"Trạm y tế xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) hiện có 1 bác sĩ đa khoa và 6 nhân viên y tế, điều kiện còn hết sức khó khăn, nhưng mọi người trong trạm vẫn luôn sống tình cảm và sẵn lòng vì người dân..." - Trạm trưởng Võ Văn Minh cho biết.
Năm 2013, Trạm y tế xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Trạm trưởng Võ Văn Minh kể lại, trước khi sáp nhập 3 xã: Bình Phước, Bình Ý và Tân Triều thành xã Tân Bình, công tác khám chữa bệnh cho người dân địa phương gặp nhiều khó khăn, như: thiếu thuốc men, phòng ốc xập xệ, phương tiện khám chữa bệnh chỉ có ống nghe cũ kỹ…
Trạm trưởng Võ Văn Minh được đồng nghiệp và người dân xem như người thân. |
Nghịch lý của thời bao cấp thật sự làm Trạm trưởng Minh và đồng nghiệp lúng túng khi đón nhận cơ số thuốc do tuyến trên phân bổ về các xã không phải là thuốc trị bệnh ngoài da, sốt, tiêu chảy theo nhu cầu của người dân, mà là những chai... rượu thuốc ngâm tắc kè. “Thiếu thuốc, tôi phải mượn tiền cha mẹ mua thuốc về kê toa cho bà con. Nhiều người đến trạm điều trị rồi ghi nợ, sau đó quên luôn vì ruộng lúa bị mất mùa liên tục” - Trạm trưởng Minh kể.
* Bám trụ với dân
Năm 1983, y sĩ đa khoa Võ Văn Minh được phân công phụ trách Trạm y tế xã Bình Ý. Được phục vụ bà con tại quê nhà, ông và đồng nghiệp vẫn hàng ngày bám trụ căn phòng cấp 4 xập xệ nhưng hãnh diện trước tấm bảng lớn “Trạm y tế xã Bình Ý”. Thời điểm đó, cán bộ y tế của trạm thuộc sự quản lý của xã, lương 6 tháng mới nhận một lần, thuốc men thì thiếu thốn. “Hồi đó, người có bằng y sĩ dễ dàng xin việc ở các bệnh viện tỉnh, huyện và có điều kiện trau dồi chuyên môn tốt hơn. Nhưng anh em ở trạm vẫn động viên nhau bám dân, khắc phục khó khăn, phục vụ dân bằng tất cả tấm lòng” - ông Minh nói.
Vốn là dân Bình Ý, Trạm trưởng Minh hiểu rất rõ loại thuốc bà con đang cần là các loại thuốc đặc trị bệnh ngoài da, sốt rét, đường ruột… do điều kiện sinh hoạt, lao động, đời sống luôn đối diện với những nguy cơ nhiễm, mắc các bệnh này. Thuốc tuyến trên cấp về trạm không đủ, ông mạnh dạn mượn tiền gia đình mua thêm thuốc ngoài về kê toa cho bà con theo giá gốc. Nhiều người nợ tiền thuốc của ông năm này qua tháng nọ vẫn không có điều kiện trả, ông vẫn vui vẻ đánh dấu tròn xóa nợ để bà con khỏi ái ngại khi có nhu cầu đến trạm khám bệnh.
Gia đình thấy ông công tác ở trạm y tế lương ba cọc ba đồng, lại thâm hụt tiền nhà, thu nhập không bằng một góc so với mấy bà mụ vườn, những người xách giỏ thuốc hành nghề y dạo nên có ý trách móc. Biết gia đình lo lắng cho mình, ông Minh chỉ biết cười trừ và giữ thói quen ngoắt tay mời những đứa trẻ đầu lở tróc, bụng to phình vì suy dinh dưỡng vào trạm để ông và đồng nghiệp chữa trị miễn phí bằng thuốc của trạm và của cá nhân. “Thấy tụi tôi làm có trách nhiệm, bà con ngày càng tìm đến trạm nhiều hơn. Không những người dân trong xã Bình Ý, mà các xã lân cận cũng tiện đường ghé khám bệnh, xin thuốc. Vì vậy, công việc của trạm luôn tất bật, nhiều đêm anh chị em trong trạm phải xách giỏ đồ nghề đến tận nhà sản phụ đỡ đẻ hoặc cấp cứu cho người già” - ông Minh bộc bạch.
* Yêu nghề
Năm 1987, trạm y tế 3 xã: Bình Ý, Bình Phước và Tân Triều sáp nhập thành Trạm y tế xã Tân Bình và ông Minh tiếp tục đảm nhận vai trò Trạm trưởng Trạm y tế xã mới.
Ông Minh cho biết, lực lượng cán bộ trạm lúc ấy có tới 11 người, gồm: 3 nữ hộ sinh, 3 y sĩ đa khoa, 4 y tá và 1 dược tá. Nhờ vậy, đơn vị có điều kiện tập trung nhân lực, cơ số thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân tốt hơn trước rất nhiều. Nhất là công tác phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết; sinh đẻ tại trạm; suy dinh dưỡng ở trẻ em… giảm rất rõ. “Thấy Tân Bình nhanh chóng xóa được các ổ dịch sốt rét, sốt xuất huyết, đồng nghiệp đến tìm hiểu học tập. Anh em trong trạm bật mí là nhờ nhang muỗi Nhà nước cấp đến tận hộ dân, dân Tân Bình đốt nhang dữ quá nên muỗi không còn đất sống” - ông Minh vui vẻ kể lại.
Trạm y tế xã Tân Bình luôn vì sức khỏe cộng đồng. |
Năm 1990, Trạm y tế xã Tân Bình thành Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình. Lúc này, trung tâm được cấp trên quan tâm đầu tư khá mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để đơn vị triển khai tốt các chương trình quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Như được tiếp sức, đội ngũ nhân viên của trung tâm đã phối hợp cùng với chính quyền, hệ thống chính trị xã đến tận nhà dân truyền thông chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, cấp thuốc ngừa thai, bao cao su, hướng dẫn các cặp vợ chồng có 2 con đi triệt sản… “Nay tôi vẫn còn nhớ cảnh anh em xắn quần xách thùng thuốc tìm đến nhà có trẻ em, sản phụ để tiêm chủng. Nhiều đứa trẻ lần đầu được tiêm vaccine sợ khóc thét, riêng các sản phụ thì mừng ra mặt khi cán bộ y tế xã đến tận nhà tiêm phòng để được mẹ tròn con vuông” - chị Huỳnh Kim Huê, Phó trưởng Trạm y tế xã Tân Bình, nói.
Trạm y tế xã Tân Bình hiện có 1 bác sĩ đa khoa và 6 nhân viên y tế. Trạm trưởng Võ Văn Minh cho biết: “Mọi người trong trạm luôn sống tình cảm và sẵn lòng vì người dân. Đó chính là động lực để tập thể trạm vượt khó khăn, triển khai tốt các chương trình y tế quốc gia và được cấp trên tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen cho tập thể, cá nhân”. |
Thay tên được vài năm thì Trạm y tế xã Tân Bình quay lại với cái tên cũ và các chương trình y tế quốc gia ngày được triển khai sâu rộng hơn.
Nữ hộ sinh Xuân Hồng tâm sự, do xuyên suốt bám chương trình nên chị nhớ tên, nhớ mặt từng người đến nhờ can thiệp nạo hút thai. Đa phần đối tượng đến nạo hút thai là giới trẻ, công nhân. Nguyên nhân phá bỏ bào thai thì muôn hình vạn trạng: “Theo quy định, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ được phép nạo hút thai không quá 3 lần. Tuy vậy, có bạn trẻ một năm lại đến trạm nạo hút tới 2 lần và lần nào cũng đến trong tâm trạng đầy nước mắt” - chị Xuân Hồng thổ lộ.
Thương những người bệnh nghèo khó và động viên nhau bám trạm, cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã Tân Bình chung tay nhau góp quỹ để động viên, giúp đỡ bệnh nhân nghèo tiền thuốc, tiền ăn khi lưu trú tại trạm. Nhiều người còn bỏ tiền túi ra để mua gạo, quà hỗ trợ bệnh nhân, thông qua chính quyền làm công tác nhân đạo. “Chị Xuân Hồng vừa là bà đỡ mát tay, vừa là người làm công tác từ thiện nhiều nhất trong số anh em trong trạm. Chính điều đó mà bà con không ngần ngại đến trạm khám, chữa bệnh dù trong túi có tiền hay chưa có” - chị Huê tỏ bày.
Đoàn Phú