Báo Đồng Nai điện tử
En

Khô kìm hồ Trị An

11:12, 26/12/2014

Được thiên nhiên ưu đãi, hồ Trị An là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt có giá trị. Bên cạnh các loại đặc sản, như: cá lăng, trèn leo, chép…, cá kìm cũng là sản vật mà hồ Trị An ban tặng cho ngư dân nơi đây.

Được thiên nhiên ưu đãi, hồ Trị An là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt có giá trị. Bên cạnh các loại đặc sản, như: cá lăng, trèn leo, chép…, cá kìm cũng là sản vật mà hồ Trị An ban tặng cho ngư dân nơi đây. Theo nhiều người dân ở các ấp Bến Nôm 1-2, xã Phú Cường (huyện Định Quán), cá kìm ở hồ Trị An nhiều vô kể. Hàng năm, cứ vào vụ đánh bắt, người dân lại ra giữa lòng hồ để thả lưới.

Anh Trần Văn Thành với mẻ cá kìm sau chuyến đánh bắt xuyên đêm.
Anh Trần Văn Thành với mẻ cá kìm sau chuyến đánh bắt xuyên đêm.

Cá kìm sống ở tầng nước mặt, ngư dân dùng chiếc lưới càng loại lớn sục liên tục xuống nước khoảng một giờ đồng hồ rồi cất lên. Mỗi chuyến đánh bắt, ngư dân có thể thu về 2-3 tạ cá.

* Vào vụ đánh bắt

Dù lượng cá kìm nhiều nhưng việc đánh bắt không mấy dễ dàng, nên cả làng cá chỉ có vài ghe lớn chuyên đi đánh bắt. Mùa vụ cá kìm vào khoảng đầu tháng 10 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 năm sau. Ngư dân phải lên ghe từ chiều hôm trước, lang thang trên hồ xuyên đêm đến sáng sớm hôm sau mới trở về.

“Vào mùa nắng, con nước xấp xấp là lúc thích hợp nhất để đánh bắt cá kìm. Ngày trước, cá ở gần trong bờ, nhưng giờ nước xung quanh không còn sạch, cá sống xa bờ nên muốn đánh lớn phải ra giữa hồ. Mỗi chuyến đi, nếu gặp may thì thu được 3-4 tạ, ít cũng được 1-2 tạ cá kìm. Sau khi trừ mọi chi phí, tôi thu được khoảng 300 ngàn đồng cho một đêm làm việc” - anh Trần Văn Thành (ngụ ấp Bến Nôm 1) cho biết.

Khoảng 16 giờ, chúng tôi lên ghe anh Thành để chuẩn bị cho chuyến đánh cá lớn. Mặt hồ mùa này khá êm, không có những cơn sóng lớn nhưng thỉnh thoảng chiếc ghe cũng chòng chành. Sau khoảng một giờ lênh đênh trên hồ, ghe anh Thành cũng đến nơi. Để nhận biết đàn cá nằm ở vị trí nào, anh rọi chiếc đèn pin ra xa. Mấy phút sau, trên mặt nước ánh lên màu bạc phát ra từ thân cá, anh Thành mới tiến hành buông lưới.

“Ngày trước cá kìm rẻ lắm, chủ yếu làm thức ăn cho vật nuôi, nhưng từ khi khô kìm trở thành đặc sản của lòng hồ Trị An thì giá cả cũng tăng theo. Hơn nữa, ít người đánh bắt, biết làm cá khô nên khô kìm bán rất chạy. Nếu đến hồ Trị An mà chưa thưởng thức món ăn làm từ khô kìm là một thiếu sót đáng tiếc cho chuyến đi của du khách” - một chủ cơ sở làm khô kìm cho hay.

Ghe đánh cá của anh Thành vào loại tương đối lớn, ở mũi ghe được trang bị đôi càng gỗ to khệnh khạng, có bề ngang lưới rộng cả chục mét. Mỗi lần anh Thành sục mạnh đôi càng gỗ xuống nước sâu để vợt cá, mặt nước xung quanh chao đảo. Ánh sáng từ chiếc đèn pin không chiếu ra xa mà anh Thành để nằm sàng sàng trên bề mặt nước. Ánh sáng đèn thu hút từng đàn cá kìm đua nhau bơi vào, hết đợt này đến đợt khác.

“Thả lưới khoảng một giờ thì cất lên. Công đoạn này khá vất vả vì chỉ những người có sức khỏe mới làm được. Tôi đánh bắt cá hoàn toàn thủ công, không dùng xung điện như những nơi khác nên sản lượng thu về không nhiều, trung bình 2-3 tạ cá. So với mọi lần, đêm nay cá bắt được nhiều hơn” - anh Thành chép miệng nói.

Ở gần khu vực anh Thành buông lưới, vài ngư dân khác cũng phấn khởi vì “trúng mánh” cá kìm. Cơn mưa rào buổi chiều tối hôm trước khiến đàn cá tập trung đông để kiếm ăn và chúng nhanh chóng bị thu hút bởi những loài vi sinh vật, rong tảo nổi trên mặt nước. Ánh đèn pin chiếu đến đâu, đôi càng gỗ lại sục xuống nước và vớt lên những mẻ cá nặng trĩu. Đàn cá gặp cạn, nảy mình liên tục trên tấm lưới.

“Cá kìm ở hồ Trị An con nào cũng béo tròn, to bằng ngón tay người lớn. Giống cá này sinh sản nhanh nên chúng tôi có thể đánh bắt quanh năm. Ở trong bờ cũng có nhưng càng ra xa, cá nhiều hơn, cá to và sống thành đàn. Giá xăng dầu giảm đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân mưu sinh, chuyến nào cũng có lời” - ngư dân Nguyễn Văn Út (ngụ ấp Bến Nôm 2) chia sẻ.

* Đặc sản khô kìm Trị An

Khoảng 4 giờ 30, vài chiếc ghe lớn chiếu đèn pha về phía chợ cá báo hiệu hàng đã về. Kết thúc một đêm đánh bắt vất vả, niềm vui với mỗi ngư dân là mẻ cá nào cũng đầy và bán được giá. Cá kìm chia thành 2 loại, loại lớn được bán với giá từ 25-30 ngàn đồng/kg, loại nhỏ gọi là cá mồi, bán cho các bè nuôi cá lóc, trê, basa… khoảng 8 ngàn đồng/kg.

Sau khi tẩm ướp gia vị, cá kìm được đem phơi khô.
Sau khi tẩm ướp gia vị, cá kìm được đem phơi khô.

Cá kìm có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Khi ăn không hết, người ta thường phơi khô để bán và khô cá kìm trở thành món đặc sản riêng của làng cá Trị An. Ở đây, khoảng 2-3 hộ biết làm khô kìm nhưng đủ sức cung ứng, xuất bán khắp nơi. Vào những dịp cuối năm, nhu cầu khô cá kìm lớn nên ghe nào đưa cá về đều được họ thu mua lại.

Những con cá kìm còn tươi sống đem về cắt đầu, đuôi, nặn bỏ ruột, xẻ làm đôi rồi rửa sạch để ráo. Sau đó, cá được ướp với một ít muối, đường, ớt bột rồi đem phơi khô. Để có con khô kìm đẹp và chất lượng, người ta ướp gia vị từ đêm hôm trước, sau đó mới đem xếp chúng ngay hàng thẳng lối trên những tấm vỉ tròn. Cá kìm nhiều thịt, ít xương, mình mỏng nên chỉ cần phơi chừng một nắng là có thể đem bán.

Nói đến cơ sở làm khô kìm nức tiếng ở khu vực này phải nhắc đến hộ bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (ngụ ấp Bến Nôm 2). Mỗi ngày, bà Vân thu mua trên dưới 100kg cá tươi, sau đó thuê nhân công xẻ thịt, phơi cá. Riêng công đoạn tẩm ướp gia vị do chính tay người chủ làm nhằm đảm bảo độ ngon và giữ bí quyết riêng. “Khoảng 5kg cá tươi thì được 1kg khô thành phẩm. Hầu như du khách đến đây đều mua vài ký mang về làm quà, với giá khoảng 300 ngàn đồng/kg” - bà Vân chia sẻ.

Những con cá kìm tươi rói, nhiều thịt.
Những con cá kìm tươi rói, nhiều thịt.

Theo bà Vân, cá kìm được xem là loài cá nạc, xương mềm và giàu chất đạm. Chỉ với hai nguyên liệu là khô cá kìm và xoài xanh nhưng ai đã thưởng thức một lần thì khó có thể quên được cái vị chua chua, giòn giòn đặc trưng của món ăn. Khô kìm nướng chín hoặc chiên giòn qua dầu sôi, sau đó đem trộn với xoài xanh bằm nhuyễn cùng ít nước mắm ớt tỏi là có thể trở thành một món ăn lạ và ngon miệng.

“Hiện nhiều loại cá khô khác đều làm từ cá nuôi nhưng cá kìm thì hoàn toàn sinh sống trong môi trường tự nhiên, nên người ăn có thể yên tâm. Quá trình tẩm ướp, đem phơi không hề tẩm hóa chất vì thế mà con khô không hề đổi màu, bảo quản được lâu dài. Khô kìm một nắng khi chiên, miếng cá khô mềm, mặn vừa và béo. Được vậy là nhờ các mùi vị ấy trong con cá tươi hầu như được giữ lại tuyệt đối sau một nắng phơi” - bà Vân nói.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều