Báo Đồng Nai điện tử
En

Mẹ đâu có sợ giặc (Bài 1)

09:11, 10/11/2014

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, đã có hàng triệu liệt sĩ, những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Trên bước trường chinh đầy gian khổ và hy sinh ấy, nhiều bà mẹ Việt Nam lần lượt tiễn chồng, con ra chiến trận để rồi ôm nỗi đau trong lòng khi họ mãi mãi không về. Sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ ấy xứng đáng được Tổ quốc, nhân dân ghi nhận và tôn vinh là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, đã có hàng triệu liệt sĩ, những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Trên bước trường chinh đầy gian khổ và hy sinh ấy, nhiều bà mẹ Việt Nam lần lượt tiễn chồng, con ra chiến trận để rồi ôm nỗi đau trong lòng khi họ mãi mãi không về. Sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ ấy xứng đáng được Tổ quốc, nhân dân ghi nhận và tôn vinh là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Mẹ Cái Thị Đổi (trái) đang kể lại chuyện kháng chiến.
Mẹ Cái Thị Đổi (trái) đang kể lại chuyện kháng chiến.

Trong số những bà mẹ ở Đồng Nai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào cuối tháng 9-2014, mẹ Cái Thị Đổi (ngụ ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã để lại trong chúng tôi một ấn tượng sâu sắc. Trong chiến tranh, mẹ đã dâng hiến cho Tổ quốc những người thân yêu nhất của mình. Bản thân mẹ cũng từng nếm trải những trận đòn thừa sống, thiếu chết của kẻ thù...

* Đám cưới không có chú rể

Theo sự hướng dẫn của cán bộ văn hóa xã Xuân Phú, chúng tôi đến ấp Bình Tân thăm mẹ Đổi khi hay tin mẹ vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ở tuổi 85 nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn lắm, khác hẳn suy đoán của chúng tôi về sức khỏe yếu ớt của mẹ trước khi ghé thăm nhà.

Khi nghe chúng tôi hỏi về sự hy sinh của mẹ trong chiến tranh, mẹ Đổi nhìn chúng tôi nói rất nhẹ nhàng: “Có gì đâu con, đất nước có giặc thì phải đánh đuổi chúng để giành lấy tự do, độc lập. Đất nước này có hàng triệu người như vậy chứ đâu riêng gì mẹ”.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), tuổi thơ của cô thôn nữ Cái Thị Đổi gắn liền với những cánh đồng rộng lớn của địa chủ giàu đất đai mà thiếu tình người. Thấy cuộc sống làm thuê làm mướn của cháu gái cực khổ, một người dì ruột trong lần về thăm quê đã làm mai cô cháu gái cho một thanh niên (ông Nguyễn Tấn Cao) ngụ ở Gia Định để mong cháu về thành phố sống mà thoát khỏi cảnh nhọc nhằn nơi thôn dã.

Phận làm con cháu, cô Đổi đã nghe theo sự sắp đặt của người lớn, dù chưa hề biết mặt người chồng sắp cưới. Nhưng đến ngày rước dâu, mọi người đều chưng hửng vì không thấy chú rể. Rất buồn vì chuyện này, nhưng qua sự tiết lộ bí mật của người dì, cô Đổi mới biết chú rể Nguyễn Tấn Cao đang hoạt động cách mạng ở Gia Định. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, dù đám rước dâu không có chú rể nhưng cô dâu vẫn thanh thản bước lên xe hoa về nhà chồng. “Lúc ấy ông Cao đâu dám xuất hiện ở đám cưới, vì ổng sợ bị lộ. Khi về đến nhà ở Gia Định mẹ mới biết mặt ổng” - mẹ Đổi chia sẻ.

Chỉ một năm sau đó, người con đầu lòng của mẹ và ông Cao là Nguyễn Thị Điệp ra đời.

Hoạt động bí mật trong lòng địch, ông Cao phải đi công tác triền miên, mọi công việc trong nhà đều đổ dồn lên vai mẹ Đổi. Thương chồng, hiểu việc của chồng làm nên mẹ âm thầm gánh vác việc làm dâu, làm vợ, làm mẹ để cho ông an tâm công tác.

Đến năm 1955, mẹ đã sinh cho ông Cao được 4 người con gái, lúc này ông Cao lại đổi địa bàn hoạt động nên cuộc sống của mẹ càng thêm vất vả. Một nách nuôi 4 con nhỏ và người cha chồng, mẹ Đổi phải bươn chải cực khổ để có tiền lo cho cả nhà, thỉnh thoảng mới dành được ít thời gian tìm vào chiến khu tranh thủ thăm chồng.

Trong thời gian này, thấy mẹ không chồng mà cứ lần lượt sinh con năm một, bọn tề ngụy ác ôn đã theo dõi mẹ. Có tên còn chất vấn: “Chồng bà ở đâu mà bà có thai hoài, theo Việt Cộng phải không?”. Trước sự tra hỏi, dò la của giặc, mẹ không nao núng mà trả lời bốp chát lại chúng: “Tui buôn bán ở Chợ Lớn, lấy mấy ông xích lô, mắc mớ gì mà mấy ông thắc mắc…”. Biết gặp phải người phụ nữ không vừa, chúng lặng im bỏ đi.

* Vào chiến khu

Cuối năm 1955, ông Nguyễn Tấn Cao chuyển địa bàn hoạt động vào Chiến khu Đ và căn dặn mẹ Đổi ở lại hậu phương làm thêm những phần việc mà cách mạng giao phó, như: giao liên, giao tài liệu, dẫn đường cho bộ đội, vận động thanh niên yêu nước tham gia cách mạng... Nghe lời dặn của chồng, mẹ ngược xuôi khắp nơi trong, ngoài thành phố thăm dò những người có tinh thần yêu nước và giới thiệu cho cách mạng hàng chục thanh niên thoát ly đánh giặc.

Thấy mẹ thường xuyên đi lại bất minh, nghi ngờ mẹ có quan hệ với “Việt Cộng”, nên bọn mật vụ liên tục theo dõi, thậm chí còn bắt bớ, đánh đập, tra tấn mẹ để tìm cơ sở “Việt Cộng”, nhưng chúng chẳng moi ở mẹ được gì. Mẹ nhớ có lần chúng quản thúc bằng hình thức sáng gọi lên bót rồi cho ngồi đó đến chiều tối mới cho về. Việc này lập đi lập lại hàng tháng trời. Cứ mỗi lần mẹ được mời lên bót là tên trưởng bót nhìn mẹ chăm chăm rồi gằn giọng nói: “Con người của bà giả dối đủ điều”.

Lúc ấy, mẹ nhìn thẳng vào mặt hắn đáp tỉnh queo: “Thời giặc giã, tui không giả làm sao sống được với mấy ông”. Dù tức anh ách, nhưng không có cơ sở để quy tội theo “Việt Cộng” nên chúng đành thả mẹ ra.

“Làm cách mạng là phải hy sinh con ạ. Tuy có đau thương, mất mát nhưng nước nhà được thống nhất, yên bình thì sự hy sinh ấy cũng là lẽ thường thôi!” - lặng im một lúc, mẹ Đổi quay sang nhìn chúng tôi với đôi mắt ngấn lệ rồi ôn tồn nói.

Năm 1962, cơ sở hoạt động bị lộ nên mẹ âm thầm dắt 4 người con vào chiến khu sống cùng chồng. Tại chiến khu, mẹ sinh thêm cho ông Cao 2 người con nữa. Đến năm 1967, ông Cao hy sinh vì bị địch phục kích ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom).

Nén nỗi đau thương vì sự mất mát quá lớn này, mẹ đã động viên 2 người con gái Nguyễn Thị Điệp và Nguyễn Thị Ngọc Thanh theo cách mạng để trả thù cho cha. Nhưng trong năm 1967, nỗi bất hạnh một lần nữa lại đến với mẹ. Trong lúc chưa nguôi nỗi đau vì tang chồng, mẹ lại đón nhận tin xấu là chị Điệp hy sinh trong một trận chống càn ở căn cứ Rừng Lá (huyện Xuân Lộc) và đến nay chưa tìm được hài cốt.

Cuối năm 1967, thấy mẹ trông nom 4 đứa con nhỏ dại ở chiến khu bất tiện nên tổ chức động viên và đưa mẹ về Gia Định hoạt động hợp pháp để có điều kiện nuôi con.

Năm 1971, qua sự giới thiệu của tổ chức, mẹ đi bước nữa với ông Nguyễn Văn U (còn gọi là Út U), cơ sở cách mạng ở Gia Định. Trong thời gian chung sống với ông Út U, mẹ đã sinh cho ông 2 người con trai và được ông tạo mọi điều kiện để mẹ hoạt động cách mạng.

Năm 1975, quân dân ta tiến công giải phóng Long Khánh, đập tan tuyến phòng ngự của địch ở Xuân Lộc vào ngày 21-4. Niềm vui chưa kịp mừng thì chỉ 3 ngày sau đó, ngày 24-4-1975, mẹ nhận hung tin người con gái thứ hai Nguyễn Thị Ngọc Thanh đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn của địch cài lại Xuân Lộc. Một lần nữa mẹ xỉu lên, xỉu xuống vì thương tiếc đứa con đã ngã xuống khi chiến trường vừa yên tiếng súng.

Đức Việt

 

Tin xem nhiều