Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắc màu hoa đất sét

11:10, 25/10/2014

"Cách đây khoảng 10 năm, tôi mới học cách làm hoa thủ công, từ hoa voan, hoa đá và gần đây là hoa đất. Học xong, tôi làm giáo viên thỉnh giảng cho Trung tâm dạy nghề TP.Biên Hòa cho đến tận bây giờ" - bà Nguyễn Thị Kim Lương kể...

Cẩn thận đính những miếng đất sét đã được tạo hình vào sợi kẽm, bà Nguyễn Thị Kim Lương (56 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) nhanh chóng hoàn thành bông hoa bằng đất sét. Đặt tác phẩm vừa làm sang một bên, bà Lương tiếp tục lấy một ít đất sét mới để làm bông hoa thứ hai… Từ tốn và cẩn thận, chỉ trong vài phút, bà đã làm xong một bó hoa đất sét với hơn 10 bông màu trắng.

* 10 năm với hoa thủ công

“Cách đây khoảng 10 năm, tôi mới học cách làm hoa thủ công, từ hoa voan, hoa đá và gần đây là hoa đất. Học xong, tôi làm giáo viên thỉnh giảng cho Trung tâm dạy nghề TP.Biên Hòa cho đến tận bây giờ” - bà Lương kể lại.  

Bà Nguyễn Thị Kim Lương cán mỏng đất sét bằng máy.
Bà Nguyễn Thị Kim Lương cán mỏng đất sét bằng máy.

Những ngày đầu học nghề đối với bà Lương là sự nỗ lực khiến ai cũng khâm phục. Sáng bắt xe đi TP.Hồ Chí Minh học, chiều tối mịt mới về và chỉ trong nửa tháng bà đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bắt đầu với hoa voan, bà Lương học từ cách uốn dây kẽm sao cho mềm mại, học cách chọn màu voan chính xác cho từng loại hoa, rồi cách bố trí một bình hoa cho đẹp mắt… Theo bà Lương, vì không có năng khiếu với những môn đòi hỏi tư duy nghệ thuật nên phải vất vả lắm bà mới nắm được những kỹ thuật làm hoa thủ công.

“Hồi mới học, chỉ riêng việc uốn kẽm đã khiến tôi đau nhức các ngón tay rồi. Người trẻ tuổi đi học không sao, còn tôi khi đó gần 50 tuổi nên các khớp tay không còn linh hoạt nữa. Tôi mê hoa từ nhỏ nhưng phải đến lúc đầu 2 thứ tóc mới tiếp cận được bộ môn này. Lúc đầu, mọi người trong nhà bảo tôi lớn tuổi mà không chịu ở nhà, còn đi học cắm hoa và đi dạy thêm cho cực thân. Nhưng mà lỡ mê nên không bỏ được, hôm nào không đi dạy ở trung tâm tôi lại nhận hoa về nhà làm cho đỡ buồn…” - bà Lương tâm sự.

Những cánh hoa đất sét sau khi được tạo hình.
Những cánh hoa đất sét sau khi được tạo hình.

Khi học thạo nghề, bà Lương đến dạy ở Trung tâm dạy nghề TP.Biên Hòa. Với mỗi mẫu hoa dạy cho học viên, bà lại rút ra được kinh nghiệm và khắc phục những sai sót cho bản thân. Bà Lương cho hay, hoa thủ công thay thế hoa tươi, nhưng không vì thế mà đánh mất vẻ đẹp của hoa. Người làm hoa thủ công phải liên tục “mài giũa”, thử sức qua mỗi mẫu hoa khác nhau, phải luôn tìm tòi, học hỏi nhiều hơn nữa.

* Nặng lòng với hoa đất sét

Do nhu cầu thị trường thay đổi nên người làm hoa thủ công cần nhanh chóng thích nghi để đáp ứng được sự đòi hỏi của khách hàng. Sau nhiều năm làm việc với hoa đá, hoa voan, bà Lương nhận ra được sự lỗi thời của các loại này. Cách đây 5 năm, trong một lần xem tivi, bà Lương phát hiện ra một loại hoa thủ công mới là hoa đất sét.

Vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của hoa đất sét đã khiến bà Lương quyết tâm học bằng được cách làm với mong muốn sẽ truyền lại cho các học viên của bà. Sau khi sắp xếp được thời gian, bà Lương lại xin nghỉ phép ở nơi làm việc để đi TP.Hồ Chí Minh học kỹ thuật làm hoa đất sét. Khi mới bắt tay vào học, bà đã không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra loại hoa này rất dễ làm và có thời gian sử dụng lâu hơn nhiều loại hoa khác.

Một bình hoa đất sét.
Một bình hoa đất sét.

“Hoa voan trưng bày lâu nhất được 3 năm. Khi vải đã bị bạc màu thì phải bỏ. Còn hoa đất sét không bị bay màu, nếu bám bụi thì lau sạch lại như mới, mà thời gian và cách thức làm lại đơn giản hơn nhiều. Với hoa voan, để ra được một cánh hoa, người làm phải khéo léo uốn sợi kẽm rồi bọc vải voan bên ngoài, quá trình uốn nếu dây kẽm gãy phải bỏ. Với hoa đất sét, các cánh hoa đều có khuôn sẵn, người làm chỉ cần ép khuôn lên miếng đất sét rồi đính các cánh hoa lại với nhau. Nếu đang làm bị hư thì có thể nhào đất với nhau rồi làm lại” - nói đoạn, bà Lương lấy những mẫu hoa đất sét, hoa voan đã làm cho chúng tôi xem để hiểu lời bà nói.

Theo ông Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch UBND phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) hoa đất sét do bà Nguyễn Thị Kim Lương làm là một nét độc đáo của nghề thủ công ở địa phương. So với các loại hoa thủ công khác, hoa đất sét là nét chấm phá độc đáo, vừa mềm mại vừa chân thật, đem lại cảm giác tự nhiên hơn so với hoa nhựa, hoa bằng vải voan.

Nguồn đất sét để làm hoa được nhập về từ Nhật Bản hoặc Thái Lan. Người làm phải cán mỏng đất sét rồi dùng khuôn cắt ra từng cánh hoa. Sau khi cắt thì đính cánh hoa vào nhụy hoa và cố định bằng keo dán sắt hoặc keo sữa. Chỉ trong 30 phút, hoa đất sét sẽ khô lại và các nếp uốn sẽ được giữ nguyên. Tùy theo quy mô của bình hoa mà lượng đất sét có thể tốn từ 1kg trở lên.

Trong một ngày, người làm hoa đất sét có thể hoàn thành từ 1-3 bình hoa. Do đặc thù của chất liệu đất sét là màu trắng nên với các loại hoa màu, người làm sẽ pha màu rồi tô lên cánh hoa. Công đoạn khó nhất để hoàn thành một bình hoa đất sét là việc tô màu; nếu màu quá đậm, hoặc quá nhạt, không giống màu hoa thật thì sẽ phải pha lại, hoặc làm lại bình mới nếu đã lỡ tô màu cho tất cả cánh hoa.

“Vì là đất sét nên có thể tạo hình tất cả các loại hoa tự nhiên, đặc điểm này đã “ăn đứt” hoa voan và hoa đá với hình dạng cứng nhắc. Tôi thấy ở TP.Biên Hòa chưa xuất hiện hoa đất sét nhiều, có lẽ vì mức phí học nghề làm hoa này khá đắt và ở TP.Biên Hòa chưa có nơi nào dạy. Tôi đã đề xuất đưa môn này vào giảng dạy tại Trung tâm dạy nghề TP.Biên Hòa nhưng chưa được thông qua. Nếu có thể dạy môn này, tôi tin chắc sẽ đem lại thành công cho những người làm hoa thủ công, vì vẻ đẹp của loại hoa này hơn hẳn hoa nhựa hay hoa voan đang thịnh hành…” - bà Lương nói.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích