Thấy ruộng lúa của ông Nguyễn Thế Thủ (Bí thư chi bộ ấp Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom), năng suất đều đều từ 5-5,5 tạ/sào/vụ, các nông dân trồng lúa tại cánh đồng Bàu Cối rất ngưỡng mộ, liền nhờ ông Thủ "kê cho cái toa" hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Thấy ruộng lúa của ông Nguyễn Thế Thủ (Bí thư chi bộ ấp Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom), năng suất đều đều từ 5-5,5 tạ/sào/vụ, các nông dân trồng lúa tại cánh đồng Bàu Cối rất ngưỡng mộ, liền nhờ ông Thủ “kê cho cái toa” hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhờ làm đúng “toa” ông Thủ “kê”, năng suất lúa của nông dân cánh đồng Bàu Cối cũng không thua kém gì ruộng lúa ông Thủ.
Nhận thấy cây lúa vẫn chưa thật sự giúp nông dân mau xây nhà, chu cấp đủ cho con cái học tập, ông Thủ liền họp bàn với các đảng viên trong chi bộ đề ra nghị quyết chuyển đổi cây lúa sang cây rau, củ, quả nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất lên 4 lần trên cùng diện tích. Đồng thời, ông Thủ còn đi tiên phong trong việc bơm nước thải từ các hầm bioga hình thành trong chăn nuôi ra các chân ruộng để cải tạo đất, giảm chi phí đầu tư phân bón.
* Duyên tình Bàu Cối
Năm 1991, người cựu chiến binh Nguyễn Thế Thủ quyết định đưa vợ con rời vùng quê nghèo Vĩnh Hòa (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) về vùng đất lúa Hưng Hà (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) lập nghiệp. Nhìn những cánh đồng thẳng cánh cò bay còn bỏ hoang hóa, ông Thủ khát khao được gieo xuống thật nhiều hạt giống để mưu tìm hạnh phúc cho gia đình. Thấy người cựu chiến binh chí thú làm ăn, chính quyền xã Tân Hưng mời ông Thủ tham gia công tác ở ấp, rồi kết nạp Đảng, đề bạt lên làm Phó chủ tịch UBND xã Hưng Hà.
Ông Nguyễn Thế Thủ, người góp phần làm đổi thay cánh đồng Bàu Cối rộng 30 hécta. Ảnh: Đ.PHÚ |
Thêm vài mùa nước lũ trắng đồng, ông Thủ được vợ động viên sớm tìm nơi cao ráo để các con không bị thất học khi mùa lũ đến. Vài mùa lũ suy tư, cân nhắc, ông Thủ mới làm bà Thang (vợ ông) thỏa lòng để nghe theo bà rời xa miền đất lúa, chuyển gia đình về ấp Tân Thịnh (xã Đồi 61) làm lại từ đầu. Ông Thủ nhớ lại, ông bán 2 hécta đất ở Hưng Hà về xã Đồi 61 chỉ đủ tiền mua 5 sào đất ruộng ở cánh đồng Bàu Cối. Sau khi ổn định nơi học cho các con, ông Thủ bắt đầu quay lại cuộc sống “một nắng hai sương” của nhà nông từ 5 sào đất và cái chuồng tí tẹo đủ nhốt một con heo nái. Ông Thủ khề khà giọng nửa Bắc nửa Nam bộ, nói: “Tôi bén duyên với Bàu Cối từ đây và cái tên ông Thủ bí thư chi bộ cũng từ đây mà có”.
Ông Nguyễn Song Hào, Bí thư Đảng ủy xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom), cho biết Chi bộ ấp Tân Thịnh của Bí thư Thủ 14 năm nay giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh. Bản thân Bí thư chi bộ Thủ được các cấp khen thưởng nhiều giấy khen, bằng khen . “Nét đặc trưng, tiêu biểu của Chi bộ ấp Tân Thịnh là các nghị quyết chi bộ đề ra đều mang hơi thở cuộc sống, gắn với dân sinh” - ông Hào nói. |
Năm 1999, cây lúa trên cánh đồng Bàu Cối còn phụ thuộc vào nước trời. Lúa ở đây chỉ trồng được 1 vụ chính và 1 vụ phụ, năng suất đạt chỉ ngấp nghé 3 tạ/sào/vụ. Nhận thấy cánh đồng Bàu Cối đất không quá bạc màu, cây lúa cho năng suất thấp là do nhà nông canh tác chưa đúng khoa học - kỹ thuật. Để minh chứng cho điều này, với kinh nghiệm mang về từ vùng đất lúa Long An, ruộng lúa của ông Thủ năm nào cũng đạt trên 5 tạ/sào/vụ. Thấy vậy, nông dân cánh đồng Bàu Cối liền tò te nhờ ông kê “toa” gieo sạ, chăm sóc đúng thời gian sinh trưởng của lúa.
Áp dụng đúng “toa” của ông Thủ, năng suất lúa của các hộ dân tại cánh đồng Bàu Cối ngay lập tức tăng ngang ngửa với ruộng lúa ông Thủ. Không những thế, ông Thủ còn hướng dẫn nông dân gieo sạ được 2 vụ lúa ăn chắc nhờ thay đổi giống mới qua từng vụ gieo sạ. Thấy đảng viên, cựu chiến binh Thủ tâm huyết với địa phương, con cái chăm học, Đảng ủy xã Đồi 61 và Chi bộ ấp Tân Thịnh đề cử ông giữ nhiệm vụ Bí thư chi bộ ấp, Chủ tịch Hội Khuyến học. “Năm 2004, tôi được Đảng ủy tin tưởng giao nhiệm vụ bí thư chi bộ ấp. Cũng trong năm đó, tôi cùng với các đảng viên trong Chi bộ ấp Tân Thịnh họp bàn thống nhất đề ra nghị quyết thay đổi giống và áp dụng khoa học - kỹ thuật đối với diện tích trồng lúa trên cánh đồng Bàu Cối” - ông Thủ nói.
* Bí thư của dân
Nghị quyết Chi bộ ấp Tân Thịnh thông qua, các đảng viên trong chi bộ đồng loạt ra đồng triển khai cho nông dân nắm bắt, thực hiện. Chỉ trong 3 tháng thực thi nghị quyết đã chứng minh bằng vụ lúa bội thu trên toàn bộ cánh đồng Bàu Cối. Thấy nông dân hăng hái làm theo nghị quyết, ông Thủ gần như ngày nào cũng có mặt ngoài đồng để tư vấn cho nông dân cách thức làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc. Đồng thời, ông luôn tìm cách tiếp cận những nông dân tích cực, hoạt bát để bồi dưỡng làm cán bộ ấp, giới thiệu kết nạp Đảng. “Tôi đã bồi dưỡng và kết nạp được 3 nông dân từ cánh đồng Bàu Cối này. Hiện đồng chí Hải là Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, đồng chí Thảo là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, đồng chí Huỳnh giữ nhiệm vụ Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Tân Thịnh” - ông Thủ cho hay.
Nhờ nghị quyết của Chi bộ ấp Tân Thịnh, năng suất lúa tại cánh đồng Bàu Cối tăng lên gần gấp đôi, nông dân bắt đầu dư dật sửa nhà, khoan giếng, kéo điện, sắm máy tuốt… Vụ đông - xuân năm 2007, nông dân cánh đồng Bàu Cối tiếp tục thắng đậm và chuẩn bị cho đất nghỉ. Ông Thủ nhìn thấy trong đám ruộng của nông dân Thành xuất hiện những giàn bí xanh tốt. Ngay lập tức, ông Thủ đem tâm tư trong lòng của mình giãi bày với nông dân Thành rằng, ông đang nghĩ cách tăng nhanh giá trị sử dụng đất của cánh đồng Bàu Cối khi cây lúa không giải quyết được. Được nông dân Thành hướng dẫn cách trồng, ông Thủ mạnh dạn đầu tư một sào bí từ chân ruộng lúa. Trong quá trình làm đất, ông Thủ còn sáng tạo thêm bằng cách bơm nước phân heo (qua xử lý từ các hầm bioga) từ nhà ra ruộng để cải tạo đất.
Ông Nguyễn Thế Thủ (thứ hai, từ phải qua) đang trao đổi với nông dân Bàu Cối chuẩn bị đất cho vụ rau củ quả đón tết. |
Vụ bí năm đó, ông Thủ nhẩm tính 1 sào bí lãi gấp 4 lần trồng lúa. Có được niềm tin ban đầu, ông Thủ bàn với các nông dân thử chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng rau củ quả như nông dân Thành và áp dụng cách cải tạo đất như ông. Được Bí thư chi bộ Thủ gợi ý mở ra hướng làm ăn mới, nông dân tại cánh đồng Bàu Cối mạnh dạn làm theo và liên tiếp gặt hái được những vụ khổ qua, bí, bầu, dưa leo… bội thu. Trên cơ sở đó, năm 2010, Chi bộ ấp Tân Thịnh ban hành nghị quyết chuyển đổi lúa sang trồng rau củ quả tại cánh đồng Bàu Cối. Nghị quyết này như một luồng gió mới làm xanh tốt cánh đồng Bàu Cối và thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống kinh tế của nông dân nơi đây qua những nếp nhà mới xây, tân sinh viên hớn hở bước vào giảng đường đại học.
Lục cục với đôi ủng dẫn chúng tôi đi thăm đồng, Bí thư chi bộ Thủ tỉ tê giới thiệu với chúng tôi về dự án đường nội đồng, hệ thống điện dài 1,3km (do huyện đầu tư) cho cánh đồng Bàu Cối từ nghị quyết của chi bộ ban hành đầu năm 2014 và được Đảng ủy xã thống nhất thông qua, triển khai thực hiện. “Hiện nông dân trồng rau củ quả tại cánh đồng Bàu Cối đang tập hợp lại thành câu lạc bộ. Khi nào có đầu ra ổn định, chi bộ sẽ ban hành nghị quyết thành lập hợp tác xã rau củ quả. Đó là nghị quyết của tương lai, nó sẽ tạo ra một vùng cung cấp rau củ quả sạch ra thị trường, giúp nông dân làm giàu nhanh hơn nữa” - ông Thủ dẫn giải.
Đoàn Phú