Báo Đồng Nai điện tử
En

"Hoa trắng" đầu xuân

09:01, 05/01/2015

Tạm quên không khí nhộn nhịp của dịp đầu năm, gác lại những thú vui cùng bạn bè ngày nghỉ lễ…, những điều dưỡng của khoa cấp cứu ở các bệnh viện vẫn ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Với họ, vui trọn một cái tết là điều gì đó chừng như xa xỉ lắm…

Tạm quên không khí nhộn nhịp của dịp đầu năm, gác lại những thú vui cùng bạn bè ngày nghỉ lễ…, những điều dưỡng của khoa cấp cứu ở các bệnh viện vẫn ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Với họ, vui trọn một cái tết là điều gì đó chừng như xa xỉ lắm…

Hai điều dưỡng Cam Ngọc Kiều Nga (trái) và Hồ Thị Quá (phải) cấp cứu người bệnh nguy kịch.
Hai điều dưỡng Cam Ngọc Kiều Nga (trái) và Hồ Thị Quá (phải) cấp cứu người bệnh nguy kịch.

Sau khi hướng dẫn và giao việc cho nhóm sinh viên ngành điều dưỡng vừa về thực tập tại Khoa cấp cứu của bệnh viện, bà Cam Ngọc Kiều Nga, Điều dưỡng trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, mới có thể tiếp chuyện với chúng tôi.

* Làm điều dưỡng “căng” như dây đàn

Bà Nga cho hay, công việc thời điểm cuối năm rất bận nhưng khi có sinh viên về thực tập là các phòng, khoa đều cố gắng truyền đạt kiến thức thực tế cho lớp trẻ. Vì họ là thế hệ kế thừa, những người sau này sẽ nắm trong tay sinh mệnh của rất nhiều bệnh nhân, nên việc hướng dẫn thực tế cho họ không thể lơ là được.

“Khoa hiện có 20 điều dưỡng, chia làm 2 ca trực từ 7-19 giờ và từ 19-7 giờ hôm sau. Do tính chất công việc cấp cứu làm suốt 24 giờ/ngày nên dù có chuẩn bị kỹ trang thiết bị, tinh thần làm việc đến mức nào thì cũng có lúc bệnh nhân dồn quá đông dẫn đến không xoay trở kịp. Cá biệt có lúc 7-8 bệnh nhân cùng vào cấp cứu, trong đó có 2-3 trường hợp nguy kịch nên điều dưỡng phải hoạt động hết công suất” - bà Nga vừa nói dứt lời thì có một ca cấp cứu được chuyển đến, bà vội bắt tay vào công việc không một phút chậm trễ.

Năm mới đang đến, dòng người lại hối hả ngược xuôi những mong sớm về với gia đình hưởng một kỳ nghỉ bình an. Còn với những người điều dưỡng của các bệnh viện, ngày tết đến lại phải gác lại chuyện riêng tư để tận hiến vì sức khỏe và sự an lành của bệnh nhân.

Vào những dịp lễ, tết, công việc của người điều dưỡng càng khẩn trương và không kém phần nguy hiểm. Nhiều điều dưỡng cho biết, những ngày lễ, tết, bệnh nhân vào Khoa cấp cứu chủ yếu do ngộ độc rượu hoặc tai nạn giao thông. Một số trường hợp bệnh nhân được người thân, bạn bè đưa vào cấp cứu trong tình trạng mất bình tĩnh hoặc say xỉn nên không tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và điều dưỡng mà có những hành động khiếm nhã. Hầu như những người làm điều dưỡng ở khoa cấp cứu của bất kỳ bệnh viện nào cũng có ít nhất một lần bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tấn công bằng lời nói, hoặc tệ hơn là có hành động nguy hiểm.

Chị Nguyễn Thị Hương, người có gần 10 năm làm điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, kể vào tối 22-12-2014, trong lúc chị đang tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân thì bị bệnh nhân và người nhà văng tục do không làm chủ được bản thân và không hiểu các bước cấp cứu của bệnh viện.

“Hôm đó, một nạn nhân bị tai nạn giao thông được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Theo quy trình, bệnh nhân phải được xét nghiệm máu để xác định nồng độ cồn. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân không chấp nhận và liên tục chửi bới tôi, cho rằng tôi “vẽ” thêm các bước khám, chữa bệnh để “ăn” tiền của họ. Dù rất ấm ức, nhưng tôi cũng cố gắng kiềm chế không phản ứng lại, chỉ bình tĩnh giải thích cho người bệnh những bước cấp cứu và nguyên tắc ưu tiên người nguy kịch hơn. Nếu họ hiểu cho công việc của điều dưỡng chúng tôi thì thật đáng mừng, còn như họ vẫn tiếp tục hung hăng, bảo vệ của bệnh viện sẽ nhanh chóng can thiệp để không ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác” - chị Hương kể lại.

* Ăn tết trước để “trực chiến”

Những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng là thời điểm công việc của bác sĩ, điều dưỡng trong các bệnh viện trở nên dồn dập nhất. Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vào thời điểm này tất cả nhân viên y tế đều không được một phút lơ là. Bệnh nhân mới chuyển đến, bệnh nhân chuyển viện được đưa đi…, người điều dưỡng phải nghe chỉ thị của bác sĩ và nhanh chóng thực hiện yêu cầu kịp thời.

Điều dưỡng ở khoa cấp cứu không chỉ “gồng mình” với số lượng công việc nhiều, mà họ còn phải hỗ trợ bác sĩ “đọ” với tử thần trong cuộc đua giành lại mạng sống cho bệnh nhân.

Theo số liệu thống kê của Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trung bình một ngày tết có khoảng 150-170 lượt cấp cứu, chủ yếu là bệnh nhân bị ngộ độc rượu và tai nạn giao thông. Con số này ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất khoảng 140 người, cũng với các nguyên nhân đó. Ngoài ra, còn có những vụ đánh nhau vì xích mích trên bàn nhậu.

Bà Hồ Thị Quá, điều dưỡng ở Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho hay để kịp thời gian trực Tết Âm lịch hoặc Tết Dương lịch, nhân viên bệnh viện thường động viên nhau tìm niềm vui trước hoặc sau kỳ nghỉ dài ngày, còn trong những ngày mọi người vui xuân, toàn bộ điều dưỡng phải luân phiên túc trực ở khoa. Không chỉ điều dưỡng mới vào nghề, ngay cả những người đã gần 30 năm công tác như bà Quá đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng khi phải xa gia đình vào những dịp lễ, tết.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hương chuẩn bị tiêm thuốc cho bệnh nhân.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hương chuẩn bị tiêm thuốc cho bệnh nhân.

“So với ngày thường, công việc của điều dưỡng vào ngày lễ, tết áp lực hơn rất nhiều. Ngoài số bệnh nhân nhập viện dồn dập và toàn những ca nặng, áp lực còn rơi vào chuyện thiếu nhân lực. Có khi bệnh nhân quá đông, điều dưỡng của Khoa cấp cứu không thể xoay trở nổi phải báo ngay lên cấp trên xin tăng cường người ở khoa khác. Ở đây chúng tôi không chỉ quan tâm đến bệnh lý, mà còn phải chú ý đến tâm lý của người bệnh. Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng say xỉn, không kiểm soát được hành vi đã đập phá đồ đạc bệnh viện, hoặc người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ, điều dưỡng. Theo đúng quy định, người nhà phải ở bên ngoài, khi nào bác sĩ gọi mới được vào, nhưng một số người khăng khăng đòi vào xem cấp cứu. Khi không được bác sĩ đồng ý, một số người thậm chí tấn công chúng tôi” - bà Quá bộc bạch.

Do phần đông điều dưỡng là nữ nên ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, họ còn phải làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Để yên tâm đi trực, vào những ngày trước kỳ nghỉ, nhiều người trong số họ phải tranh thủ về thăm họ hàng, ông bà, rồi lại tất tả mua sắm, chuẩn bị một cái tết tươm tất cho chồng, con.

Chị Nguyễn Thị Hương cho hay, gần 10 năm qua, chưa khi nào chị có một cái tết trọn vẹn bên người thân, nhưng do tính chất công việc nên mọi người trong nhà cũng hiểu và cảm thông với chị. “Nhiều lúc nghĩ cũng buồn, nhưng lâu dần tôi cũng quen và biết cách tìm niềm vui trong công việc. Đôi lúc một nụ cười, một lời cảm ơn của bệnh nhân dành cho điều dưỡng là tôi và các đồng nghiệp đã thấy vui rồi” - chị Hương kể.

Đăng Tùng

 

 

 

Tin xem nhiều