốm gần nhà học nghề chấm men. Hồi mới học nghề cực lắm, chưa biết cách để chậu vào thế, chưa biết cách cầm cọ cho đúng nên cả tháng trời chấm men bị lem. Mỗi lần như vậy phải cạo đi, chấm lại. Bây giờ, mỗi cái chậu gốm tôi chấm men hết 1 giờ, còn như ngày mới học chắc phải mất cả ngày mới ổn. Chấm tốt rồi còn phải học cách nhìn màu men. Màu men sống khác hẳn với lớp men đã nung, cần phải nhìn màu men sống mà biết sau khi nung sẽ ra màu gì để thực hiện đúng theo đơn đặt hàng” - chị Bùi Thị Linh Tâm (ngụ xã Hóa An), người có hơn 10 năm làm công việc chấm men, chia sẻ.
“Trong lò ai cũng có công việc riêng nên chúng tôi phải tự khiêng các chậu đặt lên bàn để chấm men. Với các chậu nhỏ thì không sao, riêng các chậu lớn hoặc ngoại cỡ thì phải đứng để làm. Điều này đòi hỏi tay nghề người thợ phải cao, vì trong tư thế không thuận tiện rất dễ làm lem màu ra các chi tiết khác” - bà Mai Thị Minh Nguyệt cho biết. |
Đơn giản nhất là chấm men các loại chậu trơn, họa tiết đơn giản như hoa, lá; khó nhất là các tượng toàn thân, phù điêu, hoặc các chậu có kích thước lớn, họa tiết phức tạp. Lao vào cuộc mưu sinh suốt nhiều ngày dài ngồi bên bàn chấm men, không ít người phụ nữ chịu không nổi sự nhàm chán của công việc chấm men nên đã chuyển sang việc khác. Bàn tay nhiều năm lấm lem các nước men sống đã trở nên khô ráp, nhiều người cho biết nghề này không có sự nguy hiểm gì, chỉ có một điều khó khăn chính là phải luôn nhẫn nại và tỉ mỉ khi làm việc.
Trong ánh nắng ấm áp của những ngày đầu năm mới, bên bàn gỗ phủ trắng bụi đất, những người phụ nữ tóc đã điểm sương đang cặm cụi hoàn thành những nét cọ cuối cùng trên chậu trước khi đem vào nung. Với họ, đây không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê và nỗi khắc khoải khi không có thế hệ kế thừa.
Đăng Tùng