Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhọc nhằn đời thợ đá

12:11, 01/11/2014

"Đời thợ đục đá nghèo lắm, còn sức còn kiếm được tiền, nhưng phải tiết kiệm để nuôi con. Mỗi ngày, không đục được 100 viên đá coi như hôm đó cả nhà đói…" - ông Ngô Đình Quy, người có 30 năm làm thợ đục đá cho biết.

4 giờ 30 mỗi ngày, ông Ngô Đình Quy (52 tuổi, ngụ xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) lại thức dậy nấu cơm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà và đem ra công trường ăn trưa. “Đời thợ đục đá nghèo lắm, còn sức còn kiếm được tiền, nhưng phải tiết kiệm để nuôi con. Mỗi ngày, không đục được 100 viên đá coi như hôm đó cả nhà đói…” - ông Quy, người có 30 năm làm thợ đục đá, cho biết.

* Những chòi tạm giữa công trường

Tại công trường ở xã Suối Trầu (huyện Trảng Bom), cái nắng trưa gay gắt làm bốc hơi nhanh chóng những vũng nước đọng lại từ trận mưa hôm trước. Mới hơn 6 giờ nhưng gần 20 thợ đục đá đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Những tảng đá có kích thước 3-4 người ôm đã được xe chở tới đổ từng đống to, thợ đục đá dùng xà beng đẩy tảng đá ra vị trí thuận lợi rồi tiến hành đục.

Ông Ngô Đình Quy dùng búa đục viên đá thành kích thước như chủ yêu cầu.
Ông Ngô Đình Quy dùng búa đục viên đá thành kích thước như chủ yêu cầu.

 “Mỗi viên đá đục theo đúng yêu cầu của chủ sẽ được trả 1,5 ngàn đồng, trung bình mỗi người thợ ở đây làm được khoảng 100 viên mỗi ngày. Nghề này không đòi hỏi trình độ hay kỹ năng gì, chỉ cần có sức khỏe là được. Phần lớn thợ đục đá ở đây đều đã làm qua các nghề tay chân khác, làm ruộng, rẫy có, phụ hồ cũng có, nhưng cũng vì không đảm bảo được thời gian và sức khỏe cho những ngày làm việc kéo dài của các nghề đó mà chuyển qua làm thợ đục đá. Ai còn sức cứ làm, ngày nào khỏe thì làm, bữa nào mệt ở nhà, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu” - ông Quy cho hay.

Mỗi thợ đục đá ở đây đều tự dùng tre và vải bạt dựng một cái chòi tạm bợ ngay tại vị trí làm việc để che nắng, mưa. Ngoài các dụng cụ thô sơ, như: búa, xà beng, dùi…, mỗi người thợ phải tự sắm thêm một máy đục cầm tay với giá vài trăm ngàn đồng để tăng sản lượng. Nhưng nhiều thợ đục đá ở đây cho biết, tỷ lệ đá họ đục đúng với yêu cầu của chủ chỉ đạt khoảng 60-80%. Nếu gặp phải đá “chai”, hoặc đá quá xốp, thì lúc đục ra bị vỡ vụn. Ngày nào gặp nhiều đá “chai” hoặc đá vụn thì thu nhập thấp hơn mọi ngày.

Ông Lê Văn Bản (75 tuổi, ngụ xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom), người có hơn 40 năm làm thợ đục đá, cho biết trước khi có máy móc, ông chỉ có thể dùng những dụng cụ thô sơ để làm công việc này. Khi đó, mỗi ngày ông chỉ làm được hơn 50 viên đá đạt yêu cầu. Bây giờ, tuy đã có máy móc hỗ trợ nhưng do sức khỏe yếu, ông chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi ngày từ việc đục đá.

Các tảng đá lớn được người dân đào lên trong lúc làm rẫy được vận chuyển về các xưởng cưa thành những viên đá vuông vức dùng trong xây dựng. Phần đá thừa sẽ chuyển về cho những người thợ đục ở đây, nhiệm vụ của họ là đục các khối đá này thành những viên đá nhỏ hơn để dùng trong việc đổ móng các công trình.

“Nếu không có những chiếc chòi tạm che nắng, có lẽ không thợ nào trụ nổi quá 10 ngày, vì trời nắng nóng như thiêu, lại phải làm việc liên tục với cường độ cao. Hồi trẻ tui đã làm thợ đục đá ở rất nhiều nơi, mấy năm gần đây mới về làm gần nhà. Bây giờ, mấy đứa con có gia đình hết rồi, tui sống một mình nên ráng làm kiếm ít tiền, được bữa nào hay bữa đó. Nghề này hại sức khỏe lắm, hít hơi đất đá nhiều nên hay bệnh, còn chuyện giập tay, chân là chuyện bình thường rồi” - ông Bản nói.

