Từ năm 1959 đến năm 1975, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại miền Bắc, trong đó chủ yếu là cán bộ miền Nam tập kết vào năm 1954 đã nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường miền Nam (còn gọi là "đi B") để phục vụ chiến đấu.
Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1975, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại miền Bắc, trong đó chủ yếu là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc vào năm 1954 đã nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường miền Nam (thời ấy gọi là “đi B”) để phục vụ chiến đấu. Sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đi B đã góp phần to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.[links(right)]
Tháng 12-1964, ông Cao Văn Thung (86 tuổi, hiện ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đang là kỹ sư nông nghiệp công tác ở Nông trường quốc doanh Chí Linh (Hải Dương) thì nhận nhiệm vụ đi B. “May mắn nằm trong danh sách đi B, tôi rất vui mừng vì đi B là được trở về miền Nam, sống và chiến đấu ngay chính trên quê hương mình. Không riêng gì tôi, những đồng đội có tên trong danh sách vào miền Nam chiến đấu ngày ấy ai cũng phấn khích” - ông Thung bồi hồi nhớ lại.
* Sẵn sàng chiến đấu trên quê hương
Từ tỉnh Hải Dương, ông Thung và hàng ngàn thanh niên khác tiếp tục cuộc hành trình tới tỉnh Phú Thọ. Hơn 2 tháng ở đây, mọi người phải trải qua các khóa huấn luyện quân sự nghiêm ngặt đồng thời rèn luyện sức khỏe cho chuyến đi gian khổ sắp tới. Ngày ngày, ai cũng phải vác chiếc ba lô mang gạch mà hành quân trên 20km qua các địa hình rừng núi, sông suối giả định, đi xuyên đêm trong một tháng ròng như thế. Ban đầu là 10kg, 20kg rồi lên 30kg. Tất cả đều cố gắng nắm bắt đầy đủ những kiến thức quân sự từ cấp trên truyền đạt.
Ngày 20-8, UBND tỉnh đã tổ chức lễ trao trả hồ sơ, tài liệu cho cán bộ đi B. Ảnh: T.HẢI |
“Suất ăn theo tiêu chuẩn ngày thường chỉ 2 hào, nhưng tiêu chuẩn ở đây tăng lên 6-8 hào/người. Mọi người cố gắng nạp năng lượng để cuối khóa rèn luyện tăng từ 5-6kg, đủ sức vượt đường trường đầy vất vả, khó khăn. Dù biết chiến trường gian khổ, thậm chí có thể hy sinh, nhưng chúng tôi chưa bao giờ e ngại, trong tim chúng tôi hai tiếng miền Nam lúc nào cũng vang lên, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn và ý chí sục sôi mãnh liệt” - ông Thung nhớ lại.
Đến tháng 3-1965, từ tỉnh Phú Thọ, ông Thung theo đoàn vào tỉnh Nghệ An rồi từ đó “xẻ” đường Trường Sơn để trở về Nam chiến đấu. Trong đoàn quân năm ấy, nhiều người dù đang mang bệnh đau bao tử nặng, viêm khớp gối… nhưng vẫn cố giấu kín để được nằm trong danh sách “về R” (Trung ương Cục miền Nam).
Tương tự ông Thung, dù là tù binh bị địch giam cầm suốt 4 năm trong nhà tù Phú Quốc khắc nghiệt, nhưng khi được trao trả theo Hiệp định Paris (năm 1973) ông Phan Thanh Châu (79 tuổi, ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành) vẫn muốn ở lại miền Nam để tiếp tục cuộc kháng chiến.
“Lên tàu ra Bắc mà lòng tôi nặng trĩu. Tôi luôn tự nhủ: “Bằng mọi giá phải về lại miền Nam trực tiếp chiến đấu, đánh tan bọn xâm lược” - ông Châu xúc động kể lại.
Gần một năm an dưỡng ở thủ đô, nóng ruột vì quê hương còn chia cắt, ông đã trình bày với cấp trên nguyện vọng: “Ở trong tù, tôi đã nếm đủ món đòn tra tấn, như: nằm trên bàn chông, đóng đinh vào tay, ở chuồng cọp tôi còn không sợ. Xin các anh cho tôi vào lại chiến trường”. Và đúng như lời thề danh dự, năm 1974 ông Châu đã được toại nguyện, cấp trên đã cho quay về Chiến khu Đ để tiếp tục thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình.
* Tất cả cho miền Nam
“Đi B” là sự kiêu hãnh, niềm tự hào của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trong giai đoạn 2 miền Nam - Bắc của đất nước còn chia cắt. Hành trình gian khổ trở về Nam được gói gọn bằng lòng quyết tâm sẽ đánh thắng giặc Mỹ để đất nước thống nhất, nhà nhà được sum vầy.
Ông Cao Văn Thung cùng con gái nhận tập hồ sơ, kỷ vật ngày đi B. |
“Vào thời điểm Tết Mậu Thân năm 1968, chiến trường ngày càng ác liệt, lúc này hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc bắt đầu lên đường đi kháng chiến, chi viện cho miền Nam. Nhiều người lúc đi đã trở thành những con người mới, trong người không có một giấy tờ gốc nào, tên tuổi, năm sinh hay quê quán đều phải thay đổi nên khi hy sinh khó tìm lại được” - ông Thung nhớ lại.
Với ông Thung, đó là những ngày tháng không thể nào quên của thời trai trẻ. Lúc tập luyện, người chỉ huy nói “Đi vào Nam là phải đi bằng cái đầu”, nhưng mọi người không hiểu. Chỉ khi ngày nào cũng vác ba lô nặng 30kg gồm dụng cụ, thực phẩm, thuốc men trên vai vượt đèo, vượt núi đi bộ từ sáng tới tối. Lúc mới đi chân còn dẻo, sức còn hăng, nhưng rồi một số người không chịu nổi những cơn sốt rét hành hạ, chân cẳng mỏi rời phải trở về tuyến sau, những người bước tiếp phải vượt qua bằng ý chí mạnh mẽ, ông mới thấm thía “đi bằng cái đầu” là như thế nào.
Theo ông Cao Văn Thung, khi đoàn cán bộ vượt Trường Sơn vào Nam công tác và chiến đấu, họ chỉ mang theo ít đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. Vì lý do bảo mật, những tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật đều được gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Ngoài ra, để giữ bí mật, mọi người không một ai biết tên thật của nhau, tất cả đều dùng bí danh để khi về chiến trường miền Nam chiến đấu không bị lộ nhiệm vụ hoạt động. |
Không chỉ thế, đoàn quân đi B phải tuân theo một kỷ luật hành quân nghiêm ngặt “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Thông thường đoàn xuất phát lúc 5-6 giờ sáng và tới trạm tiếp theo vào lúc trưa hoặc 1-2 giờ chiều. Vất vả nhất là những hôm gặp cơn mưa trên đường hành quân, dù đã trùm ny-lông che lại, song ai cũng bị ướt quần áo, nước mưa và mồ hôi thấm qua cả ba lô ngấm vào người rất lạnh. Mặt đường trơn trượt khiến nhiều người bị ngã nhào xuống đường. Để đi tiếp, mọi người phải bấm mạnh ngón chân xuống dép cao su nên sau cuộc hành trình móng chân ai cũng rớm máu. Có những đoạn đi ban ngày sợ bị địch phát hiện, phải tổ chức đi ban đêm, dò từng mét đường mà tiến về phía trước. Cứ thế, hơn 2 tháng ròng rã cuốc bộ khắp núi rừng Trường Sơn, họ mới về đến đích.
Niềm vui nghẹn ngào khi nhận lại kỷ vật đi B của người thân. |
“Lương thực khan hiếm, nhiều người nhai lương khô cầm hơi. Tôi còn nhớ, khi nghỉ chân tại một ngôi làng ở nước bạn Lào, tôi đã đổi bộ quần áo được cả con heo rồi đem về cùng đồng đội chia nhau ăn. Đến khi không còn thứ gì để đổi, cái quần xà lỏn cũng đem ra trao đổi được mấy ống chuối khô, giúp anh em qua cơn đói, thiếu thốn” - ông Thung chép miệng nói.
Đầu năm 1975, tin vui trên khắp các chiến trường liên tục bay về, với những trận thắng dồn dập của quân dân ta. Ngày 30-4-1975, khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, niềm vui đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà chính là thời khắc lịch sử khó quên, khiến hàng triệu con tim đất Việt hòa cùng nhịp đập.
Thanh Hải