Đầu tháng Chạp hàng năm là vụ làm ăn của các làng nghề làm bánh tráng ở Đồng Nai. Mỗi gia đình, cơ sở làm bánh tráng đều hoạt động hết công suất để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng rồi chuẩn bị đón tết.
Đầu tháng Chạp hàng năm là vụ làm ăn của các làng nghề làm bánh tráng ở Đồng Nai. Mỗi gia đình, cơ sở làm bánh tráng đều hoạt động hết công suất để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng rồi chuẩn bị đón tết.
Bánh tráng xong, ít có nhà nào phải mang đi bán xa vì khách hàng thường dặn trước và đến tận nơi để lấy.
* Giữ cách làm cũ
Tại các gia đình có truyền thống làm bánh tráng ở các xã: Phú Hội, Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), những phên bánh trắng muốt được phơi chật kín ngay trước sân, hai bên tường rào, trên mái nhà… Nơi nào có chút nắng gió là bà con đều tận dụng để phơi bánh tráng.
Người thợ tráng bánh phải ngồi hàng giờ bên bếp lửa khói bay nghi ngút. |
Trong bếp, khói từ lò bánh bay lên nghi ngút. Ở mỗi góc bếp, người nhóm lò, người khuấy bột, người chuẩn bị phên phơi… khiến không khí mỗi lúc càng rộn ràng và khẩn trương hơn. “Gạo làm bánh được ngâm từ tối hôm trước. Muốn bánh ngon và không bị rách thì bột sau khi xay xong phải tráng rồi đem phơi ngay khi nắng to” - bà Lê Thị Sáu (ngụ ấp Đất Mới, xã Phú Hội) cho biết.
Bà Sáu là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống làm bánh tráng. Tất cả con gái, con dâu trong gia đình đều biết tráng bánh, vì thế mà lò bánh của gia đình bà hoạt động quanh năm, chưa bao giờ thôi đỏ lửa. Theo bà Sáu, càng gắn bó với công việc này, tay nghề người thợ càng được nâng lên vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo cao. Người thợ giỏi phải tráng ra những tấm bánh mỏng, không bị rách, kể cả những lỗ thủng nhỏ li ti trên bề mặt.
Mọi công đoạn đều được làm thủ công, dựa vào sức người là chủ yếu. Một lò tráng phải có ít nhất 2 người, người tráng, người phơi kiêm coi lửa. Trung bình mỗi ngày, thợ làm khoảng 400-500 tấm bánh, còn thợ giỏi có thể làm đến hơn 600 tấm.
Trong sân nhà, dọc bờ rào, cả trên mái nhà… đều được người dân tận dụng làm chỗ phơi bánh. Hàng phên tre với những tấm bánh trắng muốt tạo thành nét riêng của các làng nghề tráng bánh mỗi khi vào vụ tết. |
So với bánh tráng làm bằng máy, bánh tráng thủ công nhìn bề ngoài không được bắt mắt nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng. Vì thế, ít có nhà làm bánh nào phải mang đi bán xa, khách thường phải dặn trước và đến tận nơi để lấy bánh. Bánh làm ra tới đâu bán hết ngay đó, bởi khi đóng gói lâu bánh sẽ hút hơi, đổi màu ăn không ngon. Người thợ có thể tráng các loại bánh dày, mỏng khác nhau tùy theo yêu cầu của khách; hơi lửa luôn tỏa ra, thấm vào tấm bánh tạo nên hương vị riêng.
“Mùa này có đủ nắng nên công đoạn phơi bánh tráng không lo bị hỏng. Chiếc bánh đạt chất lượng ngoài phụ thuộc vào độ nhuyễn, độ sánh của bột thì nhiệt độ phơi cũng ảnh hưởng dữ lắm. Nắng lớn chỉ cần phơi khoảng 4-5 tiếng là được, để lâu bánh quăn lại, dễ vỡ vụn” - bà Sáu bộc bạch.
Bà Hai Như (ngụ ấp Bến Cam, xã Phước Thiền), một người làm bánh tráng lâu năm, cho biết bí quyết tráng bánh khéo là chọn loại gạo dẻo, xay bột thật nhuyễn. Nước dùng tráng bánh hòa muối hột vào, lọc kỹ rồi để dùng dần. Trước khi tráng, cho nước muối vào bột, quậy càng lâu bánh càng dai, không bị lủng lỗ. Bột pha rồi phải tráng hết, nếu để lại hôm sau dễ bị ôi thiu.
Công việc thường cần đến 2 người, nhưng một tay bà vẫn có thể tự tráng và phơi bánh. Bánh làm ra luôn mịn màng, tròn đều và nổi tiếng nhất làng. “Năm 17 tuổi, tôi đã trở thành thợ rành nghề và đến khi lấy chồng vẫn giữ nghề của gia đình. Thợ tráng bánh làm phải quen tay, bánh tráng thành phẩm mới tròn, mỏng và bóng” - bà Hai Như tỉ tê nói.
* Đỏ lửa đến tết
Tết đang đến gần, những hộ làm bánh tráng ở ấp 3, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và ở KP.2, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) đã tăng công suất hết cỡ. Ngày thường, mỗi gia đình dùng khoảng 30kg gạo để làm bánh tráng, dịp này lượng gạo tăng lên gấp đôi nhưng hàng làm ra vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Bánh tráng đắt hàng là vậy nhưng chất lượng vẫn luôn được người làm nghề đặt lên hàng đầu.
Một số cơ sở ngày thường “đóng cửa” dịp này cũng đắp lò, nhóm bếp để tráng bánh. Khung cảnh quen thuộc là chồng xay bột, vợ tráng bánh và con trẻ giúp sức bằng cách gỡ bánh ra khỏi phên tre, mỗi người một công đoạn. Bên bếp lửa đỏ rực lúc nào cũng tỏa ra mùi thơm của gạo dẻo, các chủ bếp liên tục đảo tay, nhẹ nhàng cầm vá bột tráng lên tấm vải căng trên miệng nồi. Đến khi bột chín, người thợ dùng cán gỗ cuộn tròn lại để lấy bánh ra, rải trên phên tre.
Bánh làm ra nhiều nên người dân tận dụng mái nhà để phơi bánh. |
“Gia đình tôi làm các mặt hàng, như: sợi hủ tiếu, bánh đa, bánh tráng… cung cấp cho thị trường đợt này. Cùng tráng bánh như nhau, nhưng làm hủ tiếu khác hơn đôi chút. Sau khi gỡ bánh ra, người thợ sẽ thoa nước và dầu ăn lên bánh, rồi đặt lên phên phơi tiếp, cuối cùng là đưa vào cắt thành sợi. Bánh cũng được tráng 2 lần bột” - ông Ngô Ngọc Sơn (ngụ phường Hố Nai) cho biết.
Theo ông Sơn, làm nghề này không giàu nhưng thu nhập ổn định quanh năm. Cuối năm luôn là thời điểm bận rộn nhất của làng nghề. Đơn hàng tăng, lượng bánh làm ra nhiều nên sau khi trừ chi phí, mỗi hộ kiếm được số tiền kha khá, đón tết vui hơn. Từ nay đến tết, nhà nào quanh đây cũng đỏ lửa, khách hàng từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương về mua liên tục.
Ngày nay, do nhu cầu của thị trường nên bánh tráng của các làng nghề cũng đa dạng theo. 2 năm nay, gia đình ông Sơn có sáng kiến làm bánh tráng cay (bánh mặn có trộn ớt và gia vị) được người tiêu dùng ưa thích. Năng suất làm bánh của cơ sở ông tăng gấp 3-4 lần, gia đình phải thuê thêm nhân công. Để có hàng kịp giao cho khách, người thợ phải làm việc từ lúc 3-4 giờ sáng, hối hả tráng bánh cho tới khi nắng xế.
“Nếu hiện tại bánh làm ra chủ yếu bỏ mối cho các khu vực quanh đây thì sau tết hàng làm ra được đóng gói cẩn thận để xuất sang Mỹ, làm quà ký gửi cho bà con người Việt ở hải ngoại. Năm nay, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng tăng cao nên phải tranh thủ làm kẻo không kịp” - ông Sơn chia sẻ.
Thanh Hải