Báo Đồng Nai điện tử
En

Nặng tình với Hiếu Liêm

11:11, 17/11/2014

18 tuổi, sôi sục tinh thần tình nguyện tuổi trẻ, cách đây 36 năm Nguyễn Quốc Hùng về vùng Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) khai hoang phục hóa. Vốn đa tài và nhiệt huyết, Nguyễn Quốc Hùng đã tạo được nhiều hình ảnh đẹp trong lòng người dân Hiếu Liêm.

18 tuổi, sôi sục tinh thần tình nguyện tuổi trẻ, cách đây 36 năm Nguyễn Quốc Hùng về vùng Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) khai hoang phục hóa. Vốn đa tài và nhiệt huyết, Nguyễn Quốc Hùng đã tạo được nhiều hình ảnh đẹp trong lòng người dân Hiếu Liêm.

“Cậu Ba” cái tên trìu mến mà người dân Hiếu Liêm quen gọi ông Nguyễn Quốc Hùng mỗi khi thấy ông ra đường.
“Cậu Ba” cái tên trìu mến mà người dân Hiếu Liêm quen gọi ông Nguyễn Quốc Hùng mỗi khi thấy ông ra đường.

Tiết trời chuyển mùa, Hiếu Liêm buổi sáng sớm liên tục xuất hiện những cơn gió lạnh từ rừng ùa về. Đón chúng tôi tại quán cóc ven đường với ly cà phê còn nóng hổi, ông Hùng hồ hởi trải lòng: “Mới đó đã 36 năm rồi. Ngày mới vào đây, chúng tôi đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi phơi phới yêu đời. Nay thì mỗi người một phương trời, bản thân tôi vẫn ở lại Hiếu Liêm như kẻ nặng nợ với vùng đất này”.

* Ký ức rừng già

Năm 1978, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Hùng cùng 849 thanh niên gia nhập Liên đội thanh niên xung phong (thuộc Tỉnh đoàn Đồng Nai) về vùng rừng già Hiếu Liêm khai hoang phục hóa, lao động sản xuất. Ngày mới vào rừng, liên đội chọn khu đất bên con suối lớn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai (thuộc ấp 3, xã Hiếu Liêm) để dựng trại. Ông Hùng cho biết, Liên đội thanh niên xung phong có nhiều đội trực thuộc và ông được bầu làm đội trưởng đội bảo vệ. Các trại được lợp bằng lá buông, vách bằng le, giường ngủ bằng tre.

Tuy không trực tiếp sản xuất, ông Hùng và 10 thành viên trong đội bảo vệ luôn tất bật công việc 24/24 giờ với nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an cho toàn liên đội trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ mùa màng. “Chúng tôi ngày lao động sản xuất, tuần tra, tối về sinh hoạt Đoàn, ca hát, diễn văn nghệ, làm báo tường… rất khí thế. Vì vậy, hiếm có chuyện đội viên không trụ được dẫn đến đào ngũ, hoặc xích mích vì chuyện bất đồng trong sinh hoạt, lao động… buộc mình phải ra tay giải quyết” - ông Hùng tâm sự.

Với 36 năm gắn bó với vùng đất Hiếu Liêm, ông Hùng vẫn không có nhà cao cửa rộng, không rẫy vườn cho riêng mình. Nhưng điều ông được nhiều vẫn là tình cảm của người dân, những tấm giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương treo đầy phòng riêng (được UBND cho mượn để tá túc). “Tôi sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng nên phải sống đúng truyền thống của gia đình, quê hương. Vì vậy, tôi luôn tự hào với những đóng góp của mình cho vùng đất Hiếu Liêm ngày càng phát triển, đổi thay” - ông Hùng tỏ bày.

Ông Hùng kể, từ ngày xuất hiện Liên đội thanh niên xung phong, rừng Hiếu Liêm khi ấy rộn ràng tiếng người. Đêm đến, tiếng thú rừng gọi bạn, tiếng côn trùng bị át bởi tiếng hát ca tuổi trẻ trong các tiểu trại. Nhất là vào mùa hè, rừng Hiếu Liêm càng tưng bừng, chộn rộn thêm khi Liên đội thanh niên xung phong mở trại đón tiếp hàng trăm bạn đoàn viên Đoàn thanh niên các xã trên địa bàn tỉnh về hỗ trợ. “Mỗi năm liên đội đón tiếp cả ngàn thanh niên xung kích đến từ Đoàn thanh niên các xã về hỗ trợ một tháng nên ai cũng phấn khởi, đợi mong. Các bạn thanh niên xung kích luôn đem lại cho chúng tôi sức trẻ, tinh thần mới và tình cảm để anh em bám trụ” - ông Hùng nói.

Bất chợt, ông Hùng chỉ về nơi 36 năm trước Liên đội thanh niên xung phong của ông đóng quân rồi nói: “Vài tháng đầu chúng tôi được cấp nhu yếu phẩm đầy đủ nên sướng lắm. Sau đó, nhu yếu phẩm dần bị cắt giảm nên toàn liên đội phải tự túc một phần bằng những bữa ăn bo bo, mì, bắp để ấm lòng mà lao động. Nhưng chúng tôi vẫn không chùn bước, kiên cường bám trụ để xung quanh lán trại quanh năm xanh rì rau củ, bắp, lúa và xuất hiện thêm những lán trại nhỏ của từng gia đình thanh niên xung phong”.

* Xây dựng phong trào

Tiếp bước chân thanh niên xung phong, người dân từ khắp mọi miền đất nước và các đơn vị kinh tế bắt đầu vào vùng rừng Hiếu Liêm khai hoang phục hóa. Chẳng mấy chốc, vùng rừng Hiếu Liêm heo hút, không bóng người trú ngụ ngày càng xuất hiện nhiều nóc nhà tranh, doanh trại. “Đến năm 1982, Liên đội thanh niên xung phong của chúng tôi giải tán và vùng rừng Hiếu Liêm có tên hành chính là ấp 3, xã Trị An. Tôi được tổ chức phân công về Lâm trường Hiếu Liêm giữ chức đội trưởng đội bảo vệ rừng. Gắn bó với Lâm trường Hiếu Liêm được vài năm thì tổ chức điều tôi về giữ nhiệm vụ trưởng ấp 3 sau khi trúng cử đại biểu HĐND xã” - ông Hùng kể.

Vốn sinh ra trong gia đình và quê hương giàu truyền thống cách mạng Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), ông Hùng hăng hái nhiệm vụ củng cố, kiện toàn hệ thống ấp bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và một chút hư danh “Cậu Ba” giỏi võ. Sau một năm ròng ở với dân nhiều hơn ở nhà với vợ và khéo vận động, hệ thống chính trị và các đoàn thể ấp 3 được củng cố, kiện toàn dưới sự quản lý của Trưởng ấp Hùng.

Thấy ông Hùng năng nổ, có nhiều tài vặt thích hợp với công tác thanh niên, Đảng ủy xã Trị An điều ông về củng cố phong trào Đoàn. Trên cương vị Bí thư Đoàn thanh niên xã, ông Hùng nhanh chóng xây dựng phong trào ở xã mình nổi đình nổi đám khắp huyện, rồi đến tỉnh.

Gây dựng phong trào Đoàn chưa đã tay, năm 2003 vùng đất ấp 3 được thành lập xã mới Hiếu Liêm và ông Hùng được tổ chức phân công đảm nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Hiếu Liêm.

Ông Hùng bộc bạch, làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã lúc ấy oai lắm, nhưng cái tính sôi nổi trong ông vẫn còn nên ông cứ lăn lộn cùng phong trào Đoàn và các bạn trẻ. “Hết dạy các em chơi bóng đá, rồi dạy võ, dợt văn nghệ; có hôm thầy trò kéo nhau đi sửa nhà cho dân nên bà con ai cũng quý mến” - ông Hùng thổ lộ.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Quốc Hùng tất bật nhiệm vụ củng cố, kiện toàn, đưa phong trào đi lên do tổ chức phân công.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Quốc Hùng tất bật nhiệm vụ củng cố, kiện toàn, đưa phong trào đi lên do tổ chức phân công.

Thấy ông Hùng gần dân, Đảng ủy xã Hiếu Liêm lại điều ông về giữ chức Bí thư chi bộ ấp 3 vừa mới hình thành để củng cố hệ thống chính trị. “Tôi không ngại nhiệm vụ tổ chức phân công cho mình lớn hay nhỏ, điều tôi lo lắng nhất là mình có làm tốt, đáp ứng với kỳ vọng mà tổ chức đặt niềm tin hay không. Chính điều đó mà tôi được bạn bè, đồng đội, người dân yêu mến và nói vui là người có tài củng cố, nhưng không có tướng làm quan. Vừa rồi, tôi lại được tổ chức phân công giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã khi mới có 54 tuổi. Nhận nhiệm vụ nào tôi vẫn ghi nhớ lời tổ chức giao trách nhiệm bằng mọi giá phải kiện toàn tổ chức, đưa phong trào đi lên lớn mạnh” - ông Hùng tự hào khoe.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều