Chọn thi vào các trường đại học, cao đẳng có môn tuyển sinh là vẽ, học sinh THPT ở Đồng Nai đã ráo riết đến các lớp mỹ thuật ôn luyện ngay từ khi mùa hè vừa bắt đầu.
Chọn thi vào các trường đại học, cao đẳng có môn tuyển sinh là vẽ, học sinh THPT ở Đồng Nai đã ráo riết đến các lớp mỹ thuật ôn luyện ngay từ khi mùa hè vừa bắt đầu.
Lướt ngòi bút chì trên trang giấy A3 đã được căng phẳng lỳ, các học viên lớp luyện thi vẽ chăm chú quan sát bức tượng thạch cao trước mặt rồi “truyền tải” những chi tiết ấy vào trang giấy. Dần dần, hình dáng của bức tượng đã hiện ra...
* Lúng túng với năng khiếu
Theo giảng viên Nguyễn Trường Giang, Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, thời kỳ “thịnh” của khối thi năng khiếu vẽ cách đây khoảng 5-6 năm. “Khi đó, mỗi dịp hè đến, lớp luyện vẽ của các giảng viên, các trường đại học, cao đẳng mỹ thuật có đến 60-70, thậm chí cả trăm học viên ôn luyện. Còn như đợt thi đại học, cao đẳng vừa rồi, chỉ vào khoảng 20-30 em. Ngành học năng khiếu không đòi hỏi số lượng mà đòi hỏi chất lượng và dành cho những người thực sự tâm huyết” - thầy Giang nhấn mạnh.
Giảng viên Nguyễn Trường Giang sửa bài cho học viên. |
Phần lớn các học sinh THPT ở Đồng Nai muốn ôn luyện môn vẽ để thi vào các trường đại học… đều phải đăng ký học ở lớp do các trường mở, hoặc các giảng viên của trường dạy thêm bên ngoài. Thời gian các buổi học có thể diễn ra suốt một buổi, kéo dài 4-5 giờ nên chỉ vào những ngày cuối tuần các em mới có điều kiện đi học. Trong lớp luyện thi, học viên có trình độ và khả năng tiếp thu không đồng đều, giảng viên sẽ theo dõi sự tiến bộ của từng học viên để đưa ra các bài tập.
Em Đặng Châu Hòa An (học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Hà, TP.Biên Hòa) cho biết: “Em ôn thi vẽ đã được vài tháng. Dù đã ấp ủ mơ ước được làm một nhà thiết kế thời trang từ rất lâu, nhưng phải đến năm cuối bậc THPT em mới thuyết phục được gia đình cho em theo đuổi ước mơ này. Đến thời điểm đi ôn thi em mới biết đây là môn khó, ngoài vẽ họa tiết màu nước còn phải “vật lộn” với các loại tượng, rồi chân dung người thật. Hy vọng em vẫn kịp chuẩn bị trước khi bước vào kỳ thi đại học sắp tới”.
Theo thầy Giang, nhiều học sinh ôn thi vẽ chỉ 2-3 tháng trước kỳ thi đại học đã rất lo lắng khi biết độ khó của môn năng khiếu này. Thầy cho biết, phải qua một quá trình dài rèn luyện, từ những bước cơ bản rồi nâng cao dần độ khó mới nắm được cách làm bài môn vẽ. Không chỉ riêng em An, mà có rất nhiều học sinh THPT khi được hỏi đều có chung câu trả lời chưa từng tìm hiểu kỹ các môn thi năng khiếu dù những năm lớp 10-11 đã chọn thi khối H và V (hai khối thi đại học có môn năng khiếu vẽ).
Các loại đầu tượng thạch cao để học viên vẽ. |
“Cùng khối thi, nhưng tính chất đào tạo của mỗi trường khác nhau nên cách chấm bài năng khiếu ở từng trường cũng khác nhau. Vì vậy, học sinh cần có thời gian ôn thi từ 1-2 năm để nắm vững “gu” của mỗi trường. Với đề thi vẽ đầu tượng, cách đánh bóng sẽ khác; đề thi vẽ chân dung cách đánh bóng cũng khác, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đến khi vào phòng thi sẽ bị “ngợp” trước bài thi của thí sinh khác. Việc thay đổi khối thi trong đợt thi đại học vừa rồi cũng khiến không ít học sinh lúng túng trong việc lựa chọn ngành” - sinh viên Phạm Hữu Đoan, Trường đại học kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, cho hay.
* Sáng và tối
Tiêu chuẩn chấm bài thi đại học với hình thức thể hiện bằng bút chì đen thường là hình vẽ cân đối trên tờ giấy thi A3, dựng hình đúng tỷ lệ, cấu trúc và đặc điểm của mẫu (có thể là đầu tượng thạch cao hoặc người thật). Hình vẽ ngoài việc thể hiện rõ sáng tối, diễn tả đúng các “khối” của mẫu trong không gian, còn phải chú ý đến chất liệu của mẫu, thạch cao đánh bóng khác, người thật đánh bóng khác. Do đó, việc đầu tiên khi ôn thi vẽ là phải biết phân biệt, so sánh độ sáng tối giữa các mặt của vật thể, đây là bước tạo đà cho tiến bộ sau này của từng học viên.
Một học viên tô màu cho bài vẽ màu nước. |
Em Ngô Đức Hòa Long (học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa) tâm sự, do gia đình có truyền thống trong ngành kiến trúc, xây dựng nên từ nhỏ em đã được định hướng theo nghề kiến trúc sư. Tuy có cha mẹ hướng dẫn, chỉnh sửa các nét vẽ nhưng với Long, việc thể hiện một đầu tượng hoàn chỉnh, chân thực chưa bao giờ dễ dàng.
Học sinh THPT ở Đồng Nai muốn ôn thi vẽ có thể tìm đến các lớp dạy thêm của giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai ở khu vực gần tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), hoặc tìm đến các trung tâm luyện thi vẽ mỹ thuật của các trường đại học TP.Hồ Chí Minh. |
“Nhà em có một số đầu tượng thạch cao để tự ôn luyện ở nhà, dù đã thử qua nhiều góc độ ánh sáng, nhưng mỗi lần bắt đầu vẽ em luôn có cảm giác phải “đánh vật” với các mảng sáng tối trên tượng. Nếu đánh bóng quá đen sẽ kéo theo việc thể hiện chất liệu không chính xác. Do vậy trong quá trình vẽ phải luôn so sánh tổng quát giữa bản vẽ và tượng thật” - Long bộc bạch.
Với những học viên chọn khối thi có môn năng khiếu là vẽ bằng chất liệu màu nước thì việc ôn luyện còn khó khăn hơn nhiều. Không chỉ đơn giản là việc tạo ra một bố cục đẹp mà việc chọn lựa màu sắc để tô cũng rất kỳ công, nếu chọn sai có thể phải vẽ lại từ đầu. Trong lúc ôn thi, các học viên được khuyên dùng thử qua các loại màu vẽ khác nhau (màu bột, màu nước) để nắm được cách pha màu, sao cho chỉ với 3 màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh dương) mỗi học viên có thể tạo ra các loại màu phù hợp với bài vẽ. Nhiều học viên cho biết ôn thi vẽ khá tốn kém, ngoài giấy, bút, màu phải mua mới liên tục, nếu muốn nhanh tiến bộ trong thời gian ngắn phải mua thêm các loại sách tham khảo hoặc mua đầu tượng về thực tập.
“Với việc học vẽ, điều quan trọng là không được nản chí khi nhìn thấy bài vẽ của người khác. Nhiều học viên học được vài tháng đã bỏ ngang, chuyển sang thi khối khác vì cảm thấy tự ti, chậm tiến bộ. Vì vậy, tôi luôn khuyên học viên nhìn bài người khác chỉ để rút kinh nghiệm rồi tự rèn luyện chứ không phải nhìn rồi cảm thấy áp lực, lo lắng mà bỏ thi. Muốn theo những môn năng khiếu, ngoài yếu tố bẩm sinh còn phải kiên trì và nhẫn nại nữa” - giảng viên Nguyễn Trường Giang tâm sự.
Đăng Tùng