Từ thuở người Mạ còn ở nhà sàn, sống bằng việc làm rẫy, săn thú thì nghề dệt thổ cẩm là công việc bình thường của người phụ nữ. Cho đến hôm nay, khi nếp sống đã có nhiều thay đổi, thổ cẩm chỉ còn xuất hiện trong những ngày lễ thì việc gìn giữ và lưu truyền nghề dệt thổ cẩm đang trở thành vấn đề nan giải cho đồng bào Mạ.
Từ thuở người Mạ còn ở nhà sàn, sống bằng việc làm rẫy, săn thú thì nghề dệt thổ cẩm là công việc bình thường của người phụ nữ. Cho đến hôm nay, khi nếp sống đã có nhiều thay đổi, thổ cẩm chỉ còn xuất hiện trong những ngày lễ thì việc gìn giữ và lưu truyền nghề dệt thổ cẩm đang trở thành vấn đề nan giải cho đồng bào Mạ.
Bà Ka Blỏn dệt một tấm thổ cẩm tại nhà. |
Cầm trên tay xấp thổ cẩm vừa dệt xong, bà Ka Blỏn (54 tuổi, ngụ KP.Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán) xếp gọn vào túi rồi giao cho người mua hàng đang đợi. “Thổ cẩm của người Mạ được ưa chuộng do dệt bằng tay, vì vậy giá bán thổ cẩm khá cao. Những năm trở lại đây ít khách tìm mua…” - bà Ka Blỏn cho biết.
* Tâm hồn người Mạ trên thổ cẩm
Theo những bậc cao niên trong làng dân tộc Mạ ở KP.Hiệp Nghĩa, từ xa xưa con gái Mạ 10 tuổi đã biết cách dệt thổ cẩm, tự may váy áo để mặc. Váy của người Mạ được mặc ngay cả khi lên rẫy. Vào những dịp lễ, người Mạ sử dụng loại váy có hoa văn sặc sỡ và gắn thêm các viền tua len đỏ, các đồng tiền bạc, vòng khoen kim loại hay lục lạc. Để dệt được một tấm thổ cẩm, mỗi nhà phải tự trồng bông, thu hoạch bông, kéo sợi… qua nhiều công đoạn mới hình thành được tấm thổ cẩm.
“Tôi nhớ lúc còn nhỏ, khi thu hoạch bông về, phải mất hơn 2 tháng mới có thể cho ra một tấm thổ cẩm để làm váy. Bây giờ người Mạ ít ai trồng bông, chúng tôi phải đi mua sợi vải ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đem về dệt, vì trồng bông tốn nhiều công sức. Bây giờ, người nào giỏi có thể dệt 3-4 tấm thổ cẩm/tháng. Đó mới chỉ là dệt vải, chưa tính thời gian may áo, váy từ tấm vải. Thổ cẩm chúng tôi làm rất chắc chắn, sợi vải dày nên dùng đi rừng, đi rẫy không sợ rách” - bà Ka Blỏn cho biết.
Dọc theo mép váy của người Mạ có những nơi dùng để móc chi tiết trang trí kim loại, khi được mặc vào ngày lễ, tết tạo ra âm thanh leng keng vui tai. Xưa kia, chỉ có những gia đình khá giả mới có điều kiện sở hữu những khoen bạc, người phụ nữ Mạ coi những khoen đó như vật gia bảo nên luôn giữ kỹ để truyền lại cho con gái.
Bà Ka Bích (74 tuổi, ngụ KP.Hiệp Nghĩa), một trong số ít người còn giữ được những chiếc khoen kim loại đã được truyền qua 3-4 thế hệ, cho biết vì gia cảnh khó khăn nên từ nhỏ bà đi chăn trâu, làm mướn. Gần 30 năm trở lại đây, do sức yếu nên bà ở nhà dệt thổ cẩm kiếm sống. Hiện tại, chỉ còn gần 10 hộ người Mạ ở KP.Hiệp Nghĩa còn duy trì nghề dệt thổ cẩm, so với cách đây 20 năm đã giảm rất nhiều.
Hiện nay, ngoài nghề dệt thổ cẩm, người Mạ ở thị trấn Định Quán còn duy trì nghề đan gùi, làm ná truyền thống. Trong mỗi gia đình người Mạ, nếu không có định hướng cho thế hệ trẻ thì những nghề này sẽ dần bị mai một theo năm tháng. |
Bà Ka Blỏn nhớ lại, thập niên 80 người Mạ ở Định Quán chủ yếu sống bằng nghề đi rừng và dệt thổ cẩm. Nhưng người Mạ trẻ tuổi bây giờ đi làm các công ty nên chỉ còn người già tiếp tục duy trì nghề dệt thổ cẩm. Dù đã có sự hỗ trợ của địa phương thông qua các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí, nhưng số người theo học rất ít.
“Văn hóa của người Mạ được duy trì qua những câu chuyện, bài hát và hoa văn trên thổ cẩm. Chúng tôi dệt vào tấm vải những vật dụng gắn liền với đời sống tinh thần người Mạ, như: con gà, cái bình, cây cỏ xung quanh… Trong lễ cưới hỏi của dân tộc chúng tôi, nhà trai phải đem đến những vật phẩm truyền thống, như: chiêng, bình gốm… thì mới được nhà gái tiếp đón. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng, với người Mạ thì thổ cẩm chính là thứ để kể lại cho con cháu đời sau nghe những chuyện của thế hệ đi trước” - bà Ka Blỏn bộc bạch.
* Mai một nghề xưa
Trong cộng đồng người Mạ ở KP.Hiệp Nghĩa, bà Ka Bri (84 tuổi) là người già nhất hiện còn dệt thổ cẩm. Bà cho biết, trước đây do nhu cầu sử dụng thổ cẩm trong cộng đồng người Mạ, Chơro còn nhiều nên công việc dệt thổ cẩm có đều, thu nhập ổn định. Nhưng hiện tại, cộng đồng các dân tộc bản địa này đã chuyển sang sử dụng trang phục giống như người Kinh nên nhu cầu về thổ cẩm đã giảm nhiều. Ngoài ra, giá sản phẩm thổ cẩm bán ra cũng là vấn đề nan giải, nhiều nơi tới xem sản phẩm rất ưng ý nhưng khi bàn đến giá cả thì họ lắc đầu bỏ đi.
Những người phụ nữ Mạ khoe nhau tấm thổ cẩm vừa dệt xong. Ảnh: Đ.TÙNG |
“Một chiếc áo của nam giới, chúng tôi mất khoảng 10 ngày dệt, bắt đầu từ công đoạn dệt rồi đến may hoàn chỉnh nên có giá từ 300 ngàn đồng trở lên. Nhiều người cho mức giá đó quá cao, nhưng nếu tính công sức bỏ ra và độ bền thì theo tôi giá này chấp nhận được. Do làm thủ công nên thổ cẩm có độ tinh xảo cao, sai sót được chỉnh sửa ngay lập tức. Bây giờ, lâu lâu chúng tôi mới nhận được yêu cầu của khách hàng, nếu không thì tự sản xuất và bán trong cộng đồng người dân tộc với nhau thôi…” - bà Ka Blỏn cho biết.
Thị trường tiêu thụ ngày một ít đi, kéo theo đó là thế hệ người Mạ muốn có cuộc sống sung túc hơn nên đổ về các khu công nghiệp làm công nhân. Đã nhiều lần, các bậc cao niên trong làng nhân các buổi lễ hội động viên con cháu cố gắng duy trì nghề dệt truyền thống, nhưng hiệu quả không được như mong muốn.
Bà Ka Bri cho biết, phần lớn người già trong cộng đồng Mạ không nói rành tiếng Kinh nên không hiểu được tư duy của thế hệ trẻ hiện nay. “Mấy đứa trẻ chê nghề dệt ngồi một chỗ, không được đi lại nhiều, làm nhiều mà thu nhập thấp. Tụi nó đâu có hiểu đây là nghề tổ tiên truyền qua bao nhiêu đời, sau này mấy người già tụi tui chết hết rồi thì còn ai giữ nghề nữa. Hôm trước, có lớp dạy nghề dệt thổ cẩm dạy miễn phí cho người Mạ, mà chỉ toàn mấy bà lớn tuổi quanh đây đi học thôi, đám trẻ làm công nhân bận quá nên đâu có học được” - bà Ka Bri nói.
Ông Đinh Tèo, Phó chủ tịch UBND thị trấn Định Quán, cho biết lớp học dệt do bà Ka Blỏn dạy vừa qua thu hút được nhiều học viên tham gia, nhưng vẫn chưa thể vực dậy được nghề truyền thống của người Mạ. Hiện nay, đầu ra của thổ cẩm là bài toán nan giải. Nhu cầu của người dân tộc đã giảm, các đơn đặt hàng từ Đà Lạt, Bảo Lộc… ngày một ít dần nên khó duy trì hoạt động thường xuyên. Sắp tới đây, các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ tiếp tục mở những lớp dạy nghề truyền thống, nhưng hướng tới các đối tượng trẻ tuổi để họ làm quen dần với nghề truyền thống của dân tộc.
Đăng Tùng