Nép mình vào cuộc sống thầm lặng, ít ai biết ông Tô Đình Cắm (92 tuổi, ngụ thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh tỉnh, Lâm Đồng) là một trong những thành viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ).
Ngày 22-12-1944, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) được thành lập với 34 chiến sĩ được trang bị vũ khí thô sơ, mang trong mình bầu nhiệt huyết cách mạng cháy bỏng, ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Từ đó đến nay, quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, đó là bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài 1: Ký ức 70 năm
Nép mình vào cuộc sống thầm lặng, ít ai biết ông Tô Đình Cắm (92 tuổi, ngụ thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh tỉnh, Lâm Đồng) là một trong những thành viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ).
Ông Tô Đình Cắm (bên trái) cùng con trai Tô Đức Tuân vui mừng khi có khách đến thăm. |
Chúng tôi tìm gặp ông Cắm tại ngôi nhà tình nghĩa vừa được xây cất vào cuối năm 2013. Do tuổi cao nên ông Cắm chỉ có thể trò chuyện với chúng tôi thông qua lời thuật của người con trai, ông Tô Đức Tuân.
“Làm giặc” khi 19 tuổi
Những năm 30-40 của thế kỷ trước, trên quê hương người Tày ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), thực dân Pháp tràn khắp xóm làng, bất kỳ ai có hành động chống lại chúng đều bị chém, bêu đầu. Trước tình cảnh nghẹt thở ấy, ông Cắm cùng nhiều người âm thầm theo cách mạng từ những ngày đầu thành lập Mặt trận Việt Minh với mong muốn đập tan sự thống trị của thực dân Pháp.
“Khi đó, người Pháp rêu rao sẽ xử tử những người trốn khỏi bản. Nhưng chúng càng làm như vậy, quyết tâm của chúng tôi càng cao. Người Tày những năm đó đâu biết chữ nghĩa gì, nhưng cũng biết căm thù quân giặc. Người Tày chúng tôi không tự đánh Pháp được thì phải đi theo cách mạng để cùng các dân tộc anh em khác đánh giặc. Quân Pháp treo thưởng một cái đầu của chúng tôi bằng 300kg muối; chỉ cần bắt được là đem tới đồn lính lãnh thưởng, người bị bắt sẽ bị chém đầu treo trước lối vào bản” - ông Cắm kể lại.
Đến năm 1944, tại cánh rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng), ông Cắm cùng 2 thanh niên trong bản Um (được chọn lựa từ các đội du kích và cứu quốc quân) có mặt trong buổi thành lập đội VNTTGPQ với tư cách đội viên chính thức. 3 năm ẩn nấp trong rừng, khi được đứng trong hàng ngũ một đội quân có tên gọi chính thức, có lá cờ cách mạng dẫn đường, ông Cắm cùng đồng đội vui mừng khôn xiết. Vũ khí của đội lúc ấy chủ yếu lấy của người Pháp từ các trận chiến nhỏ trước đó, nhưng phần lớn mọi người vẫn sử dụng mã tấu, dao phay do tính cơ động cao.
Áo vải, chân trần, đầu đội mũ nan, mũ vải, nhưng những đội viên VNTTGPQ đã làm cho quân Pháp thất điên bát đảo.
Ông Cắm kể, xung quanh các bản làng khi ấy có nhiều đồn lính người Việt phục vụ cho quân Pháp. Theo kế hoạch, Đội VNTTGPQ sẽ tấn công các đồn này để lấy vũ khí, trang bị và mở rộng lực lượng. 3 ngày sau khi thành lập (ngày 25-12-1944), các đội viên khoác lên mình quân phục của lính khố xanh đã lấy được từ trước đó, đàng hoàng đi cửa chính vào đồn Phai Khắt và khống chế, bắt sống toàn bộ binh lính trong đồn.
“Đến hôm sau (26-12-1944), khi đã có trong tay những vũ khí trong đồn Phai Khắt, chúng tôi tiếp tục tiến công vào đồn Nà Ngần gần đó. Anh Xiêm (tên thật của Đại tướng Hoàng Văn Thái) nói sẽ dùng lại chiến thuật trước đó, các đội viên đóng giả lính của đồn Phai Khắt đi vào đồn Nà Ngần. Chỉ trong phút chốc, chúng tôi đã chiếm được đồn và may mắn không có ai bị thương vong gì. Số vũ khí và tiền bạc lấy được từ 2 trận đó thật sự là một gia tài; những thứ đó đã giúp chúng tôi rất nhiều trong những trận đánh sau này” - ông Cắm bồi hồi nhớ lại.
Trung đội trưởng có thư ký riêng
Sau tháng 8-1945, quê hương Cao Bằng của ông Tô Đình Cắm sạch bóng quân thù. Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, không đầy một tháng sau, ông lại cùng đồng đội tiến vào Nam, sát cánh cùng đồng bào miền Nam bảo vệ thành quả cách mạng.
Tháng 6-1946, trong một trận đánh với quân Pháp ở Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), ông bị một mảnh đạn xuyên qua chân, phải đem về vùng an toàn chữa trị. Trong bệnh xá, ông luôn theo dõi tình hình chiến sự khắp nơi thông qua những thương binh được chuyển về cùng với ông. Lúc này, 34 người đầu tiên của đội VNTTGPQ đã tản ra khắp các mặt trận khác nhau với các nhiệm vụ khác nhau. Do tình hình cuộc chiến khốc liệt nên ông cũng không thể nắm được tình hình của những đồng đội cũ.
“Sau khi vết thương ở chân bình phục, tôi lên đường về lại Cao Bằng. Chưa kịp nghỉ ngơi, đến tháng 10-1947, khi quân Pháp nhảy dù hòng chiếm lại thuộc địa đã mất, tôi lại cùng đồng đội bước vào cuộc kháng chiến mới. Lúc này, quân đội ta đã được trang bị hiện đại hơn rất nhiều so với thời kỳ đánh trận Phai Khắt, Nà Ngần nhờ súng đạn tịch thu được của quân Nhật - Pháp sau Cách mạng tháng Tám. Tôi khi đó là Trung đội trưởng pháo binh, sử dụng những khẩu pháo chiếm được của Pháp - Nhật làm vũ khí chống lại chúng” - ông Tô Đình Cắm kể về những năm tháng binh nghiệp.
Ông Cắm cho biết, đến khi là Trung đội trưởng, ông vẫn không biết chữ; là Trung úy, Trung đội trưởng pháo binh mà có hẳn một thư ký riêng để đọc cho ông nghe mệnh lệnh cấp trên và trả lời các báo cáo. Trong suốt những năm kháng chiến, không có nhiều thời gian nên dù được người thư ký hướng dẫn, ông vẫn không thể đọc, viết được chữ quốc ngữ. Đến khi bị một mảnh pháo cắt vào vai trong trận Đông Khê (Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950), ông phải lui về đảm nhận nhiệm vụ khác ở hậu phương, không thể theo đồng đội đến tận Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954).
“Thật sự thì vết thương ở vai lần đó đã đặt dấu chấm hết cho vai trò Trung đội trưởng pháo binh của tôi. Nhưng phải đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ tôi mới chính thức giải ngũ trở về với công việc dân sự ở địa phương. Năm 1954, tôi làm trưởng thôn. Sau khi đã học thông thạo chữ quốc ngữ, tôi làm đội trưởng trong hợp tác xã ở quê. Thời điểm đó có nghĩ đến công lao, ân thưởng gì đâu, căm thù giặc nên đi đánh giặc, với lại tôi có nhiều bí danh nên giấy tờ cũng không thống nhất. Phải đến tận năm 2013 mới được nhận thẻ thương binh” - ông Cắm bộc bạch.
Đến năm 1992, sau khi về hưu, sống bằng nghề nông ở quê, ông Cắm cùng các con chuyển vào sinh sống ở tỉnh Lâm Đồng. Ở tuổi 70, ông cùng vợ, con và nhiều gia đình đi kinh tế mới cống hiến hết sức mình để biến vùng đất Đạ Tẻh còn nhiều khó khăn trở thành chốn an cư lạc nghiệp. Suốt từ đó đến nay, mỗi lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm miền Nam là ông Cắm lại được đến gặp người chỉ huy năm xưa. Với ông, niềm hạnh phúc lớn lao không phải là những gì ông được Nhà nước đãi ngộ, mà chính là điều được đứng trong hàng ngũ của đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay...
Đăng Tùng
Bài 2: Kiên cường du kích Rừng Lá