Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn nghề khảo cổ

09:11, 24/11/2014

Trèo đèo, lội suối, quần quật cả ngày bên những hố sâu, đó là một phần công việc của nhà khảo cổ, những người tìm kiếm dấu xưa bị vùi lấp hàng trăm hàng ngàn năm. Những người trong nghề thường nói vui với nhau, đây là công việc "viết lại những trang sách cũ đã bị thời gian xóa mờ".

Trèo đèo, lội suối, quần quật cả ngày bên những hố sâu, đó là một phần công việc của nhà khảo cổ, những người tìm kiếm dấu xưa bị vùi lấp hàng trăm hàng ngàn năm. Những người trong nghề thường nói vui với nhau, đây là công việc “viết lại những trang sách cũ đã bị thời gian xóa mờ”.

Cầm mảnh đá to bằng nửa bàn tay người lớn, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du cho chúng tôi biết đây là chiếc rìu đá bazan có niên đại hàng ngàn năm mà các nhà khảo cổ đã tìm được ở Đồng Nai trong một cuộc khai quật gần đây.

* Đào bới phải nhẹ tay

Theo lời ông Du, có 2 nguồn để xác định địa điểm có di chỉ trước khi tiến hành thám sát và khai quật: một là thông qua những tài liệu người Pháp để lại trong quá trình đô hộ nước ta; hai là những nguồn tin báo của người dân, hoặc các cuộc điều tra của các nhóm khảo cổ.

Đoàn khai quật đi tìm hiện vật. (Ảnh do Bảo tàng Đồng Nai cung cấp)
Đoàn khai quật đi tìm hiện vật. (Ảnh do Bảo tàng Đồng Nai cung cấp)

“Ở Đồng Nai có rất nhiều di chỉ khảo cổ học, lớn có, nhỏ có, nhưng qua thời gian nhiều di chỉ lớn đã bị tàn phá rất đáng tiếc. Điển hình là di chỉ Bình Đa với bộ đàn đá được phát hiện năm 1978, nhưng do quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp mà giờ đây không còn. Hàng chục năm qua, chúng tôi tìm kiếm những di chỉ khảo cổ từ thời xa xưa đến hết thời đồ đồng” - ông Du chia sẻ.

Với một khu vực nghi ngờ là nơi người xưa từng sinh sống, Bảo tàng Đồng Nai sẽ tiến hành mời những chuyên gia khảo cổ của Việt Nam tiến hành khai quật. Cùng với nhân viên của bảo tàng còn có đội ngũ sinh viên ngành khảo cổ của Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn tham gia khai quật.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, nhân viên khảo cổ của Bảo tàng Đồng Nai cho hay, mỗi chuyến khai quật kéo dài hơn một tháng. Trong thời gian đó, nhóm khai quật sẽ phải làm việc cật lực cho đến khi nào khai quật xong khu vực đó mới thôi.

Nghề khảo cổ có một nguyên tắc chung là không đào một chỗ hai lần. Vì vậy, những người làm công tác khai quật phải làm thật kỹ lưỡng, cẩn thận, các hiện vật khi phát hiện đều phải ghi chép, chụp ảnh lưu lại. Hiện nay đã có nhiều máy móc, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ đo đạc, định vị, nhưng việc đào bới vẫn phải sử dụng những công cụ thô sơ và làm thật nhẹ nhàng. Những hiện vật nằm dưới các di chỉ hầu hết có tuổi đời hàng ngàn năm nên việc bảo quản trước khi đưa vào bảo tàng lưu giữ là rất quan trọng.

* Sợ nhất là… mìn

Với những người làm công tác khảo cổ, ngoài những khó khăn do thời tiết, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn…, còn một nỗi lo thường trực chính là các loại bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Tuy chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, nhưng theo lời các nhân viên khảo cổ thì hầu như lần nào tiến hành đào bới họ cũng thấy xuất hiện vài quả bom hoặc mìn.

Ngoài ra, mỗi khi khai quật một di chỉ, người làm khảo cổ còn sợ gặp phải các chủ hộ, chủ đất khó tính, vì phần lớn những nơi nghi ngờ là di chỉ đều nằm trên đất đã có chủ. Quá trình đào cũng phải giữ nguyên hiện trạng cây cối, vườn tược, không được xâm phạm, chặt phá bừa bãi. Theo lời chị Trinh, đã nhiều lần đoàn khai quật gặp trường hợp rễ cây mọc ngang hố đào gây cản trở, nhưng phải để nguyên đó cho chủ vườn.

Ông Lưu Văn Du giới thiệu chiếc rìu bằng đá bazan mà Bảo tàng Đồng Nai khai quật được.
Ông Lưu Văn Du giới thiệu chiếc rìu bằng đá bazan mà Bảo tàng Đồng Nai khai quật được.

“Nhiều lúc đang đào bới ở gần khu dân cư, những người dân tò mò kéo đến xem khiến chúng tôi ngay ngáy lo sợ họ ùa vào sẽ làm hư hiện vật. Năm 2004, khi đào ở di chỉ An Sơn (tỉnh Long An), trong một hố rộng khoảng 100m2 có đến 20 mộ cổ, chúng tôi đang xử lý thì người dân xung quanh bu đến xem. Có người tưởng chúng tôi đang bốc cốt nên hỏi thăm và thắc mắc sao bốc cốt mà phải đào bới từ từ, đo đạc cẩn thận thế…” - chị Trinh kể lại những kỷ niệm trong lúc đi khai quật.

Những hiện vật đào được thường là đồ gốm, công cụ bằng đá… có niên đại khoảng 3 ngàn năm nên trong quá trình xử lý không được gây ra tổn hại cho hiện vật, chỉ cần lơ là, bất cẩn trong giây lát là kết quả đánh giá sẽ sai sót rất lớn. Nên theo ông Du, người trưởng đoàn khai quật phải luôn quan sát kỹ quá trình xử lý hiện vật của nhân viên. Đã có không ít lần các nhân viên khảo cổ dưới quyền đã bị ông Du mắng té tát vì những bất cẩn trong lúc di chuyển hiện vật. Bởi với người làm khảo cổ thì việc làm hư hại hiện vật vì sự cẩu thả, bất cẩn của bản thân là điều không thể chấp nhận được.

Nguyên tắc khi khai quật các di chỉ khảo cổ là đào nhẹ từng lớp với độ dày 10cm, xử lý phần vừa được đào thành một mặt bằng để dễ dàng đánh dấu hiện vật và không bị lẫn lộn các tầng đất. Các cuộc khai quật thường được tiến hành vào mùa khô để tránh những trận mưa lớn làm ảnh hưởng đến kết quả khảo cổ và hiện vật bị hư hỏng.

Thông qua những hiện vật có cùng xuất xứ, kiểu dáng, hoa văn… đào được ở những nơi cách xa nhau, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết sự giao lưu văn hóa giữa các bộ lạc xưa. Tuy nhiên, không ít lần các đoàn khai quật có những phát hiện bất ngờ vì dù ở trong cùng một tỉnh, nhưng do khí hậu, thổ nhưỡng mỗi khu vực có sự khác nhau nên hiện vật cũng có sự khác biệt về độ hao mòn. Đặc biệt, các khu vực rừng ngập mặn Nhơn Trạch, Cần Giờ là những nơi lưu trữ, bảo quản được những hiện vật ít ai ngờ tới suốt hàng ngàn năm qua.

“Sau 3 ngàn năm, những thứ còn tồn tại chỉ có thể là mảnh gốm, mảnh đá, nhưng riêng ở các cánh rừng ngập mặn đó còn có những công cụ gỗ, như: dao, thuổng… Phần lớn các loại gỗ đó đến nay không còn tồn tại nên đã trở thành  những hiện vật có giá trị lịch sử rất cao. Dù quá trình khai quật gian nan, thời tiết nóng ẩm rất khó chịu, nhưng khi tìm được những hiện vật đó, đoàn khai quật chúng tôi đã reo lên sung sướng và quên đi cái mệt. Cả Việt Nam chắc cũng hiếm có địa phương nào tìm được những hiện vật gỗ hàng ngàn năm tuổi gần như nguyên vẹn thế này” - ông Du tự hào cho biết.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều