Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) được Mỹ - ngụy xem là một trong những hệ thống phòng ngự từ xa phía cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) được Mỹ - ngụy xem là một trong những hệ thống phòng ngự từ xa phía cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn. Vì vậy, Mỹ - ngụy đã chọn vùng Xuân Lộc, trong đó có xã Bảo Hòa để thành lập tỉnh lỵ Long Khánh, lập ấp chiến lược và bố trí tại đây nhiều căn cứ quân sự, xây dựng bộ máy chính quyền xã, ấp để đánh phá, đàn áp phong trào cách mạng.
* Mưu trí đánh địch
Ông Lương Văn Năm (Sáu Lâm, ngụ xã Xuân Tân, TX.Long Khánh, nguyên Bí thư Chi bộ xã Bảo Định ngày xưa) bồi hồi nhớ lại, trước giải phóng, xã Bảo Hòa được địch đặt tên xã Bảo Định. Để dễ quản lý, địch chia xã Bảo Định làm 6 ấp, gồm: Nam Hà, Bảo Thị, Bảo Hòa, Bảo Định, Bảo Toàn, Bảo Liệt; mỗi ấp đều có hệ thống chính quyền hoàn chỉnh và mạng lưới mật thám bố trí ở khắp nơi trong dân.
Ông Trần Quang Nhứt (trái) kể lại trận đánh đồn Nam Hà. |
Về phía ta, lực lượng cách mạng của Bảo Định rất mỏng, chỉ có cán bộ Đảng, cán bộ Đoàn thanh niên, phụ nữ, cán bộ dân vận và 3 du kích chủ yếu hoạt động ở vùng ven tỉnh Long Khánh.
Giai đoạn 1960-1962, sau thời gian củng cố, phát triển lực lượng, hoạt động của Chi bộ Bảo Định và các lực lượng cách mạng địa phương phát triển sang phía Nam quốc lộ 1, từ ấp Nam Hà giáp Bảo Bình cho đến ấp Bảo Liệt giáp Bình Phú. Trong giai đoạn này, theo ông Sáu Lâm, muốn xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng trong dân là một việc cực kỳ khó khăn. Bởi địch bên trong, ta bên ngoài, địa bàn xã Bảo Định lại có đông đồng bào có đạo, địch lợi dụng tự do tín ngưỡng của người dân để xây dựng những ấp “chống Cộng triệt để”, ấp “bất khả xâm phạm”.
Bất chấp những khó khăn, Chi bộ Bảo Định đã từng bước vận động, xây dựng được một số cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc, đồng bào theo đạo Công giáo và đồng bào không có đạo.[links(right)]
Có được sự cưu mang, chở che của người dân, nhận thấy phong trào cách mạng địa phương trong giai đoạn này có bước phát triển lớn mạnh, đến năm 1963, Chi bộ xã Bảo Định xây dựng được lực lượng vũ trang địa phương và cử đồng chí Dương Văn Quang làm xã đội trưởng.
Ông Trần Quang Nhứt (ngụ xã Bảo Hòa, nguyên cán bộ địch vận của xã Bảo Định trong chiến tranh) chia sẻ, thời đó địch ở địa bàn rất mạnh, chúng đóng vòng trong, vòng ngoài, vậy mà ta vẫn trụ được ngay trong lòng địch, xây dựng cơ sở cách mạng, chống địch lập ấp chiến lược, lấn đất, giành dân. Có thể nói, lòng dân đối với cách mạng thật tuyệt vời, bà con sẵn sàng chịu đòn tra tấn, hy sinh, đón cán bộ về nhà nuôi giấu để diệt bọn ác ôn, mật vụ. Nhiều người còn dũng cảm đưa đón, dẫn đường, hướng dẫn bộ đội phục kích tiêu diệt địch. Có những gia đình có người thân đi lính cho chế độ cũ nhưng không ngần ngại hỗ trợ cách mạng, cung cấp rất nhiều thông tin tình báo quan trọng cho ta đánh địch. Đó chính là sức mạnh của lòng dân một lòng hướng về Đảng, quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương.
* Liên tục tấn công địch
Hoạt động trong lòng địch, có sự che chở của dân, hoạt động của lực lượng cách mạng ở địa phương có nhiều thuận lợi, tạo đà cho bộ đội, du kích tổ chức nhiều trận đánh làm khiếp vía quân thù. Đi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân xã Bảo Hòa đã tổ chức 30 trận đánh lớn, nhỏ. Trong đó có những trận đánh điển hình cho phong trào toàn dân đánh giặc, như trận tập kích đồn Nam Hà (năm 1974) và trận đánh tại ấp Nam Hà (năm 1975).
Ông Trần Quang Nhứt kể lại, vào năm 1974, địch đưa Đại đội thám sát 133 của Tiểu khu Long Khánh về đóng đồn ở ấp Nam Hà để đánh phá phong trào cách mạng địa phương. Thực hiện chủ trương của trên phải đánh địch để mở rộng địa bàn hoạt động về phía Nam quốc lộ 1, góp phần phối hợp với chiến trường toàn Miền, đồng chí Sáu Lâm lúc bấy giờ là Bí thư Chi bộ xã và đồng chí Hai Nguyên, Huyện đội phó Xuân Lộc cùng một số cơ sở của ta bên trong, như: Đậu Bá Tạo, ông Năm, ông Hai Bí… đã bí mật trinh sát thực địa, theo dõi cách bố phòng của quân địch bên trong đồn Nam Hà. Sau nhiều ngày điều nghiên mục tiêu, biết địch thường tổ chức đá bóng vào buổi chiều và có nhiều sơ hở trong canh phòng, cấp trên quyết định giao cho quân dân Bảo Hòa phối hợp với Huyện đội Xuân Lộc, bộ đội K8 tổ chức thực hiện trận đánh.
Khoảng 17 giờ ngày 16-5-1974, lực lượng tấn công đã chia thành 3 mũi bất ngờ xông thẳng vào đồn đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch. Quá hốt hoảng và bất ngờ trước sự tấn công của ta, địch trở tay không kịp. Hàng chục tên đã bị quân ta tiêu diệt ngay từ loạt đạn đầu.
Chiến thắng của trận tập kích đồn Nam Hà đã mở ra khả năng mới về sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; đồng thời tạo được niềm tin lớn vào khả năng chiến đấu của lực lượng du kích xã. Chiến thắng này đã góp phần cùng toàn huyện phát triển thêm được 105 cơ sở cách mạng, thu hút thêm 46 thanh niên tình nguyện thoát ly theo kháng chiến, ta có thêm 8 vùng lõm giải phóng ở thế “cài răng lược”. |
Địch ổn định đội hình và điên cuồng chống trả. Các đồng chí Hai Bỉ và Sáu Lâm đã nhanh chóng chỉ huy lực lượng chia thành nhiều mũi tiếp cận và tiêu diệt địch. Sau 10 phút chiến đấu, du kích Bảo Hòa cùng bộ đội đã diệt tại chỗ 76 tên địch, bắt sống 3 tên, thu 44 súng, 2 máy thông tin.
Chiến thắng đồn Nam Hà đã củng cố được niềm tin cho quân dân Bảo Hòa tiếp tục làm nên những chiến công mới, như trận đánh 12 ngày đêm giải phóng ấp Bảo Hòa từ ngày 9 đến 21-4-1975, tạo điều kiện cho đại quân của ta đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc, tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Về trận đánh này, ông Sáu Lâm nhớ lại, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, thực hiện chỉ đạo của trên về việc “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, Chi bộ xã Bảo Hòa quyết định đánh chiếm đồn Bảo Hòa để tạo điều kiện cho các cánh quân chủ lực dứt điểm Long Khánh. Từ đây, du kích Bảo Hòa phối hợp với bộ đội K8, bộ đội huyện có sự chi viện của một số du kích Bảo Chánh tổ chức thực hiện trận đánh. Chỉ có khoảng 10 tay súng, vũ khí trang bị chỉ có 1 khẩu súng cối, 1 đại liên, 2 khẩu M79, 2 khẩu B40, nhưng nhờ sự hợp đồng chiến đấu chặt chẽ với bộ đội huyện và sự chi viện kịp thời của bộ đội chủ lực Sư đoàn 6, ta đã nhanh chóng đập tan đồn Bảo Hòa, mở ra vùng giải phóng bên vùng ven tỉnh lỵ Long Khánh.
Ngày 12-4-1975, địch đưa Lữ đoàn dù số 2 xuống Nam Tân Phong hòng tái chiếm lại các địa bàn đã mất ở phía Nam quốc lộ 1, nhưng quân dân Bảo Hòa đã liên tục chặn đánh địch, kìm chân không cho chúng tái chiếm những khu vực đã mất. Cuộc chiến đấu của quân dân Bảo Hòa kéo dài nhiều ngày hết sức gay go. Bất chấp bom đạn của địch, du kích, bộ đội K8, các nhóm thanh niên xung kích, thanh niên cờ đỏ phục vụ chiến đấu vẫn kiên cường chống trả khiến địch không thể tiến quân thêm được, tạo điều kiện để cho các cánh quân chủ lực của ta dứt điểm Long Khánh vào ngày 21-4, rộng đường tiến công vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đức Việt