Rời thương trường TP.Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Hoa tìm về ấp 7, xã An Phước (huyện Long Thành) để lánh chuyện buồn phiền cá nhân. Được chính quyền mời gọi, chị Hoa mạnh dạn đầu tư khu resort Hoa Đệ Nhất để kinh doanh, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Rời thương trường TP.Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Hoa tìm về ấp 7, xã An Phước (huyện Long Thành) để lánh chuyện buồn phiền cá nhân. Được chính quyền mời gọi, chị Hoa mạnh dạn đầu tư khu resort Hoa Đệ Nhất để kinh doanh, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Từ đây, cái tên chị Hoa An Phước được nhiều người biết đến qua các hoạt động từ thiện, xã hội hơn là bà chủ resort giàu có.
Chị Hoa An Phước luôn gần gũi với người dân ấp 7. |
Chị Hoa cho biết, công việc kinh doanh thuận lợi đã giúp chị có điều kiện gắn kết với chính quyền trong các phong trào xã hội, từ thiện tại địa phương và các nơi khác. “Đất và người An Phước thật hiền hòa, ấm áp tình người” - chị Hoa nói.
* Vượt lên nghèo khó
Vốn là dân đất Bắc di cư vào TP.Hồ Chí Minh, vợ chồng ông Phạm Mãng - bà Nguyễn Thị Hai (cha, mẹ của chị Hoa) khá chật vật với cái nghề đạp xích lô, buôn gánh bán bưng để nuôi đàn con nhỏ. Là con thứ tám trong gia đình, ngay từ nhỏ chị Hoa một buổi đi học, buổi còn lại phụ bà Hai bưng rổ khoai lang, khoai mì đi bán dạo khắp nơi. Có những ngày khoai bán chưa hết mà trời đổ mưa dầm, chị Hoa tần ngần bưng rổ khoai núp dưới gốc cây đợi cha chở về. Những ngày đó, cả nhà phải ăn khoai trừ cơm, giấc ngủ cứ chập chờn vì cơn đói xót ruột.
Lớn thêm vài tuổi, chị Hoa dần quen với công việc bán khoai, bán bắp tại các cư xá, chợ chồm hổm ở quận 9. Tối về, chị lò tò theo các anh đi thả lưới, soi cua nơi các kênh rạch gần nhà. “Lúc mới di cư vào Sài Gòn, kinh tế gia đình tôi cũng thuộc loại đủ ăn. Do công việc buôn bán tạp hóa của mẹ thua lỗ, sau đó vỡ nợ nên kinh tế gia đình cứ trượt dài. Chiều nào cũng vậy, tầm 16 giờ tôi lon ton ra đứng dưới gốc cây gần nhà chờ cha chạy xích lô tới đưa tiền về mua gạo để lo buổi cơm chiều cho cả nhà. Vì vậy, mỗi khi có dịp về lại TP.Hồ Chí Minh, tôi lại nhớ cảnh chờ cha đưa tiền mua gạo rồi ông lại đạp xe xích lô khuất dạng theo dòng người tấp nập trên đường” - chị Hoa tâm sự.
Năm 1975, đất nước thống nhất, cô bé Hoa lúc bấy giờ đã lớn. Nhà vẫn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau nên cô phải bỏ học để theo bà Hai bắt những chuyến xe “tu huýt” (xe đò chạy bằng than đá) về các vùng quê mua bắp tươi về luộc rồi bám vỉa hè buôn bán. Cũng nhờ tài khéo buôn, khéo bán của chị Hoa, hàng bắp của mẹ con chị đã thay cho chiếc xích lô của ông Mãng để nuôi cả nhà, đồng thời dành dụm được chút đỉnh tiền về Madagui (tỉnh Lâm Đồng) mua 1 hécta đất để tính chuyện tương lai cho chị Hoa.
Sau khi mua được đất ở Madagui, ông Mãng bỏ nghề đạp xích lô và chị Hoa giao lại hàng bắp cho mẹ để theo cha về đây trồng thuốc lá, bí đỏ. Đến mùa thu hoạch, chị lại chở nông sản ngược về TP.Hồ Chí Minh bán cho được giá.
Qua vài mùa rẫy, chưa đâu vào đâu thì chị Hoa lên xe hoa với anh hàng xóm nghèo. Ngày họ ra riêng, chỉ có vài cái nồi móp méo, chục chén cũ và cái chòi thơm mùi tranh mới dựng.
Quần quật mãi mà cơm vẫn không đủ ăn nên vợ chồng chị bán rẫy, quay lại TP.Hồ Chí Minh buôn khoai, bán thuốc lá. “Mới đầu tôi chỉ bỏ mối thuốc rê. Sau đó, tôi bắt chước người ta quấn thuốc điếu bỏ mối. Mấy năm sau, tôi trở thành Tổng giám đốc Công ty A Tuấn, nhà phân phối thuốc lá độc quyền toàn quốc” - chị Hoa nhớ lại.
* Đóng góp cho đời
Khi trở thành bà chủ doanh nghiệp giàu có về lĩnh vực thuốc lá, bất động sản, nhà hàng, khách sạn, chị Hoa cũng bắt đầu làm quen với công tác từ thiện qua lời kêu gọi của các nhà chùa, cơ quan báo chí. Lúc đầu, chị hỗ trợ kinh phí thông qua các tổ chức, nhà từ thiện để họ tự tổ chức những chuyến cứu trợ, tài trợ cho những cảnh đời khốn khó. Sau đó, chị tập tành theo chân các nhà từ thiện về các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên cứu trợ người dân nghèo với vai trò mạnh thường quân tháp tùng. Rồi biến cố gia đình xảy ra, vợ chồng chị chia tay và tài sản cũng được chia đôi.
Cầm tiền tỷ với nỗi cô đơn, chị Hoa tìm về vùng đất ấp 7, xã An Phước với mục đích tạm gác chuyện xô bồ chốn đô thị và chuyên tâm công việc từ thiện để giúp đời, tạo niềm vui trong cuộc sống. Tấm lòng của chị được địa phương đón nhận, ủng hộ và cái tên chị Hoa An Phước được người dân An Phước biết đến qua các hoạt động tặng quà cho người nghèo, xe đạp cho học sinh khó khăn, khám chữa bệnh từ thiện, ủng hộ nhân dân làm đường.
Chị Hoa và chính quyền xã An Phước kiểm tra việc trùng tu đình Thanh Nguyên. |
Thấy chị có tấm lòng đối với An Phước, chính quyền xã, huyện đã mời gọi chị bỏ vốn đầu tư dịch vụ resort nhằm thu hút vốn đầu tư tại địa phương. Chị Hoa nhận lời và khu resort Hoa Đệ Nhất ra đời, thu hút lao động ở địa phương, đồng thời chị còn làm nhiều việc từ thiện, xã hội để giúp đỡ người nghèo, những cảnh đời cơ nhỡ.
Năm 2013, phong trào xây dựng nông thôn mới thôi thúc ấp 7 sớm bê tông hóa tuyến đường chùa Tùng Lâm - Lò Gạch. Do sức dân chưa đủ tiền đóng góp để làm đường theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, chị Hoa ủng hộ 300 triệu đồng cho ấp sớm triển khai công trình. Sau khi có con đường mới, chị Hoa tiếp tục ủng hộ xã thêm 1,5 tỷ đồng để duy tu đình Thanh Nguyên và trên 200 triệu đồng để duy tu miếu Bà Đồng Tân Hòa (ấp 3).
Thấy chị Hoa tích cực với các phong trào từ thiện, xã hội, chính quyền xã An Phước mời chị tham gia thành viên MTTQ xã. Sau đó, chị tiếp tục được cơ cấu là thành viên MTTQ huyện Long Thành. Chị Hoa bộc bạch, ngày chị ra xã, lên huyện nhận giấy khen về thành tích “học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chị hãnh diện vô cùng, bởi với chị vùng đất An Phước không chỉ tạo cơ hội cho chị làm giàu chân chính, mà còn giúp chị trở thành con người của xã hội. |
Ông Đinh Quang Viên, Phó ban Tuyên giáo xã An Phước, cho biết ngoài số tiền hỗ trợ cho địa phương trùng tu đình, miếu và bê tông tuyến đường chùa Tùng Lâm - Lò Gạch, trung bình mỗi năm chị Hoa ủng hộ cho các phong trào của xã trên 200 triệu đồng. “10 năm nay, chị Hoa luôn là mạnh thường quân nhiệt huyết của địa phương qua các phong trào” - ông Viên nói.
Trưởng ấp 7 Huỳnh Văn Thực thì kể, mỗi khi trong ấp có chuyện cần giúp đỡ, chị Hoa đều niềm nở nhận lời ủng hộ. “Người nghèo khó, chị ủng hộ gạo, tiền; người cần nhà thì chị đóng góp với xã xây tặng nhà tình thương; học sinh không có xe đạp đi học thì chị tặng xe… Vì vậy, bà con ở đây ai cũng quý chị, xem chị như người thân thiết” - ông Thực tâm sự.
Nói về mình, chị Hoa khiêm tốn bày tỏ, do chị từng trải qua cảnh khốn khó nên rất hiểu và cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật. Đặc biệt, việc chị quay lại con đường kinh doanh và thành đạt, tạo dựng được cơ ngơi như bây giờ cũng có sự động viên từ chính quyền xã An Phước và huyện Long Thành, nên chị không quên cái ơn này. Vì lẽ đó, chị muốn chia sẻ một phần số tiền kiếm được từ hoạt động kinh doanh để đóng góp cho xã An Phước và những nơi khó khăn trong huyện, tỉnh.
“Được chia sẻ với mọi người đó là hạnh phúc của tôi. Nhất là tôi được người dân xã An Phước xem mình như người thân” - chị Hoa tâm sự.
Đoàn Phú