Báo Đồng Nai điện tử
En

Nặng gánh đến trường

10:11, 03/11/2014

4 giờ sáng, khi mẹ và em trai còn đang ngủ, cậu học trò Nguyễn Văn Lợi (học sinh lớp 12D3 Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa) đã rón rén mở cửa đi chợ.

4 giờ sáng, khi mẹ và em trai còn đang ngủ, cậu học trò Nguyễn Văn Lợi (học sinh lớp 12D3 Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa) đã rón rén mở cửa đi chợ. Về nhà, Lợi lục đục chuẩn bị nồi nước lèo thật ngon để chế biến món nui, mì đặc sắc bán cho các bạn học trong lớp. Lợi tâm sự, nấu nướng xong em sắp xếp mọi thứ thật gọn vào ba lô học trò. Ngày nào bán được trên 20 hộp nui, mì thì em lãi gần 100 ngàn đồng và 3 phần ăn sáng cho cả nhà.

Nguyễn Văn Lợi xếp gọn “gian hàng sáng” của mình vào ba lô để mang vào trường bán cho các bạn.
Nguyễn Văn Lợi xếp gọn “gian hàng sáng” của mình vào ba lô để mang vào trường bán cho các bạn.

Từ ngày anh T. bỏ vợ con theo bóng hồng mới, chị Huệ (mẹ Lợi) đã phát bệnh tâm thần. “Khi mẹ phát bệnh, đi học về là em vào Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) thay dì chăm sóc mẹ cho đến buổi học ngày hôm sau. Năm nay mẹ phát bệnh, dì bận việc gia đình nên em phải đưa mẹ vào bệnh viện. Càng nghĩ càng thương mẹ, nên em phải cố gắng học, kiếm việc phù hợp để phụ giúp mẹ” - Lợi rơm rớm nước mắt thổ lộ.

* Chuyện buồn của mẹ

Dù đã lấy vợ, nhưng anh T. (cha Lợi) vẫn không bỏ được cái tật lông bông thời trai trẻ. Sau những chầu nhậu cùng bạn bè lúc tan ca, anh T. thường về nhà gây gổ, đánh đập chị Huệ. Vì thương chồng, muốn hàn gắn hạnh phúc để chờ ngày anh T. tỉnh ngộ nên chị Huệ nén lòng nhịn nhục. Thấy công việc của anh T. bữa được bữa mất, dễ dẫn đến rượu chè vì buồn chán, vợ chồng người em gái của chị Huệ xin cho anh làm phụ xe trong công ty của mình. Làm được một thời gian, thấy anh T. tỏ ra yêu thích công việc, tránh xa chuyện rượu chè say xỉn, họ lại đánh tiếng với lãnh đạo công ty cho anh được đi học lái xe để làm tài xế, có mức lương cao hơn công việc cũ.

Theo em Nguyễn Văn Lợi, 3 năm trở lại đây, năm nào chị Huệ cũng nhập viện vài lần, mỗi lần kéo dài cả tháng. Thương hoàn cảnh của chị Huệ, công ty nơi chị làm việc vẫn ưu ái bố trí công việc phù hợp khi chị xuất viện về và hỗ trợ thêm vật chất để chị nuôi 2 con. “Vừa rồi mẹ lại phát bệnh, em bận học, dì lại bận việc gia đình nên để mẹ điều trị nội trú. Thiếu sự gần gũi của em và dì nên thời gian điều trị của mẹ dài hơn những lần trước, nghĩ lại em thương mẹ lắm” - Lợi xúc động nói.

Thấy con rể chịu sửa đổi tính nết, mẹ chị Huệ nhường lại cho vợ chồng chị ngôi nhà nhỏ ở tổ 15, KP.2, phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) để làm tổ ấm khi Lợi chào đời.

Tâm sự với chúng tôi lúc tỉnh táo, chị Huệ cho biết, chị cứ tưởng chồng chung tình, chịu khó lao động nuôi con khi chị có thêm thằng Lộc (em trai của Lợi), nhưng đâu ngờ... “Năm thằng Lợi học lớp 6 thì anh ấy bỏ mẹ con tôi theo người khác. Ngày hay tin anh ấy bỏ nhà đi, tôi bị sốc dẫn đến điên dại…” - chị Huệ đắng lòng tỏ bày.

Ngày cha bỏ đi, mẹ trở nên điên loạn, Lợi liên tục bỏ học để ở nhà chăm sóc mẹ và em trai. Chờ cho cơn bệnh của mẹ thuyên giảm, Lợi mới xách cặp quay lại lớp học. Thương con trai ngoan, hiếu thảo và khi cơn bệnh tạm lắng, chị Huệ mới kể chuyện tình của mình với chồng cho con hiểu. Chị và anh lấy nhau, dù có 2 mặt con nhưng hạnh phúc anh dành cho chị rất hiếm hoi. “Lúc tôi mang thai thằng Lợi liên tục bị chồng đánh đập, tôi phải nhiều lần trốn về nhà mẹ tá túc để bảo vệ con. Cũng vì bị chồng ngược đãi nên chứng đau đầu của tôi ngày càng trầm trọng” - chị Huệ thút thít kể.

* Cậu học trò nghị lực

Thương mẹ bất hạnh, Lợi càng tỏ rõ là người con hiếu thảo. Mới học lớp 8-9 nhưng Lợi đã biết thay mẹ lo toan mọi việc trong nhà. Nhất là khi chị Huệ phát bệnh, một buổi đi học, một buổi Lợi vào bệnh viện chăm sóc mẹ. “Mỗi lần phát bệnh, mẹ hay nói lảm nhảm chuyện này, chuyện nọ và hay đòi bỏ nhà đi đâu đó. Những lúc đó, con phải khóa chặt cửa lại, nhốt mình và mẹ trong nhà chờ các dì, cậu sắp xếp công việc mới đưa mẹ vào bệnh viện điều trị” - Lợi kể.

Em Nguyễn Văn Lợi (thứt 2 từ trái qua) bên thầy và bạn bè lớp 12D3 Trường THPT Trấn Biên (TP. Biên Hòa).
Em Nguyễn Văn Lợi (thứt 2 từ trái qua) bên thầy và bạn bè lớp 12D3 Trường THPT Trấn Biên (TP. Biên Hòa).

Khi dứt cơn bệnh, chị Huệ quay lại công ty làm việc, Lợi và em trai tiếp tục quay lại lớp học. Tuy khó khăn như vậy nhưng suốt 4 năm học THCS, Lợi luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Lợi thỏ thẻ nói: “Năm lớp 10, con bắt đầu đi làm phụ mẹ. Hè con đi làm công việc thời vụ tại công ty, còn khi vào năm học thì con đi phụ quán ăn. Từ đó, con học được cách nấu phở, xào nui, mì. Khi đã học được cách nấu, con chỉ đi phụ việc ngày thứ bảy và chủ nhật. Ngày thường, con tranh thủ nấu nui, mì đem vào lớp bán cho các bạn trong trường ăn sáng”.

Để công việc bán hàng của mình không ảnh hưởng đến nội quy của trường, Lợi đã vào facebook giới thiệu món ăn đến bạn bè, ai có nhu cầu thì vào facebook đặt hàng. Lợi cho hay, chờ khi bạn bè đặt hàng khoảng 20 phần em mới nấu mang vào lớp. “4 giờ sáng em phải thức dậy đi chợ mua đồ rồi mang về nấu nướng. Nấu xong, em sắp xếp mọi thứ thật gọn trong ba lô. 6 giờ 20 em vào lớp và các bạn đã đợi sẵn, mỗi người một tay giúp em chia phần, dọn dẹp vệ sinh nên không ảnh hưởng đến lớp, trường” - Lợi chia sẻ.

Thương hoàn cảnh của Lợi, các thầy cô trong Trường THPT Trấn Biên mỉm cười ngó lơ mỗi khi nhìn cảnh học trò lớp 12D3 xúm vào giúp bạn. Thầy Vũ Ngọc Hoàng (giáo viên Toán) tỏ bày, khi được giáo viên chủ nhiệm lớp 12D3 kể về hoàn cảnh của Lợi, bản thân thầy Hoàng rất thông cảm với nghĩa cử giúp bạn của các học trò nhỏ. “Vì muốn giúp bạn nên các em luôn giữ gìn vệ sinh trường, lớp sạch sẽ sau mỗi buổi ăn sáng. Việc làm của các em thật sự giúp tôi yêu nghề hơn mỗi khi đến lớp và tự hào về tình bạn cao cả mà các em tạo được khi còn ngồi trên ghế nhà trường” - thầy Hoàng bộc bạch.

Nói về người bạn đầy nghị lực của lớp, em Lê Thị Thúy Hằng (lớp trưởng lớp 12D3) xúc động bày tỏ, Lợi không có thời gian học thêm, thứ bảy, chủ nhật phải đi làm kiếm tiền, nhất là suốt những năm học THPT, mẹ Lợi thường xuyên nhập viện khiến bạn nghỉ học nhiều hơn để ở nhà chăm sóc mẹ. Tuy vậy, Lợi vẫn cố gắng học tốt, không để thầy cô phàn nàn và ảnh hưởng đến thành tích học tập chung của lớp.

“Các bạn trong lớp luôn xem bạn Lợi là tấm gương về nghị lực vượt khó, hiếu thảo với mẹ. Vì vậy, bạn bè trong lớp thường hay giúp bạn trong việc học tập và ủng hộ những phần nui, mì buổi sáng để bạn có tiền tiếp tục học tập” - Hằng chia sẻ.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều