Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi dưỡng đam mê thiết kế thời trang

07:12, 29/12/2014

Ánh đèn sàn catwalk lung linh, những bộ trang phục lộng lẫy, những ý tưởng sáng tạo độc đáo… là những điều các bạn trẻ nghĩ đến khi nói về các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng.

Ánh đèn sàn catwalk lung linh, những bộ trang phục lộng lẫy, những ý tưởng sáng tạo độc đáo… là những điều các bạn trẻ nghĩ đến khi nói về các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Nhưng để thành danh trên con đường “điểm tô cuộc sống”, sinh viên ngành thiết kế thời trang của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã phải nỗ lực rất nhiều trước những đòi hỏi khắt khe của nghề nghiệp.

Vẽ đường cắt lên vải.
Vẽ đường cắt lên vải.

Mặc cho cái se lạnh bên ngoài, trong “xưởng may” của Trường cao đẳng trang trí mỹ thuật Đồng Nai, hơn 10 sinh viên ngành thiết kế thời trang vẫn miệt mài bên những bản thiết kế và các tấm vải được đo vẽ liên tục. Tiếng máy may, máy cắt chạy rè rè như xua tan hơi lạnh và tạo nên một bầu không khí làm việc tập trung, hối hả khắp căn phòng.

Ước mơ ánh đèn màu

“Nhắc đến ngành thiết kế thời trang, nhiều người nghĩ đến những show diễn hoành tráng với các bộ trang phục ấn tượng, màu sắc sặc sỡ và gây “sốc” người xem. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong lĩnh vực này và chỉ dùng riêng trong biểu diễn, thực tế các nhà thiết kế thời trang còn tạo ra nhiều loại trang phục có tính ứng dụng cao, sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Khoa thiết kế thời trang của trường đang hướng sinh viên tập trung sáng tạo các loại trang phục đáp ứng được yêu cầu của xã hội” - cô Dương Thị Thanh Hải, Phụ trách Khoa Thiết kế thời trang Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho biết.

Với các sinh viên ngành thiết kế thời trang, phần lớn thời gian làm bài tập của họ đều tập trung ở “xưởng may”, các thiết bị đều được nhà trường trang bị đầy đủ. Tính chất đặc thù của ngành học không chỉ yêu cầu sự sáng tạo qua các thiết kế trên giấy mà mỗi sinh viên còn phải thực hiện được sản phẩm. Ngoài các ý tưởng mới, sinh viên ngành này còn phải biết đánh giá chất liệu vải, phối màu sao cho phù hợp và phải tạo ra được sản phẩm phù hợp với số đông người mặc.

“Do giá thành các loại máy móc khá đắt tiền nên chúng tôi thường ở lại xưởng may của trường đến tận tối để làm việc. Không khí tất bật, hối hả của mọi người khi làm việc luôn tạo động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn trong lúc thực hiện sản phẩm” - Phan Thị Diễm Hương, sinh viên năm 3 ngành thiết kế thời trang, vui vẻ cho biết.

Trần Đức Luân, sinh viên năm 2 Khoa Thiết kế thời trang, tâm sự từ hồi còn học tiểu học ở quê (tỉnh Phú Yên), Luân đã nuôi dưỡng đam mê làm việc trong lĩnh vực thời trang. Do có quá trình tìm hiểu lâu dài và có sự chuẩn bị từ trước nên khi đặt chân vào giảng đường để chinh phục ước mơ của mình, Luân không bị bất ngờ trước những yêu cầu của giảng viên về việc tự may hoàn chỉnh bộ trang phục do mình thiết kế.

“Với sinh viên ở các ngành học khác, thậm chí là ở ngành này, việc tự cắt may một bộ trang phục vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo là một việc cực kỳ khó khăn. Trong quá trình học, một số sinh viên do không khéo tay, không kiên nhẫn nên phải nhờ người ngoài may giùm trang phục. Điều này dẫn đến việc khi bước chân vào nghề, những trang phục do họ thiết kế sẽ không được thể hiện tốt, thậm chí sai lệch với ý tưởng ban đầu. Vì vậy, khi vừa vào học, chúng tôi được yêu cầu thực hiện rất nhiều loại trang phục với các đường may khác nhau để làm quen với việc tự thực hiện thiết kế của chính mình” - Luân bộc bạch.

Gian nan đường nghề

Với những người làm nghệ thuật nói chung và thiết kế thời trang nói riêng, việc có ý tưởng mới lạ, độc đáo đã rất khó khăn, việc thể hiện ý tưởng trên sản phẩm để cho công chúng chấp nhận còn khó hơn bội phần.

Bên cạnh những trang phục mà người thiết kế có thể thỏa sức sáng tạo, thể hiện cái “tôi” trong thiết kế chuyên dùng để biểu diễn thì những trang phục dùng trong sinh hoạt hàng ngày, trong các buổi lễ, tiệc đặc biệt cần phải có những ý tưởng mới lạ, nhưng phải phù hợp với sở thích của nhiều người. Để làm được điều này, nhà thiết kế cần nghĩ đến thị hiếu của đám đông để từ đó tạo ra những bộ trang phục được yêu thích.

“Mỗi người làm công việc thiết kế thời trang đều có một quan điểm riêng về thiết kế và cách tìm kiếm, xây dựng ý tưởng. Thể hiện phong cách của bản thân thông qua các mẫu trang phục là điều rất tốt, nhưng không thể vì vậy mà quên đi thị hiếu của công chúng, những người đang sử dụng các sản phẩm của nhà thiết kế. Nhà thiết kế thời trang có thể tìm ý tưởng từ thiên nhiên, hoặc qua các chuyến đi thực tế xa xôi, đến các vùng đất lạ để tìm cảm hứng… Nhưng với sinh viên, phần lớn họ chỉ dựa vào những thiết kế có sẵn để phát triển thêm ý tưởng chứ chưa đủ khả năng thực hiện các mẫu thiết kế mới” - Phan Thị Diễm Hương, sinh viên năm 3 Khoa Thiết kế thời trang, chia sẻ.

Sinh viên đang hoàn thiện mẫu thiết kế áo cưới.
Sinh viên đang hoàn thiện mẫu thiết kế áo cưới.

Ngoài việc học tại trường, giảng viên vẫn luôn khuyến khích sinh viên tham dự các cuộc thi thiết kế thời trang để có thêm kinh nghiệm và tạo đà phát triển sự nghiệp sau này. Qua mỗi cuộc thi, các sinh viên tự rút ra những kinh nghiệm cho bản thân, nhờ đó sẽ có cách thể hiện tốt hơn cho các sản phẩm sau này. Ngoài kỹ năng may và vẽ, sinh viên còn phải nắm được cách tư vấn cho khách hàng trước khi nhận thiết kế một mẫu trang phục. Với nghề này, kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của nhà thiết kế. Vì vậy, sinh viên luôn được khuyến khích tìm đến các buổi biểu diễn để quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà thiết kế danh tiếng.

Do phải tự may hoàn chỉnh các mẫu thiết kế thời trang nên chi phí để theo học ngành này khá tốn kém. Cô Hải cho hay, với đồ án kết thúc môn hoặc tốt nghiệp, mỗi sinh viên phải tốn từ 5 triệu đồng trở lên. Chỉ tính nguyên vật liệu, quá trình sửa chữa các sai sót đã tốn kha khá, còn nếu phải thuê thêm người mẫu để trình diễn trang phục còn tốn kém nhiều hơn. Thông thường, với đồ án tốt nghiệp, sinh viên năm cuối luôn thuê một người mẫu nghiệp dư để thể hiện bộ trang phục. Qua đó, một vài người mẫu thích thiết kế của sinh viên đã đặt mua và sinh viên nhờ vậy “gỡ” lại được phần nào chi phí.

“Khoa Thiết kế thời trang của trường chúng tôi hiện có 2 chuyên ngành, gồm: thiết kế thời trang và quản lý công nghệ may. Học đến năm thứ hai, sinh viên sẽ được phân ngành để tập trung đào tạo chuyên sâu. Đồ án tốt nghiệp cũng là một trong những yếu tố giúp các nhà tuyển dụng xác định được khả năng của mỗi sinh viên để chọn người phù hợp. Việc thể hiện tất cả sức sáng tạo vào mỗi sản phẩm ngay từ trên ghế nhà trường cũng rất quan trọng, đó là yếu tố thể hiện phong cách làm việc nghiêm túc của nhà thiết kế tiềm năng” - cô Hải nhấn mạnh.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích