"Tôi tham gia ban nhạc của giáo xứ từ năm 1968 với niềm đam mê thổi được các loại kèn. Đến năm 1996, tôi được giáo xứ tin tưởng giao quản lý toàn bộ số kèn này. Giáo dân coi bộ kèn như "mạng sống" tinh thần của giáo xứ nên ai cũng thấy quý và càng quý thì chúng tôi càng phải gìn giữ bộ kèn kỹ hơn" - ông Trần Duy Đô (62 tuổi), người "canh" kèn ở Giáo xứ Dốc Mơ (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất), tâm sự.
“Tôi tham gia ban nhạc của giáo xứ từ năm 1968 với niềm đam mê thổi được các loại kèn. Đến năm 1996, tôi được giáo xứ tin tưởng giao quản lý toàn bộ số kèn này. Giáo dân coi bộ kèn như “mạng sống” tinh thần của giáo xứ nên ai cũng thấy quý và càng quý thì chúng tôi càng phải gìn giữ bộ kèn kỹ hơn” - ông Trần Duy Đô (62 tuổi), người “canh” kèn ở Giáo xứ Dốc Mơ (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất), tâm sự.
Ông Trần Duy Đô thổi cây kèn có tuổi đời hơn 200 năm. |
Thời điểm tháng 12 này, nếu có dịp ghé thăm các xóm đạo ở xã Gia Tân 1 sẽ thấy không khí chào đón lễ Giáng sinh rộn ràng, náo nức. Vào ban đêm, khi đội kèn giáo xứ tập luyện, đứng xa vài trăm mét người ta đã có thể nghe những âm thanh phát ra từ bộ kèn cổ.
* “Báu vật” của cộng đồng
Bộ kèn của Giáo xứ Dốc Mơ có hơn 80 cây, gồm đủ các loại được truyền lại từ cả trăm năm trước. Trong đó, nhiều cây kèn hơn 200 tuổi làm bằng hợp kim quý, đã tạo ra những âm thanh mà không phải loại kèn nào cũng có được. Trải qua hàng chục năm, nhạc kèn đã có những đóng góp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Ông Đô cho biết, bộ kèn có mối thâm tình với ông từ khi được giáo xứ trao cho ông quản lý. Ngày nào ông cũng ăn ngủ với chúng, mê mẩn từng con ốc, đường mối gò hàn hết sức tinh xảo của những cây kèn.
Theo ông Đô, trên thân kèn đồng trumpet có ghi dòng chữ Maison Fondée en 1812, in nơi sản xuất từ nước Pháp và nó là cây kèn quý nhất trong số này. Điều đặc biệt làm nên giá trị của kèn không chỉ lâu năm mà chất lượng âm thanh của kèn cổ rất tốt.
Ông Trần Duy Đô cho hay: “Năm nào cũng có người từ khắp nơi trên cả nước tìm đến đặt vấn đề mua lại mấy cây kèn cổ nhưng chúng tôi nhất quyết không bán, dù cái giá họ đưa ra khiến mình không dám mơ tới”. |
“Thời xưa, người ta pha thêm vàng vào đồng khi chế tạo kèn. Từng chi tiết nhỏ trong thân kèn cũng được chọn lựa cẩn thận, nhìn bằng mắt thường khó nhận ra. Qua thời gian, một vài cây kèn hư hỏng đã được thay thế, nhưng có lẽ không bằng. Kể cả kèn do các nước Mỹ, Nhật,… sản xuất cũng không thể đọ lại chất lượng âm thanh của cây kèn cũ” - ông Đô chia sẻ.
Hiện tại, bộ kèn cổ của Giáo xứ Dốc Mơ do ông Đô quản lý chia thành 7 nhóm, gồm: clarinet (16 cây), trumpet (22 cây), altosaxo (6 cây), trombone (8 cây)… Trong đó, khoảng 3-5 cây có hơn 200 tuổi, khoảng 10 cây trên 100 tuổi, còn lại từ 50-70 tuổi. Tất cả đều được cất giữ cẩn thận và nhờ sử dụng thường xuyên nên những hỏng hóc, lỗi sai sót dù nhỏ nhất cũng được sửa chữa kịp thời.
“Kèn quý được coi là báu vật của cả cộng đồng, chỉ cần một cây hư hỏng mà không tìm ra cách sửa chữa, khắc phục là tôi ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Người chơi kèn thì nhiều, nhưng biết sửa kèn chỉ đếm trên đầu ngón tay, phải giao cho người nào giỏi việc sửa thật sự. Bây giờ, nhiều nước sản xuất kèn, giá cả cũng vô chừng, nhưng khi đem về chơi không hay bằng kèn cũ, độ bền cũng thua kém” - ông Đô cho hay.
* Đội kèn “khủng”
Đồng Nai có hàng chục đội nhạc kèn đồng, mỗi đội kèn có số lượng, quy mô nhạc công khác nhau. Riêng đội kèn của Giáo xứ Dốc Mơ được người trong nghề truyền tai nhau về nhiều cái lạ. Ngoài đội kèn có tuổi đời lâu nhất với những cây kèn cổ trăm năm, ở đây còn có số lượng người chơi kèn thuộc dạng “khủng” với hơn 70 người, lớn nhất nhì các tỉnh miền Nam.
“Ngoài phục vụ cho các buổi lễ ở giáo xứ, chúng tôi còn trình diễn ở bên ngoài. Nhà nào có hiếu hỉ đều gọi đội kèn đến chơi. Tùy từng dịp mà chúng tôi chọn bản nhạc cho phù hợp, để khi nhạc cất lên phản ánh đúng tinh thần mà gia chủ mong muốn” - ông Lê Văn Nhiên (54 tuổi) cho hay.
Đội kèn quy tụ nhiều người tham gia, độ tuổi cũng vì thế mà có sự chênh lệch nhiều. Người có kinh nghiệm lâu nhất trên 40 năm, người mới vào nghề khoảng vài ba tháng, nhưng mỗi người một tài năng, bí quyết riêng. Nói về người chơi kèn, ông Nhiên lý giải ngắn gọn, phải có sự hiểu biết nhất định để nhận định, đánh giá đúng giá trị của kèn. Muốn thổi hay phải nắm được hồn cốt của từng loại kèn và đặc biệt là phải có cái duyên.
Những cây kèn cổ được lau chùi, bảo vệ cẩn thận như những báu vật. |
“Kèn có nhiều loại to nhỏ, độ nặng nhẹ khác nhau. Như loại kèn bass to, nặng gần chục ký, cần người đủ sức khỏe mới mang vác được trong những lần biểu diễn di động, hay loại clarinet nhỏ gọn nhưng khó chơi hơn. Vì thế mà yêu cầu người thổi phải thật am hiểu về nó” - ông Nhiên tâm sự.
Vào thời điểm này, ở các xóm đạo của xã Gia Tân 1, không khí chuẩn bị đón Giáng sinh và năm mới đã nhộn nhịp. Nhà nhà chuẩn bị trang hoàng đèn nháy, xây các hang đá rất đẹp mắt. Vì thế mà đội kèn của ông Đô cũng bận rộn cho những sự kiện sắp tới.
Ban đêm, sau khi cơm nước xong, hơn 70 thành viên trong dàn nhạc lại tập trung ở nhà ông Đô để tập luyện. Ai cũng vui vẻ, háo hức tập trung vào nhiệm vụ của mình. Âm thanh phát ra từ những cây kèn cổ lúc réo rắt, lúc dữ dội tạo nên một bản nhạc đa âm sắc khiến nhiều người thích thú. Vì cùng hòa âm với số lượng người đông nên đứng xa vài trăm mét đã có thể nghe thấy.
“Mùa này, đội kèn có vất vả hơn, nhưng ai nấy đều vui vẻ vì tiếng kèn của mình làm vui lòng hầu hết bà con giáo dân. Chúng tôi chơi kèn với lòng say mê và trách nhiệm của một người nghệ sĩ không chuyên” - anh Nguyễn Ngọc Khuê (18 tuổi), thành viên trẻ nhất trong đội kèn, hồ hởi nói.
Thanh Hải