Trong chiến tranh, các mẹ đã trải qua nỗi đau mất chồng, mất con nhưng vẫn kiên cường vượt qua. Khi nước nhà thống nhất, hình ảnh các mẹ đã đi vào huyền thoại vì đất nước hôm nay luôn biết ơn những người mẹ hiền. Với các mẹ, không gì vui bằng được mọi người gọi bằng cái tên thân quen mà cao quý: Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong chiến tranh, các mẹ đã trải qua nỗi đau mất chồng, mất con nhưng vẫn kiên cường vượt qua. Khi nước nhà thống nhất, hình ảnh các mẹ đã đi vào huyền thoại vì đất nước hôm nay luôn biết ơn những người mẹ hiền. Với các mẹ, không gì vui bằng được mọi người gọi bằng cái tên thân quen mà cao quý: Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ Phạm Thị Tròn xúc động nhìn tấm ảnh của người con trai đã hy sinh trong kháng chiến. |
Năm nay, mẹ Phạm Thị Tròn (ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đã bước sang tuổi 100. Tuổi già chỉ khiến những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ thêm sâu, còn nụ cười móm mém của mẹ khi có người quen đến thăm vẫn ấm áp, trìu mến. Thời gian này mẹ khá yếu, muốn nói chuyện với con cháu trong nhà cũng khó khăn. Nhưng lúc nghe ai hỏi chuyện về 2 người con đã hy sinh thì mẹ Tròn nhớ ra ngay vì từng kỷ niệm mẹ đã thuộc nằm lòng.
* Mẹ anh hùng ở tuổi 100
Ngày trước, gia đình mẹ Tròn sống trong rừng cao su của huyện Cẩm Mỹ với vỏ bọc công nhân đồn điền. Những khi tiếng bom yên lắng, mọi người trong nhà mẹ Tròn lại đem lương thực, thuốc men vào rừng tiếp tế cho bộ đội. Lúc anh Đỗ Văn Lân (con trai mẹ Tròn) đủ 18 tuổi, địch bắt đi quân dịch cũng là khi chồng mẹ bị bắt quả tang đang đi tiếp tế cho bộ đội.
“Lúc đó cả nhà đều vào tầm ngắm của địch, tôi không có cách nào giải thoát cho chồng và con trai. Sau đó mấy tháng, vì bị chúng đánh đập dã man ông ấy đã mất. Khi thằng Lân xin về đưa tang cha, về gần đến nhà thì nó và thằng Đỗ Văn Vy (em của Lân) được các chú bộ đội đón và đưa đi. Cũng nhờ ơn trời mà gia đình tôi thoát cảnh người cùng nhà đối đầu ở hai chiến tuyến” - mẹ Tròn kể lại.
Thời bom đạn ác liệt, cơm không đủ ăn, mẹ Tròn phải gửi các con đi chăn bò cho người dân trong xã, cuốc cỏ ở lô cao su… Ngày vất vả quần quật kiếm sống, đến tối mẹ và mấy chị em phụ nữ khác cùng nhau gánh gạo tiếp lương cho bộ đội. Dù biết con mình đang chiến đấu gần khu vực mình hay đi về, nhưng chưa lần nào mẹ có dịp gặp mặt.[links(right)]
“Gần 5 năm từ ngày con đi bộ đội, mẹ con chưa hề thấy nhau nhưng tôi vẫn hy vọng. Chỉ duy nhất một lần, khi cả gia đình chuẩn bị chuyển về đây (xã Hố Nai 3) sống thì 3 mẹ con cuối cùng cũng gặp được nhau” - mẹ Tròn thủ thỉ cho biết.
Sau khi về nơi ở mới, một mình mẹ gồng gánh nuôi con khôn lớn chờ ngày thống nhất, sum vầy. Nhưng ước mong ấy chưa kịp thổ lộ với ai thì cuối năm 1968, mẹ nhận tin dữ con trai Đỗ Văn Lân hy sinh. Mất mát quá lớn đổ dồn trên bờ vai gầy của mẹ. Rồi đến lúc cầm tờ giấy báo tử của anh Đỗ Văn Vy trên tay, trái tim mẹ như bị bóp nghẹt lần nữa.
“Các con hy sinh khi còn quá trẻ, thằng Vy chết trước ngày đất nước thống nhất chỉ vài tháng. Đằng đẵng bao năm nay, dù tuổi cao, sức yếu mẹ vẫn vui sống với con cháu trong nhà. Mẹ có 10 con, 2 người đã hy sinh, những người còn lại luôn yêu thương mẹ hết lòng” - bà Đỗ Thị Vân, con gái mẹ Tròn, cho biết.
Mẹ nói với chúng tôi không biết vì lý do gì mà các con mẹ hy sinh từ lâu, non sông đã thống nhất về một mối, đất nước ngày càng phát triển, vậy mà đến giờ khi đã ở tuổi “gần đất xa trời” mẹ mới chuẩn bị được nhận danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nghe thế, người con gái hỏi mẹ có chờ được không, mẹ gật đầu rồi nói: “Chờ chứ, gần 40 năm từ khi thằng Vy hy sinh mẹ còn đợi được, huống chi chỉ còn hơn tháng nữa. Không gì vui bằng được mọi người gọi với cái tên thân quen mà cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
* Mẹ vẫn sống bình dị…
Biết chiến tranh là mất mát, hy sinh nên khi hay tin thân thể chồng con gửi lại nơi chiến trường, nhiều bà mẹ Việt Nam đã gạt nước mắt, bền bỉ sống tiếp. Những khó khăn muôn vàn thời hậu chiến chưa lần nào khiến các mẹ gục ngã, mà tất cả đã trở thành động lực to lớn để các mẹ vươn lên. Giờ đây, tuổi đã cao nhưng chẳng muốn làm khổ con cháu, nhiều mẹ vẫn ở một mình và hàng ngày tự chăm sóc bản thân.
Đã mấy chục năm nay, mẹ Nguyễn Thị Hồng sống lặng lẽ trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh). 90 tuổi nhưng mẹ vẫn khỏe khoắn, đi lại bình thường. Suy nghĩ của mẹ thật giản đơn, mẹ nói hàng tháng có tiền ăn, tiền sinh hoạt của Nhà nước cấp. Thỉnh thoảng, cô con gái nhà ở gần đó đến thăm hỏi, dọn dẹp nhà cửa như thế là mẹ vui sướng, đầy đủ lắm rồi. Mới đây, thấy sức khỏe mẹ giảm sút, cô con gái đã động viên và đưa mẹ về sống cùng vợ chồng mình để tiện bề chăm sóc.
Mấy ngày nay, mẹ Nguyễn Thị Hồng (trái) đã về sống cùng với gia đình người con gái. |
“Mẹ có 2 con hy sinh nhưng điều khiến mẹ buồn nhất đến bây giờ là việc một đứa vẫn chưa được tìm thấy hài cốt. Mẹ cũng đi khắp nơi hỏi thăm, tìm kiếm nhưng may mắn chưa mỉm cười với mình. Con gái mẹ (đã hy sinh, hiện chưa tìm được hài cốt) xinh lắm, nếu còn sống chắc giờ đã lập gia đình và sinh cho mẹ những đứa cháu kháu khỉnh” - mẹ Hồng nghẹn ngào nói.
Bà Đỗ Thị Vân, con gái mẹ Phạm Thị Tròn, chia sẻ: “Tuổi già như trái chín cây, ngày trước mẹ nói dù vất vả, cực khổ bao nhiêu vẫn chịu được. Giờ sắp ra đi, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ đã mãn nguyện vì mẹ chờ cái ngày này từ lâu lắm rồi”. |
Còn mẹ Thị Nhường (88 tuổi, dân tộc Chơro, ngụ xã Bảo Vinh) khoe với chúng tôi những tấm huân, huy chương kháng chiến của chồng và con trai với đầy vẻ tự hào. Sau khi chồng con hy sinh, mẹ đi bước nữa với hy vọng sẽ có chỗ dựa tinh thần khi về già. Nhưng cuộc sống của gia đình mẹ không mấy dư dả, các con lớn lên lập gia đình rồi dọn ra ở riêng. Mình mẹ sớm hôm lủi thủi, cô đơn trong nhà tình thương nhỏ bé và đã cũ kỹ.
Ngày trước, mình mẹ tiễn chồng một đi không trở lại rồi dằn lòng động viên “núm ruột” của mình ra trận giữ nước, nhưng họ đã mãi mãi không trở về. Dù thế, mẹ vẫn tự an ủi và tin rằng họ đã chọn đúng con đường đi vì lý tưởng cao đẹp của mình. Thỉnh thoảng con cháu, hàng xóm đến thăm, mẹ luôn tươi cười, giấu đi muộn phiền riêng.
“Kinh tế các con ai cũng khó khăn nên mẹ không muốn làm phiền chúng. Mẹ muốn ở lại đây, ở căn nhà nhỏ này để thờ phụng, hương khói cho những người đã mất. Bà con chòm xóm ở đây sống nghĩa tình lắm, mẹ luôn sống trong sự đùm bọc, yêu thương của mọi người” - mẹ Nhường cười móm mém rồi nói.
Thanh Hải