Báo Đồng Nai điện tử
En

Mãi mãi không quên…(Bài cuối)

11:12, 21/12/2014

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồng Nai được cả nước biết đến là một trong những chiến trường ác liệt, là cửa ngõ Đông - Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Sau ngày đất nước thống nhất, Đồng Nai thêm một lần nữa được biết đến là tỉnh có nhiều nỗ lực trong công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồng Nai được cả nước biết đến là một trong những chiến trường ác liệt, là cửa ngõ Đông - Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Sau ngày đất nước thống nhất, Đồng Nai thêm một lần nữa được biết đến là tỉnh có nhiều nỗ lực trong công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.[links()]

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phạm Hạnh Phúc, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình thương binh - liệt sĩ tỉnh, xúc động chia sẻ: “Trong chiến tranh, rất nhiều lần tôi phải đau xót chứng kiến đồng đội mình ngã xuống. Vì chiến trường ác liệt, chúng tôi chỉ có thể chôn cất tạm đồng đội bằng chiếc võng dù mỏng, phủ vội lên một lớp đất rồi lại tiếp tục hành quân”.

* Những cuộc tìm kiếm lớn

Ông Phúc kể tiếp, mỗi lần chôn cất đồng đội xong, trước khi tiếp tục hành quân, ông lại xúc động đến bật khóc. Ông hứa với đồng đội đã nằm dưới lòng đất rằng: “Sẽ quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, để đất nước sạch bóng quân thù. Sau ngày đất nước giải phóng, nếu còn sống, nhất định tôi sẽ quay trở lại để đưa các anh về với quê hương”.

Truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ tại huyện Nhơn Trạch.
Truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ tại huyện Nhơn Trạch.

Sau ngày đất nước hòa bình, một trong những công việc đầu tiên mà ông Phúc nghĩ tới là đi tìm hài cốt của các đồng đội như ông đã từng hứa. Năm 1997, ông Phúc là một trong những người tham gia tìm ra nơi chôn cất của 392 liệt sĩ tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa). Hầu hết họ là liệt sĩ của Công trường 5 (còn gọi là Sư 5). Đây cũng là cuộc tìm kiếm hài cốt có kết quả lớn nhất cho đến hiện nay. “Những năm qua, tôi đã góp sức nhỏ bé của mình vào việc tìm kiếm được trên 3 ngàn hài cốt liệt sĩ” - ông Phúc cho biết thêm.

Trên con đường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tỉnh Đồng Nai không thiếu những con người tràn đầy trách nhiệm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Và Thượng tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, là một trong số rất nhiều những con người như vậy.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện cho các gia đình liệt sĩ đưa trên 760 hài cốt về các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện vẫn còn gần 3,9 ngàn hài cốt liệt sĩ đã tìm thấy nhưng chưa được di chuyển về quê tại các tỉnh, thành, đặc biệt là có hơn 3 ngàn liệt sĩ chưa biết thông tin.

Chính thức đảm nhận công tác tại Phòng Chính sách từ năm 2010, đến nay Thượng tá Tâm đã tham gia trên 200 vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thượng tá Tâm cho biết: “Cứ địa phương nào báo tin phát hiện nghi vấn về hố chôn liệt sĩ là tôi lại khoác ba lô đi ngay, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ. Tôi chỉ nghĩ rằng, sự hy sinh về thời gian và công sức của mình hôm nay chẳng thấm vào đâu so với những người đã ngã xuống cho đất nước mình, nhất là nhiều người chưa tìm thấy mộ”.

Những cuộc tìm kiếm hài cốt lớn của tỉnh từ năm 2010 đến nay đều có sự tham gia của Thượng tá Tâm. Ông chính là người trực tiếp quy tập các hố chôn tập thể dưới một lô cao su tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành) năm 2012; đặc biệt là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ kéo dài suốt 3 năm và tìm được 2 hố chôn tập thể tại khu Vườn Điều thuộc ấp 5, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), với gần 120 liệt sĩ vào tháng 7 và 8-2014. Mới đây, vào tháng 9-2014, ông còn tham gia vào đợt quy tập 36 liệt sĩ của Sư đoàn Bộ binh 5 tại xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh).

* Việc làm thiêng liêng

Ông Anh đã chuyển công tác về Quân khu 7 hơn 1 tháng nay. Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đạt được kết quả cao là nhờ tỉnh Đồng Nai đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cụ thể là các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đều quan tâm rất lớn đến công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, thậm chí còn trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm tại hiện trường nhiều tháng liền. Người dân sinh sống ở các khu vực được xác định có hài cốt liệt sĩ cũng không ngần ngại hy sinh tài sản, nhà cửa, hoa màu để các lực lượng vào tìm kiếm.

 Trong cả hai lần tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ ở huyện Nhơn Trạch và TX.Long Khánh, vào tháng 8 và tháng 10-2014, đều có sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, trong đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Lê Hồng Anh… Trong các lần về dự lễ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đều đánh giá rất cao nỗ lực tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ của Đồng Nai.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo và tham gia vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong những năm qua.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo và tham gia vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong những năm qua.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhấn mạnh: “Đồng Nai đã làm rất tốt việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và công việc này còn rất dài. Những kinh nghiệm của Đồng Nai có thể chia sẻ cho cả nước học tập, để ngày càng có nhiều liệt sĩ được đưa về nghĩa trang, để người thân vơi bớt đi nỗi nhớ”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính sách người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết sau gần 40 năm đất nước thống nhất, Đồng Nai đã có trên 11,7 ngàn hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Đồng Nai đã quy hoạch xây dựng được 6 nghĩa trang liệt sĩ tập trung, lớn nhất là Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh tại TP.Biên Hòa, hiện có 4,1 ngàn mộ; các nghĩa trang liệt sĩ hiện đã được xây dựng khang trang, có đèn thắp sáng về đêm.

Ông Bình cho biết thêm, mỗi năm Sở Lao động - thương binh và xã hội còn tiếp và giải quyết chế độ cho hàng ngàn lượt thân nhân của các liệt sĩ từ nhiều địa phương trong cả nước đến viếng liệt sĩ tại các nghĩa trang trong tỉnh.

Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều