Trong ngôi nhà 3 gian cũ kỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Hường (90 tuổi, ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) vẫn ngày ngày cặm cụi chăm chút mảnh vườn nhỏ trước sân. Mẹ Hường tâm sự: "Tôi già rồi, đỡ đần con cháu được cái gì thì tôi ráng làm, lâu lâu có đứa nào về chơi là vui lắm rồi. Chỉ thương mấy đứa nhỏ (những người con liệt sĩ của mẹ - P.V), bốn chục năm rồi chưa được về với mẹ mà thôi…".
Trong ngôi nhà 3 gian cũ kỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Hường (90 tuổi, ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) vẫn ngày ngày cặm cụi chăm chút mảnh vườn nhỏ trước sân. Mẹ Hường tâm sự: “Tôi già rồi, đỡ đần con cháu được cái gì thì tôi ráng làm, lâu lâu có đứa nào về chơi là vui lắm rồi. Chỉ thương mấy đứa nhỏ (những người con liệt sĩ của mẹ - P.V), bốn chục năm rồi chưa được về với mẹ mà thôi…”.
Mấy đứa nhỏ của mẹ, chính là liệt sĩ Vũ Văn Diệp và liệt sĩ Vũ Văn Tiệp, đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
* Máy đào không bằng đôi tay mẹ
Mẹ Hường kể lại, đầu những năm 1940, khi vợ chồng mẹ vừa về sống với nhau tại một ngôi nhà đất nhỏ tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Như Cam (chồng mẹ) đã liên tục hoạt động cách mạng xa nhà. Những năm khó khăn đó, khi nạn đói hoành hành khắp các tỉnh miền Bắc, mẹ Hường vừa phải gồng gánh nuôi con nhỏ, vừa tìm cách che giấu cán bộ ở căn hầm bí mật dưới nền nhà. Mẹ đào hầm bằng thuổng, bằng tay không, chậm rãi mở ra dưới lòng đất một không gian nhỏ để che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Mẹ Cao Thị Hường nâng niu, lau chùi sạch sẽ những huân, huy chương mà chồng, con được phong tặng. |
“Thời đó cả làng nghèo xác nghèo xơ, chỉ có tiếng chó, gà quanh nhà đã thấy ầm ĩ lắm rồi. Vậy mà mấy ông cán bộ hoạt động ở dưới hầm nhà tôi gõ máy đánh chữ rầm rầm suốt ngày. Mỗi lần mấy ông bắt đầu gõ chữ là trên nhà tôi lại đem gạo ra giã để át tiếng đánh máy, nhưng thỉnh thoảng lại bị hàng xóm hỏi. Những năm đó hoạt động cách mạng rất nguy hiểm, bị bắt là mất đầu như chơi. Bản thân tôi cũng chẳng biết các ông ấy làm những gì, tất cả đều bí mật. Cả ông Cam nhà tôi cũng thế, ông đi đâu, đến đâu, làm gì…, ngay đến vợ con cũng không được biết…” - mẹ Hường bồi hồi nhớ lại.[links(right)]
Lúc chồng đi hoạt động cách mạng ở xa, mẹ Hường ở nhà nhận nhiệm vụ làm đầu mối liên lạc. Vào mỗi đêm không trăng, khi các con đã ngủ, mẹ lại âm thầm lẻn ra phía sau nhà để đào hầm. Đất đào lên được trộn với bùn, rơm rạ rồi đắp lên vách nhà, hoặc đổ vào gốc cây, rải khắp vườn nên không ai phát hiện ra. Khi ông Cam bị quân Pháp bắt giữ, tra tấn, mẹ vẫn giữ thái độ bình tĩnh, bất chấp sự dụ dỗ của kẻ thù, không để lộ ra những cán bộ đang ẩn nấp dưới nhà.
“Vào những năm 1950, không khí của làng quê rất căng thẳng, nhà nào có người bị bắt vì làm cách mạng lập tức bị địch dòm ngó, soi mói. Chồng tôi khi ấy làm bí thư xã nên càng bị canh chừng kỹ hơn, có lúc tưởng chừng đã lộ chuyện nuôi giấu cán bộ. Sau ngày chiến thắng Điện Biên, quân Pháp rút khỏi miền Bắc, khi ấy sau 14 năm lấy nhau, tôi và chồng mới có những ngày sống bình yên mà không phải lo lắng gì” - mẹ Hường nói, rồi lấy cho chúng tôi xem những huân, huy chương mà vợ chồng mẹ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng. Với mẹ, đó chính là những báu vật minh chứng cho thế hệ sau biết những gì mà lớp cha ông đã làm được suốt nhiều năm với bao khó khăn, thử thách.
* 5 lần tiễn con ra trận
Những tưởng cuộc sống sẽ bình yên sau gần 20 năm nuôi con một mình, nhưng trước yêu cầu cấp thiết của công cuộc thống nhất đất nước, mẹ Hường lại dứt lòng tiễn các con lên đường ra tiền tuyến. Hai người con trai lớn của mẹ là Vũ Văn Diệp (SN 1944) và Vũ Văn Tiệp (SN 1946) đều lên đường tòng quân vào năm 1964, khi cuộc chiến ở miền Nam ngày càng căng thẳng.
Mẹ Hường nhớ lại: “Hai đứa chúng nó cao, gầy, lỉnh kỉnh ba lô, mũ áo đi cùng những người khác, trước khi đi còn hứa khi nào thắng trận sẽ về. Những năm đó, ai biết đến khi nào mới chấm dứt chiến tranh, con đi ra mặt trận, mẹ ở nhà lo tăng gia sản xuất. Thời điểm đó, miền Bắc sục sôi không khí lên đường nhập ngũ, nhà nào cũng có người thân ra trận nên cùng lúc gia đình tôi tiễn 2 đứa con lên đường là chuyện bình thường. Có ngờ đâu, 2 đứa đầu tiên ra đi cũng là 2 đứa không bao giờ về với tôi, chúng đã nằm xuống nơi đất khách quê người…”.
Mẹ Cao Thị Hường chăm sóc vườn cây trong sân nhà. |
Mười năm liên tục, từ năm 1964-1974, cả 2 người con đi bộ đội vẫn gửi thư về đều đặn nên nỗi nhớ nhung của gia đình mẹ Hường phần nào được nguôi ngoai. Trong 2 năm 1971-1972, gia đình mẹ Hường tiếp tục đưa thêm 2 người con nữa ra mặt trận. Không vào chiến trường miền Nam ác liệt, nhưng cả hai đều chắc tay súng bảo vệ bầu trời miền Bắc trong những năm Mỹ ném bom phá hoại.
Mẹ Hường kể, trong thư anh Diệp và anh Tiệp gửi về có nói đến những lần anh em họ vô tình gặp nhau trên đường hành quân. Do không cùng đơn vị nên trong phút chốc cả hai không nhận ra nhau. Đến khi kịp nhận ra thì anh em chỉ biết ôm nhau khóc vì khói lửa chiến trường đã khiến cho họ khác xưa rất nhiều.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Hường có có 5 người con đi bộ đội, trong đó có 2 con hy sinh tại chiến trường miền Nam trong những năm tháng chiến tranh. Hiện mẹ Hường đang sống cùng người con trai út tại thị trấn Định Quán (huyện Định Quán). Mẹ cho biết, tâm nguyện cuối cùng của mẹ trước khi nhắm mắt là tìm lại được hài cốt người con lớn đã hy sinh tại sông Sài Gòn vào năm 1974. |
Nghĩ đến những người con trai đã hy sinh, mẹ Hường không cầm được nước mắt. Lúc này, ông Vũ Văn Kiên, con trai út của mẹ Hường, phải đỡ lời thay. “Khoảng giữa năm 1974, khi thấy đã rất lâu mà chưa có thư của anh Tiệp gửi về, mẹ mới giục các con lên Huyện đội hỏi thử. Khi biết anh Tiệp đã hy sinh và giấy báo tử vừa kịp chuyển về thì mẹ tôi chỉ còn biết đau đớn gào khóc. Xót xa hơn khi biết anh tôi hy sinh trong lúc đang vượt sông Sài Gòn, thi thể anh cho đến giờ này cũng không biết đang nằm ở đâu…” - ông Kiên kể.
Nỗi đau vừa kịp nguôi ngoai, đến năm 1975 gia đình mẹ Hường lại lần thứ 5 tiễn con nhập ngũ. Lần này, con của mẹ cùng đoàn quân thần tốc tiến vào Sài Gòn. Bóng con chưa kịp khuất sau lũy tre làng, gia đình mẹ lại đón thêm hung tin, anh Vũ Văn Diệp đã hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên vào đầu năm 1975. Đến tận năm 1985, khi cả nhà dọn vào sống tại huyện Định Quán, mẹ vẫn chưa tìm được nắm xương tàn của 2 người con đã hy sinh.
“Gần 30 năm sau khi con tôi ra đi, tôi mới có thể đem hài cốt con về, nhưng thật sự rất buồn là tôi phải tìm cách lén đưa bộ hài cốt của con từ nghĩa trang trên Tây Nguyên về, vì thời điểm đó Nhà nước chưa có chính sách cho thân nhân đem hài cốt liệt sĩ về chôn cất. Còn thằng Tiệp nữa, không biết hài cốt giờ nằm chỗ nào để tìm, đồng đội nó trong trận đó cũng thất tán cả, giờ không biết tìm đến ai để hỏi nữa. Chắc đến khi tôi nằm xuống mẹ con mới đoàn được tụ…” - nói đoạn, mẹ Hường lấy khăn lau những giọt nước mắt đã chực trào trên đôi mắt mờ dần theo năm tháng mỏi mòn đợi con.
Đăng Tùng