Báo Đồng Nai điện tử
En

Bám lớp ở vùng sâu

10:11, 20/11/2014

Bao năm bám vùng sâu dạy chữ cho học trò nghèo, các giáo viên Trường tiểu học Liên Sơn (ấp 7, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) luôn cháy bỏng tình yêu thương học trò.

Bao năm bám vùng sâu dạy chữ cho học trò nghèo, các giáo viên Trường tiểu học Liên Sơn (ấp 7, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) luôn cháy bỏng tình yêu thương học trò.

“Trường có 567 học sinh thì trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo được miễn, giảm các khoản đóng góp. Học sinh thiếu thốn đủ bề, nhiều em phải bụng đói đi bộ 5-7km đường rừng đến lớp” - cô Phan Thị Ánh Hồng, Tổng phụ trách Đội của Trường tiểu học Liên Sơn, cho biết.

* Kiên trì bám lớp

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô Hồng hớn hở cầm quyết định phân công về Trường tiểu học Liên Sơn. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngày nào cô cũng vượt 35km đường từ nhà đến điểm lẻ Dân Tộc dạy học. Cô Hồng tâm sự, nhà cô ở ấp 7, xã Gia Canh (huyện Định Quán) nên từ 4 giờ sáng cô đã chuẩn bị ủng, áo khoác, áo mưa lên xe máy vào Thanh Sơn cho kịp giờ dạy. Liên tục 5 năm, cô phải gửi xe máy tại bến phà Cầu Trắng rồi cuốc bộ vài cây số đến lớp. “Đường sá những năm trước rất khó đi. Mùa nắng còn gắng cưỡi xe máy qua những đoạn đường gồ ghề đầy bụi đất đến lớp, còn mùa mưa tôi và nhiều giáo viên khác chỉ còn một cách duy nhất là cuốc bộ đến lớp” - cô Hồng nói.

Cô Hương Giang (khối 1) bên các trò nhỏ của mình.
Cô Hương Giang (khối 1) bên các trò nhỏ của mình.

Cũng theo cô Hồng, khi mới được điều vào xã Thanh Sơn dạy học, cô và các giáo viên khác phải ở tạm trong trường với cảnh không ti vi, chong đèn dầu soạn giáo án, học trò chẳng biết ngày 20-11 là ngày gì...

Cô Hồng xúc động bộc bạch: “Học sinh ở đây khó khăn lắm, áo quần sách vở không có đủ để đến lớp thì nói gì đến chuyện tặng cô giáo hoa hay quà vào ngày lễ, tết như học sinh thành thị. Nhưng nhìn các em háo hức, tròn xoe mắt, miệng ngọng nghịu đánh vần từng con chữ trong cuốn sách mới cô giáo tặng mà rơi nước mắt. Nhiều em nghỉ học không lý do, tôi tìm đến mới biết nhà quá nghèo, cha mẹ các em quanh năm làm thuê mướn, cuộc sống bữa no, bữa đói nên bỏ học”.

23 năm bám Thanh Sơn dạy học, cô Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Liên Sơn, thổ lộ ngày cô mới vào đây, lớp học cho học sinh và nhà ở của giáo viên phải mượn tạm nhà dân, lâm trường. Điện lưới, đường nhựa không có, lương bổng ít ỏi, các cô sau một ngày dạy chiều về chỉ biết nhìn cảnh rừng mà nhớ nhà. “Cô giáo nào có gia đình thì phụ chồng làm rẫy, cô giáo độc thân thì chịu khó tăng gia trồng rau xanh quanh nơi ở, nơi dạy hoặc thỉnh thoảng đến nhà học sinh chơi, giúp dân làm mùa cho đỡ nhớ nhà. Mỗi lần giáo viên có dịp ra huyện họp, tập huấn thì mang về lỉnh kỉnh nhu yếu phẩm do đồng nghiệp nhờ mua hộ” - cô Ngọc nói.

Thầy Đặng Xuân Lĩnh kể lại, học trò của thầy thời trước dù chữ rất đẹp nhưng không bao giờ đi dự thi vở sạch chữ đẹp. Bởi với các em, chỉ cần một bữa đi học bị trượt chân té ngã thì sách vở, áo quần lấm lem, làm sao sạch được. “Đôi lúc thầy cô và học sinh cũng bất đồng ngôn ngữ. Thầy đứng trên bục tập trung dạy chữ, cố gắng thể hiện sao cho các em dễ hiểu, dễ nắm bắt. Bên dưới, các em  nhao nhao tiếng Hoa, Nùng, Tày… nên bọn mình chỉ biết cười cho qua chuyện” - thầy Lĩnh tỏ bày.

* Tình thầy trò

Trường tiểu học Liên Sơn hiện còn 2 điểm lẻ: Dân Tộc và Bàu Kiên. Cô Hiệu trưởng Lưu Thị Vui cho biết, trước kia trường có 6 điểm lẻ: Đồi 91, Đồi Lim, Vi Sinh, Ấp 6, Dân Tộc và Bàu Kiên. Năm 1997, trường tách thành 2 trường nên 4 điểm lẻ: Đồi 91, Đồi Lim, Vi Sinh và Ấp 6 thuộc về Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám để học sinh thuận lợi hơn trong việc học. 3 năm trở lại đây, Trường tiểu học Liên Sơn tiến hành dạy 2 buổi cho học sinh khối 4 và 5. Nhiều học sinh nhà xa nên trưa phải mang cơm theo ăn để học buổi chiều. Em nào không có điều kiện mang cơm thì trưa ghé nơi thờ tự của sư thầy Thích Như Dũng gần đó ăn trưa.

Các học trò nhỏ điểm lẻ Dân Tộc xin nước của cụ Múi uống, hoặc rửa chân tay.
Các học trò nhỏ điểm lẻ Dân Tộc xin nước của cụ Múi uống, hoặc rửa chân tay.

Ngoài việc phối hợp với sư thầy Thích Như Dũng lo bữa cơm trưa miễn phí cho học sinh nghèo ở xa, các thầy cô trong Trường tiểu học Liên Sơn còn phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, những nhà hảo tâm tổ chức đưa đón các trò nhỏ vào mùa mưa bằng xe máy cày, hỗ trợ áo quần, tập, vở. “Trước kia, thầy cô trong trường còn khó khăn không giúp được nhiều cho các trò. Bây giờ điều kiện khá hơn, các thầy cô không ngần ngại chung tay đóng góp giúp học sinh nghèo trong trường qua bữa ăn trưa, hay lập Quỹ Măng non, Áo trắng ăn tết…” - cô Vui trình bày.

Thầy nghèo, dân nghèo, nhưng tấm lòng của người dân xã Thanh Sơn vẫn rất rộng rãi với các thầy cô năm tháng chịu khó bám trụ với học sinh vùng sâu này.

Cô Vũ Thị Tường, Hiệu phó Trường tiểu học Liên Sơn, cho hay động lực để giáo viên bám trường, bám các học trò nhỏ của mình chính là tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong trường. “Chính cái khó, cái nghèo của các học trò nhỏ luôn động viên chúng tôi tinh thần vượt khó, tình yêu nghề và muốn chia sẻ với những khó khăn của người dân, địa phương khi bám trụ tại đây” - cô Tường bày tỏ.

Cô Hiệu phó Vũ Thị Tường cho hay, các phụ huynh thỉnh thoảng tặng thầy cô giáo cân nếp, ít thịt, bầu bí trồng trong vườn nhà... Ngày 20-11 hay những dịp lễ, tết, các bậc phụ huynh, lãnh đạo ấp và xã cũng cử đại diện đến thăm hỏi các thầy cô. “Nếu không có chính quyền, người dân địa phương hỗ trợ thì giáo viên rất vất vả trong việc bám địa bàn, bám học sinh. Chuyện phụ huynh cho giáo viên trẻ mượn nhà để ở, hiến đất để xây trường, cho giáo viên kéo điện nhờ để soạn giáo án rất đáng trân trọng” - cô Tường nói.

Rồi cô Tường bảo thầy Lĩnh, cô Hồng dẫn chúng tôi vào thăm học sinh điểm lẻ Dân Tộc (tổ 15, ấp 7), nơi bà Phùn Tài Múi (70 tuổi) hiến một sào đất để xây dựng 3 phòng học. Bà Múi còn nhận nhiệm vụ cung cấp nước sạch hàng ngày cho lớp mẫu giáo của cô Định, nước uống cho học sinh nhỏ của thầy Lĩnh, cô Nhung. “Cụ Múi còn làm một phòng để cho các giáo viên thay đồ, tắm rửa khi đi dạy bị ngã. Cụ luôn là người bạn đồng hành của các giáo viên được điều về điểm lẻ này dạy học” - thầy Lĩnh bộc bạch.

Con đường vào điểm lẻ Dân Tộc với đường luống khoai, vũng nước và lởm chởm đá, gầm xe máy của thầy Lĩnh va vào đá như muốn rời khỏi thân xe. “Dạy ở đây, hồi trước tôi chỉ toàn đi bộ vào lớp. Vào đến lớp, áo quần lấm lem, cô trò phải qua nhà cụ Múi tắm rửa cho sạch sẽ rồi mới gọi nhau vào học. Dạy ở điểm lẻ khổ thì có khổ, nhưng ấm áp tình thầy trò” - cô Hồng tâm sự.

Đoàn Phú  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều