Trong năm 2014, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (TGPLNN) cùng với các chi nhánh đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.688 đối tượng nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số…
Trong năm 2014, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (TGPLNN) cùng với các chi nhánh đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.688 đối tượng nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số… Ông Nguyễn Minh, Phó giám đốc Trung tâm TGPLNN tỉnh, chia sẻ những vấn đề người dân tìm đến trung tâm nhờ tháo gỡ luôn chứa đựng nhiều vấn đề pháp lý cần được giúp đỡ.
* Lắng nghe nỗi lòng của dân
Văn phòng Trung tâm TGPLNN tỉnh vừa mở cửa, vợ chồng anh T. - chị B. (ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) vội vã xin gặp trợ giúp viên Lê Minh Tuấn nhờ tư vấn pháp luật.
Lắng nghe người dân trình bày cặn kẽ những bức xúc thì kết quả hỗ trợ pháp lý sẽ đạt hiệu quả cao. |
Chị B. trình bày, chị và anh T. kết nghĩa vợ chồng với nhau được 5 năm nay, nhưng chưa đăng ký kết hôn. Anh T. là người tàn tật, không lao động được, mọi sinh hoạt đều cần chị chăm sóc. Anh chị tìm đến Trung tâm TGPLNN tỉnh nhờ giúp đỡ vì anh B. bị người thân bạo hành, phá hoại tài sản. Sự việc bắt nguồn từ chuyện người thân ngăn cản anh chị đến với nhau. Họ ngăn cản và bạo hành anh vì sợ chị lợi dụng tình cảm của anh để chiếm đất.
Được ông Tuấn động viên, chị B. thút thít kể, bao năm nay chị tần tảo nuôi anh T. vẫn không tính thiệt hơn. Trong khi đó, anh T. chỉ có một mảnh đất nhỏ và căn nhà cấp 4 làm tổ ấm. Chị đến với anh vì cái duyên ông tơ bà nguyệt se cho. “Tôi làm vợ anh ấy vì nghĩa, vì tình chứ không vì miếng đất cỏn con đó. Mong cán bộ giúp vợ chồng tôi tìm lại sự công bằng” - chị B. nghẹn ngào bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn cho biết, qua tiếp cận các đối tượng tìm đến Trung tâm TGPLNN tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý cho thấy họ thường mang tâm lý tự ti, nên trợ giúp viên cần phải biết động viên, lắng nghe những tâm sự, gút mắc trong lòng họ. Có như vậy, người nhờ trợ giúp pháp lý mới vững tin để trình bày cặn kẽ sự việc, xóa đi tâm lý tự ti vốn thường gặp ở những đối tượng nghèo, tàn tật, yếu thế. “Thường thì tôi pha trò đôi chút cho họ vui, vững lòng tin rồi mới hỏi cặn kẽ sự việc. Đó cũng là cách để người trợ giúp viên tạo động lực để người yếu thế thổ lộ tiếng lòng” - ông Tuấn nói.
Vốn tâm huyết với công tác trợ giúp pháp lý, ông Võ Quang Tự, Trưởng chi nhánh TGPLNN huyện Trảng Bom, thật sự trăn trở về trường hợp bà Trần Thị Mại (ngụ khu 3, ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) bị vợ chồng người em họ tranh chấp đất. Ông Tự cho hay, ông theo đuổi vụ kiện cùng bà Mại hơn 3 năm vẫn chưa có kết quả (nhiều lần tòa xét xử, hủy án). Để đi tìm sự thật cho bà Mại, ông Tự đã không ít lần về địa phương giúp bà tìm nhân chứng, xác minh thông tin. Những lần như vậy, cảnh khốn khó của chị em bà Mại như thôi thúc ông quyết tâm hơn nữa.
Ông Tự nói: “Chị em bà Mại thuộc diện hộ nghèo nhất xóm. Từ ngày cha mẹ mất, chị em bà sống dựa vào nhau bằng việc mò cua, bắt ốc, lượm ve chai… nuôi thân. Thương tình cảnh của chị em bà Mại, chính quyền địa phương và hàng xóm đã mở lòng cưu mang họ từ bao gạo, viên thuốc... Khi hay tin bà Mại đi kiện đòi lại đất, lối xóm và chính quyền địa phương rất ủng hộ bà trong quá trình xác nhận sự việc. Cùng với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, tôi có niềm tin rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà Mại trong phiên tòa xét xử lại của Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom sắp tới đây”.
* Chỗ dựa của dân
Trong năm 2014, Trung tâm TGPLNN tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã phối hợp đảm bảo gần 100% đối tượng có nhu cầu được TGPL theo Luật TGPLNN khi đến trung tâm và các chi nhánh. Trong đó, các đơn vị luôn chú trọng hoạt động thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, như: tuyên truyền, thực hiện và theo dõi, hướng dẫn, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý.
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cấp tờ rơi giới thiệu về trung tâm. |
Ông Nguyễn Minh, Phó giám đốc Trung tâm TGPLNN tỉnh, cho biết khi tiếp xúc với các đối tượng cần trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên thường tư vấn nhằm định hướng cho họ những vấn đề pháp luật có liên quan đến vụ việc của họ. Sau đó, tùy theo nhu cầu của đối tượng mà trợ giúp viên hướng dẫn họ khởi kiện và hỗ trợ cho họ đến khi sự việc kết thúc.
Để hoạt động được phổ biến rộng rãi đến các đối tượng cần trợ giúp pháp lý, Trung tâm TGPLNN tỉnh và các chi nhánh đã triển khai bản thông tin, hộp thư TGPLNN tại các cơ quan, như: UBND các xã, tòa án, viện kiểm sát, trại tạm giam... “Dù thực hiện công việc miễn phí, trợ giúp viên vẫn cần phải có thái độ biết lắng nghe, đồng cảm với người cần trợ giúp pháp lý. Có như vậy mới giúp họ xóa đi tâm lý tự ti, từ đó hoạt động trợ giúp pháp lý mới thật sự thuận lợi, đạt chất lượng” - trợ giúp viên Lê Minh Tuấn đúc rút kinh nghiệm. |
Không chỉ trợ giúp pháp lý, Trung tâm còn tổ chức cấp 40 ngàn tờ gấp, tài liệu pháp luật; in và lắp đặt 96 bảng thông tin, hộp tin trợ giúp pháp lý tại các xã, nơi tạm giam, tòa án…Ông Nguyễn Minh cho biết thêm, toàn tỉnh hiện có 18 trợ giúp viên pháp lý và 96 cộng tác viên là luật sư, cán bộ công tác tại các cơ quan pháp luật tham gia công tác trợ giúp pháp lý. Để tăng cường đưa pháp luật đến với những đối tượng cần sự hỗ trợ pháp luật, Trung tâm TGPLNN tỉnh và các chi nhánh tiếp tục xây dựng mạng lưới cộng tác viên nhằm thu hút cán bộ, công chức, người có kiến thức về pháp luật, luật sư, luật gia tham gia. Người tư vấn pháp lý ngoài kiến thức pháp luật và kinh nghiệm, cần có lòng nhiệt tình, trách nhiệm. Trong quá trình tư vấn, tham gia bảo vệ quyền lợi cho đối tượng cần trợ giúp trong hoạt động tố tụng phải thể hiện tính khách quan, trung thực trong chuyên môn và tránh thái độ cửa quyền, hời hợt khi làm nhiệm vụ. “Có như vậy, hoạt động tư vấn pháp lý của Trung tâm TGPLNN sẽ tác động rất lớn đến nhận thức pháp luật của người dân. Người yếu thế pháp luật thật sự vững tin khi đến Trung tâm TGPLNN tỉnh nhờ hỗ trợ ” - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, dù Trung tâm TGPLNN tỉnh và các chi nhánh cố gắng truyền thông, giới thiệu về mình để các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý tìm đến ngày một nhiều hơn, nhưng thực tế số người biết đến trung tâm và các chi nhánh vẫn còn ít so với nhu cầu thực sự. Việc các đối tượng cần trợ giúp pháp lý chưa nắm bắt kịp thời, chưa hiểu rõ mình được hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí là một thiệt thòi lớn cho họ. Về phía Trung tâm TGPLNN tỉnh và các chi nhánh, đó cũng là trách nhiệm của đơn vị với đối tượng được trợ giúp, đồng thời cũng là nhiệm vụ được cấp trên giao.
Đoàn Phú