Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ lửa lò nung

10:11, 10/11/2014

Tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Tám, người cuối cùng còn giữ nghề của làng làm nồi đất Bửu Long nổi tiếng một thời. Theo lời hướng dẫn của người dân trong xóm, xuống con hẻm đi về phía bến đò Trạm, ở đâu có đống đất sét lớn là nhà ông Tám làm nồi đất.

Tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Tám, người cuối cùng còn giữ nghề của làng làm nồi đất Bửu Long nổi tiếng một thời. Theo lời hướng dẫn của người dân trong xóm, xuống con hẻm đi về phía bến đò Trạm, ở đâu có đống đất sét lớn là nhà ông Tám làm nồi đất. Từ ngoài đường nhìn vào ngay thềm nhà đã thấy có thợ đang chuốt nồi đất. Sâu vào khuôn viên bên trong chất đầy sản phẩm, những người thợ đều đang tất bật, người bỏ đất vào khuôn tạo hình sản phẩm, có thợ thì nắn lại sản phẩm cho tròn, cho láng; người thì chất hàng lên xe đẩy để đưa xuống lò.

Ông Trần Văn Tám (ảnh trái).
Ông Trần Văn Tám .

Theo chân người đẩy xe chở nồi vào lò nung qua một hẻm nhỏ cách nhà vài trăm mét, tôi gặp ông Tám đang ngồi phía ngoài lò nung, tỉ mẩn kiểm tra lại từng chiếc nồi đất trước khi xuất hàng cho khách. Vừa thong thả làm, ông Tám vừa kể về cái nghề làm nồi đất đã gắn bó qua 4 thế hệ trong gia đình, 4 đời giữ lửa lò nung.

* 4 thế hệ làm nồi đất

Theo ông Tám, nghề truyền thống này đã trải qua bao đời người, đâu dễ gì nói hết qua vài ba câu chữ. Nhưng rồi ông vẫn dành cả buổi chiều chia sẻ cùng khách câu chuyện nghề truyền thống của gia đình. Xóm nồi đất ở ấp Tân Lại, làng Bửu Long (Biên Hòa xưa) được hình thành vào khoảng thập kỷ 40 của thế kỷ trước. “Thời chiến tranh, ông nội tôi dẫn gia đình theo đoàn người lưu lạc đến xứ này. Thấy ở đây được thiên nhiên ưu đãi cho thứ đất sét đặc biệt, dễ khai thác và làm ra các sản phẩm nồi, niêu rất bền và có màu đỏ như son, bắt mắt nên một số gia đình đắp lò nung nồi đất. Thời đó, cả khu bến đò Trạm không có dân cư sinh sống ngoài đôi ba lò đất nung, khoảng 3-4 giờ chiều là không ai dám qua lại vì quá hoang vắng. Thấy mặt hàng nồi, niêu đất bán chạy, cả chục hộ đắp lò dần dần hình thành xóm làm nồi đất” - ông Tám nói.

Những năm nghề này còn thịnh hành, xóm nồi đất luôn tấp nập cảnh ghe chở nồi đất tỏa đi khắp các tỉnh, thành lân cận hoặc xuôi về các tỉnh miền Tây. Thời đại thay đổi, người ta bỏ nồi đất chuyển sang dùng đồ nhôm, đồ inox. Nguồn đất sét làm nồi tại chỗ cũng không còn, người làm nghề phải bôn ba khắp nơi tìm nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng, thị trường lại quá bấp bênh, người ở xóm nồi lần lượt nối nhau đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Giờ cả xóm chỉ duy nhất có lò làm nồi đất của gia đình ông Tám còn đỏ lửa. Ông cũng đầu tư thêm máy móc trong khâu làm đất, đắp lại lò…để nghề truyền thống bắt được nhịp sống công nghiệp. Ông Tám so sánh: “Thị trường mỗi thời mỗi khác, giờ khách hàng không còn dễ tính như xưa, họ đòi hỏi sản phẩm phải đẹp về màu sắc, từng cái nắp, khuôn nồi phải tròn đều, mịn láng. Công lao động cũng ngày càng đắt đỏ, tôi phải đầu tư thêm máy móc, đắp lại cái lò… Dù chi phí mỗi lần sửa sang chỉ vài chục triệu nhưng vốn đã đổ hết vào đất, vào công, đâu bao giờ tích lũy đủ, nhờ bạn hàng thương cho ứng vốn rồi tôi trả dần bằng sản phẩm”.

Thợ ép khuôn tạo hình sản phẩm
Thợ ép khuôn tạo hình sản phẩm

Anh Trần Văn Phúc, con của ông Tám, người đang thay cha quản lý cơ sở làm nồi đất của gia đình, chia sẻ: “Tôi từng làm đủ nghề, có thời gian đi chạy xe tải chở hàng nhưng giờ quyết định trở về nghề gia truyền. Tuy vất vả nhưng mình tự làm chủ. Mặt khác, nồi đất lại trở thành một nét độc đáo vẫn có người chuộng trong thời công nghiệp, máy móc hiện nay”.

* Thương cái nghề lam lũ

Ông Tám cho hay, có thể nói làm nồi đất là nghề kiếm sống của người nghèo, chỉ cần chịu khó là có ăn. Đa số người trong làng làm nồi đất đều có gốc miền Trung, chịu được cực khổ. Nghề này chỉ tấp nập trong 6 tháng nắng, vào mùa người thợ không lúc nào thong thả, từ khâu làm đất, tạo hình, phơi đến đốt lò đều qua rất nhiều công đoạn. Công đoạn nào cũng đòi hỏi kỹ thuật riêng của nó. “Ngay cả việc mang các sản phẩm đã “chín” từ lò nung ra xếp thành chồng cũng cần bí quyết riêng để sản phẩm không đổ, vỡ. Chúng tôi phải gõ vào thành từng chiếc nồi đất, nghe âm thanh trong, đục, kiểm tra để loại bỏ những sản phẩm lỗi” - ông Tám nói.

Bà Trần Thị Lan, vợ ông Tám, nhớ lại: “Làm chủ lò cực hơn thợ nhiều, thời chưa đầu tư thêm máy móc, vợ chồng tôi phải thức từ 4 giờ sáng đập đất, nhồi đất để sáng thợ có đất nặn nồi. Lúc nào người thợ cũng phải chạy đua với nắng, từ dùi cái lỗ thông hơi của bếp lò đến phơi sản phẩm đều phải phơi người dưới nắng. Những lúc trời bất chợt mưa lại phải cuống cuồng dọn hàng, mệt không nuốt nổi cơm. Đây là nghề vất vả, phụ nữ theo nghề càng cực hơn. Nhà cách chợ chưa đến cây số mà thường cả năm tôi mới đi một lần, vì từ sáng tinh mơ đã xoay vần với đất, người lúc nào cũng lấm lem  nên ít nghĩ đến việc đi đâu”.

 Theo anh Trần Văn Phúc: “Bây giờ, nghề nồi đất sống được là nhờ nhà giàu. Chúng tôi đang cung cấp hàng thường xuyên cho các nhà hàng, quán ăn lớn với phong trào cơm niêu, cá kho tộ, gà hầm nồi đất… Không thiếu các quán lẩu, quán nướng bình dân cũng sử dụng lò, nồi bằng đất. Người dân thành phố cũng chuộng dùng ấm sắc thuốc, nồi kho cá bằng đất nung”. Chỉ vào lô hàng xếp bên ngoài lò nung, anh Phúc khoe, 2 ngàn khay đổ bánh khọt này được khách đặt làm để mang sang Đài Loan. Trước đó, có người cũng đặt làm mặt hàng này mang đi Mỹ. Lò cũng đang làm hàng cung cấp cho siêu thị Maximark. Mùa cuối năm này, lò nung luôn đỏ lửa, cả chủ và thợ thường phải tăng ca vì đơn đặt hàng về ngày càng nhiều.

Không có tài liệu nào lưu giữ bí quyết làm nồi đất, kỹ thuật này thường được truyền lại cho những thế hệ trong gia đình. Ngay từ lúc bé, họ đã quen thuộc với công việc của cha, của mẹ rồi dần thạo nghề trong quá trình làm việc. Ông Tám chia sẻ: “Sinh ra trong môi trường nghề, lớn một chút đã biết vọc đất, nắn nồi, 15 tuổi tôi đã thành thợ. Nhưng để trở thành thợ giỏi phải qua nhiều năm kinh nghiệm, chỉ cần nhìn lửa để điều chỉnh sao cho mẻ nung chín đều, sản phẩm ít bị hư hao”. Ở tuổi 73, ông Tám giao lại cho anh Phúc, người con thứ hai trong gia đình thay cha quản lý. Ông bị bệnh khớp, đi lại khó khăn nhưng vẫn thường ngồi ở lò phụ con trông coi, kiểm tra sản phẩm. Thời trẻ, ông từng có thời phiêu bạt đến đất miền Trung theo thuyền đi biển đánh cá nhưng rồi nhớ nghề, nhớ quê lại trở về với đất, với lửa lò nung. Bây giờ cũng rất khó tìm được thợ chịu theo cái nghề lam lũ này. Hiện lò của ông Tám còn khoảng 6-7 người thợ, đa số đều là con cháu trong nhà hoặc 1-2 người thợ lớn tuổi từng có lò làm nồi đất đến làm công nhật ăn theo sản phẩm. Mấy người con của ông Tám cũng từng bay nhảy theo nhiều công việc khác nhau, nhưng giờ đều nối nghiệp cha với cái nghề mà từ nhỏ họ đã biết và gắn bó.

Phơi lò đất.
Phơi lò đất.

Ông Tám tâm sự: “Cả đời tôi chỉ quẩn quanh với đất, với lửa, không va chạm với ai. Nghề cũng không phụ người, tôi cất được nhà, nuôi các con trưởng thành đều nhờ vào cái nghề cả đời gắn bó. Tôi đặt tên cho các con là Thiện, Phúc, Hậu và dạy các con phải chịu khó lao động, đừng bao giờ tham lam những gì không phải do mình tạo ra”.

“Không có gì “lành” và gần gũi bằng đất, mấy thế hệ trong gia đình tôi cả đời dầm mình với đất, lửa và mồ hôi nhưng đều sống rất thọ. Người dân bây giờ chuộng nồi đất không chỉ vì nó an toàn mà dùng để nấu cơm, kho cá đều ngon hơn hẳn. Nồi đất càng nấu càng lên nước bóng rất đẹp. Xưa gia đình nghèo mới dùng nồi đất thì nay dòng sản phẩm này vào các nhà hàng sang trọng, tạo thêm hương thêm sắc cho nhiều món đặc sản quê” - bà Lan nói.

Bình Nguyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều