Báo Đồng Nai điện tử
En

Vị trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

11:11, 28/11/2014

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đồng Nai trở thành chiến trường với những mặt trận ác liệt đã đi vào sử sách...

Trung tướng Nguyễn Bình.
Trung tướng Nguyễn Bình.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đồng Nai trở thành chiến trường với những mặt trận ác liệt đã đi vào sử sách, như: Chiến khu Đ, Đặc khu Rừng Sác, Căn cứ Rừng Lá, Mặt trận Long Khánh - Xuân Lộc... Qua 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc nói chung và nhân dân Đồng Nai nói riêng, đã nổi lên những vị chỉ huy với tài thao lược, một lòng kiên trung ái quốc đã góp phần cùng với đồng bào đánh thắng những kẻ thù hùng mạnh.

Giữa tháng 10-1945, Tư lệnh Đệ tứ quân khu Nguyễn Bình (1908-1951) đang tập trung lực lượng kiện toàn Chiến khu Trần Hưng Đạo trên địa bàn chiến lược bao trùm cả vùng duyên hải Bắc bộ thì nhận được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào miền Nam thống nhất các lực lượng vũ trang để đánh Pháp xâm lược.

* Vị phái viên không giấy giới thiệu

Theo ngả Tây nguyên, ông vượt qua vùng 3 biên giới Đông Dương và đến được Thủ Dầu Một vào ngày 20-10-1945.

Từ đây, ông lặn lội nhiều nơi để nghiên cứu địa hình và tiếp xúc với các nhân vật tên tuổi ở miền Đông.

Trong một lần đi công tác, bất ngờ bị bọn lính Nhật khám xét, tịch thu giấy tờ và dẫn giải đi, ông đã mưu trí trốn thoát được, nhưng mất hết giấy tờ. Tuy nhiên, vị phái viên Trung ương không có tờ giấy lận lưng gặp gỡ với những người cần phải tiếp xúc đều được tin cậy, dù đó là những chỉ huy sừng sỏ, hay “dân anh chị” cầm quân hay hét… ra lửa.

Đầu tháng 11-1945, phái viên Nguyễn Bình qua Tân Uyên gặp ông Huỳnh Văn Nghệ, người chỉ huy lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa để chọn địa điểm xây dựng căn cứ địa nhằm làm bàn đạp kháng chiến lâu dài.

Qua xem xét địa hình, ông Nguyễn Bình rất thống nhất trong việc chọn địa bàn Tân Uyên, nơi núi rừng trùng điệp ăn thông tới dãy Trường Sơn, một vị trí quân sự cực kỳ quan trọng, với thế công có thể tiến về Sài Gòn; còn thủ thì dựa lưng vào cao nguyên Trung bộ. Tân Uyên cũng chỉ cách tỉnh lỵ Biên Hòa và Thủ Dầu Một trong phạm vi 30km, thật lý tưởng trong việc lập chiến khu (sau này mở rộng thành Chiến khu Đ).

Tại Đức Hòa (Sài Gòn), địa bàn đóng quân của Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa do Tô Ký, Huỳnh Tấn Chùa, Huỳnh Văn Một chỉ huy, phái viên Nguyễn Bình gặp ông Trần Văn Trà, Tổng thư ký Giải phóng quân liên quận (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng). Nhìn vị phái viên Trung ương không có giấy giới thiệu, nhưng tướng đi đứng, cách nói năng đều toát ra cốt cách oai phong lẫm liệt nên vừa nghe những điều ông Nguyễn Bình dự định làm, ông Trần Văn Trà đã rất tâm đắc.

* Hội nghị An Phú xã lịch sử

Ngày 20-11-1945, tại An Phú xã (Hóc Môn), Hội nghị quân sự Nam bộ đầu tiên được nhóm họp với sự có mặt của đại diện các đơn vị giải phóng quân liên quận, chỉ huy bộ đội Thủ Dầu Một, Biên Hòa, lực lượng vũ trang Bình Xuyên, quân đội giáo phái Cao Đài…, phái viên Nguyễn Bình trình bày yêu cầu bức thiết của việc thống nhất toàn bộ lực lượng vũ trang Nam bộ. Từ đây, hội nghị đã thống nhất các lực lượng vũ trang với tên gọi chung là Giải phóng quân Nam bộ, phiên chế toàn bộ các đơn vị vũ trang thành 15 chi đội, đồng thời đề ra giải pháp tiến hành chiến tranh du kích. Theo đó, bộ đội tỉnh Biên Hòa do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy được phiên chế thành Chi đội 10, sau này có những trận đánh La Ngà, Bàu Cá, Trảng Táo… lừng danh. Tại hội nghị trên, phái viên Nguyễn Bình được bầu làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ.

Bên cạnh việc thống nhất lực lượng chính quy, Tư lệnh Nguyễn Bình chỉ đạo các tỉnh tổ chức lực lượng trợ chiến gồm: địa phương quân, dân quân du kích. Ông cũng nhấn mạnh trong thông báo số 2: “Các tổ chức võ trang nhiều hay ít, tập thể hay cá nhân không nằm trong hệ thống quân giải phóng kể trên coi như hoạt động bất hợp pháp, phải giải tán để tránh tình trạng manh động, vô chánh phủ”.

* Và những giai thoại

Tư lệnh Nguyễn Bình là người giỏi thu phục nhân tài, nhưng cũng rất mạnh tay nghiêm trị những ai lợi dụng danh nghĩa bộ đội tác oai tác quái làm ảnh hưởng thanh danh giải phóng quân.

Một câu chuyện nổi bật tính thời sự trong những ngày đầu kháng chiến là việc xử tội Ba Nhỏ, một chỉ huy gan lì nổi tiếng của Liên chi đội 2-3. Xuất thân là dân giang hồ ở vùng Bà Chiểu, Thị Nghè, Ba Nhỏ dẫn đám đàn em gia nhập lực lượng Bình Xuyên. Đóng quân ở vùng Bà Rịa về đến Long Thành, chỉ trong thời gian ngắn, Ba Nhỏ bị nhân dân nơi đây gửi cả xấp thư tố cáo về hành vi thổ phỉ.

Có thể khẳng định, cuộc chiến tranh du kích ở Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung có dấu ấn rõ nét của tư lệnh Nguyễn Bình. Ông góp phần to lớn và việc chỉnh đốn xây dựng chính quyền và củng cố khối đoàn kết toàn dân ở Nam bộ.

Tại Tòa án quân sự lần đầu tiên mở tại xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), sau khi nghe Tư lệnh Nguyễn Bình ngồi ghế chánh án luận tội và tuyên án tử hình, Ba Nhỏ thành tâm nhận tội và xin được tự xử. Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa, kể cả các thủ lĩnh Bình Xuyên từng ký tên kiến nghị tha tội cho Ba Nhỏ đều biến sắc mặt khi thấy Tư lệnh Nguyễn Bình đồng ý và còn rút súng của mình ra đưa cho tử tội tự thi hành án.

Một lần khác, sau 2 lần cải trang đột nhập vào Sài Gòn, ung dung ngồi hớt tóc gần bót Catinat, Tư lệnh Nguyễn Bình cho đổi tên Đội trinh sát quân chính đang hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn thành Ban Công tác thành số 1 và lập ra thêm đến 9 ban công tác thành với những chàng trai, cô gái ăn mặc lịch sự bất thần tung lựu đạn, nổ súng diệt binh lính Pháp cùng bọn Việt gian trong quán rượu, rạp hát, trên đường phố... gây kinh hoàng cho bọn thực dân. Đó là tiền đề cho lực lượng biệt động thành hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ sau này.

Trong lần thứ hai đột nhập vào Sài Gòn này, Tư lệnh Nguyễn Bình còn bí mật gặp gỡ nhiều nhà trí thức lớn để vận động ủng hộ kháng chiến.

Ngày 15-12-1945, Hội nghị Xứ ủy mở rộng đã quyết định đổi tên Giải phóng quân thành Vệ Quốc đoàn và ông Nguyễn Bình chính thức được cử làm Khu trưởng khu 7. Trên cương vị Khu trưởng khu 7 và sau đó là Tư lệnh Miền, với uy tín và tài năng của mình, ông đã cùng tập thể Xứ ủy, Khu ủy đưa ra những quyết định đúng đắn, giải quyết những vấn đề rất cơ bản.

Ngày 25-1-1948, ông Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong trung tướng, trở thành cán bộ quân sự cao cấp thứ hai của Việt Nam, sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vào giữa năm 1948, Trung tướng Nguyễn Bình được Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh - kháng chiến Nam bộ cử giữ chức Phó chủ tịch kiêm Ủy viên quân sự Nam bộ.

Bùi Thuận

 

 

 

Tin xem nhiều