Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề hấp dẫn (Bài 1)

09:10, 10/10/2014

"Việc nhẹ, được ăn mặc đẹp, thu nhập khá, ít áp lực…", đó là những gì mà các PG (viết tắt của từ Promotion Girl, cô gái làm công việc tiếp thị) nói với chúng tôi khi được hỏi về nghề.  Công việc PG thu hút được sự tham gia của nhiều nữ sinh đại học, cao đẳng ở Đồng Nai. Thậm chí, có người sau khi tốt nghiệp đại học vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này như niềm đam mê không dễ từ bỏ.

“Việc nhẹ, được ăn mặc đẹp, thu nhập khá, ít áp lực…”, đó là những gì mà các PG (viết tắt của từ Promotion Girl, cô gái làm công việc tiếp thị) nói với chúng tôi khi được hỏi về nghề.  Công việc PG thu hút được sự tham gia của nhiều nữ sinh đại học, cao đẳng ở Đồng Nai. Thậm chí, có người sau khi tốt nghiệp đại học vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này như niềm đam mê không dễ từ bỏ.

“Không gian làm việc của PG không giới hạn ở một địa điểm cố định, từ siêu thị, cửa hàng tạp hóa, khuôn viên trường học đến quán nhậu, vỉa hè…, chỗ nào có thể giới thiệu sản phẩm đến với mọi người, chúng tôi đều có mặt” - chị Huỳnh Thị Ngọc Hạnh (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, quản lý một nhóm PG ở Đồng Nai) chia sẻ về nghề.

* Học cách mạnh dạn

Được bạn bè giới thiệu đến với nghề PG, đến nay chị Nguyễn Thị Thu Nga (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã có 4 năm làm công việc này và tham gia hàng trăm sự kiện lớn nhỏ. Vóc dáng cao và khuôn mặt sắc sảo, chị Nga cho biết ngoại hình đẹp tuy được khách hàng đánh giá cao, nhưng vẫn chỉ là yếu tố phụ nếu so với sự mạnh dạn và tài ăn nói khéo léo. PG chia làm nhiều lĩnh vực tùy thuộc vào các yếu tố, như: ngoại hình, giọng nói, tính cách và ngành nghề đang theo học… và dựa trên những yếu tố đó mà người quản lý sẽ chọn các PG phù hợp với từng chương trình.

PG (bên trái) cho khách dùng thử sản phẩm tại siêu thị.
PG (bên trái) cho khách dùng thử sản phẩm tại siêu thị.

“Các PG sẽ được giao nhiệm vụ tiếp thị các sản phẩm, làm người dẫn chương trình tại các buổi giới thiệu nhãn hàng trong siêu thị, trường học, hoặc nhảy múa tạo sự chú ý của người xem đối với sản phẩm. Điều này đòi hỏi người làm phải mạnh dạn, hoạt bát; nếu chỉ có ngoại hình đẹp mà không đáp ứng được các yêu cầu khác thì cũng không thể làm PG được” - chị Nga cho biết.

Trước khi trở thành PG cho một sản phẩm, các cô gái đều trải qua phần thử việc do phía đơn vị thuê PG đặt ra. Tùy theo sản phẩm mà bên thuê sẽ có những yêu cầu dễ hay khó. Ngoài những yếu tố cơ bản để trở thành PG, các cô gái phải có một trí nhớ tốt và khả năng ứng xử linh hoạt để tiếp thu đặc điểm nổi bật của sản phẩm mà tư vấn cho người tiêu dùng.

Qua 3 năm làm PG và 5 năm làm quản lý, chị Hạnh cho biết thời gian mới vào nghề ai cũng sẽ cảm thấy run và thiếu tự tin. Nếu vượt qua được cảm giác đó sẽ nhanh chóng trở thành PG giỏi, nhận được nhiều yêu cầu từ các công ty và tăng thu nhập.

Mức giá trung bình 120 ngàn đồng cho 6 giờ làm việc tại siêu thị, cửa hàng…, nghề PG thu hút sự quan tâm của nhiều nữ sinh viên có ngoại hình tốt.

“Một buổi thử việc tuyển PG cho một nhãn hàng lớn thường thu hút sự tham gia của hàng chục, thậm chí cả trăm cô gái đến từ các tỉnh xung quanh TP.Hồ Chí Minh. Tỷ lệ “chọi” khá cao, có khi 20 người chỉ chọn 1 người, nhưng bù lại những chương trình tiếp thị như vậy sẽ đem đến mức thu nhập cao. Đơn giản nhất là tiếp thị sản phẩm ở siêu thị, tiếp theo là các buổi trình diễn xe ô tô và khó nhất là tiếp thị rượu, bia, thuốc lá ở các quán nhậu, quán cà phê” - chị Hạnh vừa kể vừa đưa cho chúng tôi xem hình ảnh của những buổi thử việc PG.

Giống như chị Nga, chị Trần Thị Nhi (ngụ TX.Long Khánh) được bạn bè giới thiệu làm PG tại một buổi ra mắt sản phẩm ở siêu thị. Nhưng trước hàng chục người qua lại, với bản tính nhút nhát chị Nhi đã đứng run rẩy đến hết ca và sau khi chương trình kết thúc, chị tuyên bố sẽ không bao giờ làm PG thêm lần nào nữa.

“Ban đầu tôi tưởng chỉ cần đứng một chỗ tươi cười là được nên làm thử cho vui. Ai ngờ, đến khi vào làm tôi lại lúng túng, đưa tờ rơi cho khách đi siêu thị cũng không thể nói hết được một lời mời ghé vào xem hàng. Khi khách hỏi về sản phẩm tôi lúng túng như gà mắc tóc vì không biết trả lời thế nào, gặp khách có vẻ ngoài khó chịu tôi lại sợ, không dám đến gần mời chào…” - chị Nhi chia sẻ trải nghiệm của bản thân.

* Sức hấp dẫn của nghề PG

Phần lớn PG hiện vẫn đang là sinh viên đại học, cao đẳng, nhưng có không ít PG sau khi tốt nghiệp vẫn tiếp tục gắn bó với nghề này.

Sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng chuyên ngành tài chính kế toán của một trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thu Nga đã ngưng làm PG và xin việc tại một công ty ở TP.Biên Hòa. Tưởng sẽ có công việc với mức thu nhập khá, nhưng chị nhanh chóng bị bất ngờ trước môi trường cạnh trạnh khốc liệt trong công ty và mức lương không như chị mong đợi. Sau khi kết thúc hợp đồng làm việc một năm với công ty, chị Nga đã chọn cách quay trở lại với công việc PG quen thuộc.

Tương tự, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chị Nguyễn Thị Vân Anh (ngụ huyện Xuân Lộc) xin việc ở một công ty sản xuất đồ nhựa gia dụng. Nhưng chỉ sau 6 tháng làm việc, chị đã phải xin nghỉ vì chịu không được mùi nhựa nóng chảy.

PG (bên trái) tiếp cận các sinh viên để tiếp thị dịch vụ khuyến mãi.
PG (bên trái) tiếp cận các sinh viên để tiếp thị dịch vụ khuyến mãi.

“Thời sinh viên tôi quen với việc làm PG rồi, khi ra trường không chịu được áp lực công việc, lại còn lo lắng chuyện bị cấp trên khiển trách nên tôi xin nghỉ luôn. Trước mắt cứ quay lại làm PG đã, từ từ tích lũy thêm kinh nghiệm rồi học lên thêm và tìm một công việc khác. Chính từ nghề PG đã giúp tôi học được cách tự tin, ăn nói lưu loát, nhanh chóng nắm bắt ý kiến người khác…, nhờ đó tôi mới xin được việc sau khi ra trường” - chị Vân Anh bộc bạch.

PG là công việc “thời vụ”, hợp đồng cũng chỉ là ngắn hạn hoặc không có hợp đồng, chỉ trao đổi với quản lý thông qua điện thoại nên tính bấp bênh của nghề rất cao. Những trường hợp PG đồng ý làm chương trình, đến phút cuối đòi bỏ ngang đã khiến các quản lý rơi vào tình thế khó xử. Vì vậy, thường quản lý PG cũng chỉ làm việc với nhân viên quen, ít khi nào nhận người lạ vào nhóm mà không thông qua sự giới thiệu đảm bảo.

Do thời gian làm việc không bị gò bó theo khung giờ nhất định mà linh động tùy theo mỗi chương trình, nên các nữ sinh viên có thể sắp xếp lịch học để làm PG cho một sản phẩm nào đó. Mỗi tháng, một sinh viên làm một chương trình kéo dài 7 ngày đã có thể kiếm được mức thu nhập từ 700 ngàn đồng trở lên để trang trải phần nào chi phí ăn học. Nếu biết cách sắp xếp lịch học và làm việc phù hợp, đồng thời dành thời gian rảnh rỗi để làm PG thì có thể kiếm đủ tiền trang trải sinh hoạt phí cho suốt một tháng mà không cần xin thêm từ gia đình. Theo chị Huỳnh Ngọc Hạnh, đó chính là sức hấp dẫn khiến nhiều sinh viên nữ chọn việc tiếp tục làm PG sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

“Tôi thường hỏi các PG của mình sau mỗi chương trình rằng các em học được những gì từ cách giao tiếp đến cách ứng xử với những vị khách khó tính. Theo quan điểm của tôi, đây chính là một trong những cách hay nhất giúp sinh viên có thêm tự tin để bước vào con đường làm việc ổn định sau khi ngưng làm PG. Dĩ nhiên, mỗi người có một chí hướng, nhưng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các em hoàn thành công việc khi còn làm PG” - chị Hạnh nhấn mạnh.

Minh Thành

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều