Quả cà phê được hái bằng tay và mỗi vụ thu hoạch chỉ kéo dài hơn một tháng nên các nhà vườn chạy đôn chạy đáo tìm người hái quả chín trước khi cà phê ra mùa hoa mới.
Quả cà phê được hái bằng tay và mỗi vụ thu hoạch chỉ kéo dài hơn một tháng nên các nhà vườn chạy đôn chạy đáo tìm người hái quả chín trước khi cà phê ra mùa hoa mới. Giá thuê người thu hoạch cà phê từ 150-180 ngàn đồng/người/ngày, vào lúc cao điểm lên 200 ngàn đồng nhưng chủ vườn vẫn “đỏ mắt” kiếm người không ra. Sau khi hái xong cà phê ở vườn này, người hái thuê lại gấp rút sang vườn khác hái theo “hợp đồng” thỏa thuận từ trước.
Thu hoạch cà phê. |
Năm nay, các chủ vườn cà phê ai cũng phấn khởi bởi cà phê được mùa, giá cũng khá hơn. Các chủ vườn cà phê ở TX.Long Khánh và các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc… cần hàng trăm người hái cà phê. Các con đường dẫn vào những vườn cà phê rộng lớn vào những ngày này, lúc nào cũng đông người vào ra.
* Hái cà phê phải có nghề
Mùa cà phê chín, vợ chồng chị Lê Thị Thoa (ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) lại bận rộn với công việc hái cà phê thuê. Tiền công chủ vườn trả khoảng 180 ngàn đồng/ngày, cao hơn những nơi khác, đến lúc cao điểm tăng lên 200 ngàn đồng/ngày. Có giao hẹn trước với các chủ vườn nên khi hái ở vườn cà phê này xong, vợ chồng chị Thoa lại nhanh chóng chạy sang vườn khác. Cứ thế, họ xoay vòng liên tục, khoảng chục ngày sau cà phê chín đợt 2 thì quay lại.
“Cà phê bắt đầu chín bói từ giữa tháng 10. Khi đó, lượng trái ít nên công việc nhàn nhã, nhưng khoảng đầu tháng 11 bận rộn lắm. Trong suốt thời gian thu hoạch, vợ chồng tôi và những người hái thuê phải hái tất cả 5 vườn, xoay tua liên tục mà vẫn phải đảm bảo năng suất lao động” - chị Thoa hồ hởi nói.
Trong đội hái cà phê thuê của vợ chồng chị Thoa, hầu như mọi người đều có kinh nghiệm thu hoạch cà phê. Họ làm việc theo nhóm và có giao kèo với chủ vườn, để mùa sau cứ đúng thời điểm cà phê chín là quay lại làm thuê. Bàn tay ai cũng nhanh nhẹn tuốt cành lấy quả dứt khoát, cẩn thận. Hái đạt sản lượng đối với người hái thuê bình thường từ 1,5-2 tạ quả/ngày. Mỗi tháng tiền công họ nhận về trung bình 5 triệu đồng, còn nếu hái khoán theo diện tích thì thu nhập cao hơn 1-2 triệu đồng.
“Hái cà phê cũng phải có nghề, nếu mình làm gãy cành, hái quả non nhiều chủ vườn sẽ chê trách. Cuối buổi thu hoạch sẽ có “cai” kiểm tra để chấm công làm cao hay thấp. Nếu làm tốt, hết vụ cà phê chủ vườn còn thưởng cho mình thêm ít tiền” - chị Huỳnh Ngọc Quế, người đi hái cà phê thuê, cho biết. |
Không chỉ hái nhanh, sạch quả trên cành và tránh để rơi vãi, họ còn hạn chế tối đa việc tuốt nhiều lá xanh hoặc làm gãy cành. Muốn có những “hợp đồng” lâu bền với các chủ vườn, những người hái thuê phải đảm bảo làm ăn uy tín, nếu thu hái không đạt sản lượng thì chủ vườn sẽ thanh toán tiền công và không thuê họ hái nữa.
Mỗi nhóm hái thuê thường có một “cai” chuyên giám sát việc thu hoạch, lo chuyện ăn ở của các thành viên. Ông Phạm Văn Chính được chủ vườn tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn người hái cà phê thuê phải hái đúng kỹ thuật để cà phê nhân đạt chất lượng. Theo ông Chính, ngày trước hái cà phê kiểu truyền thống, người ta chỉ dùng sức, cứ tuốt từ cành đến hết ngọn, quả nào cũng hái. Bây giờ thì khác, thị trường đòi hỏi chất lượng cà phê khắt khe hơn nên người hái cũng cần phải có tay nghề.
“Chỉ những quả chín mới cho sản phẩm chất lượng. Quả còn xanh khó đánh bóng, tỷ trọng hạt thấp nên nước uống có mùi vị ngai ngái. Quả chín sẽ cho cà phê nhân nâu và nước uống mùi vỏ quả. Vì vậy, nếu hái không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị thu về thấp” - ông Chính lý giải.
* Thấp thỏm lo mất trộm
Ngoài thuê nhân công hái cà phê, vào mùa thu hoạch, các chủ vườn phải bỏ ra một khoản tiền để trả công cho người canh giữ những vườn cà phê rộng lớn. Nhiều vườn do trồng xa nhà, lại không có hàng rào bảo vệ nên chuyện bị hái trộm cà phê khi quả chín năm nào cũng xảy ra.
“Thời gian quả bắt đầu chín đến cuối vụ khoảng 3 tháng, tôi được chủ vườn trả tiền công 4,5 triệu đồng/tháng. Ban ngày mình được nghỉ ngơi, đến tối thì cầm đèn pin đi kiểm tra khắp vườn. Gặp những năm cà phê giá cao, chuyện canh vườn phải cẩn thận hơn” - anh Năm Mùi nói.
Hiện anh Năm Mùi đang trông giữ hơn 2 hécta cà phê trồng dọc quốc lộ 1, đoạn qua xã Suối Tre (TX.Long Khánh), của chủ vườn Nguyễn Thành Nhơn. Theo ông Nhơn, cả một năm chăm sóc, vun trồng, đến lúc chuẩn bị thu hái quả lại thấp thỏm lo mất trộm. Người trồng như ông phải bỏ ra nhiều chi phí, từ tiền phân bón, công chăm sóc đến công thu hoạch… Chỉ khi được mùa, giá cao thì chủ vườn mới mong được dư dả.
Cà phê hái xong được đổ vào các bao tải rồi chở về các sân phơi. |
“Trước đây, vụ thu hoạch cà phê thường kết thúc sau tết dương lịch, nhưng hiện nay thời gian đã rút ngắn lại. Nếu kết thúc thu hoạch sớm, cây sẽ nhanh chóng lấy lại sức để chuẩn bị ra hoa mùa sau. Gặp thời điểm thuận lợi, cây cho trái năng suất cao, ít bị bệnh tật nên giảm bớt chi phí… Cà phê có hương thơm hấp dẫn, đủ mùi vị khi chúng ta nếm trên đầu lưỡi, bởi nó có vị đắng chát, vị nồng và cả mặn mòi giọt mồ hôi của những người trồng cà phê như chúng tôi” - ông Nhơn tâm sự.
Thời điểm cuối mùa mưa, lượng nắng trong ngày kéo dài là lúc các nhà vườn đồng loạt bước vào đợt thu hoạch cà phê rộ. Nắng nhiều khiến những chùm quả xanh nhanh chóng chuyển màu vàng ươm rồi thành nâu đỏ. Nếu lúc cây ra hoa, màu trắng muốt của cà phê không thể lẫn vào đâu thì khi trái chín, cả khu vườn rộng lớn lại trở nên nổi bật với sắc đỏ rực rỡ trên những cành cây trĩu quả.
Từ giữa tháng 10 đến nay, các chủ vườn có diện tích trồng cà phê lớn đang tất bật với công việc thu hoạch. Cuối ngày, mấy chiếc xe đầu kéo to khệnh khạng di chuyển chậm chạp, chất đầy các bao tải cà phê chín mọng đến những sân phơi. Ở xã Cây Gáo, “vựa” cà phê lớn nhất của huyện Trảng Bom, hay xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), đi đâu cũng nghe mọi người phấn khởi loan tin cà phê năm nay được mùa, giá khá.
“Đợt này cà phê ra hoa gặp thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt khá, từ 4-5 tấn/hécta; đầu ra cũng thuận lợi, giá bán từ 39-41 ngàn đồng/kg. Với diện tích gần 2 hécta, mùa này gia đình tôi đã có niềm vui lớn” - ông Lê Văn Thành (ngụ xã Hưng Lộc) chia sẻ.
Thanh Hải