Làng mộc phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) những ngày cuối năm luôn nhộn nhịp, xe cộ chở hàng hóa vào ra liên tục. Dịp này, các cơ sở mộc tăng lượng sản xuất gấp 2-3 lần ngày thường, hối hả hoàn thành những đơn hàng cuối cùng trong năm.
Làng mộc phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) những ngày cuối năm luôn nhộn nhịp, xe cộ chở hàng hóa vào ra liên tục. Dịp này, các cơ sở mộc tăng lượng sản xuất gấp 2-3 lần ngày thường, hối hả hoàn thành những đơn hàng cuối cùng trong năm.
Mỗi chuyến hàng phải cần 2-3 người vận chuyển, bảo vệ đồ gỗ. |
Luôn túc trực làm việc ở đây là cánh “tài xế” chở hàng thuê, những người bốc vác, trông coi hàng hóa cho các tiệm kinh doanh đồ gỗ. Những ngày này, họ bận rộn từ sáng đến tối mịt, thời gian nghỉ ngơi rất hiếm, nhưng ai cũng mong công việc từ nay đến tết cứ nhiều như thế.
* Xóm chở thuê
Để đưa các món đồ mộc từ nơi chế tác tới cửa hàng, hay chở giao tận nhà cho khách, chủ tiệm mộc phải cần đến dịch vụ vận chuyển. Tận dụng cơ hội này, những người mưu sinh bằng nghề chở hàng thuê có thể kiếm được một khoản thu nhập kha khá. Từ anh chạy xe ba gác máy, xe tải nhỏ đến những xe tải loại lớn luôn túc trực ở làng mộc để nhận “hợp đồng” chở hàng. Những con hẻm ngày thường vốn nhỏ bé, ít người qua lại, nay dọc hai bên đường đậu hàng chục xe ba gác máy, xe tải nhỏ khiến lối đi trở nên chật chội hơn.
Anh Trần Văn Khôi (34 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết, ngày thường việc chở hàng thuê chỉ bắt đầu từ 9 giờ sáng, nhưng dịp giáp tết, người ta thuê chở nhiều nên anh phải làm việc lúc trời còn chưa hửng nắng. Anh Khôi nhẩm tính, bình quân mỗi ngày bình thường, nếu may mắn anh sẽ chở hàng khoảng 3 chuyến, còn thời điểm này là trên chục chuyến, cả người và xe gần như phải chạy hết công suất.
Ông Lê Ngọc Phúc, chủ tiệm kinh doanh đồ gỗ ở KP.3, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa), cho biết: “Những tháng cuối năm, việc sản xuất các mặt hàng mộc quen thuộc, như: bàn ghế, tủ, giường, lục bình, đồ thờ cúng, mộc cao cấp… nhiều hơn nên việc thuê người chuyên chở, khuân vác, trông coi hàng hóa luôn cần thiết. Những ngày cận tết các tiệm tìm người chở thuê, chuyển hàng rất khó khăn”. |
“Tôi chạy xe ba gác máy chở hàng loanh quanh ở TP.Biên Hòa, đi xa có khi đến huyện khác. Mỗi chuyến người ta trả khoảng 150 ngàn đồng, bao luôn công chuyển đồ. Mặt hàng chở cũng đa dạng và tính giá vận chuyển khác nhau. Đồ cồng kềnh, như: bàn ghế, tủ, giường… thì tiền công cao hơn so với các vật dụng nhỏ hơn” - anh Khôi hồ hởi nói.
Những người hành nghề chở hàng thuê cho biết, công việc này ra đời từ lúc làng mộc làm ăn khấm khá, nhu cầu vận chuyển hàng tăng cao. Ngày trước, đồ gỗ được xếp lên xe kéo tay, họ dùng sức người để vận chuyển. Bây giờ, bác “tài xế” nào, dù ít có điều kiện cũng có chiếc xe ba gác máy, ai dư dả thì sắm xe tải nhỏ để mưu sinh. Tính sơ sơ, ở đây có trên 30 xe chở thuê, người nào mới vào nghề chạy khoảng 3 năm, lâu nhất cũng hơn 20 năm. Họ sống gần nhau, ngay cạnh làng mộc để tiện bề di chuyển, tạo thành xóm chở thuê.
Ông Đỗ Văn Phi (51 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) được coi là “lão làng” của xóm chở thuê. Công việc nặng nhọc, nhưng giúp ông kiếm tiền để trang trải cuộc sống của cả gia đình. Mỗi ngày chở hàng thuê ở làng mộc, ông Phi bỏ túi được gần 300 ngàn đồng. Những hôm cận tết, có khi ông kiếm hơn 2 triệu đồng nhờ chở hàng thuê. Có những hôm, từ sáng đến chiều chở đến 12 chuyến hàng, nhưng ông vẫn chưa muốn nghỉ.
“Đến nay, tôi đã thay mới 3 chiếc xe ba gác máy. Nó là “chiếc cần câu cơm” nên tôi coi nó như con “ngựa chiến”, lúc nào cũng phải tu sửa, chăm sóc cẩn thận. Như dịp này, chỉ mong nó khỏe, không nghỉ “ốm” để kịp chở số hàng đã hẹn với các xưởng mộc” - ông Phi thổ lộ.
Theo ông Phi, ngoài chở thuê cho các chủ xưởng mộc, để có thể sống được với nghề, nhiều người lanh lợi còn giúp khách mua hàng đúng chỗ uy tín, giá cả phải chăng. Mỗi lần như thế, ngoài tiền công chở đồ đến tận nhà khách, “tài xế” còn được gia chủ hào phóng bồi dưỡng thêm ít tiền.
* Vui vì đón tết muộn
Tại các tiệm bán đồ mộc dọc hai bên quốc lộ 1, đoạn qua phường Tân Hòa, công việc buôn bán những ngày này kéo dài đến tận tối khuya. Ngoài lực lượng chở hàng túc trực làm việc, lao động ở đây còn có những người chuyên khuân vác, kiểm kê các món đồ gỗ. Thường thì họ sẽ làm việc liên tục cho đến hết ngày 30 tết, khi hết người đến mua, chủ tiệm đóng cửa mới nghỉ.
Anh Phạm Văn Hùng (35 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) đã chạy xe ba gác máy ở làng mộc được 6 năm. Ngoài những ngày chở gỗ cho các tiệm mộc quen biết, những lúc rảnh rỗi anh còn nhận chở thêm hàng ở nơi khác. Chở nhiều nhưng không có ai đi cùng để giữ hay giúp vận chuyển, vì thế mọi năm cứ vào những ngày giáp tết vợ anh từ quê lên làm cùng.
Anh Phạm Văn Hùng cho hay, đầu tháng Chạp vợ anh sẽ từ quê lên đây để phụ anh làm việc. |
“Đầu tháng Chạp, vợ tôi sẽ lên và làm cho đến khi nào các chủ tiệm mộc không thuê chở nữa thì thôi. Hai con nhỏ ở quê thì gửi cho bà con thân thích. Tuy chở hàng kiếm cho thu nhập ổn, nhưng không may làm hư hỏng đồ của khách thì số tiền kiếm được mấy ngày trước coi như “bay” hết vì phải đền” - anh Hùng tâm sự.
Không riêng gia đình anh Hùng, hầu như cánh “tài xế” chở thuê ở làng mộc này, cứ dịp tết đến đều đưa người thân ở quê lên làm cùng. Chồng chạy xe, vợ phụ khuân vác hàng nên thu nhập cao hơn, xong tết lại quay về quê như ngày thường.
“Anh trai tôi chạy xe, còn xin cho tôi vào phụ khuân hàng, đưa đồ lên xe. Những đơn hàng xuất đi các tỉnh xa, chủ tiệm mộc sẽ cử mình đi theo giám sát, kiểm kê hàng. Trung bình, mỗi tiệm mộc có khoảng 3-4 nhân công khuân vác” - anh Trần Trọng Hiếu (26 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) nói.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Ất Mùi 2015, nỗi lo cơm áo, gạo tiền lại đầy thêm với người lao động. Những người làm việc ở các tiệm mua bán đồ mộc phường Tân Hòa may mắn tìm được công việc cho thu nhập khá (trung bình mỗi người khoảng 5-6 triệu đồng/tháng). Ai cũng khấp khởi vui mừng bởi từ đây đến tết họ luôn bận rộn, làm việc không có ngày để ngơi nghỉ. Cũng như mọi năm, họ chấp nhận đón tết muộn, làm việc tới chiều 30 tết, khi tiệm bán đồ mộc không còn khách đến mua.
Thanh Hải