Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng hành với người lao động

12:01, 24/01/2015

Vụ kiện khép lại, với bó hoa trên tay, anh Vũ Văn Miền (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) tự tin đẩy cửa bước vào Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (gọi tắt là trung tâm, thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh). Anh Miền tâm sự, anh muốn tặng hoa cho 7 cán bộ ở trung tâm vì họ đã đồng hành cùng anh theo đuổi vụ kiện cho đến ngày thắng lợi.

Vụ kiện khép lại, với bó hoa trên tay, anh Vũ Văn Miền (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) tự tin đẩy cửa bước vào Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (gọi tắt là trung tâm, thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh). Anh Miền tâm sự, anh muốn tặng hoa cho 7 cán bộ ở trung tâm vì họ đã đồng hành cùng anh theo đuổi vụ kiện cho đến ngày thắng lợi.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, phụ trách trung tâm, cho biết năm 2014, đơn vị đã nhận tư vấn pháp luật cho 3.396 lượt người lao động (NLĐ) và hỗ trợ pháp lý cho 508 trường hợp. “Sự thắng lợi của NLĐ luôn là niềm vui của tập thể đơn vị. Bên cạnh đó, chúng tôi không khỏi trăn trở, ray rứt cùng NLĐ qua từng vụ việc, những lá đơn kêu cứu gửi đến trung tâm”- luật sư Hà nói.

* Niềm vui của người lao động

Phiên tòa xét xử sơ thẩm kết thúc, anh Vũ Văn Miền lập tức lấy điện thoại nhắn tin khoe với vợ việc anh vừa thắng kiện Công ty H. Theo phán quyết của tòa, công ty phải có trách nhiệm bồi thường cho anh hơn 57 triệu đồng vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Hai luật sư Vũ Ngọc Hà (trái) và Lê Tấn Tý trao đổi quan điểm về vụ công nhân Nguyễn Thị Tiền (xã An Phước, huyện Long Thành) bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật vừa mới tiếp nhận.
Hai luật sư Vũ Ngọc Hà (trái) và Lê Tấn Tý trao đổi quan điểm về vụ công nhân Nguyễn Thị Tiền (xã An Phước, huyện Long Thành) bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật vừa mới tiếp nhận.

Anh Miền kể, quê anh ở tỉnh Hải Dương. Năm 2000, anh rời quê vào Đồng Nai xin vào làm công nhân. Sau đó, anh lập gia đình với chị Tươi (cũng là công nhân xa quê) và vợ chồng anh cần kiệm tậu được miếng đất nhỏ tại KP.7, phường Long Bình để làm tổ ấm.

Sau lần bị tai nạn trong lúc lao động (lần thứ nhất), vợ chồng anh Miền phải bán miếng đất để có tiền chữa bệnh. Khi thương tật ổn định, anh xin vào làm việc cho Công ty H. Làm việc được hơn một năm thì anh Miền lại bị tai nạn lao động. Theo kết quả giám định y khoa của Trung tâm giám định y khoa tỉnh Đồng Nai, mức độ suy giảm khả năng lao động của anh Miền sau hai lần bị tai nạn lao động là 52%.

Anh Miền nói: “Khi vết thương ổn định, tôi quay lại công ty làm việc. Được vài tháng thì công ty lấy cớ tôi không hoàn thành nhiệm vụ nên ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi. Vì vậy, tôi tìm đến trung tâm nhờ giúp đỡ đòi quyền lợi chính đáng cho mình”.

Luật sư Lê Tấn Tý, cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, tâm sự mỗi một vụ việc kết thúc và quyền lợi của NLĐ được bảo vệ thành công luôn là niềm vui, hạnh phúc của ông và đồng nghiệp. “Chúng tôi rất trân trọng khi đón nhận những đóa hoa, sự tin tưởng từ NLĐ với trung tâm. Tuy vậy, chúng tôi cũng phải khéo léo từ chối nhận thù lao từ NLĐ khi song hành cùng họ đòi quyền lợi ” - luật sư Tý khẳng khái tỏ bày.

Còn bà Phạm Thị Thanh (48 tuổi, ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) thì tạm thỏa lòng khi được Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa tuyên Công ty Đ.H.P (TP.Biên Hòa) bồi thường tai nạn cho con trai của bà là anh Võ Ngọc Dũng (22 tuổi) trên 300 triệu đồng (tính từ tháng 5-2012 đến tháng 5-2014). Tòa còn dành quyền cho bà tiếp tục khởi kiện công ty tiếp tục bồi thường thêm cho anh Dũng các khoản chi phí phát sinh theo luật trong một vụ án khác. “Tôi luôn vững tin vào công lý với sự hỗ trợ nhiệt tình của luật sư Công đoàn để đòi quyền lợi cho con trai tôi” - bà Thanh thổ lộ.

Tuy là người nước ngoài, ông Pablo Rosario Rostata (quốc tịch Philippines) cũng biết tìm đến trung tâm nhờ giúp đỡ khi ông bị Công ty Z.S. Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.

Ông Pablo chia sẻ, ông vẫn chưa hài lòng với kết quả tòa đã tuyên buộc công ty bồi thường cho ông hơn 60 ngàn USD (gần 1,3 tỷ đồng). Tuy vậy, ông Pablo rất hài lòng khi vụ việc của ông được luật sư ở trung tâm tận tình hỗ trợ pháp lý miễn phí. “Tôi tin vào pháp luật lao động Việt Nam và luật sư của tổ chức Công đoàn Việt Nam” - ông Pablo nói.

* Người bạn đồng hành

Trong năm 2014, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các khu nhà trọ, công ty, khu công nghiệp… hàng chục đợt với hàng ngàn NLĐ tham dự. Ngoài ra, trung tâm còn tư vấn cho 3.396 lượt NLĐ và hỗ trợ pháp lý cho 508 trường hợp.

Luật sư Vũ Ngọc Hà cho hay, để làm cầu nối giữa NLĐ với trung tâm, đơn vị đã xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt tại các khu nhà trọ, công ty, khu công nghiệp. Lực lượng công nhân nòng cốt luôn là những người dẫn đường, giới thiệu cho NLĐ tìm đến trung tâm và các tổ chức Công đoàn để tháo gỡ gút mắc, hỗ trợ pháp lý kịp thời cho NLĐ.

Người lao động tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý khi chủ công ty bỏ trốn.
Người lao động tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý khi chủ công ty bỏ trốn.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho NLĐ, bà Phạm Thị Nga (tư vấn viên trung tâm) bày tỏ, NLĐ tìm đến trung tâm nhờ hỗ trợ cũng muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên, qua lắng nghe NLĐ trình bày sự việc, người làm công tác tư vấn như bà đôi lúc cũng chạnh lòng khi người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động kéo dài, NLĐ vẫn chưa mạnh dạn đấu tranh hoặc tìm đến tổ chức Công đoàn nhờ can thiệp. “Có trường hợp người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động 6-7 lần mà NLĐ vẫn đặt bút ký. Đến khi NLĐ bị tai nạn lao động, hợp đồng lao động lần cuối hết hạn thì người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động và chối bỏ trách nhiệm. Với những trường hợp đó, chúng tôi khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để đòi quyền lợi cho NLĐ” - bà Nga bộc bạch.

Cầm trên tay tập hồ sơ về các vụ việc trung tâm đã hỗ trợ NLĐ thắng lợi trong năm 2014, luật sư Vũ Ngọc Hà tâm sự, để NLĐ không hoang mang, mặc cảm yếu thế trước người sử dụng lao động, khi tiếp xúc ông và đồng nghiệp luôn tạo tâm lý thoải mái, gần gũi để NLĐ tự tin trình bày, cung cấp chứng cứ, nêu quan điểm của mình. Đồng thời, khi tiếp nhận vụ việc, ông và đồng nghiệp phải thật sự song hành cùng NLĐ theo đuổi vụ việc từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc. “Trước khi hỗ trợ NLĐ khởi kiện vụ việc ra tòa, chúng tôi thường làm việc tập thể để tìm hướng giải quyết tốt nhất. Sau đó, chúng tôi mới phân công cán bộ, luật sư trung tâm làm người đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong quá trình hòa giải, tranh tụng tại tòa. Năm 2015, trung tâm triển khai phương thức các đồng nghiệp tự tranh tụng với nhau về vụ việc. Ai là người vững chắc chứng cứ nhất sẽ là người đại diện quan điểm đó cho NLĐ trước tòa. Đó là cách trao đổi nghiệp vụ, lựa chọn quan điểm tối ưu mà chúng tôi rút tỉa được qua những vụ án thắng lợi trong năm 2014” - luật sư Hà nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Tổng hợp tin đăng tim viec làm mới nhấtKhám phá công ty tuyển dụng việc làm chất lượng