* Phận người, đời đá

Buổi trưa, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, từng nhóm thợ nhà ở xa tụm năm, tụm ba ngồi nghỉ dưới bóng cây me gần công trường. Họ cố gắng ăn thật nhanh để tranh thủ thời gian nghỉ ngơi đến khi trời vừa dịu xuống là quay trở lại với công việc đục đá.

Vợ tôi bỏ nhà đi gần chục năm nay, một mình tôi phải nuôi 3 đứa con. Mỗi ngày cố góp nhặt một ít để dành cho tụi nó được ăn học bằng chúng bạn. Đời cha khổ do không được học hành tử tế, tôi chỉ mong các con tôi không phải khổ như tôi thôi. Anh em thợ đá ở đây đều có hoàn cảnh giống nhau nên nương tựa nhau mà sống, không vì tranh giành việc làm mà xô xát với nhau” - ông Bùi Văn Cường (41 tuổi, ngụ xã Sông Trầu) tâm sự.

Lao vào cuộc mưu sinh bên những khối đá vô tri, thợ đục đá còn phải đối mặt với nỗi lo thương tích gặp phải trong lúc bất cẩn. Bàn tay nhiều năm đục đá của mỗi người thợ trở nên chai sạn, các móng tay, móng chân bầm đen do nhiều lần bị đá rơi xuống chân, búa đập trúng vào. Theo nhiều thợ đục đá, điều nguy hiểm nhất là khi sử dụng máy đục đá, do không thể kiểm soát được những mảnh đá nhỏ văng ra nên nhiều người đã bị đá văng làm bầm tím hoặc cứa rách tay.

Ông Bùi Văn Cường dùng xà beng bẩy tảng đá lớn ra để đục.
Ông Bùi Văn Cường dùng xà beng bẩy tảng đá lớn ra để đục.

“Xài búa, xà beng thì còn kiểm soát được viên đá, được dụng cụ, chứ còn dùng máy đục thì đành chịu. Có lần, chúng tôi thử đeo kính bảo hộ, bao tay, khẩu trang, nhưng cũng chỉ được một lúc, trời nóng bức và khó thở quá nên phải tháo ra hết. Ai cũng biết làm nghề này nguy hiểm, nhưng quen rồi, giờ không làm thì không biết làm nghề gì nữa…” - ông Quy trầm ngâm hồi lâu rồi kể lại về những nguy hiểm trong nghề.

Đặc thù công việc hưởng tiền công theo sản phẩm nên người nào có sức khỏe thì làm được nhiều tiền, người nào sức khỏe kém thì làm ít. Ngoài sức lực của bản thân, thời tiết và máy móc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động. Những ngày tiết trời không quá nóng thì thợ đục đá làm được nhiều, ngày nào trời mưa phải nghỉ do không thể kéo dây điện chạy máy đục và rất dễ gặp chấn thương do đá trượt vào chân.

“Mấy tháng mùa mưa, chúng tôi chỉ có thể làm được 2/3 số lượng đá của những tháng mùa khô do hay có mưa suốt buổi chiều. Chưa kể nhằm lúc máy đục bị hư thì phải tốn vài chục ngàn đồng để sửa, mà mấy cái máy đục cầm tay cứ 2 tuần lại “đòi tiền” chúng tôi một lần. Không xài máy đục thì năng suất thấp, nên dù khó khăn anh em chúng tôi cũng ráng chịu đựng. Vào mấy dịp lễ hay cuối tuần, cuối tháng, chủ bãi đá lại thưởng thêm, nhờ đó mọi người có tinh thần làm tiếp. Nghe nói sắp tới người ta có ý định dẹp bỏ loại hình làm đá này, chúng tôi không biết sẽ phải làm việc gì nữa đây…” - ông Cường uống ngụm nước rồi cùng những người thợ còn lại bắt tay vào công việc buổi chiều.

Tiếng máy đục kêu ầm ầm trên công trường đầy nắng, những thợ đục đá gồng mình nện nhát búa vào tảng đá “cứng đầu”, mỗi viên đá thành hình theo yêu cầu là một nụ cười của thợ đục đá nở trên môi. Với mỗi người đàn ông kia, tương lai của bản thân chưa biết ra sao, nhưng họ đang cố gắng từng ngày vì ước mong cuộc đời con cháu họ sẽ tốt đẹp hơn, sẽ không còn khổ như họ nữa.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều