Báo Đồng Nai điện tử
En

Về Tràm Chim giữa mùa nước nổi

12:10, 18/10/2014

Trong tập thơ Dòng sông lục bát lương tâm (không hiểu vô tình hay cố ý, nhà báo Lưu Đình Triều đã viết thành Dòng sông lục bát thương tâm trong lời giới thiệu), tác giả Mai Sông Bé có vẻ ưu ái với Đồng Tháp nên dành cho cả 2 bài thơ nói lên "đặc sản" miệt này.

Trong tập thơ Dòng sông lục bát lương tâm (không hiểu vô tình hay cố ý, nhà báo Lưu Đình Triều đã viết thành Dòng sông lục bát thương tâm trong lời giới thiệu), tác giả Mai Sông Bé có vẻ ưu ái với Đồng Tháp nên dành cho cả 2 bài thơ nói lên “đặc sản” miệt này. Đó là: cá linh và mỹ nữ. Với Nỗi buồn cá linh thì… “Phù sa, điên điển, cá linh/Câu hò Đồng Tháp, thánh kinh đồng bằng” nghe còn dễ chịu, đến con gái Nha Mân (nổi tiếng đến mức đi vào ca dao Đồng Tháp: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân” thì thi sĩ họ Mai bèn thảng thốt kêu lên:  “Nha Mân gái đẹp tuyệt vời/Một lần giáp mặt, rụng rời tim ai”, nghe rất ư là lục bát... thương tâm!

Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: B.Thuận
Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: B.Thuận

Qua nghiên cứu tài liệu, tôi biết được: Tràm Chim là vùng đất ngập nước, sinh cảnh duy nhất còn sót lại tại Đông Dương. Đó là Đồng Tháp Mười hoang sơ thu nhỏ với một vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam.

* Đặc sản Tràm Chim

Tôi vào tận sân bay Tân Sơn Nhất để đón Nhật Anh, một đồng nghiệp ở báo Hải Phòng từ Côn Đảo về trên chuyến bay hạ cánh lúc 12 giờ 30. Cả hai hấp tấp leo lên 2 tuyến xe buýt tiếp nối nhau ra đến Bến xe Miền Tây, vừa kịp mua vé chuyến xe đi TX.Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) khởi hành vào lúc 14 giờ. Chúng tôi mua vội 2 ổ bánh mì không cùng chai nước lạnh để cùng “giải quyết” bữa trưa trên xe. Tranh thủ vội vã là vậy, nhưng mãi đến 18 giờ 30 chiếc xe giường nằm khá đông khách mới thả chúng tôi xuống được ngã ba Tam Nông. Lại uống vội ly cà phê để nhờ chủ quán gọi cho 2 chiếc xe honda ôm chở vô Tràm Chim cách đó khoảng 18 km trên con đường lồi lõm đang được thi công sửa chữa giữa mùa mưa. Vào đến được Trung tâm Du lịch và giáo dục môi trường của Vườn quốc gia Tràm Chim thì chúng tôi được nhân viên lễ tân báo cho biết là phòng trọ nơi đây đã.... kín chỗ.

Rơi vào tình cảnh thật tiến thoái lưỡng nan. Sau một hồi bàn bạc, nhà khách tìm ra được một “giải pháp tình thế” là cho chúng tôi vào ngủ qua đêm ở một phòng máy lạnh 3 giường đã có khách đặt chỗ rồi với điều kiện trả đủ tiền thuê phòng một ngày đêm nhưng phải trả phòng lúc 7 giờ sáng để  9 giờ khách đến nhận phòng.

Tràm Chim Tam Nông bây giờ chưa phải vào mùa sếu đầu đỏ quay về, nhưng vẫn rất đông khách. Trong đó có vợ chồng bác sĩ Nguyễn Khánh Linh của Phòng khám laser thẩm mỹ Hồng Phúc ở thủ đô Hà Nội cũng đi “bụi” vào tận Đồng Tháp Mười để ngắm nhìn một sinh cảnh độc đáo chỉ có ở phương Nam là mùa nước nổi. Vợ chồng trí thức trẻ Hà Nội đã từng ngao du nhiều nơi trên thế giới này vừa tham quan Khu di tích Xẻo Quýt, Gáo Gồng (cũng nằm trong hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười) và đã thưởng thức khá đầy đủ đặc sản mùa nước nổi, như: cá linh nấu canh chua bông điên điển, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, chuột đồng nướng lu… Thế mà khi cùng ngồi trong nhà hàng bè nổi Tràm Chim với chúng tôi, họ cũng rất hào hứng “chén” những món ăn đậm đặc hương vị thời khẩn hoang vào mùa nước nổi.

Sếu đầu đỏ là biểu tượng của Ramsar Tràm Chim.
Sếu đầu đỏ là biểu tượng của Ramsar Tràm Chim.

Theo ông Bùi Công Thành, 57 tuổi, chủ quán đồng thời là bếp trưởng của nhà hàng bè nổi Tràm Chim, vào mùa nước nổi vùng Tam Nông xuất hiện đến 3 loại cá ngon được liệt vào hàng đặc sản. Ngoài cá linh, nhất là cá linh non đầu mùa ngon nổi tiếng, dân sành điệu còn mê món chạch lấu nấu mẻ, chạch lấu nướng muối ớt, bùi, dai, ngọt thịt của những con chạch to đùng, nặng từ 1-1,5kg, còn loại cá ngon thứ 3, chỉ có trong mùa nước nổi là... cá heo. Mới nghe tôi đã giật mình tưởng đó là dolphin, tên gọi một loài cá to, rất tinh khôn, có thể huấn luyện làm xiếc và thích chơi với trẻ em. Nhưng không phải, cá heo này nhỏ xíu, chỉ bằng ngón tay cái, nhìn rất giống cá diếc ở miền Bắc với con đực có vi màu đỏ, con cái xám xanh. Món cá heo kho tộ ăn kèm với món cá linh nấu canh chua bông điên điển thật là tuyệt vời. Cũng như món lẩu chạch lấu nấu mẻ cùng với món chuột đồng nướng lu vàng ươm, thơm nức mũi đủ là một bữa nhậu làm nghiêng ngả chai rượu đế pha mật tràm.

Nhiều người dân cố cựu ở Tam Nông cho biết, mùa nước nổi năm nay nước kém nên mọi nguồn lợi thủy sản do nước nổi đem lại đều sút giảm nghiêm trọng. Một lão nông ở đây còn thố lộ: “Kinh nghiệm cả đời của tui sống ở miệt nầy cho thấy là mùa nước nổi năm nay thất bát dữ lắm. Năm nào nước lên từ từ thì mùa nước nổi năm đó lớn, còn nước lên cái ào rồi giựt xuống liền thì nước sẽ không lên nữa, nhứt là không có mưa đêm. Thiệt hại cho bà con mình lớn lắm. Cá trên thượng nguồn, như: linh, chạch lấu, cá heo đã không theo về nhiều, mà cá đồng tại chỗ cũng... già nhiều, lúa ma cũng không thu hoạch được do nước quá cạn không chống xuồng vào được. 

* Lá phổi xanh Nam bộ

Kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết: Với diện tích 7.313 hécta, trong đó có 3 ngàn hécta rừng tràm, gần 1 ngàn hécta đồng lúa ma, sen, súng, cỏ, năn... nằm trên địa bàn của 5 xã, thị trấn thuộc huyện Tam Nông, Vườn quốc gia Tràm Chim có 230 loài chim, trong đó có đến 32 loài chim quý hiếm, nổi bật nhất là sếu đầu đỏ; 130 loài cá, 170 loài thực vật thủy sinh, 110 loài động vật…Đặc biệt, qua khảo sát Ramsar Tràm Chim có 6 kiểu quần xã đặc trưng là: sen, lúa ma, năn, mồm mốc, cỏ ống, rừng tràm. Trong đó lúa ma (còn gọi là lúa trời với tên khoa học là Oryza rufipogon) khoảng 800 hécta được giới nghiên cứu khoa học cho là chỉ có duy nhất trên toàn lãnh thổ Đông Dương, có vai trò là chuỗi cung cấp thức ăn cho hệ sinh thái ngập nước không bị đứt gãy ở Tràm Chim; đồng thời là cơ sở lai tạo giống lúa thích nghi cho vùng ngập sâu và phèn nặng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. TS.Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học, cho rằng: “Lúa ma là giống lúa của Việt Nam được có tên trong bộ gen nguồn quý hiếm của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế”.

Xác định nhiệm vụ thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước, tạo sự cân bằng về sinh thái, phục hồi những sinh vật đang mất dần trong vùng châu thổ Mekong, Ramsar Tràm Chim đang triển khai chương trình hành động từ

năm 2014-2020, tập trung vào việc giám sát diễn biến, điều tra, quy hoạch đầu tư vườn sưu tập, xây dựng dự án bảo tồn lúa ma. Trong đó, có 8 loài thực vật được ưu tiên bảo tồn, gồm: gáo vàng, cà giâm, sen, năn kim, ráng gạc nai, dây chọi, cỏ bắc và lúa ma.

Đài quan sát tại Tràm Chim.
Đài quan sát tại Tràm Chim.

Cũng theo kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, tuy Vườn quốc gia Tràm Chim đã xây được tuyến đê bao, hệ thống cột mốc có thể ngăn chận được tình trạng lấn đất của người dân, nhưng vườn vẫn tạo quan hệ thân thiện, huy động cộng đồng dân cư quanh đó tham gia vào việc bảo vệ, diệt trừ vật ngoại lai xâm hại, đặc biệt là cùng sử dụng bền vững tài nguyên có thể tái tạo. Do đó, bên cạnh công tác bảo tồn, Ramsar Tràm Chim còn lập ra Trung tâm Du lịch và giáo dục môi trường làm nhiệm vụ hướng dẫn tham quan, nghiên cứu theo 4 tour dã ngoại đã được thiết kế theo loại hình sinh thái, trang bị 5 thuyền chuyên đập lúa cho du khách trải nghiệm cách thu hoạch lúa ma rất độc đáo (lúa chín vào cuối mùa nước nổi, mỗi cọng lúa chỉ chín có vài hạt và tự động rụng trước khi mặt trời lên nên phải đi từ lúc gà gáy và dùng cây sào để đập cho lúa văng vào xuồng) trong phạm vi 134 hécta được phép khai thác.

Mùa mưa năm nay nước về ít làm cho nhiều hoạt động khai thác gặp khó khăn. Nhưng mùa nước nổi năm 2011, nước lên cao bất thường đã làm cho nhiều loài thực vật ở Tràm Chim chết đi, trong đó có cỏ năn, thức ăn ưa thích của các loài chim sếu, đã gây tác động làm đàn sếu đầu đỏ trong một thống kê trước đó có lúc lên đến 1.052 con đã bỏ đi, nay chỉ về còn khoảng 50 con làm cho những người yêu thích loài tiên hạc này tiếc ngẩn ngơ. Bù lại, Tràm Chim bỗng dưng có hàng ngàn con cò ốc không biết từ đâu thiên di đến. “Lá phổi xanh Nam bộ” xem ra cũng rất dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều